Translate

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Những cái bánh vẽ đẹp không tin nổi


Văn Quang – Viết từ Sài Gòn

Hầu hết các báo lớn báo nhỏ ở VN đều nêu lên tiêu đề rất đáng kinh ngạc, “Trên 80% số người dân được điều tra đều cho rằng họ hài lòng và… rất hài lòng đối với các dịch vụ công hiện nay.”
Đây là số liệu dựa theo kết quả quá của Bộ Nội Vụ phối hợp với Ngân Hàng Thế Giới (WB) đưa ra tại cuộc khảo sát thử nghiệm mức độ hài lòng đối với dịch vụ hành chính công tại ba tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Định được công bố ngày 20 tháng 8, 2014 vừa qua.
Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, nơi vừa xảy ra hàng loạt sai phạm về y đức và chuyên môn của các y bác


Những con số này thật sự đáng kinh ngạc và đã làm rộ lên một làn sóng phản bác mạnh mẽ trên khắp các diễn đàn. Người dân VN ai mà chẳng biết những dịch vụ công đó như thế nào. Thậm chí câu nói “hành dân là chính” đã thành câu nói cửa miệng của dân. Thế mà dám công bố một sự thật trái ngược hoàn toàn với thực trạng hiện nay. Con số trên 80% người dân hài lòng là một nền dịch vụ công lý tưởng của một nền hành chính mơ ước của toàn thế giới. Không biết các ông ở Bộ Nội Vụ VN có quá coi thường sự hiểu biết của người dân không? Một nửa con số 80% hài lòng đã là quá đáng rồi chứ nói gì đến trên 80%.

Những con số còn đẹp hơn nữa

Trong khi đó ở Việt Nam, theo UBND tỉnh Phú Thọ, với 1,570 phiếu khảo sát, tỉ lệ người trả lời phỏng vấn thể hiện sự hài lòng đối với các loại dịch vụ hành chính công lên đến… 86%.
Cụ thể, trong nhóm người sử dụng dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình, cá nhân được đánh giá mức độ hài lòng cao nhất với trên 89%. Trong khi con số khiếu nại, kiện tụng về đất đai cả nước bao giờ cũng chiếm hàng đầu trong tất cả các vụ kiện tụng, có thể lên đến 80% hồ sơ của các tòa án.
Thứ hai là sự hài lòng khi xin giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đạt 79%, cấp giấy phép xây dựng công trình, nhà ở của gia đình đạt 88%. Trong khi có hàng loạt những vụ khiếu nại vì thủ tục hành chính quá rắc rối rườm rà. Tuy nhiên nó lại đúng khi có phong bì lót tay. Bạn hãy đọc lời giải thích của một người dân:
Bạn taquangsua81@yahoo.com viết:
“Các bác ah, Tôi đi làm sổ đỏ tôi khoán cho anh địa chính xã làm, tôi làm giấy phép đăng ký kinh doanh tôi khoán cho anh làm chuyên viên ở sở kế hoạch đầu tư... nói chung tôi sử dụng dịch vụ công theo kiểu ấy nên dịch vụ tốt lắm rất hài lòng về tính nhanh gọn, thuận tiện phục vụ tại nhà tôi luôn. Chắc chắn họ đã khảo sát dịch vụ này đấy các bác à!”
Cái này thì người dân ai cũng biết, muốn nhanh thì chỉ việc “Chi” là đâu vào đấy ngay. Chỉ số hài lòng đến 99.9%, phải không các cụ?

Đã vẽ đẹp còn tô màu đẹp hơn

Tại Thanh Hóa, ông giám đốc Sở Nội Vụ Nguyễn Xuân Dũng cho biết lĩnh vực đất đai kết quả 83% số người dân đánh giá là hài lòng và rất hài lòng. Lĩnh vực xây dựng 80% khá hài lòng; trong khi tỉ lệ dân không hài lòng và không ý kiến chỉ chiếm 4%.
Trong lĩnh vực y tế, bệnh viện Phụ Sản Thanh Hóa đạt tỉ lệ tới 72% hài lòng và rất hài lòng, chỉ có 23% không hài lòng và có tới 77.5% những người đã khám và điều trị tại BV này cho biết, chắc chắn sẽ quay lại khi có nhu cầu.
Vẫn là những con số quá trắng trợn, tôi phải kính phục sự “liều mạng” của người dám công bố những kết quả kinh khủng này, khiến người dân phải nghĩ rằng các ông này khảo sát không phải để tìm ra ưu khuyết điểm cho nền hành chánh tiến bộ mà muốn ôm mãi lấy những sai sót hiện tại để có quyền được ăn trên ngồi trước, móc túi dân mãi mãi. Ông cố vẽ cho đẹp, ông cố tô màu cho bắt mắt nhưng bức tranh ảm đạm vẫn bày ra trước mắt người dân.
Còn về y tế, vậy là ông y tế quên béng ngay những chuyện vừa xảy ra ở các BV Thanh Hóa. Chỉ xin dẫn chứng vụ tai tiếng gần đây nhất,


Hàng trăm người dân đi khám bệnh bảo hiểm phải bất bình ra về

Sa thải bác sĩ vòi tiền bệnh nhân

Ngày 6/4, Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, Hội đồng kỷ luật Bệnh viện Nhi Thanh Hóa vừa thông qua một loạt quyết định kỉ luật y bác sĩ công tác tại bệnh viện này vì bị cho là vi phạm y đức và các quy định ngành trong khi khám, điều trị cho bệnh nhân.
Trong đó, ông Lưu Tiến Dũng (bác sĩ khoa ngoại chấn thương) bị buộc thôi việc vì đã vòi tiền người nhà bệnh nhân. Theo xác minh, trước ca mổ khối u cho một bệnh nhi, ông Dũng đã nhận của gia đình em này gần 2 triệu đồng ($94 Mỹ kim). Hành vi này sau đó bị người dân tố cáo đến giám đốc bệnh viện.
Ngoài ra, Hội Đồng Kỷ Luật còn thi hành kỷ luật cảnh cáo, chuyển công tác đối với bác sĩ Dương Văn Thông (phó khoa ngoại tổng hợp) vì thực hiện ca mổ cho bệnh nhân nhưng không làm hồ sơ bệnh án, thu tiền trục lợi cá nhân... Hình thức kỷ luật này cũng được áp dụng với y tá Lê Thị Tuyết, kỹ thuật viên Lê Thị Hằng Nga (khoa gây mê) vì đã thông đồng với nhau thực hiện một ca mổ cho một bệnh nhi là người thân của một cán bộ công tác trong bệnh viện. Số tiền thu được nhóm này tư túi, không nhập sổ sách.
Ông Lê Trần Tùng (phó khoa khám bệnh) bị khiển trách vì đã vi phạm quy chế làm việc. Ông Tùng bị phát hiện đã nhiều lần kê đơn, hướng dẫn người nhà bệnh nhân mua thuốc ngoài để hưởng hoa hồng chênh lệch từ các nhà thuốc...
Còn nữa, vào cuối tuần, tại bệnh viện đa khoa Hợp Lực (Thanh Hóa) liên tục có hàng trăm bệnh nhân tập trung phẫn nộ vì không được khám bệnh bảo hiểm y tế.
Sáng ngày 26/7, tại bệnh viện đa khoa Hợp Lực Thanh Hóa đã diễn ra sự việc hàng trăm người bệnh tập trung để khám tuy nhiên họ đều bị bệnh viện từ chối với lý do theo quy định của Bộ Y Tế không được phép khám bệnh trong ngày nghỉ. Lãnh đạo bệnh viện này cho biết tình trạng này không phải nay mới diễn ra mà gần đây thì cuối tuần nào cũng vậy.
Thật ra tình trạng này không chỉ xảy ra ở bệnh viện nhi Thanh Hóa mà nó “âm thầm” xảy ra ở rất nhiều bệnh viện tại VN. Người dân VN nào chẳng biết. Vậy mà khảo sát muốn làm đẹp mắt nhân dân như thế là muốn chọc mù mắt nhân dân mà thôi.
Cho nên bạn tranh 302@gmail.com mới viết, “Chỉ có tâm thần mới tin số liệu vậy.”

Người dân chờ đợi dài dài làm thủ tục ở cơ quan hành chánh

99% số công chức hoàn thành nhiệm vụ

Lại thêm một công bố kinh hoàng nữa, “99% số công chức hoàn thành nhiệm vụ.” Ba tỉnh được khảo sát là Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Định.
Theo báo Lao Động ngày 23/08/2014 Bộ Nội Vụ VN công bố, 99% số công chức hoàn thành nhiệm vụ. Không biết nên vui hay nên buồn trước thông tin tuyệt vời này. Nếu thế thì nền hành chính công của nước VN quá tiến bộ, quá văn minh, phục vụ nhân dân cực kỳ hiệu quả. Từ nay, không cần phải cử đoàn đi học tập nước ngoài làm chi cho tốn kém. Từ nay, cũng không cần phải cử sinh viên sang các nước để học về các ngành liên quan đến quản lý, hành chính công. Bởi vì, Việt Nam đã là đỉnh cao rồi.
Ngược lại, nên kêu gọi các nước đến Việt Nam học tập. Mỹ, Nhật, Singapore và nhiều nước nổi tiếng về chất lượng hành chính công, nếu lấy phiếu khảo sát đo lường mức độ hài lòng với dịch vụ hành chính công thì còn lâu mới đạt 80% số người dân hài lòng. Cho nên, họ phải sang Việt Nam để học là điều đương nhiên.
Trở lại với các lĩnh vực khảo sát tại 3 tỉnh trên như đất đai, xây dựng, y tế, sẽ thấy quá tốt đẹp. Không chỉ các địa phương này giỏi đâu, nếu như mở rộng khảo sát ra các tỉnh khác, kết quả cũng đẹp như mơ. Chỉ có điều, khác với con số trên giấy, đất đai là "điểm nóng" của nhiều địa phương, thưa kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người cũng có nguyên nhân từ việc giải quyết quan hệ về đất đai lòng vòng ở cấp dưới. Xây dựng cũng là "điểm nóng,” thủ tục rườm rà, nhiêu khê, tình trạng gây khó cho người dân vẫn tồn tại. Còn y tế, mỗi người cứ bước vào bệnh viện thì sẽ có câu trả lời chính xác, không cần đọc báo để xem kết quả các cuộc khảo sát trong mơ.

Khảo sát tại TP Sài Gòn còn kinh hơn nữa

Kết quả khảo sát của một số cơ quan công quyền tại TP Sài Gòn về chỉ số hài lòng của người dân trong các dịch vụ hành chính công vừa được công bố khiến nhiều người hoảng hồn: giao thông công chính 99%, lao động - thương binh & xã hội 100%, nông nghiệp & phát triển nông thôn 94.3%, tài nguyên - môi trường: 90%, quận Tân Bình: 99.58%...
Ngay ông Nguyễn Văn Quang - phó viện trưởng Viện Kinh tế TP - cũng không tin vào những con số đó. Ông nói: Khi được thông tin về những tỉ lệ rất cao này, tôi cũng rất ngỡ ngàng. Người dân cho rằng những con số về dịch vụ hành chính công vừa được công bố là “những con số biết nói” - nó nói lên sự khảo sát giả dối, nói lên kiểu “chạy theo thành tích” của các sở, ngành, quận huyện...


Bà Nguyễn Thị Kim Thoa tố cáo bị nữ cán bộ tiếp dân tỏ ra hống hách

Thái độ phục vụ của cán bộ còn khó chịu hơn

Đấy là chưa nói đế thái độ của mấy ông bà cán hách dịch, mắng chửi dân như ở Bình Phước. Tôi chỉ tóm tắt bà Thoa khiếu nại việc Chi cục Thi hành án dân dự THADS thị xã Đồng Xoài tổ chức bán đấu giá tài sản của vợ chồng bà có nhiều dấu hiệu khuất tất, không gửi thông báo theo quy định. Sáng 15-8-2014, bà đến Cục THADS tỉnh Bình Phước theo thư mời để giải quyết “Đến nơi tôi quá bất ngờ trước thái độ, lời nói của nữ cán bộ tiếp dân. Nữ cán bộ náy tỏ ra quá hách dịch, mắng bà là vô duyên và khi hỏi tên thì cô này nói, Cô là dân mà sao dám hỏi tôi câu đó?”
Đó chỉ một sự việc nhỏ được người dân tố cáo, còn khối vụ khác người dân đen đành nhịn nhục ra về, sợ ông bà cán bộ như sợ cọp. Bạn đọc Thợ xây nói, “Chuyện tiếp dân hống hách, nạt nộ tôi thấy nhan nhản rất nhiều. Đây là phần nổi của tảng băng chìm.” Bạn đọc này còn cho rằng người dân nếu muốn nhận được thái độ cư xử tốt hơn từ các “quan” thì phải "biết điều” mới gặp "văn minh lịch sự,” còn không thì sẽ phải ôm cục tức như chị Thoa.
Người có trách nhiệm với dân, có lòng trung thực và liêm sỉ thì sẽ buồn thay vì vui trước con số hài lòng và những thái độ này. Cho dù, dân có vu vơ điền vào phiếu để cho ra tỉ lệ 80% này thì bản thân người có trách nhiệm cũng không thể hài lòng. Không thể lấy con số xa rời thực tế để đánh lừa chính mình, trấn an dân chúng.
Con số trên giấy dù đẹp mấy cũng không tô điểm được chân dung thật của xã hội. Nó chỉ là cái bánh vẽ trên tờ giấy cũ to tướng, không ai còn tin nữa đâu.

Thủ đoạn khảo sát kiểu VN: Cái gì cũng mua được

"Chúng tôi hài lòng; chúng tôi rất hài lòng; chúng tôi quá hài lòng.” Đây là những câu trả lời từ người dân cần lao mà các ông làm nhiệm vụ khảo sát đã nhận được và nhanh chóng công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng tại sao lại có một số người dân đã trả lời như thế? Dễ hiểu thôi, đó là khảo sát theo kiểu ở VN ngày nay, cái gì cũng có thể mua được bằng tiền và “nhất thân nhì thế.” Hai thứ “bửu bối” đó có thể áp dụng ở mọi nơi mọi chỗ, kể cả mua dư luận, mua lòng tin dù là lòng tin giả vờ.
Cũng theo báo Lao Động tiết lộ những người "được hỏi" xem có hài lòng hay không, đều được "trả thù lao.” Và sau đó được hỏi thêm, họ vui vẻ thừa nhận, họ là… người thân quen của các vị công bộc. Có bao giờ mà người ta vừa nhận tiền, vừa nói xấu "họ hàng công chức" của mình không đâu.
Hãy nghe một người trong cuộc, bạn lexuanthuy1962@yahoo.com.vn kể lại:
“Lâu nay những “tiêu chuẩn” để Lãnh đạo đơn vị đánh giá năng lực của cán bộ của mình thì đó là ... phải biết báo cáo , phải biết ghi biên bản hội nghị cho có...thành tích, cho đúng ý lãnh đạo. Bản thân tôi cũng được mời ít lần đi dự hội nghị tiếp xúc cử tri và nghe các vị đại biểu đọc báo cáo với những chỉ tiêu "rất đẹp,” và khi tôi hỏi lại thì không vị nào tin vào con số vừa báo cáo, và những con số của năm này là được “tân trang” số liệu của các năm trước mà thôi. Đất nước Liên Xô sụp đổ là hậu quả của những báo cáo như thế.”
Còn về pháp luật có những chuyện khôi hài đúng nghĩa mà trong kỳ họp Quốc hội VN đã phải nêu ra.

Quan chức các cấp bỗng dưng bị tâm thần

Thảo luận về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2014 tại phiên họp sáng 15-9 vừa qua, các thành viên trong Ủy ban Tư pháp bày tỏ sự băn khoăn, thắc mắc trước tình trạng nhiều đối tượng khi ở nhà sinh hoạt vẫn bình thường nhưng khi bị kết tội tham nhũng đi giám định lại “dính” tâm thần, khiến người dân phì cười không biết tâm thần thật hay là giả?
Báo cáo về công tác PCTN trong năm 2014, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho hay từ đầu năm đến nay đã phát hiện 54 vụ, 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 68,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở “một bộ phận” công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra gây bất bình đối với người dân và doanh nghiệp.
Bình luận về báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng các vụ án được phát hiện vẫn chủ yếu là cấp thôn, cấp xã, tham nhũng vặt, còn các vụ án lớn phát hiện rất ít.
Điều đặc biệt ông Đỗ Văn Đương Ủy ban Tư pháp quan tâm, thắc mắc mà trong báo cáo không đề cập là có trường hợp các đối tượng sau khi bị phát hiện tham nhũng thì “bỗng dưng” lại mắc bệnh tâm thần, sau đó được miễn trách nhiệm hình sự?
Ông Đương cho biết, “Người ta nói những ông tham nhũng lớn bị tâm thần nhiều lắm. Dư luận đặt vấn đề là có đúng ông bị tâm thần không. Người ta bảo khi giám định là tâm thần nhưng giải quyết việc gia đình, nói chuyện với vợ con, bàn chuyện với bạn bè lại rất bình thường. Vậy ngành y tế nghĩ gì về công tác giám định?” Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu câu hỏi thế và phản ánh có một số vụ án lớn ở các địa phương kéo dài, chưa xử lý được vì có “ông” đang nằm trong bệnh viện tâm thần. Chẳng biết các quan này còn “tâm thần” đến bao giờ. Nhiều quan khi bị gọi ra tòa bèn cáo ốm đau nằm bệnh viện dài dài, nhờ báo chí chụp hình đưa lên làm “bằng cớ” nên được hoãn ra tòa và hoãn dài dài.
Cụ thể như Ngày 14-8, Tòa án tỉnh Nghệ An đưa vụ án nhận hối lộ của Phan Văn Quang (nguyên chánh án Tòa án nhân dân huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) ra xét xử. Với lý do bị ốm, nguyên chánh án và thẩm phán TAND huyện Nam Đàn (Nghệ An) nhận tiền chạy cán đã cùng vắng mặt tại phiên tòa mà HĐXX tuyên án nguyên chánh án 6 năm tù, nguyên thẩm phán 2 năm tù.
Chắc phải đợi đến khi mấy ông “tâm thần” và đau ốm “nặng” này nhắm mắt xuôi tay, vụ án đành khép lại. Thề là lại huề cả làng.

Khối tài sản khổng lồ tham nhũng đi đâu, về đâu?

Cũng tại kỳ họp lần này, đề cập đến kết quả chỉ thu hồi được 10% tài sản tham nhũng, ông Đương đặt vấn đề phải chăng tỉ lệ 90% còn lại là kiến nghị không đúng, kiến nghị để đấy và không bị thu hồi? Theo ông Đương, đây là tài sản của Nhà nước và nhân dân nên các cơ quan ban ngành phải tìm ra được, tại sao lại chỉ thu hồi được ít như thế và các giải pháp để thu hồi tài sản, đặc biệt thông qua đề nghị của thanh tra, kiểm toán.
Giải trình về vấn đề trên, ông Lượng cho rằng do khái niệm tham nhũng ở Việt Nam khác với các nước. Ở các nước, khái niệm này rộng hơn, tham nhũng liên quan đến chức vụ, kinh tế đều là tham nhũng nhưng ở ta thì tách ra. Mặt khác, việc quản lý tài sản, thu nhập trong toàn xã hội nói chung, người có chức vụ, quyền hạn nói riêng còn nhiều khó khăn. Có trường hợp tẩu tán hết cả rồi. Trong khi đó phạm vi kê khai tài sản chỉ ở vợ chồng và con thành niên thôi, kiểm soát chưa tốt, chưa hiệu quả nên chưa làm nghiêm được.
Ông Trần Đăng Yến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an), cho rằng lý do thu hồi được thấp là do khi phát hiện ra thì tội phạm đã hoàn thành, công trình đã quyết toán; tài sản tham nhũng đã chia chác, đã chuyển ra nước ngoài hoặc đã được mua cái khác… Tuy nhiên, theo ông Yến, việc phát hiện chậm do cơ chế, biện pháp. Bởi bình thường họ là cán bộ, đảng viên, là người đáng tin cậy nên cơ quan điều tra không thể tổ chức đi xác minh và trinh sát.
Ông Nguyễn Hải Phong - Phó Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng để việc thu hồi tài sản đạt tỉ lệ cao thì tới đây cần tích cực kê biên, thu hồi, cũng như tăng cường biện pháp phong tỏa tài sản, tài khoản…

Quan tham khôn như cáo

Chẳng biết biện pháp mới của Viện Kiểm Sát Tối Cao có mang lại kết quả khả quan không khi mà các quan tham nhũng thời nay khôn như cáo. Cứ tẩu tán tài sản trước cho chắc ăn, thí dụ đưa con qua Mỹ học rồi cưới vợ đẻ con, mua nhà mua đất, lập công ty hay hùn vốn với các tập đoàn ở Mỹ, lúc đó chạy qua Mỹ đòi ông Obama sao?
Các ông có thống kê được bao nhiêu quan chức hiện có con cái ở nước ngoài và tài sản của họ là bao nhiêu không? Thử bắt họ kê khai tài sản xem sao rồi công bố cho nhân dân cả nước biết. Và cần phải khuyến khích người dân mạnh dạn tố cáo những gian lận trong kê khai tài sản đó. May ra mới thu hồi và ngăn chặn được một phần nhỏ tài sản tham nhũng mà thôi.
Văn Quang (19 tháng 9, 2014)

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Nhân Scotland đã “từ chối độc lập”, đôi điều nghĩ về Hồ Chí Minh


Scotland đã “từ chối độc lập” với tỷ lệ phiếu 54-46. Năm 1999, người Úc cũng đã từ chối trở thành một nền cộng hòa không có Nữ Hoàng. Điều thú vị là cả hai công cuộc giành độc lập này đều diễn ra như lễ hội thay vì kinh qua những thập niên đầu rơi máu chảy.
Không thể so sánh phương thức giành độc lập ở những giai đoạn khác nhau, nhưng quyết định của người Úc 15 năm trước đây và của người Scotland hôm nay cho thấy điều mà Hồ Chí Minh nói năm 1946 là hoàn toàn chính xác: “Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng nghĩa lý gì”. Trong lịch sử Việt Nam, Hồ Chí Minh rõ ràng là một trong những nhà lập ngôn xuất sắc nhất.

Khi thu thập tư liệu cho Sách Bên Thắng Cuộc, tôi phỏng vấn rất nhiều nhân chứng và các nhà nghiên cứu về đời tư của Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tôi quyết định không đưa những chuyện thâm cung của ông vào sách. Đành rằng đạo đức quyết định rất nhiều đến thành công của một nhà chính trị, tôi vẫn cho rằng, đánh giá một nhà lãnh đạo là phải dựa trên những quyết sách dẫn dắt quốc gia. Đừng quan tâm Hồ Chí Minh có con, có người phụ nữ nào hay không mà hãy quan tâm đến di sản mà ngày nay chúng ta đang gánh.
Từ cách tiếp cận đó, tuy tôi vẫn tìm hiểu cách đối xử của Hồ Chí Minh với những người ruột thịt như bà Thanh và ông Cả Khiêm; cách ứng xử của Hồ Chí Minh với những người thầy của ông như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Hải Thần… Nhưng, chủ yếu tôi tìm hiểu cách ông đã ứng xử sau khi nắm quyền (chứ không phải là giai đoạn tuyên truyền để giành chính quyền) với dân, với nhà nước pháp quyền, với Hiến pháp 1946, với mô hình chính trị mà ông lựa chọn.
Năm 2004, khi tôi gặp hai người trợ lý thân cận của Lê Duẩn, ông Đống Ngạc và ông Đậu Ngọc Xuân, phỏng vấn vì sao Lê Duẩn lại nôn nóng “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” như vậy. Cả hai ông đều cho rằng, sao lại trách anh Ba vì đó là “con đường của Bác”.
Nhiều thế hệ Việt Nam đã yêu mến Hồ Chí Minh, các bạn cứ tiếp tục yêu mến Hồ Chí Minh, đừng “shock” khi đọc thấy “những người đàn bà của Bác”. Các bạn chỉ nên so sánh di sản của Hồ Chí Minh (là những gì mà Việt Nam đang có ngày nay) với chính chuẩn mực của ông: “Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng nghĩa lý gì”.
Huy Đức

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

PHAN KHÔI VÀ TRI ÂM



Sau vụ Nhân văn-Giai phẩm (1956) nhà báo Phan Khôi bị “quần chúng văn nghệ”, lớn có nhỏ có, theo lệnh của Trường Chinh, Hoàng Văn Hoan và Tố Hữu… đánh tơi bời. Phan Khôi lúc đó tuổi đã lớn (sinh năm 1887), uy tín trong làng văn, làng báo khá cao nên muốn xóa bỏ ảnh hưởng ông trong lãnh vực văn học, cần có những cây bút nổi tiếng đồng thời với ông như Thế Lữ và Nguyễn Công Hoan. Những kẻ công kích ông dùng đủ thủ đoạn, nhắm gán ông là đồ đệ Hồ Thích (ngày ấy bị coi là nhà văn Quốc dân đảng phản động), kể cả vu cáo Phan Khôi là chỉ điểm cho thực dân Pháp (như nhà báo lão thành Phùng Bảo Thạch đã làm). Bôi nhọ Phan Khôi và nhóm Nhân văn còn có những trí thức như Hoàng Xuân Nhị (1914-1990) đã vênh mặt khi nghe học trò ca tụng:
Vùng lên đánh dẹp “Nhân văn”
Một đêm tỉnh dậy ông thành vĩ nhân.
Văn thì xa, Bác ở gần
Cuối đời ông lại tần mần dịch thơ.
Bị đả kích tơi tả, về cuối đời, Phan Khôi cô đơn, sống trong một căn gác hẹp ở Hà nội, bị “cách ly” với thế giới văn mặc, tạ thế “không một tiếng vang” vào năm 1959, và được chôn cất sơ sài ở nghĩa trang Mai động (đến nay ngôi mộ đã biến mất khi nghĩa trang bị giải tỏa thành chợ).
Trước 1945, Phan Khôi được nhiều người yêu thích dù cũng có không ít người ghét. Phan Khôi kiến thức rộng, kiêm thông Âu Á, lại tài hoa nên rất tự kiêu. Ông lại bộc trực, thấy điều trái tai gai mắt trên văn đàn là nổi cuộc bút chiến tìm cho ra điều mà ông cho là lẽ phải. Ông đã từng tranh luận với Trần Huy Liệu về lịch sử và Nguyễn Khoa Văn về duy tâm – duy vật, với Trần Trọng Kim liên quan đến Nho giáo, với Lê Dư và Nguyễn Trọng Thuật về Quốc học và đặc biệt công kích Phạm Quỳnh là học phiệt… Ông cũng được coi là “ngự sử văn đàn” vì dùng ngòi bút bắt bẻ những sai lầm, kể cả sai lầm về chính tả, mà người viết quốc văn phạm phải. Có lẽ vì thế mà có lời đồn đại, rằng khi còn làm báo ở Sài gòn trong những năm cuối thập niên 20 sang đầu thập niên 30, ông thường mang theo một cây gậy bịt bạc khi ra ngoài, mà nhà văn Ngô Tất Tố (hồi ấy cũng vào Nam làm báo) cho rằng họ Phan đã dùng nó để tự vệ nếu có kẻ dám tấn công ông.
Tuy nhiên, trước 1945 Phan Khôi đa tài nên mến kẻ có tài, học rộng nên yêu kẻ uyên bác, nhiệt tình với duy tân nên thích kẻ đổi mới. Do đó, ông cũng được lòng nhiều văn hữu tài danh tiền chiến tâm huyết với tự do và canh tân ngưỡng mộ.
Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại đã viết về ông với lời xưng tụng như sau:
“Phan Khôi là một trong những nhà văn xuất sắc nhất trong phái Nho học. Ở một nhà cựu học như ông, người ta đã thấy nhiều cái rất mới, nhiều cái mà đến nhiều người tân học cũng phải cho là ‘mới quá’. Đó thật là một sự chẳng ngờ.”
Còn nhà thơ Nguyễn Vỹ ở Sài gòn trong hồi ký Văn thi sĩ tiền chiến đã viết về cái chết của Phan Khôi ở Hà nội với những hàng thống thiết như sau: “Có những người lúc chết để lại cho toàn thể xã hội đương thời một luyến tiếc buồn bã, đau thương vô hạn, một cái tang não nuột cho tất cả những con tim, nhất là khi những người ấy còn mang xuống tuyền đài một mối hận chung của cả một thế hệ. Phan Khôi 73 tuổi còn hậm hực chiến đấu trên trường văn trận bút, với một nhóm bạn trẻ tài hoa, can đảm để bênh vực lý tưởng Tự do và Công lý. Than ôi, chết mà không thấy thực hiện được lý tưởng ấy, chết mà còn căm hờn, uất hận, ngậm ngùi, thì cái chết của Phan Khôi thật là một tử tiết, một bài học rất đau đớn cho chúng ta, bởi chúng ta tất cả đều là nạn nhân của một thảm kịch bi đát nhất của thời đại.”
Mối cảm thông giữa người tri kỷ và khách tri âm sâu sắc biết bao phải kể trong cuộc hội kiến ngắn ngủi giữa Phan Khôi và Vũ Hoàng Chương.
Phan Khôi có công xướng xuất thơ mới, Vũ Hoàng Chương đã góp phần tài hoa giúp phong trào thơ mới thành công rực rỡ. Phan Khôi kiêm thông văn hóa Đông Tây, gặp Vũ Hoàng Chương tuy là tân học nhưng uyên thâm Nho học. Cả hai đều thờ phụng lý tưởng tự do và đều bất mãn trong hoàn cảnh tự do bị tước đoạt, con người sống lạc lõng trên chính quê hương của mình. Từ đó nhịp cầu thông cảm giữa hai tâm hồn giàu cảm xúc gắn bó. Vũ Hoàng Chương đã ghi lại cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa ông và một nhà báo nổi danh mà trước đó ông chỉ nghe tiếng và mến phục trong một hồi ký:
“Bước xuống ga Hàng Cỏ, tôi về trụ sở Ban Kịch Đông Phương. Ở đấy, tôi được tin các văn hữu Kinh kỳ đang chào đón một số anh em từ miền Trung miền Nam mới ra. Tôi lấy làm tiếc lắm. Vì buổi họp bắt đầu những từ năm giờ chiều. Vậy mà lúc tôi đặt chân vào vỉa hè Hàng Lọng thì ba mươi sáu phố phường đã nhất tề khai đăng.
Ngồi mạn đàm với họa sĩ Hoàng Tích Chù và nữ kịch sĩ Tuyết Khanh, câu chuyện nghệ thuật chưa đi hết một tuần trà, tôi đã thấy lừng lững hiện lên từ cầu thang gác cái mũi khoằm khoằm rất cá biệt của anh bạn họ Nguyễn. Dáng điệu bí mật, anh trịnh trọng tuyên bố: “Xin lỗi toàn thể Ban Kịch, tôi có chút việc riêng, cần phải mượn tạm Vũ quân đây…”.
Cả bọn phá lên cười: “Bất phương! Bất phương! Cứ mượn dài hạn đi cũng được, ông Tuân ạ!”.
Thế là tôi cùng Nguyễn Tuân vội vã ra đường.
“Này! Ông Phan Khôi muốn gặp anh đó! Mà gặp ngay tức khắc kia! Đi chứ?”.
Rồi không đợi tôi trả lời, anh vẫy luôn một chiếc xe kéo, ra lệnh cho “cọp” lồng thẳng xuống bãi Phúc Xá, nơi “ngự trị” của tác giả bài “Nhớ rừng”.
Quả nhiên ông Phan đang có ý trông đợi! Cái phút nhìn mặt cầm tay đã hào hứng phi thường. Lần thứ nhất tôi cùng Phan Khôi hạnh ngộ.
Chiều hôm sau, thấy tôi ngỏ lời cáo biệt, tiên sinh trầm ngâm nửa khắc, rồi bảo: “Được, hai ta sẽ cùng đi”.
Tôi cười thầm tự nhủ: “Gió đã lên!”. Và, bắt chước kiểu Nguyễn “mượn tạm” tôi ở Ban Kịch Đông Phương, tôi cũng chỉnh lại áo khăn, trịnh trọng xin phép Ban Kịch Thế Lữ cho “mượn tạm” ông Tú Khôi ít bữa.
Một già một trẻ, thẳng đường về bến Vị non Côi (Vũ Hoàng Chương quê gốc ở Thành nam, có nhà khá lớn ở Bến thóc, Nam định)… Và, trong căn gác xép ở bờ sông, dài như cái ống, tối như cái “hũ Xuân Thu”, tôi đã tiếp chuyện Phan tiên sinh hai ngày tròn với hai đêm trắng; toàn chuyện văn chương cả, mà quái thay, dứt không ra nữa thôi!
Nguyên do: Buổi liên hoan tại Hà Nội, kịch sĩ Hoàng Cầm được ban tổ chức đề cử ra ngâm mấy bài thơ gọi là để thắt chặt mối duyên văn nghệ Nam Bắc. Tình cờ trong số bốn bài ấy lại có một bài của tôi. Bài ca sông Dịch đó vậy! Thai nghén từ 1940, nó đã bị Ban Kịch Thế Lữ thúc đẩy bằng “đủ mọi phương tiện” để ra chào đời năm 1943, cốt mượn dùng làm khai từ cho vở kịch Kinh Kha của Vi Huyền Đắc. Rồi chuyến này, chính nó đã khiến ông Phan Khôi “thú” tác giả và nóng lòng muốn gặp mặt ngay…
Ấy là ông bảo thế! Chứ riêng phần tác giả, thì phải hiểu rằng người ta “thú” đây là “thú” cái tinh thần hào hiệp của anh chàng giết hụt Tần bạo chúa ở Hàm Dương kia!
Ồ! Hiểu cách nào thì hiểu! Mặc ý tác giả! Điều ấy bất túc luận. Nhưng can hệ là cái cử chỉ kia đã nói lên những gì về “con người của ông Phan Khôi”?
Thiết tưởng nó đã nói lên đủ lắm!
“Còn chưa đủ ư? Thì đây: suốt hai ngày đêm, trong cái dài dằng dặc và cái tối mò mò của “gác ống”, phố Bờ sông, Phan Khôi đã cao đàm hùng biện, hứng khởi thao thao, giọng sắc bén như chém đinh chặt sắt. Ông căm thù bạo lực, ông phản kháng độc tài, ông lên án mọi hình thức dân chủ giả hiệu. Ông có thừa phong độ cốt cách của một nho sĩ ngang tàng bất khuất, cộng thêm vào cái kiến thức sâu rộng của một tay lịch lãm giang hồ. Lắm lúc ông nói như gào như quát, sang sảng lạnh người.
“Không thể được! Sao lại thế được? Văn nghệ phải là văn nghệ! Thiếu tự do, thà ném bút đi! Cầm lấy một mũi nhọn khác!”.
Phải chăng hào khí Kinh Kha đã nhập vào con người thâm trầm quắc thước này? – Không! Tôi tin rằng lòng phẫn nộ của Phan Khôi có thể bốc lên cao hơn và mãnh liệt hơn cái oán khí cầu vồng trắng xuyên mặt trời của kẻ “một đi” trên bến Dịch.
Con người ấy! Buổi hạnh ngộ ấy! Tôi mà quên được ư? Và năm ấy, tôi còn nhớ là năm 1946! Triều Nguyễn chấm dứt vừa đúng mười ba tháng trời.
Sau đó ít lâu… Khói lửa bùng lên từ Hải Phòng, từ Hà Nội… và lan tràn khắp các thị trấn trung châu. Tôi vâng lệnh huyên đường tạm dời về miền duyên hải. Ngày dài đằng đẵng, hết xuân rồi lại thu… Lòng nhớ bè bạn làng văn càng như thiêu như đốt. Bỗng một hôm, tôi nhận được từ Thái Nguyên gửi về không phải một lá thắm buông theo giòng nước biếc, nhưng một lá thư trao theo kiểu chim xanh…
Ngoài phong bì, chỉ có hai dòng: Vũ Hoàng Chương, Nam Định. Và bên trong vẻn vẹn một bài luật thi với chữ ký: Phan Khôi.
Thật không sao kể xiết được những cảm xúc của tôi phút bây giờ! Cảm xúc đến suýt quên rằng thư này chưa chắc tôi đã là người đầu tiên mở ra đọc. Thư rằng:
Ngừng tim lặng óc bặt giòng tình
Tai mắt như không phải của mình
Thấy dưới ánh trăng muôn khúc nhạc
Nghe trong tiếng ếch một màu xanh
Suối tiên đắm đuối bao cho chán
Khối mộng vờn mơn mãi chẳng thành
Thú ấy từ lâu không có nữa.
Ngủ say thức tỉnh, dậy buồn tênh.
Ôi! Câu phá đề sao nghẹn ngào u uất đến thế? Cả một giòng máu bị thắt nút đang sôi sục phá phách đòi tự do! Rất sẵn sàng vì tự do mà “lưu huyết”. Câu thừa đề mới lại mỉa mai não ruột đến đâu! Tai mắt còn “không phải của mình”, hỏi ngọn bút cầm ở tay có thể nào “của mình” được nữa chứ?
Nghe thấy màu, trông thấy nhạc, tai mắt loạn rồi ư? Mà không “loạn” sao được? “Không phải của mình” kia mà! Đến như “Suối tiên đắm đuối, khối mộng vờn mơn”, niềm khao khát tự do quả đã tuôn tràn đè trĩu khắp trang giấy.
Ồ! Hiển nhiên lắm rồi! Vì đây là hai câu kết:
Thú ấy từ lâu không có nữa…
Ngủ say thức tỉnh, dậy buồn tênh.
“Thú ấy” là thú nào? Nếu không phải cái thú tự do mà con người văn nghệ quyết tranh đấu cho kỳ được, nắm giữ lấy như tính mạng, hơn cả tính mạng có khi!
Thế mà “từ lâu…”. Trời hỡi! Niềm cảm xúc dâng cao. Tôi nằm dưới một túp lều tranh tại phủ lỵ Xuân Trường, ngâm đi ngâm lại bài thơ của Phan tiên sinh, mà cả một tâm sự đột nhiên được cởi tung mở phắt. Một tiếng xướng phải có muôn tiếng họa! Lẽ nào trong muôn tiếng họa ấy lại thiếu tiếng họa của một kẻ từng vui nhận lấy văn chương làm nghiệp dĩ hay sao?
Cho nên tôi đã họa nguyên vần bài luật thi của Phan tiên sinh và đã gửi đi tức khắc. Tính ông Phan nóng như lửa, nếu giữa khoảng tiếng xướng tiếng họa mà im lặng đến hai mươi bốn giờ, ấy là tôi đã đắc tội với bậc vong niên tri kỷ lắm rồi đó!
Bài họa vần như sau:
Trời vô tâm quá, đất vô tình…
Biết gửi vào đâu cái “chính mình”?
Tiếng ếch đã trùm lên tiếng sóng
Màu đen lại ngả xuống màu xanh.
Uổng cho thơ dẫu bày trăm trận
Ngán nhẽ sầu khôn phá một thành.
Tưởng tới nguồn Đào thôi lại tiếc!
Con thuyền đêm ấy nhẹ tênh tênh.
Thơ trao đi, lòng còn thắc mắc. Cho đến mãi giờ phút này!
Không biết hồi đó Phan tiên sinh có tiếp nhận được chăng? Mà từ đấy biệt vô âm tín…”
(Trích Ta đã làm chi đời ta)
- Hoàng Yên Lưu

Chuyện tình cảm động của bà Aung San Suu Kyi

Khi tôi bắt đầu nghiên cứu một kịch bản phim về bà Aung San Suu Kyi bốn năm trước, tôi không bao giờ nghĩ mình lại sẽ khám phá ra 1 câu chuyện tình yêu vĩ đại của thời đại chúng ta. Tuy nhiên, những gì đáng chú ý là một câu chuyện tình rất lãng mạn - nhưng cũng rất đau lòng - giống như một tình sử Hollywood: một cô gái sắc sảo xinh đẹp từ phương Đông gặp một thanh niên đẹp trai và đam mê từ phương Tây.


Đối với Michael Aris đó là 1 mối tình sét đánh, và cuối cùng ông cầu hôn bà Suu Kyi giữa những ngọn núi phủ tuyết trắng của Bhutan, nơi ông đã được mướn làm gia sư cho gia đình hoàng gia của Bhutan. Trong 16 năm sau đó, cô Suu Kyi trở thành người vợ tận tụy của ông và mẹ của hai đứa con trai, cho đến khá tình cờ cô bị bị cuốn vào chính trị trên một chuyến đi ngắn tới Miến Điện, và không bao giờ trở về nhà nữa. Buồn thay, sau 10 năm vận động để cố gắng giữ cho vợ an toàn, ông Michael chết vì ung thư mà không bao giờ được phép nói lời vĩnh biệt.


Tôi cũng hiểu ra rằng lý do không ai biết về câu chuyện này là do Tiến sĩ Michael Aris đã làm tất cả để giữ cho gia đình của ông không bị đưa ra công chúng. Ngày nay con trai của họ đã lớn - và Michael đã chết - bạn bè và gia đình của họ cảm thấy đã đến lúc để nói chuyện một cách cởi mở, và rất hãnh diện, về vai trò quan trọng của ông, mà bấy lâu nay ít ai biết đến.


Là con gái của một anh hùng vĩ đại, tướng Aung San, người đã giải phóng Miến Điện ra khỏi ách thống trị của thực dân Anh và Phát xít Nhật, người đã bị ám sát khi cô chỉ có hai tuổi, Suu đã được mẹ nuôi dạy với một ý thức mạnh mẽ về di sản chưa hoàn thành của cha cô, vì ông đã bị ám sát và thay thế bởi chính quyền độc tài.


Năm 1964, cô đã được mẹ gửi đi học ở nước ngoài để nghiên cứu về Chính trị, Triết học và Kinh tế học tại Oxford, nơi người giám hộ của gia đình, ông Gore-Booth, giới thiệu cô với Michael. Ông Michael là nhà nghiên cứu lịch sử tại Durham nhưng đã luôn luôn có một niềm đam mê cho Bhutan - và ở Suu ông đã tìm thấy sự thể hiện lãng mạn của tình yêu lớn của mình cho Đông Phương. Nhưng khi cô chấp nhận lời cầu hôn của ông, cô đã giao trước: nếu đất nước của cô cần đến cô, cô sẽ phải ra đi. Và Michael sẵn sàng đồng ý.



Trong 16 năm kế tiếp, Suu Kyi đã giấu đi sức mạnh phi thường của bà và trở thành bà nội trợ hoàn hảo. Khi hai cậu con trai, Alexander và Kim, được sinh ra bà đã trở thành một người mẹ rât tỉ mỉ, lưu ý từng bữa tiệc sinh nhật tổ chức thật chu đáo cho con và những bữa ăn hàng ngày nấu rất tinh xảo. Nhiều khi bà làm cho các bạn bè nữ của mình phải phát bực, khi bà khăng khăng đòi ủi vớ cho chồng và tự tay lau dọn mọi thứ trong nhà mình.


Rồi một buổi tối yên tĩnh vào năm 1988, khi con trai của bà lúc đó 12 và 14 t, khi bà và Michael ngồi đọc sách trong nhà tại Oxford, họ đã bị gián đoạn bởi một cuộc gọi điện thoại cho biết mẹ của Suu Kyi đã bị đột quỵ.
Bà ngay lập tức bay đến Rangoon trong 1 chuyến viếng thăm dự định độ 2 tuần, chỉ để thấy một thành phố trong tình trạng hỗn loạn. Một loạt các cuộc đối đầu bạo lực với quân đội đã đưa đất nước Miến Điện đến chỗ bế tắc, và khi bà vào Bệnh viện Rangoon để chăm sóc cho mẹ , bà thấy cả bệnh viện đầy nghẹt các sinh viên bị thương và chết , vì bị bắn khi đi biểu tình. Kể từ khi các cuộc họp công cộng bị cấm, bệnh viện đã trở thành trung tâm điểm của một cuộc cách mạng không có thủ lĩnh, và tin con gái của vị anh hùng dân tộc đã trở về Miến Điện lan tỏa nhanh như 1 trận cháy rừng.


Khi một đoàn đại biểu của các trí thức đến mời bà Suu Kyi đứng ra lãnh đạo phong trào dân chủ, bà đã đồng ý, nghĩ rằng một khi một cuộc bầu cử được tổ chức, bà sẽ được tự do để quay trở lại Oxford. Chỉ hai tháng trước đó bà là một bà nội trợ tận tụy, bây giờ lại dẫn đầu một cuộc nổi dậy của quần chúng chống lại một chế độ man rợ.


Ở Anh, Michael lo lắng vô cùng vì chỉ có thể theo dõi các tin tức của bà khi bà đi khắp nơi vận động cho dân chủ tại Miến Điện, tiếng tăm của bà tăng vọt, trong khi quân đội quấy rối bà từng bước đi và nhiều thành viên trong nhóm của bà bị bắt và bị tra tấn. Ông bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi rằng bà có thể bị ám sát giống như cha của mình. Và khi năm 1989 bà bị quản thúc tại nhà, an ủi duy nhất của ông là nó ít nhất có thể giúp giữ cho vợ mình an toàn tánh mạng.


Michael bây giờ đáp lại tất cả những năm Suu đã dành cho ông với một lòng vị tha đáng quý của người chồng, bắt tay vào một chiến dịch cao cấp để thiết lập bà như là một biểu tượng quốc tế để quân đội Miến không dám hãm hại. Tuy nhiên, ông đã cẩn thận để giữ cho công việc của mình kín đáo, bởi vì một khi bà nổi lên như là lãnh đạo của một phong trào dân chủ mới, quân đội sẽ lợi dụng việc bà đã kết hôn với người nước ngoài làm cơ sở cho một loạt các bài viết, thông tin đánh phá - và thường mang tính tình dục thô tục - để xuyên tạc bà trên báo chí Miến Điện.


Trong năm năm tới, khi 2 con trai của bà đã lớn thành những người thanh niên trẻ, bà Suu Kyi vẫn còn bị quản thúc tại nhà và lưu giữ trong sự cô lập. Bà duy trì tinh thần bản thân bằng cách học ngồi thiền, đọc rộng rãi về Phật giáo và nghiên cứu các tác phẩm của Mandela và Gandhi. Michael đã được cho phép chỉ có hai lần trong thời gian đó được thăm vợ. Tuy nhiên, đây là một loại tù đặc biệt, vì bất cứ lúc nào Suu có thể yêu cầu được đưa tới sân bay và bay về với gia đình, miễn là bà chịu từ bỏ đấu tranh .


Nhưng cả hai đều không bao giờ dự tính làm một điều như vậy. Trong thực tế, là một nhà sử học, dù ông Michael đau đớn vì nhớ vợ và tiếp tục gây sức ép chính trị đằng sau hậu trường, ông đã biết bà là một phần của lịch sử đang hình thành của Miến Điên. Ông giữ trên màn hình điện thoại di động của mình cuốn sách vợ đã đọc khi bà nhận được cuộc điện thoại của gia đình gọi về Miến Điện. Ông trang trí các bức tường trong nhà với các giải thưởng bà đã được trao về nhân quyền, trong đó có giải Nobel Hòa bình năm 1991. Và trên đầu giường của mình, ông treo một bức ảnh lớn của vợ.
Trong nhiều khoảng thời gian dài khi không có thông tin liên lạc gì, ông lo sợ Suu có thể đã chết, và chỉ khi nghe được báo cáo từ người dân đi ngang qua nhà bà còn nghe thấy tiếng đàn piano do bà chơi vẳng ra mới khiến ông yên tâm. Tuy nhiên, khi độ ẩm của Đông Nam Á cuối cùng cũng phá hủy cây đàn piano, thì thậm chí bảo đảm mong manh này cũng đã bị mất đi.


 
Suu & Kim, con trai của bà
Sau đó, vào năm 1995, Michael khá bất ngờ nhận được một cú điện thoại từ Suu. Bà đã được tin nhắn từ Đại sứ quán Anh. Bà đã được cho phép gặp người thân! Michael và các con đã được cấp thị thực và đã bay tới Miến Điện. Khi Suu thấy Kim, con trai của bà, bà đã rất ngạc nhiên khi thấy cậu đã trở thành một người đàn ông trẻ tuổi. Bà thừa nhận bà có thể không nhận ra con trên đường phố. Nhưng Suu đã trở thành một người phụ nữ hoàn toàn thay đổi , bà đã là chính trị gia có tầm cỡ, những năm tháng bị giam trong cô lập đã hun đúc cho bà một quyết tâm sắt đá, và bà đã quyết định ở lại đất nước của mình để đấu tranh, ngay cả khi cái giá phải trả là phải vĩnh viễn xa chồng con.


Nhà báo Fergal Keane, người đã gặp Suu nhiều lần, mô tả bà là người có một tâm hồn thép. Ông cho biết chính sự can trường thầm lặng này của bà đã khiến ông phải nể phục khi ông tìm hiểu về bà để viết kịch bản cho bộ phim The Lady. Câu hỏi đầu tiên nhiều phụ nữ hỏi khi họ nghe câu chuyện của Suu là làm thế nào bà có thể chấp nhận rời xa những đứa con của mình. Ông đã nói đơn giản: " Bà ấy đã làm những gì bà phải làm." Bà Suu Kyi thường tránh nói về vấn đề này, mặc dù bà thừa nhận rằng những giờ phút đen tối nhất của bà là khi bà nghĩ " Các con tôi có thể đang cần tôi ".


Đó là năm 1995, là lần cuối cùng Michael và Suu được phép gặp nhau. Ba năm sau, ông được biết ông bị ung thư giai đoạn cuối. Ông gọi cho vợ để báo tin xấu và ngay lập tức xin visa đi Miến Điện để ông có thể nói lời từ biệt với bà. Khi đơn xin của ông bị từ chối, ông đã liên tục xin thêm 30 lần nữa, trong khi sức khỏe ông xuống dốc nhanh chóng. Một số nhân vật nổi tiếng - trong đó có Đức Giáo Hoàng và Tổng thống Clinton - đã viết thư khiếu nại với chính quyền độc tài Miến, nhưng tất cả đều vô ích. Cuối cùng, một quan chức quân sự đến để gặp Suu. Họ cho phép bà đi gặp chồng nhưng với điều kiện bà phải từ bỏ đấu tranh và trở về sống ở Anh Quốc . 


Sự lựa chọn âm thầm ám ảnh bà suốt 10 năm xa cách chồng con bây giờ đã trở thành một tối hậu thư rõ ràng: bà phải chọn giữa gia đình và tổ quốc. Bà đã rất đau lòng. Nếu bà rời khỏi Miến Điện, cả hai đều biết điều đó có nghĩa là lưu vong lâu dài - là tất cả những gì họ đã cùng nhau chiến đấu vì dân chủ tự do cho Miến Điện sẽ tiêu tan. Suu gọi cho Michael từ Đại sứ quán Anh hỏi ý kiến ông, và ông kiên quyết nói với bà đừng bao giờ nghĩ đến việc đó, ông nói bà cứ yên tâm đấu tranh cho quê hương. 


Khi tôi gặp người em sinh đôi của Michael, ông Anthony, ông nói với tôi một điều ông chưa bao giờ nói với bất cứ ai trước đây. Ông nói rằng khi bà Suu Kyi nhận ra rằng bà sẽ không bao giờ nhìn thấy Michael một lần nữa, bà đã mặc chiếc váy màu ông thích nhất, gắn một bông hồng trên mái tóc của mình, và đã đi đến Đại sứ quán Anh, ghi lại một đoạn video nói lời chia tay với chồng, trong đó bà nói với ông rằng tình yêu ông dành cho bà là điểm tựa duy nhất trong bao nhiêu năm qua của bà. Đoạn video đó được chuyển lậu ra khỏi Miến Điện, nhưng khi đến được Anh Quốc thì ông Michael đã qua đời 2 ngày trước đó . Ông không được nhìn thấy mặt bà cũng không nghe được những lời cuối cùng của bà, sau hơn 10 năm xa cách . 


Trong nhiều năm sau đó, khi hồ sơ nhân quyền của Miến Điện ngày càng xấu đi, dường như sự hy sinh của gia đình Aris có thể là vô ích. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây chính quyền quân đội độc tài cuối cùng đã công bố đồng ý thay đổi chính trị. Và 22 năm đấu tranh không ngừng nghỉ của bà Suu Kyi đã tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi này - khi nó thực sự xảy ra - cũng như Mandela đã thành công đấu tranh cho Nam Phi.


Giống như họ luôn vẫn tin, giấc mơ dân chủ của bà Suu Kyi và ông Micheal vẫn có thể trở thành hiện thực.






Rebecca Frayn
Ngoc Nhi Nguyen dịch

Bụng phẳng, eo thon nhờ ăn uống đúng cách!



Bạn cho rằng nhịn ăn sáng có thể giúp mình giảm cân? Việc bỏ bữa không hề có hiệu quả trong việc giúp bạn có được vòng eo thon gọn. Hãy tham khảo lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng sau đây để có chế độ ăn tốt nhất để có chiếc bụng phẳng, eo thon như mong muốn!








1. Đừng bỏ bữa sáng


Một trong những sai lầm lớn nhất là việc giảm ăn bằng cách bỏ bữa sáng. Những người bỏ bữa sáng có thể cảm thấy đói, càng đói càng muốn ăn vặt nhiều hoặc ăn nhiều hơn vào các bữa ăn kế tiếp. Kết quả là eo không thể thon được. Bạn hãy thưởng cho cơ thể một bữa ăn sáng thật ngon lành với bánh mì, trứng, các món bún cùng với nước trái cây, sữa nóng để đảm bảo năng lượng cho một ngày làm việc hiệu quả.


2. Ăn trái cây, uống nước trái cây càng nhiều càng tốt






Ăn nhiều trái cây giúp cơ thể cảm thấy tươi trẻ, sảng khoái




Muốn no, hãy ăn trái cây tươi, uống nước ép, sinh tố thơm ngon để bổ sung tất cả các thành phần cần thiết cho cơ thể. Bạn được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng mà vẫn có thể giảm cân và có được vòng 2 gợi cảm.



Một ly sinh tố bơ, nước chanh tươi, hay nước ép dâu tây sẽ giúp bạn thanh lọc cơ thể, đẩy các độc tố cho cơ thể bạn thật sảng khoái. Hãy bao gồm thật nhiều loại nước trái cây này trong các bữa ăn hằng ngày để eo thon nha.






Ảnh minh họa



3. Ăn rau - đậu thay thịt - cá


Đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu đũa, đậu côve và rất nhiều loại rau họ đậu đều rất ngon và là loại thức ăn hoàn hảo giúp bạn đốt cháy calo. Ăn nhiều rau, đậu, để tránh táo bón, giúp tiêu hóa tốt.


4. Bạn vẫn có thể ăn ngọt bình thường





Cứ thưởng thức những thức ăn ngọt với một lượng vừa phải


Bạn thường nghĩ là, hạn chế ăn đường mới có thể giảm cân. Nhưng thực ra, ăn cách đó khiến cơ thể bạn mất cân bằng. Bạn không cần phải kiêng đường với suy nghĩ tiêu cực như vậy. Hãy tìm hiểu thêm về những loại đồ ăn có đường tốt cho sức khỏe và lựa chọn đồ ăn nhẹ lành mạnh. Theo chuyên gia dinh dưỡng, nếu bạn muốn có thể ăn sô-cô-la đen. Đây là một trong những loại đồ ăn rất tốt cho cơ thể bạn.



5. Ăn cay có thể giúp bụng thon gọn


Một chút gia vị cay cay sẽ giúp trao đổi chất trong cơ thể bạn diễn ra nhanh hơn. Mẹo này không dễ thực hiện vì không phải ai cũng ăn cay được. Tuy nhiên, các món ăn có nhiều gia vị như tiêu, ớt sẽ giúp kích thích sự trao đổi chất. Cố gắng tập ăn tất cả các loại gia vị sẽ giúp bạn khắc phục tình trạng béo bụng và cho cơ thể bạn một thân hình hấp dẫn.



Thói quen sai lầm sau khi ăn.



Những thói quen như dùng hoa quả, uống trà, đi lại sau bữa ăn đều không hề tốt như nhiều người vẫn nghĩ.

1. Hút thuốc sau bữa ăn





Các chuyên gia đã nhận định việc hút thuốc ngay sau bữa ăn sẽ gây tác hại như bạn đã hút 10 điếu thuốc. Hệ thống tiêu hóa đang hoạt động hiệu suất cao sẽ khiến nicotine liên kết với oxy trong máu, gây tác động xấu.

2. Uống trà sau bữa ăn





Đây là một thói quen không tốt, dù rất nhiều người đang duy trì thói quen này hàng ngày. Caffeine trong trà là thành phần chính liên kết với sắt, làm chậm quá trình tiêu hóa, gây tiến triển xấu cho những người bị bệnh thiếu máu. Người mắc chứng thiếu máu không nên uống trà ít nhất một giờ sau khi ăn.


3. Tráng miệng bằng hoa quả





Thức ăn lưu lại trong dạ dày 1-2 tiếng, việc ăn thêm hoa quả sau bữa ăn sẽ khiến dạ dày phải hoạt động vất vả, thức ăn trở nên khó tiêu hóa, hình thành chướng bụng, đầy hơi.

Trong trái cây còn có các loại đường đơn kết hợp với axit trong dạ dày tạo ra axit tactaric, axit citric làm cho dạ dày đầy hơi. Một số loại hoa quả khác như cam, quýt, nho, lê, hồng... lại có chất plavon, chất này ở đường ruột bị vi khuẩn phân giải thành axit tioxianic gây ức chế công năng của tuyến giáp trạng, sẽ tạo ra tình trạng bệnh lý của tuyến này.


4. Tắm sau bữa ăn





Các bà mẹ thường giữ những người thân không vận động quá mạnh như chạy nhảy hay bơi lội sau khi ăn xong, điều này hoàn toàn có lý. Tuy nhiên, không chỉ bơi lội mà việc tắm sau khi ăn cũng là điều không nên. Sau khi ăn, lượng máu cần đi vào bao tử để việc tiêu hóa diễn ra hiệu quả nhưng việc tiếp xúc với nước hoặc sự thay đổi đổi ngột nhiệt độ từ việc tắm khiến lưu lượng máu lưu thông khắp cơ thể mà không tập trung vào bộ máy tiêu hóa.


5. Tập bụng sau khi ăn





Tập các động tác liên quan tới bụng ngay sau khi ăn có thể dẫn tới rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tập bụng ngay sau khi ăn cũng không hề có hiệu quả trong việc giảm số đo mà còn khiến cân nặng tăng thêm.



6. Hoạt động thể chất sau khi ăn





Trong khi nhiều người nghĩ rằng những hoạt động thể chất sau một bữa ăn là tốt việc giữ gìn sắc vóc (vận động cho tiêu cơm) nhưng sự thật lại không phải như vậy. Hoạt động thể chất sẽ ngăn ngặn hệ thống tiêu hóa làm việc, khiến bạn chậm hấp thu chất dinh dưỡng từ bữa ăn. Lượng máu dồn vào cơ bắp khiến máu phân chia tới bộ máy tiêu hóa giảm, ảnh hưởng đến chức năng tiết dịch và hấp thu. Bạn chỉ nên đi bộ thật chậm và nhẹ nhàng sau khi ăn, chứ không phải một hoạt động thể chất đòi hỏi nhiều sức lực nào khác.


7. Ngủ sau khi ăn





Khi chúng ta ngủ, tất cả các chức năng của cơ thể cũng một phần rơi vào trạng thái "ngủ" cũng bộ não. Vì vậy, việc ngủ sau khi ăn có thể khiến hệ thống tiêu hóa diễn ra quá chậm chạp. Ngoài ra, tư thế nằm cũng được chứng minh là không tốt cho tiêu hóa và dịch vị. Thói quen ngủ sau khi ăn còn có thể dẫn tới các vấn đề về dạ dày.












K.H (Depplus/MASK)




Kiều Chinh, mặn mòi nhan sắc Việt tại Hollywood


Được biết đến ngay từ vai diễn đầu tiên trong phim “Hồi chuông Thiên Mụ”, diễn viên điện ảnh Kiều Chinh trở thành một trong những cái tên được săn đón nhất tại Sài Gòn trước 1975. Bà cũng là một trong số ít diễn viên Việt Nam tham gia phim truyền hình và điện ảnh Mỹ.

Theo chồng mới biết cuộc chơi!


Kiều Chinh sinh năm 1937, là con út trong một gia đình có 3 người con, mẹ mất sớm... Cô bé Nguyễn Thị Chinh được gia đình người bạn của bố đưa vào di cư tại miền Nam.


16 tuổi, Chinh đã lập gia đình. Hai năm sau, đúng vào lúc nhan sắc rực rỡ nhất của “gái một con” bà được nhóm làm phim của ông Bùi Diễm và đạo diễn Lê Dân phát hiện trong một buổi tiệc và đưa bước vào điện ảnh qua phim “Hồi chuông Thiên Mụ” với nghệ danh Kiều Chinh. Vai diễn tạo được ấn tượng với công chúng.






Kiều Chinh có vẻ đẹp thánh thiện


Sau lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh, Kiều Chinh tiếp tục gặt hái được thành công với nhiều bộ phim: “Mưa rừng”, “Ngàn năm mây bay”, “Người tình không chân dung”, “Chờ sáng”, “Chiếc bóng bên đường”...


Với một gương mặt thánh thiện, thần thái sang trọng, quý phái hiếm có cùng cách nhập vai bình dị, sâu sắc và vốn tiếng Anh lưu loát, Kiều Chinh có lợi thế hơn các bạn diễn khi các đoàn phim nước ngoài cần diễn viên bản xứ. 




Thần thái quý phái hiếm có


Năm 1968, Kiều Chinh đóng phim “Chuyện năm Dần” (Year Of The Tiger) do Mỹ sản xuất với nam tài tử nổi tiếng Marshall Thompson cùng một số diễn viên khác như: Hoàng Vĩnh Lộc, Nguyễn Long, Năm Châu, Kiều Hạnh…




Sánh đôi cùng và Alan Alda trên màn ảnh


Năm 1971, vượt qua nhiều người đẹp điện ảnh của Ấn Độ, Kiều Chinh đã giành được vai vai công chúa Kamar Souria trong bộ phim “Inside Out”. Bạn diễn chính với Kiều Chinh là hai nam diễn viên nổi tiếng thời bấy giờ: Rod Perry (Mỹ) và Dev Anand (Ấn Độ). Vai diễn này đã từng được bàn tán như một hiện tượng giải trí tại Ấn Độ lúc bấy giờ vì người vào vai công chúa không phải là diễn viên bản xứ.




Kiều Chinh xuất hiện trên bìa báo nước ngoài


Vinh quang đã đưa Kiều Chinh đi đến nhiều LHP thế giới như: Tây Đức, Ấn Độ, Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…Năm 1973 Kiều Chinh đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất của Đại hội điện ảnh Á Châu tại Đài Bắc.




Nữ minh tinh chụp với người hâm mộ tại sân bay


Ngoài tài năng diễn xuất, Kiều Chinh còn là nhà sản xuất phim rất năng động. Giao Chỉ phim là hãng phim riêng do Kiều Chinh thành lập trước năm 1975 tại Sài Gòn đã sản xuất nhiều phim được đầu tư kinh phí cao và đoạt nhiều giải thưởng.


Bản lĩnh nơi xứ người


Sau năm 1975, Kiều Chinh cùng gia đình chuyển sang sinh sống tại Canada. Từ một diễn viên với danh tiếng nổi như cồn, bà phải làm đủ các nghề cơ cực ở xứ người với số tiền công ít ỏi để nuôi gia đình. 


Năm 38 tuổi, bà được bảo lãnh qua Mỹ. Đó cũng là thời điểm Kiều Chinh quyết định quay trở lại với điện ảnh dù phải bắt đầu từ con số 0 và Hollywood vốn là mảnh đất cực kỳ khắc nghiệt đối với những diễn viên, đặc biệt là những diễn viên gốc Á.





Ngoài 70 tuổi, Kiều Chinh vẫn đẹp


Bắt đầu từ nhưng vai diễn nhỏ với dăm ba lời thoại, hai năm sau Kiều Chinh đã nhận được các vai chính trong các bộ phim truyền hình và có cơ hội diễn xuất cùng những tài tử của Hollywood.


Tính tới thời điểm hiện tại, Kiều Chinh đã có mặt trong 100 bộ phim và chương trình truyền hình của Mỹ. Trong đó có những bộ phim nổi tiếng như "The Letter" (1986), "Welcome Home (1989), "Vietnam-Texas" (1989), "What Cooking" (2000), "Face" (2001)... Với vai diễn trong phim "Joy Luck Club", bà lọt vào danh sách 50 diễn viên làm khán giả khóc nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh.




Giai nhân một thuở


Ngoài điện ảnh, tài năng của Kiều Chinh còn được ghi nhận ở nhiều lĩnh vực khác. Bà được mời làm diễn giả chuyên nghiệp cho The Greater Talent Network, Inc - một tổ chức chuyên cung cấp những diễn giả nhà nghề cho các trường đại học và các tổ chức văn hoá trên toàn nước Mỹ.




Kiều Chinh và đạo diễn Cường Ngô


Năm 1995, sau hơn 20 ở xứ người, Kiều Chinh đã trở về Việt Nam lần đầu tiên. Năm 2012, Kiều Chinh xuất hiện trong bộ phim "Ngọc Viễn Đông" của đạo diễn Việt kiều Cường Ngô. Bà đã lột tả thành công sự giằng xé, cô đơn của một nghệ sỹ sân khấu chìm vào im lặng và lãng quên khi ánh hào quang lùi xa.




Người mẹ trong phim "Ngọc Viễn Đông"


Ban đầu, bộ phim này được Cường Ngô thực hiện với mục đích vinh danh cuộc đời và sự nghiệp của Kiều Chinh. Tuy nhiên, với mong muốn "hướng sự vinh danh tới toàn bộ các nữ nghệ sĩ đã một đời say mê nghệ thuật", bà đã đề nghị vị đạo diễn này điều chỉnh lại nội dung của phim.


Cho đến bây giờ, Kiều Chinh vẫn được nhắc đến như một trong những tuyệt sắc giai nhân của điện ảnh Việt Nam. Không như nhiều giai nhân xưa sau thời vàng son đã lựa chọn đời sống ẩn dật, Kiều Chinh vẫn rất năng động, đam mê với nghề nghiệp, cuộc sống. Có lẽ đây là một trong những bí quyết khiến bà giữ gìn được nét trẻ trung và diện mạo xứng với danh hiệu “Giai nhân Sài Gòn một thuở”.




Theo Thùy Phương