Translate

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

NGƯỜI MỸ TÌM HÀI CỐT NHƯ THẾ NÀO?

 NGƯỜI MỸ TÌM HÀI CỐT NHƯ THẾ NÀO?


Họ có cả một đội quân hùng hậu được cử đi các nước để tìm kiếm binh lính mất tích trong chiến tranh. Các mẫu vật được tìm thấy phải trải qua quá trình nghiên cứu, phân tích, điều tra, phục hồi, xác định sau đó mới được gửi về cho gia đình theo đúng nghi lễ quân nhân.


Lực lượng Liên hợp tìm kiếm tù binh chiến tranh/ Binh lính mất tích trong khi chiến đấu (gọi tắt là JPAC) là một cơ quan của Bộ quốc phòng Hoa Kỳ có trách nhiệm tìm kiếm tất cả những người Mỹ mất tích trong các cuộc xung đột trước đây của đất nước (Thế chiến II, Chiến tranh Triều Tiên, Chiến tranh Việt Nam và Chiến tranh vùng vịnh lần đầu).

                       Việc tìm kiếm được thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp

JPAC có khoảng 500 quân nhân thuộc Bộ binh, Thủy binh, Không quân, Hải quân và các nhân viên dân sự của Bộ Hải quân. Hàng năm, các nhóm của JPAC đi khắp thế giới để tìm kiếm và đào bới những địa điểm được cho là có hài cốt của người Mỹ mất tích. Các địa điểm đó thường là nơi chôn cất hoặc nơi máy bay rơi.

Có 3 phân đội của JPAC thường trực ở nước ngoài đề hỗ trợ lệnh và kiểm soát hậu cần đồng thời hỗ trợ quá trình điều tra, phục hồi mẫu vật trong nước. Một đội nằm ở Bangkok, Thái Lan; một đội tại Hà Nội, Việt Nam và đội thứ ba nằm tại Viêng Chăn, Lào. Các sĩ quan sẽ liên lạc về cơ quan chỉ huy được đặt cố định tại Seoul, Hàn Quốc và Stuttagrt, Đức.

Phòng thí nghiệm của JPAC được gọi là phòng thí nghiệm nhận dạng trung ương (CIL), là phòng thí nghiệm nhân chủng học pháp y lớn nhất thế giới. Các nhân viên JPAC cùng với các chuyên gia nước ngoài và người Mỹ sẽ tiến hành nghiên cứu, điều tra để xác định hài cốt của người Mỹ mất tích từ Thế chiến thứ II, chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam và chiến tranh lạnh. Nhà nước sẽ chi trả cho việc nghiên cứu và phân tích, điều tra, phục hồi và nhận dạng.

Quá trình tìm kiếm bắt đầu từ những tài liệu lưu trữ của chuyên gia JPAC, Cục tình báo Bộ quốc phòng, các nhà sử học và nhà phân tích. Các chuyên gia tìm kiếm thông tin từ hồ sơ trong và ngoài nước, nguồn lưu trữ, tiến hành phỏng vấn nhân chứng sống và nhiều nguồn khác.

Các nhà nghiên cứu và nhà phân tích sẽ “biên dịch” tất cả những thông tin sẵn có thành một “file nạn nhân mất tích” cho từng cá nhân. Những file này bao gồm bối cảnh lịch sử, hồ sơ bệnh án, lý lịch quân nhân, đơn vị từng phục vụ, thư từ chính thức, bản đồ, hình ảnh, báo cáo tình báo và các bằng chứng khác. Đây chính là nền tảng để bắt đầu các hoạt động tìm kiếm quân nhân mất tích.

Sau khi tất cả các bằng chứng, thông tin được biên soạn, phân tích, một nhóm điều tra sẽ tiến hành triển khai việc tìm kiếm. Mỗi đội JPAC gồm 15 người, tùy theo hoàn cảnh nghiên cứu gồm một người lãnh đạo, chuyên gia phân tích, nhà ngôn ngữ học, kỹ thuật viên thông tin liên lạc và bác sĩ. Trong một số trường hợp họ sẽ huy động nhà nhân chủng học, chuyên gia bom mìn, nhiếp ảnh pháp y và kỹ thuật viên hỗ trợ sống để tăng cường cho toàn đội tìm kiếm.

                     RẤT NHIỀU CHUYÊN GIA ĐƯỢC HUY ĐỘNG VÀO CUỘC TÌM KIẾM NÀY

Khi quyết định khai quật một địa điểm, nhóm phục hồi gồm 21 người sẽ được huy động. Trong đó có khoảng 10-14 người là nhà nhân chủng học pháp y, lãnh đạo nhóm và trung sĩ, nhà ngôn ngữ học, bác sĩ, nhân viên hỗ trợ sống, nhân viên truyền thông, nhân viên bom mìn, nhiếp ảnh pháp y và một chuyên gia an táng.

Các thành viên trong nhóm luôn sẵn sàng để tới được những địa điểm khai quật, thường là những nơi rất xa. Họ phải đi bộ xuyên qua các khu rừng nhiệt đới rậm rạp, vượt núi, băng sông, lao xuống vách đá... để tiếp cận được địa điểm khai quật. Mỗi một đội sẽ được cung cấp khoảng 10.000 bảng Anh để chi trả sinh hoạt và mua trang thiết bị. Các địa điểm khai quật có kích thước từ vài mét (chôn cất cá nhân) cho đến những khu vực lớn hơn một sân bóng đá (tai nạn máy bay), có những người còn vùi xác dưới nước.

Đội phục hồi sử dụng các phương pháp khảo cổ học theo tiêu chuẩn trong lĩnh vực khai quật do các nhà nhân chủng học hướng dẫn. Tại địa điểm phục hồi, người lãnh đạo chỉ đạo khai quật như một thám tử giám sát hiện trường vụ án. Bước đầu tiên, người lãnh đạo sẽ xác định vị trí, chu vi khai quật. Sau khi chu vi được xác định, họ sẽ thiết lập một hệ thống lưới điện cùng bộ phận cọc, dây thừng.

                                                 Họ cẩn thận khai quật từng inch đất

Mỗi một inch đất được lấy ra khỏi khu khai quật đều được kiểm tra để xem có tang vật nào trong đó không. Để hỗ trợ quá trình đào bới lượng đất lớn, JPAC có thể thuê hàng trăm lao động địa phương.

Sau khi tìm kiếm, các mẫu vật sẽ được đưa về các phòng thí nghiệm CIL để xác định. Các CIL là phòng thí nghiệm nhận dạng xương một cách khoa học nhất trên thế giới. Tại đây có hơn 60 nhà nhân chủng học pháp y, các nhà khảo cổ và nha sĩ làm việc. Năm 2008, CIL trở thành phòng thí nghiệm thứ hai tại Mỹ được Giám đốc Hội đồng kiểm định của Hiệp hội các phòng thí nghiệm tội phạm công nhận chương trình đạt chuẩn quốc tế.

                       Các mẫu vật sẽ được gửi về phòng thí nghiệm để tiếp tục xác nhận

Tất cả các hài cốt và di vật thu hồi được từ nơi khai quật sẽ được lưu trữ tại một nơi an toàn. Nhà nhân chủng học pháp y chịu trách nhiệm phân tích hài cốt và các hiện vật khác như quân phục, hành lý, thẻ nhận dạng...

Họ kiểm tra tất cả xương cốt thu hồi được để hoàn thiện hồ sơ sinh học gồm: giới tính, chủng tộc, tuổi khi chết, tầm vóc, phân tích chấn thương lúc chết hoặc gần chết, tình trạng bệnh lý của xương...

Những người thực hiện công việc phục hồi sẽ không được biết bất cứ thông tin nào về mẫu vật họ đang phân tích (phân tích “mù”). Họ chỉ được cung cấp chi tiết các thông tin kỹ thuật về khu vực khai quật. Việc phân tích “mù” nhằm ngăn chặn sự thiên vị từ tiềm thức gây ảnh hưởng đến kết quả phân tích.

Các nhà khoa học sử dụng nhiều kỹ thuật như phân tích xương và răng, lấy mẫu DNA ti thể, phân tích tài liệu, vật dụng cá nhân để xác định quân nhân Mỹ mất tích. Giám đốc khoa học JPAC đánh giá việc phân tích những bằng chứng chồng chéo là một nỗ lực để thiết lập các nhận dạng cá nhân.
Hồ sơ nha khoa của một cá nhân là cách tốt nhất để xác định hài cốt vì răng thường bền, mang những đặc điểm duy nhất của từng người và có nhiều khả năng còn chứa ti thể sót lại. Không giống như ADN hạt nhân, chỉ có duy nhất trên mỗi cơ thể người, ti thể được truyền từ mẹ sang con. Những người cùng một mẹ sẽ có chung trình tự ti thể. Những trình tự hiếm hoi này sẽ là bằng chứng để nhận dạng.

Phòng thí nghiệm sử dụng ti thể để so sánh khoảng ¾ các mẫu vật. Các mẫu lấy từ răng và xương được phân tích sẽ giúp xác định được ADN, trình tự gen của quân nhân. Trình tự này sẽ được so sánh với trình tự mẫu do gia đình người thân, mẹ ruột của quân nhân mất tích cung cấp.

                         Sau khi nhận dạng thành công, các di vật này sẽ chuyển về cho 
                                gia đinh quân nhân để thực hiện nghi thức mai táng

Các chuyên gia của JPAC mất nhiều năm để xác định địa điểm khai quật, mất 6 ngày để phục hồi. Mỗi năm, họ xác định được khoảng 74 cá nhân. Sau khi một sự kiện kết thúc, thông tin sẽ được chuyển giao cho phòng dịch vụ Tang lễ của Văn phòng Nội vụ và thông báo về gia đình các quân nhân.

Tại Việt Nam, trong 25 năm qua, JPAC cùng Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích đã hợp tác và hoàn thành hơn 100 đợt hoạt động chung. Hai bên đã điều tra 4.241 lượt vụ (42 lượt vụ ngoài biển), khai quật hỗn hợp 685 lượt vụ (8 vụ ngoài biển), 53 đợt điều tra địa phương (818 lượt vụ)... cùng nhiều đợt hợp tác điều tra với Lào, Campuchia. Có 945 bộ hài cốt được trao trả cho phía Hoa Kỳ và giúp họ nhận dạng 700 trường hợp.

Bảo Linh (Theo jpac)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét