Translate

Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

TƯ LIỆU VĂN HỌC

Một Nền Văn Học Của Những Người Vắng Mặt, Viên Linh

  
 
 
 
 
 
 
Rate This

171597-CN-130820-VienLinh-400VN_BaoChi_ThoiTapptdc4517
(Chân dung tác giả Viên Linh và tạp chí Thời Tập do ông chủ trương trước 1975)
Viên Linh
Văn Học Việt Nam Hải Ngoại trong những năm đầu tiên, sau khi Miền Nam sụp đổ, là Một Nền Văn Học của Những Người Vắng Mặt. Sách truyện được bày bán trên các quầy sách báo trong các tiệm thực phẩm Á đông, hay trong một số tiệm sách kiêm tiệm băng nhạc Việt ngữ ở Bắc Mỹ và Âu châu hồi ấy, và cả sau này, hầu hết là sách truyện được viết từ trước 1975, khi tác giả và độc giả còn cùng sống trên một lãnh thổ. Sau ngày 30.4, tác phẩm của những tác giả ấy đi theo độc giả ra khỏi nước, được sao chép phổ biến lại, còn họ thì vắng mặt.
Một số ít những người viết có mặt cùng độc giả của mình, trong cộng đồng lưu vong, đã không thể có những tác phẩm mới trong những năm đầu. Đa số hiện diện qua những cuốn sách cũ – chuyện trò với độc giả bằng tác phẩm và tâm tư cũ; mà tác phẩm cũ không thể làm nên hiện diện mới – do đó họ cũng chẳng khác gì những người vắng mặt.
Những tác giả được nói đến ở đây là những người sáng tác đã thành danh, có nhiều sách xuất bản trong giai đoạn 1954 – 1975 ở Miền Nam Việt Nam, mà số sách cũ của họ được in lại càng ngày càng nhiều ở hải ngoại. Theo với thời gian, các sách cũ của Miền Nam thấy hiện diện nhiều hơn trong cộng đồng người Việt lưu vong, nhất là từ khi lớp người được gọi là thuyền nhân đổ bộ ào ạt lên nhiều nơi ở Bắc Mỹ và Âu châu.
Thế nhưng không những chỉ có các tác giả vắng mặt, mà còn có những độc giả vắng mặt. Sao lại có những độc giả vắng mặt? Tại sao họ vắng mặt mà ta lại biết là họ sẽ là những độc giả của nền Văn Học ấy? Muốn đi tìm những độc giả này, phải làm như thế nào? Câu trả lời không khó khăn gì, nếu chúng ta xét đến vấn đề Ngôn Ngữ chung của Dân Tộc, Truyền Thống Dân Tộc, và Ý Thức Hệ chung của Thời Đại trên phần đất khai sinh nền Văn Học ấy.
image  04
(Một cảnh đốt sách thật tang thương 5-1975 ở Sài Gòn)
I. Một Nền Văn Học Tự Do
Không phải là người viết biên khảo, luận thuyết dựa trên các tài liệu sưu tầm, nghiên cứu, tác giả bài này chỉ là một người làm thơ, một người viết văn, cho nên những điều trình bày sau đây là những nhận định từ thực tế, và kinh nghiệm bản thân.
Kể từ Tháng Bảy 1954 đến Tháng Tư 1975, Miền Nam Việt Nam hình thành một nền Văn Học mới, biến đổi hẳn so với giai đoạn trước. Đó là giai đoạn mà sinh hoạt văn chương qui tụ quanh các tạp chí hay các nhà xuất bản hiện diện từ giữa thập niên ’40, nổi nhất là các nhà xuất bản Tân Việt, Sống Chung, hay Chân Trời Mới, báo Tiếng Chuông hay Đời Mới về sau, với Quốc Ấn, Thiếu Sơn, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Đức Quỳnh, Tam ích, Thiên Giang, Thê Húc; hay các nhà văn nhà thơ đầy hào quang kháng chiến, những Dương Tử Giang, Lý Văn Sâm, Vũ Anh Khanh (đã ra bưng khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ) song ảnh hướng và hào quang còn rực rỡ; với các nhà văn nhà thơ trữ tình kế tiếp ở Sài Gòn như Thẩm Thệ Hà, Trang Thế Hy, Kiêm Minh, Kiên Giang; những cây bút xã hội hay xã hội tình cảm như Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Ngọc Linh. Từ 1954, và mấy năm sau đó, với các văn nghệ sĩ ký giả di cư như Nhất Linh, Lê Văn Trương, Tchya Đái Đức Tuấn, Đỗ Đức Thu, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bàng Bá Lân, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Mặc Thu, Vi Huyền Đắc, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Tam Lang … bộ mặt Báo chí Miền Nam thay đổi, nhất là báo chí văn học nghệ thuật.
Các nhà văn xuất hiện thường xuyên trên nhật báo, qua các nhà xuất bản, nhất là trên các báo định kỳ, và thành từng nhóm. Lý lịch văn chương và sắc thái địa phương của họ rất tương đồng, tùy theo nhóm các tạp chí trên đó họ góp mặt. Đa số các nhà văn gốc miền Nam qui tụ trên các tờ tuần báo Đời Mới, Nhân Loại, và nhật báo như Tiếng Chuông, Sàigon Mới (Hồ Hữu Tường, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Kiên Giang, Lưu Nghi, Thẩm Thệ Hà, Trang Thế Hy…). Các nhà văn gốc miền Trung trên tờ Văn Nghệ Mới, Bách Khoa (Võ Thu Tịnh, Nguyễn Văn Xuân, Võ Phiến, Đỗ Tấn, Vũ Hạnh, Bùi Giáng, Võ Hồng, Nguyễn Thị Hoàng); các nhà văn “di cư” xuất hiện trên các tờ Đất Đứng, Sáng Tạo, và trên các nhật báo như Tự Do, Ngôn Luận (Đỗ Thúc Vịnh, Nguyễn Hoạt, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn Sỹ Tế, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền) hay Văn Nghệ (Lý Hoàng Phong, Dương Nghiễm Mậu, Viên Linh, Nguyễn Đức Sơn), Hiện Đại (Nguyên Sa, Trần Dạ Từ, Nhã Ca). Tờ Chỉ Đạo, Phụng Sự, Tiền Tuyến qui tụ các nhà văn quân đội hay quân nhân đồng hóa như Nguyễn Mạnh Côn, Mặc Thu, Thanh Nam, Phan Nhật Nam, Thảo Trường …
Tại Miền Nam, các nhà văn, các tư nhân có quyền ra báo, lập nhà xuất bản riêng, sáng tác tự do theo ý mình, viết theo niềm tin và tín ngưỡng của mình. Khuynh hướng Phật giáo có các tờ Tư Tưởng, Vạn Hạnh với Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Hữu Hiệu; khuynh hướng Thiên chúa giáo La mã có Hành Trình, Đối Diện với Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Diễm Châu, Thế Nguyên. Mặc dù đảng Cộng Sản bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, song các nhà văn theo Cộng sản như Nguyễn Ngọc Lương, Minh Quân, Vũ Hạnh vẫn tạo được diễn đàn riêng (Tin Văn), hay hiện diện trong tổ chức Văn Bút dưới thời linh mục Thanh Lãng làm chủ tịch. Những tờ như Văn, Phổ Thông, Văn Học, qui tụ các nhà văn không có lập trường chính trị biểu hiện rõ rệt, mà thuần túy văn thơ cổ điển như Đông Hồ, Mộng Tuyết, Nguyễn Vỹ, Bùi Khánh Đản, hay văn nghệ thời đại, sinh hoạt thành phố như Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Túy Hồng; những tờ về nghệ thuật trình diễn hay về phụ nữ qui tụ các nhà văn như Tùng Long, An Khê, Lê Xuyên, Nguyễn Thụy Long, Hoàng Hải Thủy, Văn Quang …
Cũng khởi từ 1954, những sinh hoạt văn nghệ tương tự không thể xảy ra tại Miền Bắc, nhất là sau khi Hà Nội đóng cửa các báo i>Trăm Hoa của Nguyễn Bính, hay các báo Nhân Văn, báo Giai Phẩm của nhóm Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Phùng Cung, Phùng Quán, Hữu Loan, Văn Cao, Trần Dần … Báo chí và ngành xuất bản sách tại Miền Bắc nằm trong tay Đảng và Nhà nước. Cho nên chính Ý thức hệ chính trị là khác biệt khởi đầu và khác biệt căn bản của hai nền Văn Học của một Dân Tộc cùng ngôn ngữ.
Nền Văn Học Miền Nam còn được gọi là Văn học Tự Do, Văn học Dân Tộc; để phân biệt với Văn học Chính ủy (chữ của học giả Hồ Hữu Tường), hay văn học mác-xít.
Sau 1975, nền Văn Học Tự Do, hay Văn Học Miền Nam chuyển ra hải ngoại, vì cũng vẫn gồm phần lớn các nhà văn của Miền Nam di tản, và phần lớn độc giả Miền Nam di tản. Nền Văn Học này, cho tới nay, đã là hơn 40 năm, tuy rằng ở giai đoạn sau, từ khi bức tường Bá Linh xụp đổ, tháng 11.1989, chúng ta có thêm một lớp cầm bút khác, và một lớp độc giả khác đến từ Đông Âu.
Nền Văn Học Tự Do ở Hải Ngoại từ đó thêm sinh khí, và phát triển mạnh mẽ hơn.
clip_image00436
(Chợ Sách Chạy trên lề đường Phan Thanh Giản – Sàigòn)
II. Các Tác Giả Vắng Mặt.
Văn Học Việt Nam Hải Ngoại phát triển mạnh mẽ, như đã nói, dù đa số các tác giả của nền văn học ấy vắng mặt. Họ vắng mặt song sách của họ được in ra tràn ngập, ảnh hưởng của họ còn đó, độc giả của họ còn đây.
Nói về sự vắng mặt của những người này, và hoàn cảnh của họ, chúng ta cần ít ra là một bộ sách. Sự vắng mặt có nhiều nguyên do. Nhiều tác giả đã chết. Cộng Sản ruồng bắt các nhà văn Miền Nam hàng loạt một, tương tự như Đức Quốc Xã ruồng bắt dân Do Thái, đưa vào các trại tập trung, vì những gì họ viết ra, vì sự suy nghĩ của họ, vì những gì họ có trong đầu, trong trái tim, và trên trang giấy. Đức Quốc Xã tàn sát người Do Thái có nguyên do chủng tộc, và để giải thoát nền kinh tế quốc gia đang nằm trong ảnh hưởng của sắc dân không tổ quốc này, tá túc trên lãnh thổ Đức và các nước Âu châu vừa rơi vào vòng kiểm soát của Bá Linh; còn nhà cầm quyền Miền Bắc tiêu diệt các nhà văn Miền Nam vì nhà nước ấy là một nhà nước Cộng sản chuyên chính.
Sự tiêu diệt có nhiều mặt, qua nhiều giai đoạn. Trên phương diện tinh thần, họ tịch thu và hỏa thiêu sách báo của Miền Nam; trên phương diện vật lý, họ vây khổn sự mưu sinh, cấm đoán việc hành nghề của các nhà văn được coi là ít nguy hiểm, nhưng bắt giữ, giam cầm và hành hạ thân xác những nhà văn bị coi là phản động bằng cách lùa họ vào các trại tập trung cải tạo dựng lên khắp núi rừng, từ Nam ra Bắc, dù nạn nhân có cùng chủng tộc và cùng ngôn ngữ với thủ phạm, điều sai biệt so với Đức Quốc Xã và Do Thái. Sự tàn độc của Quốc xã và Cộng sản dù có khác về biện pháp khu xử kẻ thù nhưng có chung một tính cách: giết người. Giết người vì mục đích gì đi nữa thì cũng không cần xét đến nữa, giết người là giết người. Giết người mà lại là người cùng một Dân Tộc khiến người ta nghĩ đến loài lang, cấp dưới của loài sói: sói không ăn thịt nhau, nhưng lang thì xẻ thịt đồng loại khi đói, và khi có xung đột. Người bị giết lại không bạo động, không cầm võ khí. Họ chỉ cầm bút.
Nhiều nhà văn Miền Nam chết trong tù, nhiều người vừa ra khỏi cửa nhà tù thì chết trước ngưỡng cửa nhà mình. Có người chết trên xe, chiếc xe đang chạy trên đoạn đường từ nhà giam, từ trại tập trung, hướng về nhà cũ. Đó là trường hợp nhà trí thức Hồ Hữu Tường. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương về tới nhà vài ngày mới chết. Đây là danh sách các trí thức văn nghệ sĩ Miền Nam chết trong các nhà tù của Cộng sản hay các trại tập trung gọi là cải tạo, hay chết chỉ một thời gian ngắn sau khi được thả về, từ sau 30 Tháng Tư 1975, mà tác giả Chiêu Niệm Văn Chương sẽ cố gắng ghi lại: Anh Tuấn Nguyễn Tuấn Phát, Dương Hùng Cường, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Hoàng Vĩnh Lộc, Huy Vân, Lê Bá Lăng, Minh Kỳ, Nguyễn Mạnh Côn, Tiến sĩ Công Pháp Quốc Tế Nguyễn Ngọc Trụ (bị xử bắn trong trại), Phan Huy Quát, Phạm Văn Sơn, Trần Văn Tuyên, Thục Vũ, Minh Kỳ Trần Việt Sơn, Trần Khánh Vân, Vũ Ngọc Các …
Trầm tịch ngoài biển đông có Chu Tử, Bùi Kim Đĩnh, Trần Đại … Vùi xác trên đường bộ trên địa phận Cao Mên có nữ nghệ sĩ Hồ Điệp, kịch sĩ Khả Năng. Đó là chỉ kể những người tôi được biết. Tôi được quen tất cả những người ấy trong thời gian làm báo và làm phát thanh ở Việt Nam, trừ nhà trí thức Hồ Hữu Tường, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trụ, cư sĩ Khánh Vân, sinh hoạt trong các môi trường chính trị, tư pháp, tôn giáo tôi ít lui tới.
Bảng tuẫn tử chắc chắn thiếu sót. Tôi còn nghe một số khác tự tay khép lại trang sách cuối cùng của đời mình: thi sĩ giáo sư Đại học Thạch Trung Giả, nhà thơ Trần Việt Hoài, nhà thơ trung tá Mạc Ly Châu, ca sĩ Vân Sơn, kẻ uống độc dược, kẻ trầm mình.
Trong một khoảng thời gian ngắn 20 năm, từ 1975 tới 1995, con số các văn nghệ sĩ trí thức Việt Nam thiệt mạng vì tù đày Cộng sản nhiều hơn con số của các đồng nghiệp tiền bối của họ đã chết trong suốt một thế kỷ, trong các nhà tù thực dân Pháp. Nhìn ra toàn cảnh xã hội, trong mọi tầng lớp, xương trắng nhiều hơn củi rừng, máu chảy ví tựa phù sa, bồi đắp nên từ Nam chí Bắc biết bao cánh đồng tang chế, để lại hàng năm, hàng đời, những mùa gặt hái đau thương chưa từng thấy trên Đất Nước.
Ngoài Đất Nước nhìn lui, bờ biển Việt Nam là một hải cảng sầm uất hoạt động về đêm, trong bóng tối, hối hả xuất cảng những món hàng chẳng nơi nào muốn nhận: đó là những thân xác tiều tụy, những cuộc đời đổ vỡ, những lưu dân tị nạn trong hòa bình, những lao công trả nợ chiến tranh, các chiến sĩ rã ngũ và những trí thức văn nghệ sĩ yêu nước không xứ sở để phục vụ.
Nửa cuối thế kỷ XX, Việt Nam trở thành quốc gia vô địch trên những thước đo thống khổ, vô địch về sự hoán đổi các giá trị và hệ thống, từ chính trị đến văn hóa, từ hành chánh đến giáo dục. Trong những nhiễu nhương toàn bộ ấy, sự mất tự do một phía và sự kiểm soát tự do của phía khác đã tạo ra nhiều tù nhân: tù Tây, tù Nhật, tù kháng chiến, tù quốc gia, tù cộng sản, tù cải tạo, tù vượt biên, tù lương tâm … Có văn hóa Dân tộc, văn hóa Pháp, văn hóa Nhật, văn hóa Mỹ, văn hóa Liên xô, văn hóa Trung quốc, văn hóa tư bản cộng sản, văn hóa Tây âu Đông âu, văn hóa Vatican, văn hóa Phật giáo, văn hóa giao lưu, văn hóa việt kiều …So với thế giới, người Việt ở trong cũng như ở ngoài nước là giống dân hấp thụ nhiều nền văn hóa phân ly nhất, trái ngược nhất, và do đó xung đột nhau nhất. Không phải chỉ trên bề mặt, mà còn qua nhiều tầng, nhiều thế hệ, trên nhiều mảng địa phương khác nhau, nhiều phiến thổ ngữ khác nhau.
Đem vào chữ viết, với các khoảng cách không gian và thời gian, chủ nghĩa, màu cờ sắc áo kẻ khuyết danh bên này có thể đang ở bên kia, tội phạm phía Nam là anh hùng xứ Bắc, và ngược lại, ta có những khoảng trống bao la, những thiếu sót vĩ đại, những hiểu lầm mênh mông. Những điều ấy sẽ được dần dần nói đến, bài này chỉ nói đến, chỉ chiêu niệm những người đã chết trong các nhà tù Cộng sản, vì tù đày Cộng sản, những người đã góp phần tạo ra Văn Học Miền Nam thời 1954 – 1975, và Văn Học Hải Ngoại, từ 1975 trở đi, là nền văn học phát sinh và trưởng thành trong tự do.
Những người đã ra đi, và bằng hữu của họ còn lại, đã tạo ra nền Văn Học của một nửa Đất Nước dưới vĩ tuyến 17, và nền Văn Học đó đã tái sinh trong cộng đồng Việt Nam tị nạn trên khắp thế giới, trong khi nó bị hủy diệt ở trong nước, ít ra là từ 1975 tới 1989, khi Đông Đức sụp đổ. Sau 1989, nền Văn Học ấy được nhìn thấy đang hồi sinh tại quốc nội, bởi người đọc nhiều hơn là bởi người viết. Người viết làm sao còn phổ biến được tác phẩm của mình khi không có một tờ báo nào, một nhà xuất bản nào dám in tác phẩm của họ. Đó là nói về những người còn âm thầm viết. Đa số đã bỏ hẳn việc sáng tác. Nếu còn viết, họ dùng các bút hiệu khác, do đó việc viết không còn có giá trị sáng tạo nghiêm chỉnh, mà chỉ là việc biên chép để mưu sinh, một việc lao tác thông thường.
Có những người đã gửi tác phẩm ra hải ngoại. Một số thơ, truyện ngắn đã in trên các tạp chí, một số đã thành sách. Như thế là họ vắng mặt trên phương diện vật lý nhưng tinh thần họ vẫn tham gia nền Văn Học của mình, trên các xứ sở lưu vong của đồng bào họ.
Những năm sau này, nhờ các chương trình đoàn tụ hay kế hoạch nhân đạo H.O. (Humanitarian Operation), nhiều nhà văn Miền Nam đã lần lượt được xuất ngoại. Ra ngoài nước, nhiều người đã cầm bút trở lại với bằng hữu cũ, với độc giả cũ mới. Trên thực tế,họ vẫn đã hiện diện bằng tác phẩm, vốn được tái bản trong khi họ vắng mặt bởi những nhà xuất bản xa lạ. Có mặt, họ liên lạc lại với đời sống Văn Học theo truyền thống cũ, đa số là qua lớp làm báo thuộc thế hệ sau, có người trước đó khi còn ở trong nước không từng làm báo và làm xuất bản bao giờ. Nhu cầu đọc sách Việt của cộng đồng, nhu cầu tìm lại kỷ niệm đã khiến tác phẩm của họ, văn chương họ, tức là Văn Học Miền Nam, sống lại bên ngoài Đất Nước.
Nền Văn Học họ tạo dựng là nền Văn Học Dân Tộc. Nền Văn Học ấy ở ngoài nước luôn luôn tồn tại, và ở trong nước thì đang phục sinh. Thêm vào đó còn có những người đến từ Đông Âu, những người ra đi từ Hà Nội, Hải Phòng, cũng đã gia nhập nền Văn Học này. Tôi chưa thấy một ai, trong số những người này, lên tiếng phủ nhận Văn Học Miền Nam Việt Nam và Văn Học Hải Ngoại.
Dù họ vắng mặt, ta đang đọc họ. Văn Chương họ làm ra, nền Văn Học họ tạo dựng, vẫn ảnh hưởng tới chúng ta. Và họ vẫn luôn luôn bị Hà Nội tìm cách hủy diệt, nếu không cả bóng lẫn hình, cả thể chất vật lý lẫn tinh thần thăng hoa, thì cũng là những chụp mũ xuyên tạc và rỉ tai bêu riếu, mạ ly, man tố, qua những tờ báo do chính trị hậu thuẫn, hay các báo lá cải. Vì sao? Vì các nhà văn trong dòng Văn Học Miền Nam viết về Tổ Quốc chia cắt, Dân Tộc phân ly, Chiến tranh Ý thức hệ theo cảm nhận tự do của họ, theo tâm thức dân tộc của họ, ngoài các cương lĩnh đảng phái hay chủ nghĩa du nhập. Vì những nhà văn này ra đi trong Di cư 54, Di tản 75, họ viết về Lưu vong, Lưu xứ, về Nhà tù, về trại Tập trung, về những thời điểm và quang cảnh họ có kinh nghiệm sống qua, hay được biết tới; và những người ở lại trong nước thì im lặng không viết, vì không thể viết.
Các nhà văn đó không những vắng mặt ở đây, mà còn vắng mặt ớ đó, ngay trên Quê hương mình, một Quê hương không còn như cũ, đang chìm khuất vào một chân trời nào đó, như một câu thơ của Vũ Hoàng Chương, làm sau 75, ngay tại Sài Gòn:
Gần xa chiều xuống, đâu quê quán?
III. Các Độc Giả Vắng Mặt
Trong hai mươi năm, từ 1954 tới 1975, Miền Nam sản xuất khoảng 2000 tác phẩm một tháng, kể cả truyện thơ lẫn biên khảo, sáng tác lẫn dịch thuật. Một nửa dân Việt, những người sống ở Bắc Vĩ Tuyến 17, không được’ đọc những cuốn sách này. Sau Tháng Tư 75, họ được đọc, và đọc ngấu nghiến.
Nhiều lời kể, nhiều bài viết đã cho chúng ta biết về hiện tượng đó. Sách “ngụy”, Nhạc “vàng” đã trở ngược ra Bắc như thế nào, chúng ta từng nghe. Không phải vì sách báo Miền Nam xuất sắc về phẩm chất, tôi không nói thế. Miền Bắc có nhiều nhân tài, và văn tài chắc chắn không thua Miền Nam. Song người vào Nam đọc ngấu nghiến một mặt vì sự đa dạng, sự phong phú; mặt khác, còn vì Miền Nam là xã hội mở cửa, nhập qua cửa khẩu sách báo thế giới: trong các thư viên, tại các quầy hàng, trên cả vỉa hè, không chỉ có Văn Chương người Việt, còn có Văn học Thế giới. Từ năm cửa Ô vào Hà Nội, trước 1975, nhìn cho xa cũng chỉ có thể thấy Văn học Liên Xô, tâm tình Đông Âu, tư tưởng Bắc Kinh. Ở Sài Gòn, ngoài những thứ đó dĩ nhiên ít hơn – chúng ta còn đón nhận sách báo Pháp, Mỹ, Anh, văn chương Châu Mỹ La Tinh, triết lý Cận Đông và Huyền nhiệm Ấn Hoa. Chúng ta còn nghìn lẻ những ngọn đèn thần và thảm bay Ả Rập. Có từ sa mạc Bắc Phi tới tuyết băng Tây Bá Lợi Á.
Một nửa Dân tộc bị bịt mắt suốt 20 năm trước đó từ 1954 ngược lên; và 20 năm sau đó từ 1975 trở đi. Họ là những độc giả vắng mặt, và khi có mặt, cũng nhờ ưu tiên, dù chậm lụt họ tìm lại được Tâm Tình người Việt, và Tâm Hồn Đất Nước người, qua sách báo còn sót lại.
Một nhà văn Miền Bắc là Dương Thu Hương đã viết ra điều này, đại thể: “Trong khi các phụ nữ khác chúi đầu vào son phấn và xiêm y phòng che thì tôi ngấu nghiến đọc sách báo Miền Nam.” Tôi rất quí sự trung thực của tác giả Thiên Đường Mù qua lời nói ấy.
Nhìn theo phản diện trên mặt sách vở, thì biến cố 30 Tháng Tư 1975 mở biên giới Ý thức cho nhiều tầng lớp người đọc. Người đọc phải có, phải tăng mới khiến sách cũ xuất bản trước 1975 tại Miền Nam được dịp in lại, mới đầu không in tên tác giả, hay dùng một cái tên nào đó thay vào, mãi sau này tự do hơn, mới thấy tên cũ xuất hiện trở lại. Năm 1998, trong mười cuốn sách bán chạy nhất tại Việt Nam, có 9 cuốn là sách cũ trước 1975, một cuốn mới do một nhà văn Miền Nam (Sơn Nam) viết: đó là số liệu do công ty phát hành sách báo Fahasa của Việt Nam cung cấp, đăng trên tờ Thể Thao Văn Hóa số tháng 12.1997, trang 26 và 28. Văn Học Miền Nam đang tìm thấy những độc giả vắng mặt.
Những độc giả vắng mặt này lại có nhiều lớp. Lớp thứ nhất đã trường thành khi Đất Nước chia đôi vào năm 1954, họ có thể đã đọc Hồ Biểu Chánh trong Nam, hay nhóm Tự Lực Văn Đoàn ngoài Bắc. Họ chỉ vắng mặt có 20 năm, và chỉ cần tìm đọc để lấp khoảng trống 20 năm đó. Hình như vào năm 1975, dân số Việt Nam là 50 triệu người, mỗi miền giả dụ có 25 triệu. Như thế, có ít ra là chục triệu người ở tuổi trưởn thành, tuổi hiểu biết, đã không có cách để tự mình tìm hiểu cho nên không biết một tí gì về Miền Nam từ 1954 đến 1975, ngoài hiểu biết qua tin đài, hay qua những tờ báo viết bởi các cây bút ăn lương nhà nước. Vì thế có nhiều cán bộ, bộ đội đã dành dụm trong ba lô vài thẻ đường đen, vài gói mì khô, “mang vào cấp cứu người Miền Nam đang chết đói” như họ được tuyên truyền.
Hãy tưởng tượng khoảng trống mênh mông trong đầu óc 25 triệu người này về một nửa Dân Tộc, đồng bào của họ. Khoảng trống hiểu biết, khoảng trống tâm thức ấy chính là khoảng phân chia đau đớn giữa người Việt Nam với người Việt Nam.
Đó lại chỉ là lớp độc giả vắng mặt thứ nhất. Còn một lớp độc giả vắng mặt nữa, gọi là lớp thứ hai: những người không biết gì về 20 năm Văn Học Hải Ngoại. Nếu người độc giả này sinh ra vào năm 1950 ở Miền Bắc, cho tới nay khi tôi viết bài này, 1995, họ 45 tuổi, nếu tình cờ thấy một tờ báo Hải Ngoại, họ không biết những cái tên như Nhất Linh, Khái Hưng, Lê Văn Trương, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Tuệ Sỹ, Mai Thảo, Tô Thùy Yên, Vương Đức Lệ, Phan Nhật Nam là gì, đừng nói tới lớp nhà văn trẻ hơn. Đối với anh ta, 20 năm phân ly đất nước và 20 năm hải ngoại của chúng ta: có tới 40 năm xa lạ với đầy đủ ung độc, rong rêu, tù hãm và băng hoại do sự phân tán và khác biệt, sự điêu xảo và lừa dối gây ra. Trong suốt 45 năm hiện diện ở đời, ví dụ biết đọc tiểu thuyết như tôi vào năm 8 tuổi, thì từ 1954 đến nay, chưa một lần anh ta được đọc sách của các nhà văn và thơ vừa kể trên, và những người đồng thời, hay kế tiếp khác, tại Miền Nam và tại Hải Ngoại. Có tới 40 năm chúng ta trống vắng trong lòng anh. Sự trống vắng của nhiều thế hệ đồng bào trong lòng anh. Và anh chỉ là một người, trong số 25 triệu giống như anh vào năm 1975.
Tới nay, 1995, hình như dân số Việt Nam đã là 75 triệu người, con số như anh còn nhiều hơn nữa. Khoảng trống kiến thức còn mênh mông hơn nữa, không phải 25 triệu, mà là 35 triệu, 45 triệu …
[Chuyện gần đây nhất cho thấy sự trống vắng này. Nhà văn Phạm Thị Hoài, tác giả Thiên Sứ và Marie Sến, khoảng 40 tuổi, tốt nghiệp Đại học Hà Nội, (hình như về môn Sử), đã không phân biệt được danh từ Sến và danh từ Xén. Cô viết: “Có người cho ‘sến’ quan hệ với ‘sen’ (trong ‘con sen’), và ‘xén’ (trong ‘cô hàng xén’), đều chỉ cô gái bình dân hoặc hạ lưu.” Qua hơn mười dòng nữa, cô Hoài viết: “‘Sến’ trong ‘nhạc sến’ dùng để chỉ thứ nhạc mùi mẫn, đa cảm. (Danh) Từ này xuất hiện ở miền Bắc sau bảy lăm, vận vào một loại nhạc nhất định của miền Nam trước bảy lăm, sau ghép rộng rãi vào những loại nhạc, hoặc loại ‘gu’ nghệ thuật bình dân, rẻ tiền, xi-rô của/cho đám đông. Như vậy, xem ra cũng chính là thứ nhạc/nghệ thuật được các ‘cô hàng xén’ và ‘con sen’ ưa chuộng.”] (Marie Sến, trang 157).
Nhà văn Phạm Thị Hoài là cây bút được một số nhà văn trẻ hải ngoại hết lời ca ngợi. Tôi đã đọc vài tác phẩm của cô, kể cả Từ Man Nương Tới AK và Những Tiểu Luận. Tôi cũng trực tiếp hỏi về cô với một thầy dậy của cô ở Hà Nội, là Giáo sư Tiến si Trần Quốc Vượng, từng là chủ tịch Hội Sử Gia Việt Nam. Cô rất thông minh. Có văn tài. Nhưng khoảng trống đau đớn đã khiến cô viết như trên. Hôm đầu tháng 4.98, nhân nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ghé thằm, tôi có hỏi anh về chữ sến, là ở Hà Nội, anh có nghe chữ đó không. Anh nói nghe luôn từ khi còn trẻ.
Một người thông minh có bằng cấp như Phạm Thị Hoài mà sai lầm, sai lầm một cách tự tin, thì lỗi ấy không ở cô, mà ở nền giáo dục đã đào tạo ra cô – nền giáo dục chủ trương bạch hóa những dị biệt chủ nghĩa, tạo những khoảng trống vô hồn – những khoảng trống đau đớn của Dân Tộc. [Và cũng ở khoảng trống đáng buồn trong đầu tác giả Marie Sến: cô không đọc – hay không có mà đọc – thơ Quang Dũng, người sống ngay tại Miền Bắc, có đến hai bài thơ nói về Cô Hàng Sén từ khoảng đầu thập niên ’50]
Chưa hết. Còn một lớp độc giả vắng mặt nữa, chính là con em chúng ta ở Hải Ngoại. Ví dụ chúng 4, 5 tuổi vào năm 1975, lưu lạc khắp thế giới cùng cha mẹ. Chúng nói đủ thứ tiếng, bao nhiêu trong số đó nói được tiếng Việt, và bao nhiêu trong số đó đọc được tiếng Việt? Chúng không biết 20 năm trước, cũng không biết cả 20 năm sau. Lớp độc giả này nếu chưa vắng mặt bây giờ, cũng sẽ vắng mặt ngày mai. Lớp này cũng sẽ tạo ra những vắng mặt khác những khoảng trống khác của Dân Tộc sau này.
Năm 1982, khi nghĩ về chuyện này, tôi có làm một bài thơ, đã in trong Thủy Mộ Quan. Bài thơ nói về trẻ Việt lưu lạc khắp mặt đất, hẳn nhiên chúng nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Thái, tiếng Mã, tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Tiệp, tiếng Ba Lan … Giả dụ một ngày nào đó đám con ấy trở lại Đất Nước, chúng nói được hàng trăm thứ tiếng khác nhau. Và giả dụ chúng đương đầu với một thống khố chung, không lẽ chúng khóc bằng một trăm thứ tiếng khác nhau? Nhân loại đã có một tháp Babel, trẻ Việt cũng có riêng một tháp Babel nữa? Hy vọng là không. Và bài thơ của tôi hy vọng rằng các con có trở về, hãy chỉ khóc bằng một thứ tiếng, và một tâm thức là tiếng Việt, tâm thức Việt mà thôi.
Trăm Dòng
Sinh ở đâu mà giạt bốn phương
Trăm con cười nói tiếng trăm dòng
Mai sau nếu trở về Quê cũ
Hy vọng ta còn tiếng khóc chung.
IV. Hiện Diện
Trên tờ Thể Thao Văn Hóa số tháng 12.1997, xuất bản tại Sài Gòn, đã dành nhiều chỗ nói về hiện tượng mà báo này viết là Cuộc Sống Mới Của Những Cuốn Sách Cũ.
Bài báo ngắn, chỉ có một cột, trên trang 26. Nhưng ở trang 28, cũng số này, có một thông tin khác, nhan đề Sách Bán Chạy Nhất Tháng 11.1997. Trong những cuốn bán chạy nhất, phần lớn là những cuốn của các tác giả tiền chiến:Nửa Chừng Xuân của Khái Hưng, Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, Tập Truyện Ngắn của Vũ Trọng Phụng, Sóng Mòn của Nam Cao, Truyện Tiền Chiến của Tô Hoài, nhiều cuốn của Nguyễn Hiến Lê (có kể ra Đại Cương Vă Nọc Sử Trung Quốc, Lịch Sử Văn Minh Ấn Độ, Khổng Tử…), Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam, Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam, … Bài báo có ghi chú: “Số liệu do Công ty phát hành Fahasa cung cấp”.
Sách cũ bán chạy hàng đầu ở Sài Gòn vào cuối năm 1997, vì sách cũ mới tìm ra độc giả vắng mặt. Sách cũ trước 1975 ở Miền Nam đang là sách mới được đọc nhiều nhất tại Việt Nam, 1997.
Không bao lâu nữa, khoảng trống đau đớn sẽ được lấp đầy.
Tưởng bây giờ là bao giờ
Rõ ràng mở mắt, còn ngờ chiêm bao.
Kiều
Viên Linh
(trích từ Chiêu Niệm Văn Chương: Vũ Hoàng Chương Lịch Sử Thơ)
Khởi Hành xuất bản, năm 2000

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét