Phóng
viên Stephen Fottrell của BBC Sport nhìn lại những bất ngờ và thất vọng
lớn nhất sau khi toàn bộ 32 đội đã thi đấu ít nhất một trận.
Năm bất ngờ lớn
Costa Rica
Đội bóng Trung Mỹ rơi vào bảng tử thần, với Anh, Ý, và Uruguay, đội đứng thứ tư ở Nam Phi bốn năm trước.
Nhưng Costa Rica đã cất cánh ngay từ trận khai mạc bằng màn trình diễn quả cảm trước Uruguay, đánh bại đội bóng này 3-1 sau khi bị dẫn trước một bàn. Họ dẫn đầu bảng D sau vòng một.
Chiến thắng ấn tượng đó được truyền cảm hứng bởi tiền đạo Arsenal Joel Campbell, người chưa ra mắt cho ‘Khẩu thần công’ dù đã ký hợp đồng từ năm 2011.
Nhiều bàn thắng được ghi
Chỉ mất có 11 phút để bàn thắng đầu tiên được ghi tại World Cup lần này, bằng pha phản lưới nhà của hậu vệ Marcelo. Kể từ đó bàn thắng đến liên tiếp, với 15 bàn được ghi chỉ trong bốn trận đầu tiên.
Đến hết lượt trận đầu, giải đấu có trung bình hơn 3 bàn/trận, cao nhất kể từ năm 1958. Cơn mưa bàn thắng này đến sau World Cup buồn tẻ ở Nam Phi, với tỷ lệ bàn thắng thấp nhất kể từ khi giải đấu chuyển sang thể thức 64 trận.
Pha cứu bóng của thủ môn Mexico
Thủ môn Mexico đã cứu nguy nhiều pha tấn công nguy hiểm của Brazil.
Brazil đã phải chấp nhận trận hòa không bàn thắng trước Mexico, khi tất cả cơ hội của họ bị cản phá bởi thủ môn Guillermo Ochoa.
Thủ thành Mexico, người đang thất nghiệp sau khi hết hạn hợp đồng với đội bóng Pháp Ajaccio, đã có hàng loạt các pha cản phá ấn tượng, bao gồm cú đánh đầu của Neymar.
Dân mạng Twitter ở Brazil đã so sánh pha cản phá đó với tình huống của thủ môn tuyển Anh Gordon Banks, người có pha bay người cứu bóng sau cú đánh đầu của Pele tại World Cup năm 1970.
Bình xịt đá phạt
Cổ động viên trên toàn thế giới có lẽ đã nhìn màn hình và tự hỏi ‘sao mình không nghĩ ra nhỉ?’, khi thấy trọng tài dùng bình xịt để đánh dấu vị trí và kẻ vạch hàng rào đá phạt trực tiếp.
Loại bình xịt này đã được dùng ở Nam Mỹ vài năm, nhưng lần đầu sử dụng tại World Cup. Vạch kẻ sẽ biến mất sau một phút và được người hâm mộ hoan nghênh.
Nhưng có một người tỏ vẻ không thích thú lắm. Hậu vệ Hà Lan Bruno Martins Indi phàn nàn rằng chất xịt keo đã dính vào giày của anh.
Raheen Sterling
Cổ động viên của giải Ngoại hạng Anh có lẽ đã quen thuộc với cầu thủ cánh tài năng mới 19 tuổi của Liverpool, nhưng việc anh được xếp đá chính ở tuyển Anh khiến nhiều người bất ngờ.
Cầu thủ trẻ sinh ra tại Jamaica này đã có màn trình diễn ấn tượng ở World Cup trong trận thua của đội Anh trước tuyển Ý. ‘Sterling’ là một trong ba từ khóa được tìm nhiều nhất ở Anh trong trận đấu đó.
Năm thất vọng
HLV Tây Ban Nha bị cú sốc trong trận đầu gặp Hà Lan.
Màn trình diễn của Tây Ban Nha
Đương kim vô địch World Cup bước vào giải đấu sau 6 năm thống trị bóng đá thế giới, đoạt 2 cúp vô địch châu Âu năm 2008 và 2012, đồng thời vô địch World Cup 2010.
Tất cả dường như đi đúng kế hoạch khi họ đối đầu với Hà Lan trong trận mở màn. Nhưng đám đông ở Salvador không thể tưởng tượng nổi điều gì diễn ra tiếp theo, khi Hà Lan báo thù thất bại trong trận chung kết 4 năm về trước bằng chiến thắng hủy diệt nhà vô địch.
Robin van Persie và Arjen Robben lập cú đúp để hạ nhục Tây Ban Nha với tỷ số 5-1, trận thua đậm nhất của các nhà đương kim vô địch World Cup trong trận khai mạc.
Trọng tài
Màn trình diễn của một số trọng tài tại Brazil đã bị chỉ trích ngay từ trận đầu tiên, đặc biệt là sau quyết định cho đội chủ nhà được hưởng phạt đền sau một tình huống gây tranh cãi.
Hậu vệ Croatia Dejan Lovren bị cho là đã phạm lỗi với tiền đạo Fred của Brazil trong vòng cấm địa, và trọng tài người Nhật Yuichi Nishimurra đã chỉ vào chấm phạt đền, dù pha quay lại cho thấy không có nhiều va chạm giữa hai cầu thủ.
Trọng tài Nishimura bị chỉ trích bắt lỗi phạt penalty trong trận Brazil gặp Croatia.
Quyết định trên đã khiến HLV Croatia Niko Kovac tuyên bố rằng đội của ông “nên bỏ cuộc và về nước luôn”, trong khi Lovren nói ông Nishimura không nên cầm còi tại World Cup.
Một tình huống gây tranh cãi khác là khi trọng tài Italia Nicola Rizzoli cho Tây Ban Nha được hưởng một quà phạt đền, khi pha quay lại cho thấy Diego Costa dẫm lên chân của hậu vệ Hà Lan Vrij. Chiến thắng 5-1 của Hà Lan có lẽ khiến quyết định trên trở nên không còn quan trọng lắm.
Lần đầu áp dụng Công nghệ Xác định bàn thắng
Công nghệ xác định bàn thắng rất được đón chờ này trở thành tâm điểm chú ý sau khi được áp dụng lần đầu ở trận Pháp gặp Honduras.
Pha quay lại chiếu hình vẽ ‘không có bàn thắng’ ở lần đầu tiên, nhưng cho thấy quả bóng lăn qua vạch vôi ở lần thứ hai sau khi đập vào tay của thủ thành Noel Valladares bên phía Honduras.
Lần đầu tiên công nghệ xác định bàn thắng được dùng ở World Cup.
Bởi đây là lần sử dụng đầu tiên nên Fifa phải theo dõi đoạn băng quay lại khá kỹ, khiến hai HLV Didier Deschamps của Pháp và Luis Suarez của Honduras, cùng với đám đông trên sân Porto Alegre băn khoăn một lúc lâu vì không biết điều gì đang diễn ra.
Trận hòa tẻ nhạt giữa Nigeria và Iran
Vòng một World Cup đã diễn ra rất hấp dẫn với nhiều bàn thắng và không có một trận hòa nào, cho đến khi Iran chạm trán Nigeria ở Curitiba.
Nigeria thống trị về kiểm soát bóng nhưng tạo ra rất ít cơ hội ghi bàn, khiến cựu thủ quân của ‘Đại bàng xanh’ Jay-Jay Okocha chỉ trích chiến thuật của HLV Keshi. Tuy vậy, trận hòa lại được phía Iran ăn mừng.
Nỗi buồn của chú bé mascot
Có rất nhiều kỳ vọng vào Lionel Messi khi Argentina đối đầu với Bosnia-Hercegovina, và anh đã không khiến khán giả thất vọng bằng bàn thắng quyết định trận đấu.
Tuy vậy, Messi đã không để ý đến bàn tay đưa ra của một cậu bé mascot (đứa trẻ đi ra sân chào khán giả cùng đội bóng), làm cho cậu rất thất vọng. Clip được tung lên các trang mạng xã hội, khiến Messi, vốn cho rằng mình không nhìn thấy cậu bé, phải đi tìm và xin lỗi.
Tác giả bài viết: Stephen Fottrell (BBC Sports)
Nguồn tin: BBCVietnamese
Nguồn tin: BBCVietnamese
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét