Tổng thống Pháp François Hollande và Valerie Trierweiler, tại điện Elysée ngày 01/10/ 2013 - REUTERS /Philippe Wojazer
|
Người Mỹ khi nhắc đến "mối tình tay ba" lại dùng một chữ rất ư là Pháp: ménage à trois. Điều đó phải chăng hàm ý là đàn ông Pháp nổi tiếng là ga lăng và đào hoa đến mức mà họ thường hay có những mối tình "vụng trộm". Dù gì đi nữa, chính trường Pháp dấy lên nhiều tranh luận về ranh giới giữa chuyện công – chuyện tư của các cặp "vợ chồng" tổng thống.
Đây không phải là lần đầu tiên nước Pháp đối mặt với những vụ tai tiếng tình ái trên thượng tầng lãnh đạo. Lịch sử cho thấy cũng có ít nhất một đời tổng thống đã bị “mất mạng” vì chuyện lăng nhăng ái tình. Nhưng vụ việc lần này cho thấy là nguyên tắc cấm xâm phạm “đời tư” đã bị phá vỡ. Sự phát triển như vũ bão thần tốc của công nghệ thông tin từ Internet, điện thoại thông minh cho đến các mạng xã hội đã thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình sụp đổ chiếc rào cản công – tư được duy trì từ hàng chục năm nay.
Những tin đồn không được xác minh
Yvonne de Gaulle chỉ xuất hiện trong các buổi tiếp tân. Trong ảnh, Charles và Yvonne De Gaulle tiếp đón Norodom Sihanouk và phu nhân Jacqueline tại điện Elysée 24/06/1964. AFP
|
Hình ảnh của tướng De Gaulle lúc bấy giờ luôn gắn chặt với hình bóng của “Tante Yvonne”, cách gọi trìu mến mà người dân Pháp thời ấy đặt cho vị Đệ nhất phụ nhân đầu tiên của nền Đệ ngũ. Một cách trực tiếp hay gián tiếp, lãnh vực chính trị-truyền thông bị đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước. Trong suốt mười năm điều hành đất nước (1958-1968), sự tồn tại của “Tante Yvonne” chỉ gói trọn trong những buổi tiếp tân hay các chuyến công du cấp nhà nước.
Ranh giới giữa đời sống riêng tư-công chúng trong nhiều thập niên trở thành điều cấm kỵ, một rào cản không thể nào vượt qua được. Nhưng trên thực tế, vách ngăn đó đã xuất hiện những vết rạn nứt đầu tiên từ lâu. Georges và Claude Pompidou là những người đầu tiên hé mở cánh cổng khép kín cuộc sống của cặp vợ chồng tổng thống. Phong cách hiện đại, thích giao thiệp và đam mê nghệ thuật, cuộc sống riêng tư của Georges và Claude Pompidou được phơi bày trên báo chí như trên màn ảnh nhỏ. Đối với Georges Pompidou, “bình dân hóa” đời sống chính trị cũng là một cách đánh dấu sự khác biệt về lối thức thể hiện vai trò tổng thống so với người tiền nhiệm là tướng De Gaulle.
Ảnh bìa Paris Match : Georges và Claude Pompidou, cặp vợ chồng tổng thống đầu tiên phơi bày cuộc sống riêng tư tại điện Elysée (DR)
|
Trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện trong sổ tay danh bạ của nạn nhân tên của nhiều quan chức cao cấp nhà nước và các nhân vật tiếng tăm, tham gia vào các buổi dạ tiệc và những cuộc truy hoan do Markovic tổ chức. Tin đồn đãi lúc bấy giờ cho rằng trong số các nhân vật được liệt kê có tên của phu nhân thủ tướng Claude Pompidou.
Dù vậy lời đồn đãi đó chỉ được giới báo chí thời ấy đề cập đến “một cách dè chừng” và nhanh chóng rơi vào quên lãng do quyết định thoái nhiệm đột ngột của tướng De Gaulle. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, vụ việc này được tung ra là nhằm hạ uy tín của Thủ tướng Georges Pompidou, do ông có ý định ra tranh cử tổng thống thế tướng Charles De Gaulle. Vụ việc cũng để lại tác động sâu nặng đến Georges Pompidou và làm rạn nứt mối thâm giao giữa ông với tướng Charles De Gaulle. Cảm thấy đời sống riêng tư một lần nữa bị đe dọa bởi sự hiếu kỳ của giới báo chí, nên ngay sau khi nhậm chức, G. Pompidou đã cho thông qua một đạo luật rất nghiêm ngặt, qui định việc bảo vệ đời sống riêng tư.
Những cuộc hẹn thâu đêm và những viên kim cương của Bokassa
Ảnh chụp 28/04/1980 Tổng thống Valery Giscard d'Estaing và Ngoại trưởng Jean François-Poncet. AFP /G. BENDRIHEM
|
Dường như vào thời điểm đó, giữa giới báo chí và giới chính khách hình thành một thỏa thuận ngầm là không tiết lộ bất cứ điều gì. Đó là chuyện giữa chúng ta với nhau mà thôi. Và đôi khi ‘chúng ta cùng hội cùng thuyền’, theo như nhận định của báo Liberation (số ra Thứ bảy 18 và Chủ nhật 19/0102014). Đến mức mà, vào thời đó, giới báo chí không có lấy khái niệm điều tra chuyện đời tư của tổng thống.
Những cuộc hò hẹn lén lút, thâu đêm của tổng thống Valéry Giscard d’Estaing được giữ kín rất lâu, bất chấp những lời đồn đãi trên các trang báo quốc tế. Theo tiết lộ của tuần báo trào phúng Le Canard Enchainé năm 1974, trong vụ tai nạn một chiếc xe hiệu Ferrari đâm vào một chiếc xe tải nhỏ chở sữa, người ngồi sau tay lái lúc đó là Giscard và trong vòng tay ông là một nữ diễn viên nổi tiếng. Hay như tờ Ici Paris, vào năm 1975, đã dám đăng tít lớn ‘Giscard chỉ nghĩ đến đàn bà”, được lấy lại từ các báo Anh ngữ.
Thế nhưng, sự việc cũng không gây ầm ĩ, cũng không tạo ra cái gọi là “bão táp truyền thông” như những đời tổng thống sau này. Chỉ đến vài năm sau đó, công chúng Pháp mới thật sự biết rõ tính “mê gái” của vị tổng thống duy nhất thuộc cánh trung của nền Đệ ngũ. Nhưng các tiết lộ đó cũng không nêu lên được nhiều chi tiết gì ngoại trừ một sách tóm lược đề tựa ‘Tình dục-Chính trị” do hai tác giả Christophe Deloire et Christophe Dubois đồng biên soạn.
Hoàng đế Trung Phi bị phế truất Jean Bedel Bokassa. Wikipedia
|
Vấn đề là khi Le Canard Echainé tiết lộ sự việc, Bokassa đã bị phế truất dưới sự hỗ trợ của quân đội Pháp cách đó một tháng. Cho rằng mình bị phản bội, Bokassa đã cung cấp các thông tin về những món quà có trị giá mà ông ta đã trao tặng cho Valery Giscard d’Estaing lúc mà “tình bạn” giữa hai người vẫn còn “nồng ấm”. Không những thế, Bokassa còn lên tiếng cáo buộc là VGE còn “chung chạ” với vợ của mình. Tuy sự việc cũng được dập tắt, nhưng VGE đã trả một cái giá khá đắt. Uy tín bị bôi nhọ, ông đã bị thất cử trong kỳ bầu cử tổng thống năm 1981, mở đường cho vị tổng thống đầu tiên thuộc đảng Xã hội lên cầm quyền.
Đứa con ngoài giá thú bí mật
Cố tổng thống François Mitterand và cô con gái ngoài hôn nhân Mazarine. Reuters
|
Cũng như người tiền nhiệm, François Mitterand duy trì cùng lúc nhiều mối quan hệ với các nữ ký giả và nhiều nhân vật tiếng tăm. Nếu như nhiều lời đồn không thể kiểm chứng được, thì một số khác đã được phơi bày rõ trước công chúng như thái độ đùa cợt của François Mitterand với nữ danh ca quá cố Dalida hay với nữ ký giả Thụy Điển Christina Forsne (Báo Le Point số ra ngày 12/01/2014).
Nhưng có lẽ vụ Mazarine, đứa con riêng ngoài giá thú của Francois Mitterand với Anne Pingeot, giám đốc Bảo tàng Orsay mới là gây ầm ĩ nhất. Sự kiện cho thấy giới báo chí bắt đầu phá dỡ “điều cấm kỵ”. Năm 1994, tờ Paris Match cho công bố các ảnh chụp François Mitterand với cô con gái ngoài hôn nhân là Mazarine, làm bùng lên một cuộc tranh cãi dữ dội giữa các tờ báo. Theo nhận định của tờ Le Huffington Post (số ra ngày 10/01/2014), trước làn sóng tự do hóa trong những năm 1980, lượng báo bán ra sụt giảm đáng kể. Đứng trước tình hình đó, giới báo chí chứng tỏ họ sẵn sàng đi xa hơn nữa trong việc không tuân thủ chuyện đời tư các chính khách.
Jacques Chirac: "5 phút kể cả đi tắm"
Cựu tổng thống Jacques Chirac lúc còn trẻ. INA
|
Chính vì điều này mà Jacques Chirac thu hút sự chú ý của giới báo chí. Những cuộc phiêu lưu tình ái của vị cựu tổng thống trong suốt 30 năm được giữ kín, mặc dù đôi khi chúng đe dọa đến sự nghiệp chính trị của ông. Cho đến khi trở thành tổng thống, sự nổi danh của Jacques Chirac trong lĩnh vực này không còn gì để mà bàn.
Tờ Le Point trích dẫn tâm sự của cựu Đệ nhất phu nhân Bernadette, trong một buổi nói chuyện với nhà báo Patrick de Carolis : “Có điều gì đó. Chồng tôi không phải là một người đàn ông tầm thường (…). Ông ấy thật sự là một con người rất thành đạt. Một gã điển trai và biết tán tỉnh, rất vui tính. Vậy thì gái lớ à, ôi thôi hằng hà vô số… (Nhưng) ông ấy bao giờ cũng quay đầu về tổ”. Các cuộc phiêu lưu tình ái của ông nhiều đến mức mà những người thân cận đã đặt cho Jacques Chirac biệt hiệu “5 phút kể cả đi tắm”.
Cựu tổng thống Jacques Chirac nổi tiếng là người đàn ông "lịch lãm". Reuters
|
Nói đến đây cũng thấy rõ là bắt đầu có sự thông thoáng khi bàn đến “chuyện đời tư”. Nếu như lúc trước, khi bàn tán công khai chuyện này có thể bị xem là nghiêm trọng, thì đến giai đoạn này người dân có thể đàm tiếu rộng rãi. Giới báo chí cũng chẳng phải đợi đến hết nhiệm kỳ tổng thống như đối với Francois Mitterand.
Tin đồn Jacques Chirac có một đứa con ngoài giá thú tại Nhật Bản, dù rằng chưa bao giờ được minh chứng, đã được tờ tuần san L’Express tường thuật chi tiết trong một bài viết đăng vào năm 2005. Duy chỉ có một điều cấm kỵ vẫn được duy trì : danh tính của những cuộc chinh phục của tổng thống cộng hòa vẫn phải được bảo mật.
Sarkozy, một minh tinh màn bạc?
Carla Bruni và Nicolas Sarkozy đi nghỉ tại Ai Cập. Ảnh chụp ngày 30/12/2007. AFP
|
Một khi trở thành tổng thống (2007), giới báo chí tường thuật một cách háo hức việc bà Cecilia từ chối bỏ phiếu vòng hai bầu cử tổng thống, sự vắng mặt của bà trong đêm tiệc mừng thắng cử tại Fouquet’s, nhà hàng sang trọng bậc nhất của Paris và để rồi vài tháng sau đó là tin hai vợ chồng chính thức ly hôn. Tiếp đến là chuyện hẹn hò giữa Sarkozy và cựu người mẫu Carla Bruni : từ bức ảnh chụp tại Disneyland cho đến kỳ nghỉ tại Jordani. Đỉnh điểm của chuyện tình dài tập đó cuối cùng phải dừng lại ở buổi họp báo vào tháng Giêng năm 2008. Khi đó cựu tổng thống Sarkozy buộc phải thốt lên : “Với Carla, đó là chuyện nghiêm túc”.
Kể từ giờ ranh giới chuyện công-chuyện tư không còn hiện hữu. Cuộc sống riêng tư của Sarkozy hầu như không tồn tại nữa, bởi vì hầu như mọi thứ đã được phơi bày trước công chúng. Vào thời điểm đó, ông còn biện giải sự việc dưới cái gọi là “minh bạch” và tính hiện đại dân chủ. Đến mức không ít tờ báo hay nhiều diễn viên hài không ngần ngại gọi ông là tổng thống “bling-bling”.
Sarkozy chủ trương dàn xếp các vụ rò rỉ hơn là phải chịu đựng cảnh hình ảnh bị đánh cắp. Thích người khác chấp nhận chuyện tình cảm của ông hơn là cứ phải đi giải thích. Nicolas Sarkozy nghĩ rằng người dân Pháp đã đủ chín chắn về chuyện này. Hậu quả là ông đã mở rộng đường cho đối thủ đảng Xã hội bước vào điện Elysée và trở lại cách điều hành như cũ. Nghĩa là đời tư phải ở đúng chỗ của nó. Chỉ có điều lần này, ông François Hollande đã nhầm lẫn giữa việc đội mũ bảo hiểm để bảo vệ tính mạng với việc bảo vệ đời tư. Một nhầm lẫn tai hại và không thể nào tin được.
Chỉ vì không có Viagra
Felix Faure (1841-1899), tổng thống thứ sáu dưới nền Đệ tam Cộng hòa Pháp, nhiệm kỳ 1895-1899. Wikipedia
|
Nhưng thôi, chắc quý vị cũng không thích đàm luận chính trị. Không biết có ai hay rằng ở Pháp từng có một vị tổng thống bị “tử nạn” khi yêu chưa ? Chuyện tưởng đùa mà thật. Câu chuyện liên quan đến Felix Faure, vị tổng thống thứ sáu thuộc nền Đệ tam Cộng hòa, xảy ra vào những năm cuối cùng của thế kỷ XIX. Người ta nói rằng Felix Faure nổi tiếng do cái chết nhiều hơn là những gì ông làm được khi còn sống.
Felix Faure, sinh ngày 30/01/1841 tại Paris và mất ngày 16/02/1899 cũng tại Paris. Nói chính xác ra là qua đời ngay tại điện Elysee. Năm 1897, tại Chamonix, Felix Faure gặp gỡ Marguerite Steinheil, hay còn gọi là “Meg”, vợ của họa sĩ Adolphe Steinheil. Vào thời điểm đó, vị họa sĩ này được giao trọng trách vẽ một bức họa quan trọng. Từ chỗ đó, Felix Faure hay có mặt tại biệt thự của cặp vợ chồng họa sĩ tại số 6, ngõ Ronsin tại Paris. Vốn là một phụ nữ có tính trăng hoa, Marguerite Steinheil nhanh chóng trở thành tình nhân của Felix Faure và thường xuyên đến gặp ông tại “phòng xanh lơ” của điện Elysée.
Marguerite Steinheil năm 1909. Georges Scott/Wikicommons
|
Tin tức tổng thống qua đời trong vòng tay người tình nhanh chóng lan truyền khắp Paris. Một số tờ báo lúc bấy giờ như tờ Journal du Peuple số ra ngày 18/02 khẳng định tổng thống qua đời vì “chiều giai nhân quá sức”. Số khác thì cho rằng ông chết vì bị đầu độc, tức ám chỉ đến vụ án gián điệp Dreyfus. Tin đồn đãi còn cho rằng nhằm tránh tai tiếng, Marguerite Steinheil buộc phải thoát ra bằng cầu thang công sự. Bà ấy thoát nhanh đến mức quên cả chiếc corset và ông chánh văn phòng lưu giữ lại làm kỷ niệm.
Lời đồn dân gian còn cho rằng nghệ thuật ‘làm tình’ quá điêu luyện của Marguerite Steinheil đã tạo ra một cơn cực khoái chết người. Qua vụ việc này, người dân đã gán cho Marguerite một biệt hiệu “Pompe funèbre” (một cách chơi chữ kết hợp hai từ : pomper trong tiếng lóng có nghĩa là "khẩu dục" (quan hệ bằng miệng), còn pompe funèbre có nghĩa là nhà đòn). Vậy mà với một biệt danh đáng sợ đó, Marguerite Steinheil còn nổi danh hơn, thu hút được nhiều tình nhân mới trong đó có cả Quốc vương Campuchia.
Tranh minh họa cảnh tổng thống Felix Faure đột quỵ sau khi gặp "tình nhân" trên tờ Le Petit Journal.
Còn theo lời thuật của những người cộng sự cho Felix Faure, trước khi gặp Marguerite, để chứng tỏ với giai nhân mình vẫn còn “sung sức”, rất có khả năng Felix Faure đã uống một liều thuốc kích dục quá mạnh, vốn có thể gây ra những tác dụng phụ chết người. Đáng trách là sao mà thuốc Viagra ra đời quá trễ ! Câu chuyện ly kỳ hấp dẫn này từng được đạo diễn Jean Pierre Sinapi dựng thành phim và công chiếu vào năm 2009. Thực tế đôi khi còn ly kỳ hơn phim ảnh !
Tác giả bài viết: Minh Anh
Nguồn tin: www.viet.rfi.fr
Nguồn tin: www.viet.rfi.fr
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét