Translate

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Nhạc sĩ Hàn Châu: Mỗi ca khúc là một câu chuyện nho nhỏ

Ca khúc Cây Cầu Dừa của Hàn Châu

“Đã lâu lắm rồi không về thăm lại chốn xưa. Đã lâu lắm rồi em về đi qua cầu dừa. Cầu dừa trơn trợt lắm em ơi, đi mà không khéo té như chơi. Môi son má đào, chân guốc cao gót làm sao qua cầu dừa…”. Đó là những lời trách móc nhẹ nhàng, chơn chất của chàng trai quê dành cho cô bạn ngày xưa cùng thôn nay mới từ chốn phồn hoa đô hội trở về… Đó cũng là ca từ của bài hát Cây cầu dừa mà ở đâu bạn cũng có thể nghe người ta hát. Chúng tôi đã gặp gỡ nhạc sĩ Hàn Châu, tác giả bài hát đang thịnh hành này.
“Tôi hiện sáng tác theo mức độ “trung bình tấn”, nghĩa là không quá bình dân cũng không quá bác học để cho nhiều người cùng cảm thụ. Vả lại trình độ thưởng thức của công chúng bây giờ đã cao hơn trước do đó nhạc boléro khó đáp ứng nhu cầu thưởng thức. Tôi chuyển qua thể loại ballade trữ tình”.
. Nhạc sĩ HÀN CHÂU
* Tại sao anh chọn dòng nhạc trữ tình quê hương mang âm hưởng dân ca?
- Tâm hồn người Việt Nam chúng ta rất dễ cảm thụ những gì hầu như đã trở thành “quốc hồn, quốc túy”: câu ru hời của mẹ, bến nước cây đa, lũy tre ruộng lúa, cánh cò đàn trâu… Còn dân ca là cả một kho tàng vô tận để người nhạc sĩ dựa vào đó mà khai thác, mà phát triển. Vậy thì tìm kiếm ở đâu cho xa xôi (với người sáng tác) và xa lạ (với công chúng thưởng thức).
* Hình như mỗi ca khúc của anh đều chứa đựng một chuyện tình?
- Đúng vậy, chỉ trừ ca khúc Về quê ngoại. Đó là những hồi ức về một thời tuổi nhỏ tôi sống với bà ngoại ở tít ngoài Bình Định, bởi thế mới: Anh xin mời em đi về miền quê xa lắc lơ. Nơi quê hương anh có hàng dừa xanh có ngàn câu hò thắm tình dân tộc. Anh xin mời em đi về quê ngoại một lần thôi, nơi anh chào đời ngoại ru bùi ngùi, bao năm vất vả mưa nắng ngược xuôi… Còn những ca khúc khác, tôi cố tình lồng vào trong đó một chuyện tình nho nhỏ, nhẹ nhàng: Một người con trai từ thành phố về thăm quê, gặp lại cô hàng xóm thời thơ ấu nay đã biết mắc cỡ, làm duyên rồi đôi bên nảy sinh ý tình. Thế nhưng, khi chàng trai trở lên thành phố thì cô gái dưới quê cũng đã vội lấy chồng (Tình nhỏ mau quên). Hoặc là chuyện tình của cô lái đò đưa khách sang sông với một chàng nghệ sĩ (Trên dòng sông nhỏ)…
* Đã có một ca khúc Cây cầu dừa được coi là thành công, tại sao anh viết tiếp Cây cầu dừa 2?
Nhạc sĩ Hàn Châu tên thật là Lê Đình Nam, sinh năm 1950 tại Bình Định. Năm 14 tuổi vào Sài Gòn ở với gia đình người chị gái là vợ một nhạc sĩ. Trong nhà ông nhạc sĩ có treo một cây đàn ghi-ta nên cậu em vợ rất thích đem xuống mày mò, điều này khiến ông anh rể vốn kỹ tính không hài lòng cho lắm. Do đó cậu đành phải tập chơi đàn bằng cách… đánh đàn đứng (không gỡ cây đàn ra khỏi móc treo) để kịp thời “phi tang”. Tự học nhạc như thế và tìm mua sách học thêm nên đến năm 18 tuổi, Hàn Châu đã có những sáng tác đầu đời…Anh bắt đầu sáng tác lại từ năm 1980 với ca khúc Về quê ngoại và tiếp theo là Tình nhỏ mau quên, Người đã quên, Cây cầu dừa, Tội tình, Trên dòng sông nhỏ, Ngày mai em về (Cây cầu dừa 2)
- Đúng là Cây cầu dừa đã được đông đảo quần chúng đón nhận nhưng từ đó cũng có một vài nhạc sĩ khai thác tiếp hình ảnh cây cầu dừa, cũng với mô-típ là lời trách móc của một đôi tình nhân miệt sông nước. Do đó, tôi thử lật ngược tình huống: người con gái trở về chốn đô thị để lại sự tiếc nuối, thương nhớ cho chàng trai: Ngày mai em về phố thị bỏ lại riêng tôi. Ngồi ôn kỷ niệm một thời hai đứa rong chơi. Tình quê vẫn xanh, xanh màu trời. Làng quê vẫn vui trong nụ cười. Giờ em đi rồi bỏ lại sau lưng người nhớ thương người… Ngày mai em còn có về tìm lại quê xưa. Tìm thăm quê nghèo dãi dầu trong nắng trong mưa. Để em bước qua cây cầu dừa. Lòng nghe xót xa ai đợi chờ dìu em về cùng nhau quấn quít trên đường quê….
* Anh có thấy là khuynh hướng sáng tác của anh bình dân quá không?
- Ở miền Nam trước đây, loại nhạc thịnh hành nhất, được nhiều người hát nhất là nhạc boléro, mà boléro cung thứ (Mineur) lại càng phổ biến bởi nó buồn buồn dễ đi vào lòng người hơn là cung trưởng (Majeur), nhiều người cứ đổ vấy cho nó là loại nhạc “sến”. Thực ra “sến” là loại nhạc “mì ăn liền” viết theo thị hiếu, thị trường chứ không phải viết ra bởi cảm xúc thật sự. Những nhạc sĩ có lòng tự trọng chẳng ai viết như thế.
. HÀ ĐÌNH NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét