Khi thư viện trở thành lâu đài tri thức
Thư viện Quốc Gia Pháp, Paris
Trong truyện ngắn năm 1941,Jorge Luis Borges, tác giả người Argentina, một người quản lý thư viện, có viết về Thư Viện ở Babel. Những ảnh chụp của Franck Bohbot cho thấy qui mô của thư viện này với các hàng giá sách bất tận. Trong dự án House of Book (Nhà Sách) của ông, nhà nhiếp ảnh Pháp nâng không gian kiến trúc trở thành các lâu đài tri thức.
Thư viện Sainte Geneviève, Paris
Bohbot bị lôi cuốn vào các công trình công cộng: các dự án khác tập trung vào bể bơi, nhà hát và ga xe hỏa. “Tôi quan tâm đến việc chụp các nơi mà con người nghiên cứu, làm việc, giải trí và sống bất luận nó là một nơi bình thường hay nguy nga,” ông nói như vậy. “Đối tượng khai thác trong ảnh của tôi là ở những nơi khác nhau, từ các tiệm cắt tóc ở Brooklyn đến các rạp chiếu phim ở California. Là một nhiếp ảnh gia tôi thích có được nhiều chủ đề và thích sử dụng cùng một cách bố cục, kỹ thuật và phối mầu.”
Thư viện Vallicelliana, Rome
Ông bắt đầu chụp ảnh thư viện vào năm 2012. “Tôi thấy kiến trúc của những nơi tri thức này rất mạnh mẽ,” ông nói. “Tôi tự coi mình là một nhà phối mầu trong nhiếp ảnh. Có nghĩa là tìm một nơi phù hợp, với ánh sáng sẵn có, tìm cách bố cục, xem xét mầu sắc rồi tạo ra một hình chụp với bản sắc của riêng mình.”
BnF, Francois-Mitterand, Paris
Bohnot có khuynh hướng chụp hình các thư viện khi đóng cửa. “Sự trống vắng của nơi sinh hoạt thường ngày vào lúc đóng cửa gợi tưởng một không khí không phụ thuộc vào thời gian và cho phép người xem tưởng tượng cái gì đã xảy ra ở đây,” ông nói. “"Tôi thích sự yên lặng của những nơi này.”
Thư viện Ủy ban Hành Chính Thành phố, Paris
Mặc dù ảnh chụp của Bohbot mang tính gợi tưởng giống như những hình ảnh của những tòa nhà bỏ hoang, ông coi chúng là sự tách biệt so với các ảnh khác. “Tôi thấy chủ đề chụp các công trình đổ nát là hay; nó nói về lịch sử và ký ức,” ông nói. “Tuy nhiên tôi không thích khi việc chụp những công trình đổ nát ở thành phố trở thành một xu thế. Tôi cũng thích kiến trúc đang sống động, còn đang hoạt động, do vậy việc chụp hình những nơi không có người có thể gợi ra một không khí u buồn và bí ẩn.”
Thư viện Angelica, Rome
Bohbot mô tả công việc của ông như việc lột tả “cái mà các nhiếp ảnh gia tiên phong về không gian công nghiệp Bernd và Hilla Becker đã sáng tạo ra về mặt bố cục” và “cách tiếp cận đậm chất Mỹ của các nhiếp ảnh gia và họa sĩ như Edward Hopper, Stephen Shore và Fitz Hugh Lane về mặt mầu sắc và tình yêu quê hương. Tôi nghĩ tôi bị ảnh hưởng nhiều bởi các nhà điện ảnh và họa sĩ hơn là các nhà nhiếp ảnh.”
Thư viện của Thượng Viện, Paris
Khi chụp ảnh các công trình kiến trúc, Bohbot không nhằm vào việc trình bày thực tế thuần túy. “Chụp hình kiến trúc đã thay đổi rất nhiều trong vài năm qua.” ông nói. “Tất nhiên là tôi trình bày một cái gì đó ở trước mắt tôi nhưng tôi muốn gợi ý một cái không gian nào đó nằm giữa tài liệu thông tin, thực tế và hư cấu. Tôi không dùng máy HDR hay các kỹ thuật số mới. Độ nét là quan trọng nhưng không quá nét.
Thư viện Liên Đại Học của Sorbonne, Paris
Bohbot không có một hình ảnh ưa thích riêng, nhưng ông nói là ông rất mê Thư Viện Đại Học Sorbonne”. Bức ảnh này thể hiện việc sử dụng mầu của ông. “Tôi ưa mầu vàng và ngọc lam ấm cúng hơn là nội thất lạnh lẽo của kiến trúc. Tôi thích tạo ra mầu của riêng tôi bằng việc sử dụng ánh sáng tự nhiên và hình nền trước mắt tôi.”
Thư viện Mazarine, Paris
Nhà nhiếp ảnh Bohbot chỉ rõ hình ảnh này là một trong những hình ảnh khó chụp nhất. “Tôi muốn thể hiện lại đúng loại gỗ, mầu sắc và kết cấu bề mặt gỗ mà tôi nhìn thấy và cũng khó nhìn vì nơi này tối. Tôi muốn tôn trọng cái kiến trúc và địa điểm này do vậy tôi phải hết sức thận trọng với điều nói trên.”
Thư viện Công cộng Boston, Boston
Bohbot cho đến nay đã tập trung vào các thư viện ở Paris và Rome, nhưng ông rất thích chụp ảnh các tòa nhà ở những nơi khác trên thế giới. “Những thư viện tiếp theo sẽ là Thư Viện Fleet ở Providence, Thư Viện Bapst ở Boston, rồi đến Thư Viện Quốc Hội ở Washington. Các Thư Viện ở châu Âu và ở Anh Quốc cũng trong danh sách của tôi,” ông nói. “Tôi đang dành thời gian cho dự án này bởi vì nó quan trọng, không nên vội vã, và lên kế hoạch chụp ảnh ngay sau khiđược phép và sẽ bắt tay vào công việc mà sẽ phải mất nhiều năm mới xong.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét