Translate

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

CHUYỆN NHƯ ĐÙA Ở VIỆT NAM

Nguyên nhân nào phát sinh những chuyện lạ ở VN

Văn Quang – Viết từ Sài Gòn

Trong tuần này, tôi đọc những bản tin thời sự trên nhiều trang báo từ trong nước đến ngoài nước, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, tôi lại đặc biệt chú ý đến một câu chuyện thuộc loại nhỏ xíu của một anh nông dân rất “thượng tôn pháp luật” nên đã “làm đơn xin đánh lộn.” Câu chuyện có thật 100% này được nhiều tờ báo chính thống của nhà nước đăng tải. Tôi cho là chuyện hay nhất trong năm và hiếm có nhất trên thế giới. Đánh nhau, giết nhau có anh nào xin phép bao giờ đâu. Nhờ bạn đọc tìm giùm xem trên thế giới đã bao giờ xảy ra chuyện này chưa? Nếu có, xin bạn vui lòng gửi e mail về tòa soạn hoặc trang web mà bạn đang đọc, chuyển cho tôi và trong kỳ sau tôi xin phép bổ sung vào bài này.
Lá đơn xin đánh lộn này không chỉ là câu chuyện tưởng như “khôi hài đen” mà thật ra nó còn tiềm ẩn những nguyên nhân sâu xa khác, nếu bạn ở VN lâu năm bạn sẽ dễ dàng thông cảm cho anh nông dân này, chúng ta sẽ tìm hiểu trong phần sau. Mời bạn cùng đọc lá đơn “kỳ cục” này.

                                  Vợ chồng Tưởng - Huyền lãnh án vì hiếp dâm em gái.
Làm đơn xin... đánh lộn
Anh Hồ Văn Vệ (31 tuổi, ngụ xã Mỹ Quý Tây, H. Đức Huệ, Long An làm nghề chạy xe ôm) cho biết đã gửi đơn đến công an xã từ ngày 4/10 và được một công an viên tiếp nhận.
Theo anh Vệ, vì quá phẫn nộ việc bị một nhóm người đánh tơi tả phải đưa vào bệnh viện cấp cứu, tiêu tốn chi phí điều trị hàng chục triệu đồng, anh đã gửi đơn lên xã, huyện đề nghị giải quyết, nhưng hơn sáu tháng qua chưa thấy cơ quan chức năng “xử lý.”
Trong đơn, anh Vệ viết, “Đến nay nửa năm đã qua, nhưng không ai giải quyết dù tôi có gửi đơn lên xã và huyện. Chỗ nào cũng im re hết. Quá bực mình nên tôi làm đơn này xin phép đánh lại mấy người kia bởi vì đợi hoài pháp luật không giải quyết.” Anh Vệ cũng khẳng định, nếu vụ việc không được cơ quan pháp luật giải quyết, anh sẽ tự giải quyết theo cách riêng của mình.
Bị đánh vì đứng ở đầu xe
Theo trình bày của anh Vệ, khoảng 10 giờ đêm ngày 5/3, anh thấy chiếc xe hơi Biển số S 61L-3376 chạy gần khu vực cửa khẩu Mỹ Quý Tây (H. Đức Huệ). Trên xe có đông người nên anh vẫy tay, sau đó dừng xe máy trước đầu ô tô hỏi xem có ai muốn qua cửa khẩu sang Campuchia. Bất ngờ, chủ xe là ông Trần Văn Hai cùng ông Bùi Văn An (ngụ xã Mỹ Quý Tây) lao xuống đánh anh tới tấp. Cha dượng của ông Hai là ông Lê Văn Nguyên (68 tuổi) ở trong nhà cũng chạy ra cầm cây sắt đánh đến lúc anh Vệ ngã quỵ. Anh Phạm Hồng Hà và Nguyễn Minh Tấn (cùng ngụ xã Mỹ Quý Tây) thấy vậy chạy tới can ngăn và anh Tấn đã bị ông An đánh trúng vào đầu. Sau đó, anh Vệ được giải thoát đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Theo hồ sơ tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Sài Gòn, anh Vệ bị chấn thương đầu, tụ máu vùng chẩm, chảy máu tai trái, tụ dịch xoang hàm trái. Anh Vệ cho biết đã phải vay mượn gần 24 triệu đồng để trả chi phí điều trị.

                                                Châu và Tâm tại tòa phúc thẩm


Trong khi đó, những người đánh anh Vệ vẫn ung dung vì họ cho rằng anh chặn đầu xe nên có quyền đánh. Ông Hai biện minh, “Nó cản đầu xe tôi, tôi kêu nó tránh ra nó còn thách đố nên tôi đập nó.” Ông An thì nói, “Tôi chụp được khúc cây tròn, đánh nó bằng cây.” Hai nhân chứng Phạm Hồng Hà và Nguyễn Minh Tấn cho biết, “Ngoài ông Hai và ông An, ông Nguyên còn cầm cây sắt nện vào đầu anh Vệ. Chúng tôi sẵn sàng làm chứng nhưng không thấy công an hỏi han gì.”
Việc anh Vệ làm đơn tố cáo mình bị đánh, trưởng công an xã đã tiếp nhận và chuyển toàn bộ hồ sơ lên huyện. Hiện Công an H. Đức Huệ đang xác minh, xử lý. Nhưng bao giờ “xử lý” thì không ai được biết, vì thế sự việc có “qua sông đắm đò” cũng chỉ là chuyện bình thường như bao nhiêu vụ khác thôi. Đó cũng là thứ bệnh “đá banh qua lại giữa các cơ quan công quyền.” Dân cứ dài cổ chờ và đợi, cần phải có tí dầu “bôi trơn” thì bánh xe mới khật khừng chuyển động.

                              Vụ mang quan tài diễu phố ở Vĩnh Phúc hồi tháng 3- 2013.
Không thành công thì cũng thành nhân (Nguyễn Thái Học)
Thưa bạn, điều đó làm thành một tâm sự ẩn ức, phẫn nộ của những người dân kêu gào hoài, làm đơn từ hoài ngày ấy sang tháng khác mà không có cơ quan nào chịu đứng ra giải quyết (hay ở VN còn gọi là xử lý) những oan ức, bất công giáng xuống đầu mình. Trong trường hợp đó rất nhiều người đã phải ngậm đắng nuốt cay, chỉ còn biết khóc, “ngậm một mối căm hờn trong cũi sắt” cho hết cuộc đời, cùng lắm là chui đầu vào cái lu nước chửi toáng lên cho hả tức giận. Song cũng đã có những người hết chịu nổi nên đành phải “tự xử” như kiểu bà võ sư ở Bình Định tức quá bèn lấy cái quần đen chụp lên đầu ông chánh án. Đó chính là hội chứng tự xử. Anh ăn tiền của tôi mà không làm được việc thì tôi xử anh bởi không ai xử cho tôi thì tôi tự xử. Anh đánh con tôi thì tôi đánh lại con anh.
Nhưng anh nông dân này lại tôn trọng pháp luật và làm cái việc buồn cười là làm đơn xin đánh lộn. Như thế là anh ta cũng biết tôn trọng pháp luật và phải nói thẳng là anh ta thừa hiểu rằng là đơn của anh ta sẽ chẳng ai dám giải quyết cho anh ta “được phép đánh lộn” kể cả chủ tịch nước. Nhưng anh ta vẫn làm, tại sao vậy? Có lẽ đây là một cách không phải là “dỡn mặt với chính quyền” mà là “bôi nhọ chính quyền.” Anh làm cho… sướng hay cho vơi bớt phẫn nộ kìm nén lâu ngày.

                                                  Đơn xin đánh lộn của anh Vệ


Người ta đứng lên chống bạo quyền cũng vì thế. Cho nên cái hội chứng tự xử đang có chiều hướng lan rộng dưới hình thức này hay hình thức khác. Từ việc cả làng hè nhau đánh chết anh trộm chó chứ không đợi cơ quan an ninh nào can thiệp vì họ mất nhiều quá rồi, chẳng ai thèm quan tâm tới, rồi đến chuyện mới nhất là thi hành án chẫm trễ vì lý do khó hiểu khiến người dân mang đồ dùng đến cơ quan “bắt vạ.”
Mang bát hương đến trụ sở hành chính, khiêng quan tài đi diễu phố vì nạn nhân bị người nhà quan chức đánh chết chứ không phải vì ngạt nước, đặt quan tài giữa đường, khi sản phụ bị chết không rõ nguyên nhân kéo nhau đập phá bệnh viện… là những sự việc diễn ra thời gian gần đây. Không thể kể hết những “chuyện nho nhỏ” này mà chính là chuyện rất lớn nằm trong tầm mức niềm tin và cuôc sống của người dân.

                            Bà Hoa mang đồ dùng cá nhân đến cơ quan thi hành án để “bắt vạ.”

Người dân không còn tin vào sự công minh liêm chính nữa, không còn tin vào luật lệ nào cả, họ tự đúng lên giải quyết số phận của mình, dù biết rằng thua cũng làm, như nhà ái quốc Nguyễn Thái Học đã nói “Không thành công thì cũng thành nhân.” Đó chính là cái “nhân” làm nên những sự thay đổi của toàn xã hội.
Bạn dang (Cà Mau) viết: Ông Vệ làm đơn xin đánh lộn là sai rồi, phải làm đơn xin đánh "trúng" mới đúng, mà đánh 'trúng" mấy ông ở xã Mỹ Quý và huyện Đức Huệ do làm việc quan liêu...
Bạn Võ Tuấn (Saigon) viết: Do đó thần Công lý mới bịt mắt tay cầm cái cân đó bạn. Bức tượng này ở mấy tòa án lớn đều có cả.
Dân đen (Điện Biên) viết: Căn bản là anh Vệ chạy xe ôm còn người hành hung là người đi xe ô tô cơ mà.
Thêm một chuyện lạ nữa, chết chín năm vẫn được cấp giấy khám sức khỏe
Bực mình với việc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cấp bừa giấy khám sức khỏe cho những người cần làm hồ sơ xin việc, đi học, đi làm, thi giấy phép lái xe… nên ông Mai Quý Khiêm, nguyên Phó Chủ tịch huyện Quảng Trạch, đã vạch mặt cách làm bừa (hay đúng hơn là cách ăn tiền) này.
Theo ông Khiêm, người có nhu cầu chỉ cần đưa giấy chứng minh nhân dân và 175.000 đồng, ngồi chờ gần một giờ là sẽ có giấy khám sức khỏe hoàn chỉnh mà không hề khám. Để chứng minh, ngày 28-3-2014, ông Khiêm đã mượn chứng minh nhân dân của anh Nguyên Đức Dương (anh này đã chết từ năm 2006), đưa lên trung tâm này nhờ khám sức khỏe để thi lái xe. Sau khi ông ngồi chờ một lát thì nhận được giấy chứng nhận sức khỏe.
Như thế không cần phải khám bệnh nhưng người cần làm thủ tục nhập học, đi làm, thi bằng lái ôtô, xe máy, kể luôn cả những cô gái, chàng trai mắc bệnh Aids đều dễ dàng mua giấy khám sức khỏe của Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) với đầy đủ chữ ký của các bác sĩ. Có cả phần phân tích bệnh rất mạnh khỏe đủ mọi điều kiện làm bất cứ việc gì. Mối nguy của xã hội chính là ở đó. Biết tin vào cái gì bây giờ?
Chứng cớ rành rành Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) hết đường chối cãi. Nếu các quan chịu khó đi “vi hành” chắc chắn trong một ngày thôi sẽ bắt được vài chục vụ. Cứ hỏi dân ai cũng biết, quý quan thử giả làm dân đến sở thuế hoặc giả làm “Việt kiều” đến phi trường Tân Sơn Nhất, tôi cam đoan quý ngài sẽ bắt được tận tay day tận mặt những anh tham nhũng “thường xuyên và liên tục.” Nhưng dường như đến nay những nơi đó vẫn “bình yên vô sự.” Thế nên hành khách thế giới “hoảng hồn” vì sân bay Tân Sơn Nhất là quá đúng, chẳng sai tí nào. Được “vinh dự” bầu chọn là một trong số sân bay tệ nhất thế giới.
Điều đáng nói ở đây là đã có bao nhiêu quan đầu huyện, đầu tỉnh làm việc này? Thật ra quý vị cũng vui lòng thông cảm cho các quan vì nếu cứ làm việc này thôi, các quan cũng không đủ thì giờ làm việc mà mỗi huyện mỗi tỉnh cần phải có hàng trăm ông phụ tá may ra mới quan xuyến bởi vì tham nhũng bây giờ nhiều quá, không phải là một con sâu mà đến cả bầy sâu, một rừng sâu. Tuy vậy nếu làm chừng vài chục vụ thôi quý quan sẽ hiểu tại sao thắng dân nó lại làm đơn xin đánh lộn, nó có “khùng” không?
Đó là chuyện lạ trong lãnh vực đời sống thường nhật. Bước sang lãnh vực “tình cảm,” còn có vài chuyện lạ xảy ra trong cái xã hội đạo đức xói mòn này.

                                      Ông Dương chết chín năm vẫn được cấp giấy khám sức khỏe.
Ba người phụ nữ vào tù vì mang tội hiếp dâm
Trước hết tôi phải xin lỗi độc giả vì phải tường thuật ba điều bốn chuyện có vẻ tục tĩu này nhưng cái thế bắt buộc vì chuyện thật của xã hội bây giờ là như thế. Tôi không thể làm khác được.
Theo báo Pháp Luật: Thông thường, “yêu râu xanh” trong các vụ án hiếp dâm thường là đàn ông, nhưng cũng có nhiều trường hợp bị cáo lại là ... phụ nữ.
Theo Điều 20 Bộ luật hình sự “Đồng phạm là trường hợp 2 người trở lên cố ý cùng thực hiện hành vi phạm tội. Người tổ chức, người trực tiếp phạm tội, người xúi giục hay giúp sức đều là đồng phạm.” Vì thế, trong nhiều vụ án, các bị cáo nữ tuy không trực tiếp hiếp dâm các bé gái nhưng đã có hành vi giúp sức, xúi giục “yêu râu xanh” phạm tội nên vẫn bị xử lý về tội hiếp dâm.
1/ Vào tù vì xúi 2 đứa bé hàng xóm "yêu" nhau
Trương Thị Mỹ Châu (23 tuổi) nhà ở cùng ấp với Nguyễn Minh Tâm (17 tuổi) và cháu Lê Thị Hằng (14 tuổi) tại xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Tâm và Hằng có tình cảm với nhau từ năm 2011 và thường sang nhà Châu chơi. Châu biết hai đứa trẻ yêu nhau nhưng không ngăn cản mà còn ra sức vun vén cho mối tình này.
Trưa 24/9/2013, Hằng nhắn tin cho Tâm rủ sang nhà Châu chơi. Khoảng 13h cùng ngày, Tâm đến nhà chị trước xin thuốc tránh thai và nhờ đưa cho Hằng uống vì “con gái dễ nói chuyện hơn.”
Một lúc sau, khi Hằng đến thì Châu lấy thuốc tránh thai đưa cho cô bé uống. Sau đó, cả 3 người vào giường trong buồng ngủ nhà Châu nằm chơi.
Trong phòng được một cái mền nên Hằng ra ngoài lấy thêm. Lợi dụng lúc này, Châu liền “xúi” Tâm quan hệ với Hằng nếu không cô bé sẽ chia tay. Một lúc sau, khi Hằng mang mền vào thì Châu lấy điện thoại nằm quay mặt vào tường nhắn tin, mặc cho 2 đứa trẻ con làm “chuyện người lớn” sau lưng.
Khoảng 21h ngày 1/5/2013, Tâm và Hằng gặp nhau tại chợ xã Phú Hiệp và tiếp tục kéo nhau về nhà Châu “hành sự.” Một thời gian sau sự việc bị phát giác, cả Tâm và Châu đều bị công an bắt giữ về hành vi Hiếp dâm trẻ em. Sau đó, Tòa án tỉnh Đồng Tháp đã xử phạt Châu 9 năm tù, còn Tâm lãnh 8 năm tù.
2 - Vợ giữ em gái cho chồng hiếp dâm
Phạm Thị Huyền (18 tuổi, ở tại huyện Gò Dầu, Tây Ninh) vốn ham chơi và nghỉ học từ sớm. Huyền từng có tình cảm với nhiều người đàn ông và lỡ mất “đời con gái,” sau đó cô kết hôn với Đặng Lý Tưởng (24 tuổi, ở cùng địa phương).
Sau đêm tân hôn, Tưởng phát hiện ra cô vợ mới cưới không còn trinh trắng nên thường xuyên kiếm chuyện gây sự, mắng chửi. Cảm thấy mình có lỗi nên Huyền nghĩ ra cách đền bù cho chồng bằng... trinh tiết của đứa em gái mới 8 tuổi của mình là Phạm Thị Hạnh.
Trong những lần về nhà mẹ chồng chơi, Huyền thường chở Hạnh đi theo để thực hiện âm mưu của mình nhưng chưa tìm được cơ hội.
Đầu tháng 7/2013, Huyền tiếp tục chở em mình đến nhà mẹ chồng. Đến chiều, khi vợ chồng Huyền đang “mây mưa” trong phòng thì Hạnh đi vào bắt gặp. Huyền liền kéo em gái lên giường giữ chặt để Tưởng hiếp dâm cô bé.
Sau đó Huyền còn khống chế em gái cho chồng hiếp dâm 2 lần nữa. Với hành vi này, Tưởng bị tòa án tỉnh Tây Ninh phạt 14 năm tù, còn Huyền lãnh 7 năm tù về tội Hiếp dâm trẻ em.
3 - Giúp chồng giở trò đồi bại với bé gái hàng xóm
Chiều 11/9/2009, sau chầu nhậu say cùng bạn bè, Nguyễn Văn Tài (52 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) về nhà ở phường Cái Khế. Thấy vợ là Nguyễn Hồng Quyên (39 tuổi) đang nấu ăn trong bếp, ông ta liền bế vợ vào phòng ngủ “tâm sự.”
Trong lúc 2 vợ chồng đang “hành sự” thì bị cậu con trai cùng bé gái hàng xóm là cháu Tâm (lúc đó mới 8 tuổi) đứng ngoài cửa sổ bắt gặp. Thay vì dừng “chuyện người lớn” trước mặt 2 đứa trẻ, Tài lại nảy sinh ý đồ bệnh hoạn là giao cấu với bé gái.
Tài liền đuổi cậu bé ra ngoài và kéo cháu Tâm vào phòng khống chế hiếp dâm. Thấy vậy, Quyên không những không can ngăn mà còn dọa nạt Tâm, bắt bé gái phải “chiều” chồng mình.
Chưa dừng lại ở đó, chiều 3/10/2009, Tài còn dụ cháu Tâm qua nhà để tiếp tục giao cấu nhưng không thành do nạn nhân chạy được. Sau đó, Tâm về nhà kể lại chuyện cho mẹ nghe và gia đình làm đơn tố cáo lên công an. Với hành vi này, Tài bị xử phạt 15 năm và Quyên 7 năm tù cùng về tội Hiếp dâm trẻ em.
Bạn đã thấy hình ảnh ghê tởm của những người phụ nữ là nông dân thuần túy làm bại hoại thuần phong mỹ tục của truyền thống ngàn đời của ông cha ta xưa chưa? Rồi xã hội này sẽ còn băng hoại tới đâu nữa? Tiếng còi báo động về sự đổ nát của luân thường đạo lý đang vang lên, nó báo hiệu điều gì?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét