Translate

Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

CHUYỆN XƯA, TÍCH CŨ

Ký ức về tổng thống Ngô Đình Diệm và thi sĩ Đỗ Quý Toàn

Posted: 12/12/2014 in Bùi Chí VinhTùy Bút / Tản Mạn
Bùi Chí Vinh
bui_chi_vinh_2
Tác giả
Năm 11 tuổi tôi bắt đầu có thơ in báo ở các trang thiếu nhi của các nhật báo, tuần báo miền Nam trước giải phóng. Tôi đọc ngốn ngấu cổ văn kim văn, nhai nuốt và tiêu hóa hết kho sách cũ của ba tôi và cậu tôi giấu kín dưới gầm giường. Ở trường dạy loại thơ gì là tôi thực hành ngay loại thơ đó, kể cả thể loại thơ khó nhất là thơ Đường Luật. Tôi làm thơ Đường bảo đảm có đủ “đề, thực, luận, kết” với cặp thực và cặp luận đối nhau chan chát. Số lượng thơ đăng báo của tôi cho đến 15 tuổi không dưới vài trăm bài thơ được cắt dán trong sổ hẳn hoi.

Năm học Đệ Lục trường Trần Lục tôi và hai người bạn cùng lớp là Vũ Hào Hiệp, Ngô Đình Hải dám thành lập “Nhóm Thơ Hồn Trẻ” với những tôn chỉ, mục tiêu, thủ tục kết nạp nhóm viên đăng lên các báo. Chúng tôi có quỹ riêng tích lũy bằng sự đóng góp của các tân nhóm viên và đăng đàn sáng tác thơ, truyện y chang những ngòi bút chuyên nghiệp. Các bạn thử tưởng tượng lúc đó chúng tôi mới 12, 13 tuổi “chưa ráo máu đầu” giờ tan trường còn thèm ăn cà rem Kinh Thành khu Tân Định, ấy vậy mà dám cả gan làm “sếp” các nhóm viên một nhóm thơ, trong đó có không ít nhóm viên nam, nữ là sinh viên hoặc công nhân, lính tráng. Cụ thể tôi còn nhớ một nhóm viên Nhóm Thơ Hồn Trẻ có tên Bùi Văn Sết bút hiệu Nguyễn Linh cư ngụ tỉnh Bến Tre lớn tuổi hơn chúng tôi xa. Anh luôn đều đặn đóng tiền nguyệt liễm và đóng góp thơ đăng báo. Cũng may năm 2014 này anh Nguyễn Linh Bùi Văn Sết vẫn còn sống và vẫn hưởng ứng niềm vui qua điện thoại với tôi khi tôi triển lãm tranh NGÀY SINH CỦA NGỰA tại Sài Gòn. Còn Vũ Hào Hiệp bây giờ an phận với cương vị một nhà giáo “ưu tú” về hưu sau khi biên soạn một số đầu sách giáo khoa cho ngành sư phạm. Thơ đối với Hiệp giờ chỉ là món hàng xa xí phẩm mơ hồ. Riêng Ngô Đình Hải chuyển sang nghề buôn bán xe hơi mặc dù cứ mê thơ… đến chết. Trong 2 năm 2013-2014 thằng bạn học cũ Trần Lục họ Ngô của tôi đã cho ra mắt liên tiếp 2 tập Thơ Tình như muốn cảnh báo với tôi rằng Ngô Đình Hải có khả năng làm được thơ ngon lành chứ không phải chỉ biết viết truyện ngắn như cái thời thành lập nhóm ngày xưa.
Giờ xin trở lại với lứa tuổi hồn nhiên… vô số tội. Hai thành tích của tôi trong giai đoạn này là đoạt giải thưởng Hội Họa Thiếu Nhi Châu Á lúc mới 9 tuổi đang học lớp Ba 1 trường Tân Định với bức tranh màu nước mang tựa “Quang Trung Hành Quân” và giải thưởng truyện ngắn Viết Trên Quê Hương Điêu Tàn của một nhật báo đối lập lúc 15 tuổi với truyện “Trái Đầu Lâu”. Trong bức Quang Trung Hành Quân tôi vẽ cuộc tiến công thần tốc của Hoàng Đế Quang Trung ra Bắc bằng cuộc chuyển quân trên võng, cảnh tượng cứ hai nghĩa quân Tây Sơn đi như chạy cáng võng một người nằm quả là hình ảnh đặc sản chỉ có ở con người Việt Nam và ở sự sáng tạo thần kỳ của Nguyễn Huệ.
ngo_dinh_diem
Tổng thống Ngô Đình Diệm
Đầu năm 1963 Tổng Thống Ngô Đình Diệm đích thân mời người đối kháng với chế độ ông là cha tôi Bùi Văn Trình (từng bị ông nhốt tù chính trị) dẫn tôi vào Dinh Độ Lập nhận giải thưởng Hội Họa Thiếu Nhi Châu Á với sự có mặt của các vị Đại Sứ nước ngoài. Lúc đó tôi còn quá nhỏ nhưng cũng đủ bày tỏ lòng ngưỡng mộ ông, một vị Tổng Thống có tinh thần mã thượng biết quý trọng hiền tài không phân biệt xuất thân, lý lịch. Một Tổng Thống có vẻ ngoài hiền hậu nhưng lại có tầm nhìn xa thấy rộng, không cho phép người Mỹ can thiệp quân sự vào hiện tình đất nước Việt Nam. Đáng tiếc là một Tổng Thống anh minh như thế lại bị chết oan ức, chết thảm khốc trong cuộc đảo chính quân sự 1-11-1963 do chính người Mỹ giật dây theo kịch bản của họ. Ông Diệm chết vài tháng sau khi đọc diễn văn khai mạc Trại Hè Thiếu Nhi Xuất Sắc Toàn Miền Nam tại Bà Rịa Vũng Tàu mà tôi là một đại biểu thiếu nhi được mời tham dự. Sự trả giá sau cái chết của ông Diệm cũng được tôi đề cập trong truyện TRÁI ĐẦU LÂU.
Trong truyện Trái Đầu Lâu tôi nói về sự tích trái bã đậu thường rơi rụng trên vĩa hè đường Tú Xương mà tôi hay đi qua. Trái bã đậu chín khô có hình dạng như cái sọ người. Trong số tuổi 15 non nớt tôi tưởng tượng cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn Nam Bắc đang lan dần trên thành phố qua những “trái đầu lâu” mỗi ngày rơi lộp độp.
do_quy_toan_2
Thi sĩ Đỗ Quý Toàn
(Ảnh: BP)
Tại trường Trần Lục tôi được dạy dỗ bởi những giáo sư tận tâm, nhưng người gây dấu ấn mạnh nhất đối với chúng tôi có lẽ là thầy Đỗ Quý Toàn. Thầy Đỗ Quý Toàn là một thi sĩ thành danh thời bấy giờ với trường phái thơ tự do hiện đại. Sáng tác của thầy xuất hiện trên nhiều tạp chí giá trị. Thầy Toàn luôn là niềm ngưỡng mộ của chúng tôi khi đứng trên bục giảng và là người phụ trách mục giới thiệu sáng tác văn học trên Đài Truyền Hình Sài Gòn với giọng Bắc trầm ấm, dáng người nho nhã, ống píp phì phà khói ngậm trên môi. Thầy đã dạy tôi hai năm liên tiếp Đệ Lục lẫn Đệ Ngũ và cũng chính thầy trong hai năm đó trao cho tôi giải thưởng Văn Chương Liên Lớp. Có một điều mà thầy không hề ngờ đến là cái tên tôi đăng thơ cùng chung một cột báo với nhà thơ Đỗ Quý Toàn trên tạp chí Đời. Bài thơ phản chiến tựa GÃ MỘT CHÂN đăng năm 14 tuổi dưới bài thơ của thầy được tôi ký bút hiệu là Chính Vi. Cái tên Chính Vi (là tiếng lái Chí Vinh) không biết có làm thầy ngờ ngợ…
Chuyện tôi với thầy Toàn ly kỳ như một chuyện rượt đuổi ngọt ngào mà không có hồi kết. Những năm gần đây tôi thường xuyên lên cơn thịnh nộ bằng những bài thơ chống ngoại xâm phương Bắc và vạch trần chân tướng lũ “cõng rắn cắn gà nhà”. Một trong những bài thơ ấy có tên là TUYÊN NGÔN CỦA MỘT NGƯỜI LÀM THƠ CỰU CHIẾN BINH viết năm 2012. Mới đây tình cờ đọc bài viết của Ngô Nhân Dụng có tựa “Các Thi Sĩ Đã Lên Tiếng” trên tờ Người Việt online tôi thấy có đoạn nói về tôi như sau:
“Nhà thơ Bùi Chí Vinh vừa mới đưa lên mạng một bản tuyên ngôn với lời lẽ thẳng tuột không úp mở quanh co:
TUYÊN NGÔN CỦA MỘT NGƯỜI LÀM THƠ CỰU CHIẾN BINH
Quý vị muốn làm gì thì làm
Muốn mị dân muốn yêu nước muốn bán nước bằng mồm thây kệ
Tôi không thù người Tàu cũng chẳng ghét xứ Trung Hoa
Nhưng đứa nào xâm lược nước tôi là chết ngay tại chỗ
Quý vị cứ việc đi đêm cứ việc sửa lại bản đồ lịch sử
Cứ việc quên bẵng ải Nam Quan cho Nguyễn Trãi đội mồ
Nhưng đứa nào bứt của thân nhân tôi sợi tóc
Là tôi đập nát đầu chứ không đập bằng thơ
Quý vị cứ việc chơi gôn cứ việc sắm sửa phi cơ
Cứ đầu cơ địa ốc cứ kiếm tiền vi vút
Nhưng đứa nào bắt dân ngu cu đen thay quý vị ở tù
Là tôi đào mã ba đời quý vị lên trét cứt
Quý vị cứ chà đạp lên quyền làm người xuất sắc
Cứ hung hăng như Gaddafi trước khi rúc vô ống cống đê hèn
Quý vị cứ việc xem dân nghèo như rơm như rác
Nhưng lúc đường cùng đừng năn nỉ tôi nghen !
Quý vị cứ việc rửa tiền qua ngân hàng Thụy Sĩ cực êm
Cứ tậu nhà dưỡng lão ở Bắc Kinh, sắm điền trang ở Mỹ
Quý vị cứ thăng thiên cùng giá điện giá xăng
Bất chấp thôn nữ thiếu ăn phải bán thân làm đĩ
Quý vị phải như vậy mới là quý vị
Vô cảm vô lương vô đạo đức vô thần
Tôi rách rưới như một thằng thi sĩ
Nhưng hiểu thế nào là sức mạnh nhân dân !
“Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Ba Giai, Học Lạc, hương hồn các cụ chắc cũng phải hãnh diện có đám con cháu rung cảm với đồng bào cất lên những câu thơ bi tráng như thế này. Nguyễn Văn Giai (Ba Giai) ngày xưa viết Hà Thành Chính Khí Ca nếu đọc bài thơ này chắc cũng phải cảm hứng chất ngất như đọc Văn Thiên Tường. Phùng Quán nếu còn sống chắc ông cũng phải đồng ý với một nhà thơ cựu chiến binh bây giờ:
Tôi rách rưới như một thằng thi sĩ
Nhưng hiểu thế nào là sức mạnh nhân dân”
Xin khép lại bài viết của Ngô Nhân Dụng ở đây. Trời ơi, tôi không ngờ trái đất tròn quay. Qua thông tin của bè bạn, tôi được biết Ngô Nhân Dụng chính là bút danh mới của Đỗ Qúy Toàn lúc thầy sang Mỹ. Và mãi đến bây giờ thầy Toàn cũng không biết người mà thầy vừa ca ngợi lại là thằng học trò ngày xưa thời học Trần Lục của thầy…
Bùi Chí Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét