Với nghệ sĩ dương cầm người Pháp, công chúng luôn tạo cho ông cảm hứng suốt hơn 40 năm làm nghề.
Trải qua 12 giờ bay từ Paris đến Hà Nội vào sáng nay (22/8), Richard Clayderman chỉ có vài tiếng nghỉ ngơi trước khi xuất hiện tại buổi họp báo. Ông tươi cười chào phóng viên và sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi dù trong người vẫn còn chút mệt mỏi vì chuyến bay dài. Richard nói, ông thường xuyên đi lưu diễn trên khắp thế giới nên ít có thời gian nghỉ ngơi. Ngoài việc bị chênh lệch múi giờ, ông còn phải tập luyện với ban nhạc trước khi có buổi trình diễn chính thức với công chúng.
"Hơn 40 năm qua, tôi chỉ dành tình yêu cho âm nhạc. Cứ diễn xong nơi này, tôi lại di chuyển đến nơi khác. Vì thường xuyên vắng nhà nên vợ con tôi cảm thấy hơi buồn. Tuy nhiên, vợ tôi cũng là nghệ sĩ nên thông cảm cho công việc của chồng. Chỉ là đôi lúc có một mình trong chuyến biểu diễn, tôi thấy cô đơn. Nhưng phải có những lúc như vậy thì khi trở về nhà tôi mới cảm nhận rõ rệt được ý nghĩa quan trọng của mái ấm gia đình", nghệ sĩ cho biết.Là nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng thế giới, Richard luôn giữ bản thân trong khuôn khổ cuộc sống lành mạnh, để đảm bảo sức khỏe, cống hiến cho nghệ thuật. Ông tiết lộ, ông cố gắng ăn uống đúng giờ, không uống rượu, hút thuốc hoặc làm bất cứ điều gì có hại cho sức khỏe. Ông sống như vậy cũng chỉ vì một mục đích cuối cùng, có đủ năng lượng để mang tới cho khán giả những màn trình diễn thăng hoa, cảm xúc.
Richard Clayderman đến Hà Nội vào khoảng 8h sáng nay.
Khi đặt chân đến Việt Nam, Richard Clayderman rất hạnh phúc trước sự chào đón nồng hậu của mọi người. Ông vui bởi những khán giả Việt thuộc thế hệ 5X, 6X vẫn yêu mến ông. Mục tiêu của ông là tiếp tục duy trì tình cảm ấy, đồng thời chinh phục trái tim giới trẻ.
Gắn bó bên cây đàn piano suốt mấy chục năm qua nhưng mỗi lần lướt ngón tay trên phím đàn, Richard lại có cảm xúc khác nhau. Càng diễn nhiều, ông càng muốn mình chơi tốt hơn để không phụ lòng người hâm mộ. Ông tự nhận mình là một người lãng mạn trong cuộc sống. Những bản nhạc ông chơi đều thể hiện rõ tính cách và con người ông. Khán giả khi buồn thường tìm đến nhạc của ông để giải tỏa muộn phiền. Riêng ông lại nghe đủ các thể loại âm nhạc để tâm trạng mình phấn chấn hơn.
Khi hỏi, ai là 'nữ thần', nàng thơ, tạo cho ông cảm hứng chơi nhạc, Richard cười tiết lộ, đó là người thầy dạy piano đầu tiên của ông và khán giả. Người thầy đã truyền cho ông tình yêu âm nhạc cổ điển, còn công chúng ở khắp thế giới lại thôi thúc ông không ngừng lao động và cống hiến.Đến Hà Nội biểu diễn lần này, Richard Clayderman mong được tìm hiểu về âm nhạc của Việt Nam. Ông bày tỏ ý định muốn kết hợp những giai điệu truyền thống của người Việt với âm nhạc của mình để khi có cơ hội trở lại Việt Nam, ông sẽ thể hiện điều đó.
Dù chỉ có vài tiếng nghỉ ngơi nhưng ông vẫn tươi cười xuất hiện tại buổi gặp gỡ báo chí và trả lời mọi câu hỏi về chương trình.
Trong buổi diễn của mình vào tối 23/8 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Richard Clayderman sẽ chơi nhiều bản nhạc quen thuộc và giới thiệu một số nhạc phẩm trong album mới phát hành. Dàn nhạc dây của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam do nghệ sĩ Bùi Công Duy tư vấn chuyên môn sẽ kết hợp cùng ông trong chương trình.
Richard Clayderman sinh năm 1953, là một nghệ sĩ dương cầm tài năng của Pháp. Ông theo học Nhạc viện Paris và được đào tạo trở thành nghệ sĩ piano cổ điển. Tuy nhiên sau đó Richard lại theo đuổi âm nhạc phổ thông và những tình khúc đương đại. Những nhạc phẩm trữ tình ngọt ngào của ông làm say mê khán giả nhiều thế hệ như Yesterday, The Sound of Silence, Memory, A Time For Us hay Winter Sonata...
Trong sự nghiệp hơn 40 năm biểu diễn, Richard đã phát hành hàng trăm album và tổng cộng đã bán được hơn 70 triệu bản trên toàn thế giới. Riêng album Ballade Pour Adeline bán được 24 triệu bản. Ông đã biểu diễn hơn 2.000 buổi hòa nhạc tại hơn 50 quốc gia và được sách kỷ lục Guiness ghi danh là Nghệ sĩ piano thành công nhất thế giới.
- Ðừng hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh bản thân mình với người khác. Mỗi chúng ta là một con người khác nhau và đều có những giá trị khác nhau. - Đừng lấy của cải vật chất để đo lường thành công hay thất bại, chính tâm hồn của mỗi con người mới xác định được mức độ" giàu có" trong cuộc sống của mình.
Translate
Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014
Những nguyên nhân khiến show Khánh Ly ế vé
Giá vé quá cao, việc lựa chọn thời điểm tổ chức thiếu hợp lý... được cho là những lý do chính khiến đêm nhạc "Khánh Ly in Hà Nội" vắng khách.
Liveshow "Khánh Ly in Hà Nội" - diễn ra tối 2/8 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội - vắng vẻ hơn nhiều so với kỳ vọng. Ban tổ chức cho biết, họ phát hành hơn 3.500 vé nhưng đến trước đêm nhạc một ngày, lượng vé tiêu thụ được chỉ khoảng 30%, trong đó có một phần là vé tặng. Dù đã hoãn show 30 phút so với dự kiến, khán phòng hơn 3.800 chỗ ngồi vẫn chỉ có non nửa số ghế được lấp đầy. Hình ảnh này trái ngược với không khí đông đúc, chen lấn trong đêm nhạc của Khánh Ly diễn ra cũng tại Hà Nội hồi tháng 5.
Nếu xét chất lượng đêm diễn, live concert của Khánh Ly vào 2/8 được tổ chức với quy mô không thua kém lần đầu tiên. Thậm chí, thành phần nghệ sĩ khách mời, nội dung kịch bản chương trình còn được đánh giá là đa dạng, thu hút hơn. Bản thân Khánh Ly vẫn đủ nội lực để dẫn dắt cảm xúc khán giả qua những tình khúc cũng như sự hoài niệm của bà. Nhưng đêm diễn vẫn thất bại về mặt doanh thu.Có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là sự thiếu hợp lý trong việc lựa chọn địa điểm và thời gian tổ chức. Cả hai lần trở về Việt Nam, Khánh Ly đều hát ở Hà Nội. Người nghe nhạc Việt Nam đã phải chờ đợi gần 40 năm để nghe Khánh Ly hát trên quê nhà. Nên tất cả sự háo hức, mong đợi đã được họ ồ ạt mang đến đêm nhạc đầu tiên. Đêm nhạc thứ hai của Khánh Ly không còn có được sự háo hức, mong chờ này. Hơn nữa, nó lại diễn ra chỉ 3 tháng sau đó - một khoảng thời gian không đủ dài để kéo khán giả trở lại lần thứ hai với Khánh Ly. Ban tổ chức cho biết, khi quyết định bắt tay vào thực hiện show lần hai của nữ danh ca tại Hà Nội, họ đã lường hết trước những điều có thể xảy ra, kể cả chuyện khán giả không đông.
Quang cảnh ngoài sảnh Trung tâm hội nghị quốc gia ở đêm diễn lần hai của Khánh Ly thưa vắng hơn so với lần một.
Chị Xuân Lan, một khán giả Hà Nội từng chi 8 triệu đồng để sở hữu cặp vé xem “Khánh Ly in Hà Nội” vào tháng 5 cho biết: “Việc được gặp lại Khánh Ly sau hàng chục năm sẽ có giá trị hơn so với sau vài tháng”. Nữ khán giả này vẫn mua vé để xem show lần hai của Khánh Ly nhưng với lý do: “Tôi tới chương trình đầu tiên để nghe cô hát và thấy rất xúc động. Còn lần thứ hai, tôi mua vé để thưởng thức giọng hát của Lệ Thu là chính. Nếu không có Lệ Thu, có nhiều khả năng tôi cũng không mua vé”.
Một nguyên nhân nữa, theo Ban tổ chức, là đêm diễn lần này không được quảng bá tốt như lần thứ nhất. Sau cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hà Nội một lần nữa siết chặt hơn quy định về việc treo phướn, băng rôn nhằm chấn chỉnh tình trạng “loạn” quảng cáo, gây mất mỹ quan đô thị. “Điều này khiến cho nhiều người không nắm được thông tin về sô. Chỉ khi báo chí phản ánh thông tin sau đêm diễn mới có nhiều người gọi điện về cho biết là họ rất tiếc khi không biết để đến xem”, ông Cao Trung Hiếu - đại diện ban tổ chức chia sẻ.
Bản thân Khánh Ly cũng không muốn quảng bá hình ảnh của bà chỉ để nhằm thương mại hóa sô diễn. Những hoạt động nổi bật nhất mà Khánh Ly muốn được nhắc đến cũng chỉ xoay quanh việc bà đi viếng mộ Trịnh Công Sơn, hoặc tham gia từ thiện…Lý do thứ ba không kém phần quan trọng là giá vé. Những show diễn tại Hà Nội gần đây có giá vé cao nhất vào khoảng 4-5 triệu đồng/cặp, trong khi giá vé cao nhất show "Khánh Ly in Hà Nội" là từ 7-8 triệu đồng/cặp - ngang ngửa lần tổ chức đầu tiên. Đây là số tiền không nhỏ với công chúng nói chung, đặc biệt là với những ai từng chi tiền để thưởng thức đêm nhạc trước đó của Khánh Ly. Một nhà tổ chức cho biết: "Với giá vé như vậy trong đầu tháng 8, thời điểm nhiều show được tổ chức tại Hà Nội, khán giả có nhiều lựa chọn hơn thay vì bỏ ra một số tiền quá lớn để đi xem lại show của Khánh Ly".
Nữ danh ca trong đêm nhạc vào 2/8.
Dù vậy, Ban tổ chức chia sẻ, không vì tình trạng vắng khán giả ở Hà Nội mà êkíp thực hiện nản lòng trong việc tiếp tục những chương trình của Khánh Ly. "Sẽ còn những sô Khánh Ly ở các địa phương khác. Ngay cả nếu nữ danh ca còn cảm xúc và muốn quay trở lại Hà Nội hát thì ban tổ chức luôn tạo điều kiện thuận lợi để cô thỏa tâm nguyện. Chúng tôi làm công việc này trước hết vì nguyện vọng được hát trên quê hương của Khánh Ly", ông Cao Trung Hiếu khẳng định.Trong một lần trò chuyện với VnExpress, Khánh Ly hé lộ bà mong được về hát tại TP HCM hoặc Đà Lạt. Nhưng với một nghệ sĩ biểu diễn, hoạt động của họ còn tùy theo sự thu xếp và chiến lược kinh doanh của nhà sản xuất, đơn vị tổ chức chương trình.
Dù không đông như lần đầu, khán giả vẫn dành cho nữ danh ca nhiều tình cảm yêu quý. Ảnh: Quang Thành.
Những món ăn hấp dẫn khi đến Vũng TàuVũng Tàu là vùng đất trù phú của đất nước ta, vừa có núi vừa có biển cho nên đặc sản vô cùng đa dạng và phong phú.
Từ món đặc sản cho đến những món dân dã, bình dân đều đủ sức hấp dẫn thực khách mọi miền. Quá quen thuộc với mọi người, thế nhưng, liệu các bạn đã biết hết những điểm ăn uống lí tưởng tại nơi này?Lẩu cá đuốiĐường Trương Công Định là điểm đến quen thuộc của du khách muốn có một bữa tối no nê khi ghé thăm Vũng Tàu. Tại con phố nho nhỏ này, nổi tiếng nhất có lẽ là món lẩu cá đuối đầy hấp dẫn. Vị ngọt thanh của nước lẩu, vị chua của măng, vị đậm đà của chén nước mắm, thêm chút tê tê của vài lát ớt cùng thịt cá đuối dai dai và sần sật của sụn cá khiến bạn phải ngạc nhiên đến không ngờ đấy.Lẩu cá đuối hấp dẫn cùng rau sống tươi mát đem lại một bữa ăn ngon tuyệt hảoBánh bông lan trứng muốiTừng là một món ăn vặt làm mưa làm gió Sài Gòn từ vài năm trước, nhưng hiện nay, cơn bão “bánh bông lan trứng muối” đã về đến Vũng Tàu, và chiếm một chỗ đứng nhất định trong “dạ dày” của những teen ghiền ăn vặt.Vị mặn bùi bùi của trứng muối cùng vị thơm béo của bánh bông lan khiến món bánh này đánh gục hầu hết các vị khách. Giá cho mỗi chiếc bánh nho nhỏ này chỉ tầm khoảng 3.000 đồng thôi. Bánh bông lan trứng muối được bán dọc các con đường của thành phố biển và chất lượng bánh của bất kỳ quầy nào cũng gần tương đương nhau. Ngoài ra, biến tấu của món bánh này là bông lan trứng muối chà bông cũng khiến teen “rung rinh” túi tiền một chút vì độ ngon không cưỡng nổi.Bánh khọt Gốc vú sữaĐến Vũng Tàu mà không ghé qua quán bánh khọt này thì quả là một thiếu sót to đùng. Điểm ấn tượng đầu tiên của thực khách khi đến đây chính là số lượng thực khách trong quán dù ở bất kỳ thời điểm nào cũng rất đông đúc. Một phần bánh khọt nóng hổi, giòn giòn được phục vụ kèm rau sống tươi ngon, chấm với nước mắm thì còn gì bằng.Địa chỉ Bánh khọt Gốc vú sữa, số 14 Nguyễn Trường Tộ.Có một số nơi cũng bán Bánh Khọt với da bánh màu vàng ươm kiểu Miền NamQuán nướng Cô NênToạ lạc tại Bãi Trước của thành phố biển, quán nướng Cô Nên có vị trí lý tưởng để thưởng thức món nướng từ những loại hải sản tươi ngon. Giá cả phải chăng và hương vị thơm ngon là yếu tố để thực khách tìm đến quán như một địa chỉ không được bỏ qua dành cho “tín đồ” hải sản.Bánh bèo Tuyết MaiKhông gian vườn mát mẻ đem lại cảm giác sảng khoái cho bất kỳ thực khách đến với quán này. Bên cạnh vị ngon có tiếng của đĩa bánh bèo “khủng”, quán Tuyết Mai còn ghi dấu với kỷ lục được chứng nhận bởi Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cấp: Quán bánh bèo lâu năm nhất tại Vũng Tàu.Ngoài món bánh bèo truyền thống, hiện nay quán cũng phục vụ thêm nhiều món ăn đa dạng khác như: chạo tôm, chả giò, nem nướng, bì cuốn... Địa chỉ để thưởng thức bánh bèo Tuyết Mai nức tiếng ở số 9 Phan Chu Trinh, phường 2, Thành phố Vũng Tàu.Kem AlibabaĐiểm thú vị của quán kem này chính là ông chủ của quán là một người Thổ Nhĩ Kỳ. Anh chàng này nói tiếng Việt rất giỏi vì thế nhiều bạn nữ sẽ tròn xoe mắt khi được phục vụ kem bởi một chàng ngoại kiều khá đẹp trai.Kem ở đây không đặc biệt quá về hương vị nhưng thái độ phục vụ của nhân viên là điểm nhấn trong lòng khách hàng. Quán kem nằm phía trước nhà chờ cáp treo. Chú ý là quán chỉ mở cửa vào buổi tối thôi.Bánh hỏi An NhấtKhông nằm ở khu vực trung tâm thành phố nhưng bánh hỏi An Nhất lại là thương hiệu nổi tiếng bạn nên ghé qua khi đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là tiệm bánh gia đình đã có hơn 50 năm tuổi. Lâu đời, hương vị đặc trưng đã khiến tiếng tăm bánh hỏi An Nhất vang xa.Một phần bánh hỏi dẻo thơm ăn cùng 7 loại rau sống tươi ngon và bát nước mắm ngó sen khiến thực khách khó có thể quên được hương vị của bánh hỏi. Mức giá trung bình cho một phần bánh hỏi thịt heo quay giá khoảng 35.000 đồng.Bánh canh Long HươngBánh canh nơi đây ghi dấu bởi cọng bánh làm từ bột lọc nên độ dai khiến thực khách ấn tượng và thích thú. Giò heo dùng chung với bánh canh được đánh giá là khá “khủng” nên bánh canh Long Hương có được chất lượng hoàn hảo. Ngoài ra, quán cũng bán thêm nước mía vị dứa, vị khá lạ.Toạ lạc ngay cổng chào của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, rất dễ để tìm ra nên bánh canh Long Hương từ lâu đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách. Mức giá cho một tô bánh canh từ 40.000 đồng trở lên, không phải quá rẽ nhưng rất đáng cho một bữa ăn ngon.Bún Mắm - Bún Gà Chị BéCon đường Tú Xương tập trung khá nhiều các hàng quán, nhưng có một địa chỉ bán Bún Mắm là luôn tấp nập khách, đó là quán Quán Bún mắm – Bún Gà Chị Bé số 26 Tú Xương – Vũng Tàu.Quán chỉ bán món Bún mắm và Bún Gà. Một phần bún mắm có giá khoảng 25.000 đồng với đầy đủ tôm, mực, thịt heo quay, cá lóc hấp, cà tím... Ngoài việc hải sản và thịt tươi ngon hấp dẫn thì điểm cộng của quán này còn nằm ở mùi vị của nước dùng. Nước dùng của món không quá mặn, không quá ngọt mà rất vừa ăn. Mùi mắm nấu trong nước vừa đủ, thơm lừng – dễ dàng làm nức lòng thực khách.Hủ tiếu Trường Du LịchHủ tiếu là món ăn quen thuộc của người dân Nam bộ. Món này dễ ăn có thể ăn hủ tiếu nước hay hủ tiếu khô. Tại Vũng Tàu bạn có thể ăn tối tại Quán Hủ tiếu số 376 Trương Công Định, Phường 8, Thành phố Vũng Tàu quán không để bảng hiệu nên người dân quen gọi là Quán Hủ Tiếu trường Du Lịch (vì quán gần Trường Cao Đẳng Du Lịch Vũng Tàu), quán chỉ bán buổi tối ở địa chỉ này, buổi sáng quán bán ở Địa chỉ 82 đường 30/4 – Vũng Tàu. một địa chỉ khá quen thuộc với giới sành ăn Vũng Tàu. Giá 25.000 đồng/tôBánh xèo miền biển Long HảiBánh xèo là món ăn quen thuộc và phổ biến của người dân Việt Nam, mỗi vùng miền đều có cách chế biến mang những hương vị đặc trưng riêng.Mặc dù nguyên liệu chính để làm bánh xèo Long Hải vẫn là tôm, thịt heo, hành tây, giá, mộc nhĩ, đậu xanh, trứng gà và bột gạo nhưng bánh xèo tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền mang nhiều nét rất đặc biệt.Thứ nhất do nguồn thực phẩm tươi ngon mua của dân chài đánh bắt trong ngày mang về chưa ướp đá; thứ hai do kỹ thuật đổ bánh điêu luyện của người làm nên khiến bánh giòn tan, có màu vàng tươi, thơm ngon; tiếp nữa là nước chấm được pha chế công phu, có vị chua chua ngọt ngọt của dưa cải, vị đậm đà của nước mắm ngon loại đặc biệt… khiến người ăn có thể cảm nhận được hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được.Cháo Hàu Long SơnXã đảo Long Sơn là quê hương của những con hàu sữa béo ngậy và cũng là nơi có món cháo hàu thơm ngon nức tiếng gần xa. Du lịch Vũng Tàu, được thưởng thức tô cháo hàu Long Sơn nóng hổi tuyệt ngon có vị ngọt béo của hàu, quyện với mùi thơm của gạo, vị cay của tiêu, hành, của gừng hòa cùng vị ngọt của nấm rơm đánh thức vị giác. Nếu bạn đã từng một lần được thưởng thức qua món cháo hàu Long Sơn nổi tiếng tại đây chắc chắn sẽ không thể nào quên.Lạ miệng với gỏi cá MaiNhư nhiều người dân địa phương chia sẻ, nếu đi du lịch tới Vũng Tàu mà chưa thưởng thức món gỏi cá Mai thì xem như chưa trải nghiệm hết được những nét đặc trưng của nơi đây. Gỏi cá Mai là món ăn rất ngon có từ lâu của ngư dân vùng biển Vũng Tàu, cá Mai giống như cá Cơm, dài khoảng 6cm, màu trắng trong, có rất nhiều ở vùng biển Bãi Sau Vũng Tàu.Để có được đĩa Gỏi cá Mai ngon, những cửa hàng ở đây phải chọn con cá tươi, đánh vẩy rửa sạch, rút xương rồi ướp giấm, chanh, tỏi, ớt làm chín cá, tiếp đến trộn với thính cho thơm. Nhưng yếu tố quyết định của món gỏi cá Mai ngon hay không lại còn ở bí quyết làm nước chấm, nước chấm ở Vũng Tàu được pha chế rất công phu, xương cá Mai được tận dụng nấu nước chấm cùng với mè, đậu phộng rang vàng giã nhỏ và các gia vị gia truyền khác tạo nên loại nước chấm thơm ngon, đặc biệt và “không đụng hàng”.NT(Theo Amthuc365
Khánh Ly bất ngờ công bố giấy cho phép tác quyền của Trịnh Công Sơn
Bài tùy bút được bà đặt tựa "Chữ ký cuối cùng của một người dành riêng cho một người", chia sẻ những ngày khó khăn nhưng hạnh phúc trên bước đường âm nhạc chung với Trịnh. Xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả:
Khánh Ly đến thăm nhà Trịnh Công Sơn khi bà về VN biểu diễn.
Đã đến giờ tôi phải đi. Phải từ giã Hà Nội thôi. Mọi người còn đang ngủ yên trong kia. Chỉ mình tôi ngồi trước hiên nhà. Một mình ngồi suốt 3 tiếng đồng hồ. Hạnh phúc lớn quá, mà nỗi cô đơn cũng lớn quá.
Tôi không biết đêm đã dần qua, một ngày mới đang tới. Và tôi lại sắp phải nói lời giã từ con phố mình vừa gặp lại sau 60 năm xa cách. Bao giờ trở lại. Có còn trở lại nữa không.Tôi đã 70 rồi.Đường thì xa vạn dặm mà thời gian thì vô tình.Ngày mai.Ngày mai ai biết được ngày mai đời mình sẽ ra sao. Một chớp mắt đã bãi biển nương dâu.Một chớp mắt đã nghìn trùng xa cách.Một chớp mắt đã thành kỷ niệm. Đã là quá khứ.
Khánh Ly và khán giả trẻ Hà Nội.
…Chúng tôi, những người của ba miền đất nước. Đến với nhau không nghi ngại. Toại, Sơn, Giang, Tuân, Doãn, Yến, Minh, Lộc… Anh và tôi. Chúng tôi có chung một niềm vui, một mơ ước. Dẫu hoàn cảnh gia đình không giống nhau. Tiếng cười tiếng hát vẫn rộn ràng mỗi khi chiều xuống. Những đĩa cơm nghèo chia đôi, những điếu thuốc chuyền tay. Giấc mơ về một ngày im tiếng súng, một ngày chân bước và hát trên ba miền từ thành phố đến thôn làng. Nhà thương, trường học sẽ dược dựng xây trên hoang tàn đổ nát. Có áo cơm cho trẻ con không nhà. Có nụ cười cho cha già mẹ yếu. Có vòng tay cho chị. Có chiếc nạng cho anh. Có tiếng cười trong căn nhà nhỏ. Bài học yêu thương phải được học lại từ đầu. Giấc mơ của tuổi trẻ Việt Nam. Giấc mơ của người Việt Nam trên khắp ba miền.
Tháng ngày bên Anh thật hạnh phúc.Anh mở cho tôi cánh cửa vào cuộc sống tốt đẹp. Phải, dù chẳng để làm gì, dù chỉ để gió cuốn đi. Dù vắng bóng ai, tấm lòng ấy vẫn còn mãi. Chúng ta có mong được đến trong cuộc đời này? Vậy thì chúng ta sẽ ở lại trong trái tim mọi người dù chỉ là một góc nhỏ nhoi. Bây giờ, nếu có ai đó bảo rằng chúng tôi rồi sẽ xa cách nhau. Sẽ có ngày phải khóc nhau. Không thể được. Không bao giờ có chuyện đó. Chúng tôi tin cậy nhau, chúng tôi yêu thương nhau, gần gũi gắn bó biết bao. Điều gì có thể chia cắt được thâm tình này.
Khánh Ly trong chuyến đi từ thiện ở miền Trung.
Những ngôi nhà khang trang mái ngói đỏ nằm chen lẫn giữa những vườn cây ăn trái, ruộng lúa xanh rì bạt ngàn. Tôi cố căng mắt tìm kiếm nhưng vô ích.Tôi không tìm thấy dấu vết nào của 40 năm trước. Con đường Huế Quảng Trị ngập sâu dưới cơn mưa chẳng còn biết đâu là đường, đâu là ruộng. Chiếp Jeep lùn chậm chạp lăn bánh qua những biển nước. Cây cầu gỗ run rẩy. Chỉ có niềm tin và tình yêu mới đưa tôi đến con đường này. 60 cây số Huế Quảng Trị sao mà quá gian nan. Tình yêu trước mặt tưởng như trong tầm với. Có ai ngờ ngay từ phút giây đầu đã phải khóc nhau.
Phải. Tôi đã muốn khóc thật lớn, thật nhiều giây phút lìa xa Hà Nội. Chỉ thấy trong lòng nặng trĩu bao nhiêu nỗi niềm ấp ủ 60 năm. Giờ trên con đường này, tôi vẫn muốn dấu đi giọt nước mắt muộn màng. Làm sao tôi có thể bộc lộ nỗi lòng của mình, và mặc dù biết rất rõ, Anh cũng không nói gì, chỉ dịu dàng hơn, ân cần hơn. Anh vốn như thế. Những tình khúc của Anh là ngàn vạn lời an ủi ấm áp. Anh như muốn nhắn nhủ một điều dấu kín trong tim chỉ là những điều… dấu kín mà thôi. Hãy cứ yêu ngày tới dù đã mệt kiếp người vì còn cuộc đời trước mắt. Hãy cứ vui mà sống dầu đã vắng bóng ai.
Bà từng nói Trịnh là hình, còn bà là bóng.
Đức Mẹ La Vang và Quảng Trị không kéo tôi ra khỏi nỗi đau.Huế và Anh lại cho tôi nơi chốn bình yên. Tôi không thể khóc trong tay Anh. Tôi chỉ có thể ngồi bên Anh yên lặng mà cảm nhận tình thương từ ánh mắt dịu dàng bao dung. Ánh mắt đó vẫn theo tôi, vẫn luôn luôn nhắc nhở tôi, hãy sống tử tế với một tấm lòng. Anh vẫn đi cùng tôi qua những miền nắng ấm, những ngày bão mưa tuyết đổ.Khuôn viên Đại Học, hội trường Công Giáo, Phật Giáo. Những lớp học tiếng Việt. Trẻ mồ côi tàn tật, người già neo đơn.
Tôi muốn đi cùng Anh đến mọi nơi mọi miền chia sẻ những may mắn của mình trong đời cho người bất hạnh. Anh đã nói các bạn là những người không may mắn, mất đi một phần thân thể của mình nhưng tâm hồn các bạn còn nguyên vẹn; trong khi ngoài đời có rất nhiều người lành lặn nhưng tâm hồn lại khiếm khuyết… Anh ru đời đừng tuyệt vọng. Tôi là ai… là ai… mà yêu quá đời này.Anh tuyệt vời biết bao. Anh đã đến và ở lại trong trái tim những người yêu Anh. Ở lại mãi mãi vòng tay Hà Nội. Nụ cuời Hội An. Tấm lòng Đà Nẵng. Mọi người se đến để gặp Anh… Lại gần với nhau. Ngồi kề bên nhau.Thù hận xin quên. Đây quê hương mình… Tâm hồn Anh. Trái tim Anh sẽ mãi mãi đi cùng với người yêu Anh trên khắp các nẻo đường quê hương từ thành thị đến thôn xóm ruộng đồng.
Giấy Trịnh ký nhận tác quyền và cho phép Khánh Ly biểu diễn nhạc phẩm của ông.
Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa tôi sẽ rời Việt Nam.Buổi chiều. Một buổi chiều tháng 05 con đường Duy Tân cây dài bóng mát. Con ngõ nhỏ, cho đến bây giờ, không có gì thay đổi. Tôi muốn đến chào Anh trước khi ra đi. Tôi muốn nhìn lại cái cầu thang tôi đã lên xuống nhiều lần. Tôi muốn nhìn lại chiếc ghế Anh ngồi. Chỗ Anh hay ngồi với bạn bè với tôi. Tôi muốn tìm xem Anh đã ngồi đâu khi ký cho tôi chữ ký cuối cùng. Thì ra Anh không hề quên tôi.
Trong giây phút đó, Anh vẫn nhớ đến những tháng ngày hạnh phúc của một thời bé dại. Phải. Ở một nơi xa lắm, cho đến cuối đời, tôi luôn ôm ấp một tình yêu dành cho Anh. Tình yêu dành cho một người cha. Một người anh. Một người bạn.
Nội dung bằng tiếng Anh của giấy cho phép trên được xác nhận bởi một tòa án Mỹ.
Cánh cổng nặng nề đã khép lại sau lưng, tôi vẫn nghe lẫn trong tiếng cười vui của anh Sâm Thương, anh Nguyễn Quang Sáng, anh Dương Minh Long, Bảo Phúc, Từ Huy… Em hãy sống tử tế với mọi người… Tôi sẽ cố gắng để dẫu không làm được gì tốt đẹp thì cũng không đến nỗi phụ tấm lòng của Anh.
Lòng tôi bỗng nhẹ nhàng bước đi không quay lại. Không có ai nhìn theo. Mãi mãi không còn ai nhìn theo. Cái Ngõ Trịnh đáng yêu ở đó có một người luôn bên cạnh tôi.Luôn đi cùng tôi. Ở đó có một ngôi nhà tôi luôn mong mỏi mở cửa bước vào mà chân cứ ngập ngừng.
Khánh Ly, Calif. tháng 05-2014.
Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014
Chuyện bây giờ mới kể: Bức tượng “Thương Tiếc”
Nguyễn Ngọc ChínhKhi cuộc chiến leo thang khốc liệt, năm 1966 Nghĩa trang Quân đội tại Hạnh Thông Tây, Gò Vấp, bắt đầu không còn đủ đất để các tử sĩ VNCH yên nghỉ. Chính phủ nền Đệ nhị Cộng hòa của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải tính đến việc thành lập một nghĩa trang mới và địa điểm được lựa chọn nằm dọc theo phía tay trái của xa lộ Biên Hòa (nay là xa lộ Hà Nội) nếu từ hướng Sài Gòn đi Biên Hòa.Kiến trúc sư kiêm điêu khắc gia, Đại úy Nguyễn Thanh Thu, được lệnh của Tổng thống Thiệu lên đường đi Phi Luật Tân để nghiên cứu mô hình xây dựng Nghĩa trang Quân đội Hoa Kỳ tại Manila (American Cemetery in Manila), được coi là một nghĩa trang đẹp nhất Á châu.Nghĩa trang Quân đội Hoa Kỳ tại Manila(Hình tác giả chụp tại thủ đô Manila, năm 2003,https://www.flickr.com/photos/nguyen_ngoc_chinh/837204065/in/photolist-2gYTAR-2gYTze)Năm 2003, tôi đã có dịp đến Phi Luật Tân và viếng Nghĩa trang Hoa Kỳ tại thủ đô Manilla [1]. Nghĩa trang có tên American Cemetery, đây là nơi chôn cất thi hài quân nhân Mỹ và đồng minh đã nằm xuống trong cuộc chiến ở Thái Bình Dương vào thời thế chiến thứ hai.Nghĩa trang mằn trên một khu đất rộng 615,000 mét vuông, trồng cỏ xanh rì vây quanh là những hàng cây rợp bóng mát. 17,206 ngôi mộ chiến sĩ được đánh dấu bằng các thập tự giá và xếp hàng thẳng tắp như một đội quân thầm lặng. Điểm xuyết cho nghĩa trang là một vài tượng đài kỷ niệm ghi những dòng chữ tưởng nhớ công ơn những vị anh hùng “vị quốc vong thân”.Nghĩa trang Quân đội Hoa Kỳ tại Manila(Hình tác giả chụp tại thủ đô Manila, năm 2003)Sau chuyến đi tham khảo tại Phi Luật Tân, Đại úy Thu sẽ phải trình đề án lên Tổng thống Thiệu để giao cho công binh xây dựng một nghĩa trang mới mang tên Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Ông còn gợi ý phải có một tác phẩm điêu khắc tại cổng vào nghĩa trang để nói lên sự tri ân của mọi người tại hậu phương trước những tử sĩ được chôn cất tại đây.Đại úy Nguyễn Thanh Thu xin 1 tuần để suy nghĩ về dự án và trước khi ra về anh còn được Tổng thống Thiệu nhắc nhở bằng những lời rất thân tình: “Anh cần chú ý đến ý nghĩa của nghĩa trang phải xoay quanh “cục nhưn” là bức tượng… Tôi đặt nhiều hy vọng vào anh…”.Tất cả mọi chuyện chỉ bắt đầu một cách giản dị như vậy. Tuy nhiên, đối với nhà điêu khắc Nguyễn Thanh Thu đó là thời gian anh trăn trở nhiều nhất với những ý tưởng của một nghệ sĩ sáng tạo cho một công trình mang tầm vóc quốc gia nói lên lòng tri ân của mọi người đối với những chiến sĩ đã bỏ mình ngoài chiến trường.Trong suốt một tuần lễ, hầu như ngày nào anh cũng có mặt tại nghĩa trang Hạnh Thông Tây để chứng kiến những cảnh tang tóc, đau thương của vợ con tử sĩ. Nhà chứa xác đầy nghẹt, những chiếc hòm chưa chôn còn mịt mù nhang khói tại những khu phải căng lều bạt chờ chôn… trong khi trực thăng vẫn hàng ngày tiếp tục chở xác về nghĩa trang.Ngày cuối cùng của một tuần tìm ý tưởng là vào một buổi trưa Thứ Sáu trên đường từ Nghĩa trang Hạnh Thông Tây anh Thu ghé vào một quán nước gọi ly đá chanh. Và đây chính là giờ phút “định mệnh” khi anh nhìn thấy một người lính thuộc binh chủng Nhảy dù ngồi trước những chai bia và hai cái ly…Anh lính ngồi nói chuyện với cái ly thứ hai trước sự ngạc nhiên của chủ quán lẫn khách uống nước. Hình như anh lính là người vừa thăm bạn được chôn cất tại Nghĩa trang Hạnh Thông Tây. Một ly anh cúng bạn và một ly anh uống. Anh ngồi vừa uống vừa nói chuyện với chiếc ly!Cảm động trước hình ảnh một người lính khổ sở khi phải mất bạn, anh Thu cầm ly nước chanh bước qua bàn lảm quen. Anh lính ngước lên nhìn anh Thu với vẻ khó chịu vì sự riêng tư của mình bị người lạ làm phiền và tiếp tục trở về với ly bia “cúng” bạn.Anh Thu cũng bị lúng túng vì thái độ “bất hợp tác” của anh lính nhảy dù. Mấy cô bán hàng lại cười khúc khích, có lẽ các cô nghĩ nãy giờ có một người “điên” ngồi uống bia nói chuyện với cái ly và bây giờ lại thêm người “điên” nữa lân la đến làm quen.Người lính tiếp tục gục đầu ngồi độc thoại, phớt lờ những lời xã giao làm quen của anh Thu. Dường như anh tưởng bị quân cảnh hỏi giấy nên lẳng lặng móc bóp giấy tờ cho anh Thu mà không hề ngước mắt nhìn và tiếp tục uống!Anh Thu cầm bóp trở về bàn mình và ghi lại tên anh lính: Võ Văn Hai, cấp bậc Hạ sĩ, binh chủng Nhảy dù, cả tên tiểu đoàn lẫn KBC (Địa chỉ Khu Bưu Chính của quân lực VNCH). Khi anh Thu trả lại giấy tờ, Hạ sĩ Võ Văn Hai nhét vào túi với vẻ bất cần, cũng không thèm ngước mặt nhìn lên.Điêu khắc gia Nguyễn Thanh ThuKhuya Thứ Sáu anh Thu mới bắt đầu vẽ để sáng Thứ Bảy trình Tổng thống. Từ 8g tối đến 6g sáng anh phác thảo được 7 bản vẽ trong tiếng súng và bom thỉnh thoảng vọng về Sài Gòn. Những ý nghĩ ở một hậu phương yên bình trong khi những người lính ngày cũng như đêm xả thân ngoài chiến trường khiến anh Thu dồn hết tâm trí vào những nét vẽ của anh.Anh Thu hôm đó chỉ ngủ 2 tiếng thì bị đánh thức bởi tiếng chó sủa, thì ra theo lời của vợ anh: “Có người đến nhà mời anh đi trình dự án!”. Họ đến sớm để mời anh đi ăn sáng trước khi gặp Tổng thống Thiệu. Lần trước đây anh gặp Tổng thống để bàn về dự án tại Bộ Tổng tham mưu nhưng lần trình dự án lại là tại dinh Gia Long.Lịch gặp Tổng thống vào lúc 9 giờ sáng nhưng vì Tổng thống còn đang tiếp khách nên anh Thu trong lúc đi lại trên hành lang dinh Gia Long bỗng nảy ra câu hỏi “Tại sao lại không vẽ Võ Văn Hai?”. Nghĩ là làm ngay. Anh tưởng tượng một bố cục dựa trên hình ảnh Hạ sĩ Hai ngồi nhớ bạn tại quán nước.Anh trở ngay vào phòng Đại tá Cầm, tùy viên của Tướng Thiệu, chụp một cây bút nguyên tử, lấy trong giỏ rác một bao thuốc lá và rút mảnh giấy bọc bao thuốc trở ra hành lang ngồi vẽ lại hình ảnh Hạ sĩ Hai.Một lần nữa, “định mệnh” lại ra tay: trong 7 bản vẽ mang theo, anh Thu thấy bản cuối cùng, một “tốc họa” trên bao thuốc lá tại dinh Gia Long, là bản anh ưng ý nhất. Đến khi vào gặp Tổng thống, anh trải 7 bản vẽ lên sàn nhà trước bàn làm việc, bản vẽ cuối cùng trên bao thuốc lá anh vẫn còn cầm trên tay.Tổng thống Thiệu sau khi đi tới, đi lui ngắm 7 bản vẽ, ông nói: “Anh là “cha đẻ” của dự án này nên theo ý anh, bức nào làm anh hài lòng nhất”. Phải nói, anh Thu là người thật thà, chất phác, anh thẳng thắn trình bày:“Thưa Tổng thống, nếu Tổng thống cho tôi chọn lại thì bản vẽ mới đây tôi vừa nghĩ ra và vẽ vội trên bao thuốc lá lại là bản vẽ tôi ưng ý nhất… nhưng tôi sợ mình quá vô lễ để đưa ra tại đây”.Tổng thống Thiệu vui vẻ và đồng ý xem “tốc họa” trên bao thuốc lá. Ông cầm bản phác thảo Hạ sĩ Võ Văn Hai về ngồi trên ghế ngắm nghía, một lúc sau ông nói: “Anh Thu à, người nghệ sĩ hay lãng mạn lắm mà chiến sĩ của mình thực tế hơn, họ cần một cái tên cho đề tài, anh cho tôi biết đề tài của bức hình là gì đây?”.Anh Thu lần lượt đề nghị các tên: (1) Khóc bạn, (2) Tình đồng đội, (3) Nhớ nhung, (4) Thương tiếc và (5) Tiếc thương. Cuối cùng Tổng thống chọn tên “Thương Tiếc” cho bức phác họa Hạ sĩ Võ Văn Hai ngồi nhớ bạn. Tổng thống còn nhắc nhở phải làm sao nói lên được ý nghĩa vừa thương tiếc bạn bè nằm xuống nhưng cũng phải thể hiện tinh thần chiến đấu của người lính VNCH lúc nào cũng vững tay súng.Bất ngờ, Tổng thống yêu cầu anh vẽ một bản thứ hai lớn hơn, vẽ tại chỗ, ngay ở dinh Gia Long. Thế là với dụng cụ giấy vẽ, bảng đen và các loại màu được cung cấp ngay theo yêu cầu, anh Thu bắt đầu… “ra tay” trước mặt Tổng thống Thiệu và một số sĩ quan thân cận của ông.Anh Thu có thêm yêu cầu cần một người ngồi làm mẫu… và trong số các sĩ quan hiện diện, chính Đại tá Cầm “xung phong” làm… người mẫu! Thực ra thì hình ảnh Đại tá Cầm mặc quân phục chỉnh tề, “ủi hồ láng cóng”, không thích hợp với hình ảnh người lính thật sự nhưng đó chỉ là một hình ảnh gợi ý để sáng tác cấp tốc.Anh Thu còn xin thêm thêm 1 khẩu súng trường cho Đại tá Cầm để trên đùi, đó là khẩu Garant M1 đang được quân đội sử dụng trên chiến trường… Anh cũng đề nghị trong lúc anh vẽ, tất cả mọi người miễn đặt câu hỏi, vì nếu như thế anh sẽ mất sự tập trung trong sáng tác và sẽ thất lễ nếu anh không dừng vẽ để trả lời.Khó khăn của anh Thu là phải hoàn thành tác phẩm trong một thời gian gấp rút, anh tâm sự: “Lúc bấy giờ, không biết có một điều xui khiến vô hình nào đó mà tôi xuất thần phóng bút vẽ lại Hạ sĩ Hai… Không biết là tôi vẽ hay là ai nữa!”.Nguyễn Thanh ThuSau khi Tổng thống Thiệu ký tên vào bức “tốc họa”, anh Thu chỉ có 3 tháng để hoàn tất công trình tượng đài trước ngày 1/11/1967, ngày Quốc khánh của VNCH. Vấn đề trước mắt là đi tìm “người mẫu” Võ Văn Hai trong quán nước ngày trước tại Gò Vấp. Anh đã tìm đến đơn vị của Hạ sĩ Hai và gặp vị Thiếu tá phụ trách đơn vị.Thoạt đầu khi nghe anh Thu trình bày vấn đề, vị Thiếu tá có vẻ băn khoăn, suy tính… nhưng khi thấy tận mắt bức họa có chữ ký của Tổng thống Thiệu, ông lại hãnh diện khi có người lính thuộc đơn vị nhảy dù của mình được chọn làm biểu tượng cho người lính VNCH tại nghĩa trang…Vị Thiếu tá còn ra lệnh cho tập họp đại đội với súng ống đầy đủ để anh Thu chọn “người mẫu”, vì theo ông, trong đơn vị có nhiều người cao to tới 1,7 hoặc 1,8 mét, còn Hạ sĩ Hai chỉ cao chừng thước 1,6… Chính ông Thiếu Tá cũng chọn được 4 người lính lực lưỡng trong hàng đầu còn anh Thu thì chỉ réo tên Võ Văn Hai ở gần cuối hàng quân.Anh Thu được giao 5 người lính nhảy dù để làm mẫu cho bức tượng Thương Tiếc trong vòng 3 tháng. Anh cũng nói riêng với các “người mẫu”, sự thật anh chỉ cần Hạ sĩ Hai, nhưng tất cả đều được nghỉ phép 3 tháng tại Sài Gòn với điều kiện chỉ được mặc quần áo dân sự để không bị quân cảnh làm khó dễ.Anh Thu bên bản sao bức tượng “Thương Tiếc”Chính hình ảnh Võ Văn Hai ngồi tiếc thương bạn trong quán nước đã ám ảnh anh Thu để sáng tạo ra bức tượng “Thuơng Tiếc” ngồi trước cửa Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Ngày ngày, anh Hai trong bộ quần áo dân sự đạp xe lên nhà anh Thu, tại đây anh thay bộ quân phục, với ba lô, súng đạn đầy đủ để ngồi làm mẫu.Một hôm, khi bức tượng gần hoàn chỉnh chỉ còn thiếu chi tiết khuôn mặt, anh Thu đã cố tình để cho người lính ngồi một mình trong phòng, còn anh kín đáo quan sát qua bông gió trên tường. Đây là dụng ý của nhà điêu khắc muốn để anh ngồi một mình nhớ đến người bạn đã qua đời.Anh Thu có thể thấy từng đường nét diễn biến trên khuôn mặt lúc anh lính ngồi buồn một mình và nhà điêu khắc đã phác họa lại trên giấy khuôn mặt anh. Phần mình, Hạ sĩ Võ Văn Hai lại sợ đã làm chuyện gì khiến Đại úy Nguyễn Thanh Thu phiền lòng nên cho anh về sớm mà không biết ông đã bí mật quan sát!Khuôn mặt người lính “Thương Tiếc” bạn được tái hiện qua bức tượng trong cuộc phỏng vấnKhoảng 3 giờ sáng anh Thu thức dậy để bắt đầu giai đoạn hoàn chỉnh cuối cùng của bức tượng: nét mặt của người lính. Anh dùng đèn cầy để lấy ánh sáng chiếu vào nhiều góc cạnh, qua đó anh có thể sửa lại nét mặt người lính theo những gì anh phác họa.Loại ánh sáng nhân tạo qua ánh đèn cầy có tác dụng điều chỉnh các góc cạnh của tác phẩm theo hướng người nghệ sĩ di chuyển từ nhiều phía. Anh Thu hoàn toàn bị cuốn hút vào những cảm xúc trên khuôn mặt người lính. Đó là những giây phút chỉ mình anh và nhân vật của bức tượng trong ánh sáng mờ ảo của cây đèn cầy.Sau một giấc ngủ ngắn, anh tỉnh dậy sáng hôm sau để quan sát và so sánh công trình của mình đêm qua dưới ánh đèn cầy với ánh sáng ban ngày. Anh mừng vì khuôn mặt của người lính giữa ánh sáng tự nhiên ban ngày và ánh sáng nhân tạo từ đèn cầy vẫn hiện lên một nét buồn ray rứt.Như vậy là điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu có thể hài lòng với công trình nghệ thuật kéo dài 3 tháng của mình. Và chúng ta được chứng kiến pho tượng “Thương Tiếc” ngồi trước cổng vào Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa từ năm 1967 cho đến sau ngày 30/4/1975.Bức tượng “Thương Tiếc” được đắp lại cho cuộc phỏng vấn***Chuyện bây giờ mới kể về bức tượng “Thương Tiếc” được viết lại theo nội dung cuộc phỏng vấn của Lê Xuân Trường với nhà điêu khắc Nguyễn Thanh Thu qua một video clip dài 36,57 phút vừa xuất hiện trên Youtube, bạn đọc có thể theo dõi qua địa chỉ:Cuộc phỏng vấn của Nguyễn Xuân Trường với điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)