Hoa
làm quà tặng cho người yêu quý , hoa trong bình trang trí cho ngôi nhà
thân thương và có những loài hoa còn có trong món ăn, trong bữa cơm suốt
bốn mùa trong năm.
Nhiều
dân tộc có các
món ăn chế biến từ các loài hoa như: người Nhật ăn hoa cúc đồng, người
Pháp nấu thức ăn với choux-fleur, artichaut , người Hy Lạp dùng bông bí
để chiên, dân Nam Mỹ có hoa của cây yucca dùng làm salad , xào. Ở Việt
Nam, có nhiều món ăn được chế biến từ các loại hoa như: bông bí, hoa
chuối, bông điên điển, bông lục bình, bông hẹ, hoa hiên, bông lẻ bạn,
bông mướp, bông sầu đâu, bông so đũa, bông sen, bông súng và hoa thiên
lý.
1. Bông bí.
Bông bí dùng để ăn là bông bí đực của cây bí rợ, không thể đậu trái. Bông bí lớn, màu vàng tươi rất vui mắt. Bông bí được
cắt chừa cuống dài, bó thành bó nhỏ đem ra chợ bán, nhưng không có nhiều, chỉ có theo mùa.
Thông
thường bông bí đem về được rửa sạch, sau đó luộc chấm nước kho cá, kho
thịt hay chấm nước tương dầm ớt. Bông bí luộc có vị ngọt, hơi nhân nhẫn,
phần tiếp giáp giữa cuống và bông hơi dai dai, ăn rất ngon. Bông bí còn
dùng để nấu canh, xào tỏi, xào thịt bò,
xào nghêu … Xào bông bí phải canh cho vừa chín mới còn dòn. Món đặc sắc
nhất của bông bí là “bông bí dồn thịt chiên“ hay còn gọi là chả bông
bí.
Bông
bí vừa chớm nở phải hái xuống ngay, tướt xơ ở cuống, bỏ tâm, rửa sạch,
để ráo. Tôm, mực, thịt nạc vai heo quết nhuyễn, trộn tiêu hành, mắm
muối, bột năng. Bẻ gập các cánh hoa úp đè lên nhau, nhẹ
tay bỏ vào chiên với lửa nhỏ để bông bí còn màu vàng tươi, không bị
cháy xém. Chả bông bí beo béo, thơm thơm, chấm nước tương dầm ớt. Món ăn
này thường được làm trong những ngày giỗ, tết của gia đình hay tụ họp,
đãi đằng. Chả bông bí không những phổ biến ở miệt vườn lục tỉnh nam bộ
mà còn nổi tiếng ở Huế nữa.
2. Hoa chuối:
Người
miền Bắc gọi là hoa chuối, người miền Nam lại gọi là bắp chuối. Thường
buồng chuối trổ đủ nải rồi, người ta cắt bớt đi các bắp chuối.
Bắp chuối có màu tím, ngon nhất là bắp chuối hột. Bắp chuối được chế
biến thành nhiều món ăn như: trộn gỏi, nấu canh, ăn ghém và chiên làm đồ
chay…
-
Gỏi bắp chuối (nộm hoa chuối): Bắp chuối lột bỏ phần bẹ già, còn phần
non xắt mỏng, ngâm nước pha chanh hay dấm cho khỏi đen và ra bớt nhựa,
vớt ra, để ráo.Trộn chung với tôm thẻ, thịt heo luộc, hến, gà
luộc xé phay hay vịt luộc chặt miếng… rồi rau răm, củ hành tây xắt
mỏng, đậu phọng rang giã nhỏ, nước mắm pha đường, chanh, tỏi, ớt.
- Canh chua bắp chuối: Bắp chuối phần non thái mỏng, nấu canh chua me dầm với tôm, cá, lươn…
- Bắp chuối bào trộn với các thứ rau sống khác, rau muống chẻ để ăn chung với các món nước như: bún riêu, bún bò, lẩu các
loại…
- Phần trắng giữa bẹ bắp chuối được dùng thế mì căn làm món chay như gà xào xả ớt, tôm lăn bột chiên.
3. Bông điên điển:
Còn
được gọi là “hoa mùa lũ” hay “hoa cứu đói”. Do mỗi năm, khoảng
một tháng sau khi nước lên theo mùa, ở vùng châu thổ sông Cửu Long,
bông điên điển trổ đầy cành những cánh hoa vàng rực rỡ, trên những cánh
đồng
ngút ngàn. Trong những ngày không làm việc được để kiếm tiền, người
nông dân chống xuồng ba lá đi hái bông điên điển tươi bán đổi gạo, làm
dưa, hay nấu cháo với bông, luộc bông ăn cầm cự đói.
Bông
điên điển nhặt, rửa sạch, ngâm với giá sống trong nước muối có độ mặn
vừa phải, chừng 3 ngày thì chua, thành dưa điên điển, dùng chấm nước kho
cá, kho
thịt, nấu canh với cá rô. Mùa nước nổi là mùa tôm cá sinh sôi đầy đặc
dưới nước. Người ta giăng lưới, câu, xúc, kéo vó quanh nhà chừng nửa giờ
là có cá rô con, rô mề cỡ mấy ngón tay. Canh dưa điên điển cá rô chẳng
cần nêm, nếm gì thêm cũng đủ vị mặn, chua hấp dẫn.
Bông
điên điển dùng làm rau sống nhúng lẩu cá, lẩu mắm, xào tép, thay giá
làm nhân
đổ bánh xèo với thịt heo, ăn với các loại rau, đọt trong vườn, chấm
nước mắm pha tỏi ớt; bông điên điển làm mắm chay hoặc nấu canh chua rất
ngon. Mùa điên điển ra bông cũng là mùa cá linh từ Biển Hồ trôi giạt
xuống vùng sông Tiền, sông Hậu. Cá linh nấu với me sống vừa chua, làm
lẩu, nhúng chỉ duy nhất bông điên điển vào. Bông điên điển còn có thể
được nấu canh chua với cá bông lau, đậu bắp.
4. Bông lục bình:
Còn
có tên là sen nhật, bèo tây. Lục bình là thân cây cỏ, sống nổi trên
mặt nước, có cuống phồng lên thành phao nổi. Lá có gân, hình cung. Hoa
mọc thành chùm ở ngọn. Hoa không đều, có màu tím xanh, đài hoa và tràng
hoa cùng màu, dính liền nhau ở gốc. Cánh hoa trên có đốm vàng, 6 nhụy (3
dài, 3 ngắn). Người ta dùng bông lục bình làm gỏi, chấm nước cá kho.
5. Bông lẻ
bạn:
Cây
lẻ bạn có nguồn gốc từ các nước Trung Mỹ, được trồng rộng rãi ở Việt
Nam. Cây
trồng trong chậu làm cây cảnh, trồng ngoài vườn để làm thuốc. Cây có
thân rất ngắn, lá mọc gần như sát đất. Lá không cứng, có bẹ, đầu thuôn
dài, mặt trên màu xanh lục, mặt dưới màu đỏ tím.
Cụm
hoa nhỏ, mọc ở nách lá, ngoài có hai mo úp vào nhau, giống như vỏ con
sò, nên còn được gọi là bông sò huyết (oyster plant). Hoa màu trắng,
dùng làm thuốc trị ho, hay nấu canh với xương heo ăn cho mát, bồi bổ cơ
thể suy nhược.
6. Bông hẹ:
Cây
hẹ đây là hẹ trồng, chứ
không phải hẹ nước để ăn mắm kho. Bông hẹ tiếng Tàu gọi là Cửu thái,
tiếng Anh là Chives. Bông hẹ màu trắng. Nấu canh với đậu hủ tươi ăn giải
nhiệt . Xào với lòng gà (tim, gan, mề), nghệ ăn để trị ho.
7. Bông mướp:
Cây
mướp dễ trồng, thuộc họ dây leo, chưa phủ kín giàn đã ra hoa. Người ta
thường có câu: ”Nụ cà, hoa
mướp“. Hoa mướp màu vàng rực, nụ hoa tròn và đen. Không bằng bông bí,
nhưng hoa mướp cũng được dùng luộc, xào lòng gà, ngon nhất là hoa mướp
hương, ăn bùi và béo.
8. Bông kim châm:
Tiếng
Tàu gọi là kim châm hay hoàng hoa. Tiếng Việt gọi là hoa hiên. Cây
thường mọc hoang.
Cuống hoa dài từ 80- 100 cm, đầu cuống chẻ làm hai, có từ 6-12 hoa. Hoa
màu vàng, phơi khô thành màu nâu. Người ta thường dùng hoa kim châm khô
với nấm mèo để nấu canh, hầm thuốc bắc, tiềm vịt, gà… Hoa kim châm có
vị ngọt, tính mát, được dùng làm thuốc lợi tiểu, giảm đau, chữa chảy máu
cam. Ngày nay cây được trồng nhiều ở vùng cao nguyên Trung phần Việt
Nam.
9. Bông súng:
Cây
súng có lá tròn giống lá sen, phía trên màu xanh lục, phía dưới màu
hồng nhạt, nổi trên mặt nước. Có hai loại bông súng: Súng sen được trồng
ở đầm chùa, ao làng có bông màu tím đỏ, rất to. Súng dại có cuống lá
nhỏ, bông màu trắng hay tím. Bông súng có nhiều lá
noãn gắn với nhau thành một bầu nhiều ô. Bông có 4 lá đài, 20-30 cánh
hoa, 30-50 nhụy. Nhụy bông súng màu vàng. Thật ra, người ta chỉ xài phần
thân, cọng súng màu nâu, nhưng vẫn gọi đó là bông súng.
Bông
súng muốn ăn phải tướt vỏ, xắt khúc, ngâm nước cho sạch. Bông súng dùng
trộn gỏi; ăn sống với mắm kho; nấu canh chua với cá đồng; bóp muối cho
héo, ngâm giấm
làm dưa.
10. Bông sen:
Trong địa hạt Đông y , mỗi bộ phận của cây sen có tính trị liệu khác nhau:
- Gương sen (liên phòng) , lá sen (hà diệp), vỏ ngoài hột sen: tánh mát, trị tiêu chảy, cầm máu.
- Hột sen (liên nhục):vị thuốc bổ tì, bổ thận.
- Nhụy sen (liê tu): thông thận, cầm máu,giữ tinh(liên tu bất tận).
- Tim sen (liên tử tâm/lõi xanh trong hột sen): an thần, trị huyết áp cao.
- Ngó sen (liên ngẫu): thanh nhiệt, dùng sống giải rượu, nấu chín giải độc trong thức ăn đồ biển.
- Củ sen: chữa bệnh mất ngủ, hoạt tinh.
Trong phạm vi ẩm thực, các phần
của cây sen được sử dụng như:
Gương
sen phơi khô
đem đun thay củi; Lá sen gói cơm, xôi, quà bánh giữ được hương vị rất
lâu; Lá sen non nấu cháo trị chứng giữ nước, phù thủng … Hạt sen tươi
hay khô được xỏ xâu dùng nấu chè , làm bánh, làm mứt, tiềm vịt, tiềm
gà,… Ngó sen làm gỏi. Củ sen làm mứt, luộc, chiên bột, hầm canh… cho đến
trà ướp hương sen. Hoa sen vị ngọt, hơi đắng, không độc, có tánh ấm,
giúp an thần, trị xuất huyết.
Có
một món ăn nấu từ hoa sen của nhà văn Tản Đà, đã trở thành giai thoại:
Vịt hấp hoa sen. Ông cho rằng tinh túy của
sen đọng lại ở hoa, nên dùng cánh hoa sen phủ kín vịt để hấp cách thủy.
Vịt ở đây là vịt tơ vừa, được làm sạch bằng rượu, khử mùi bằng gừng,
ướp gia vị cho thấm trước. Khi vịt chín, bao nhiêu hương hoa ngấm hết
vào thịt. Ăn cả thịt vịt mềm, không bị béo ngậy cùng hoa thơm, ngọt. Đến
hết vẫn còn “vương vấn“ hương vị, cứ như là: "Dẫu lìa ngó ý còn vương
tơ lòng“ (Nguyễn Du)
Còn theo ý thơ của Mạnh Giao:
"Thiếp tâm ngẫu trung tị , tuy đoạn do khiên liên"
(Lòng thiếp tơ trong ngó sen, dù đứt còn vương hoa).
11. Bông sầu đâu:
Sầu đâu
Tên
gọi sầu đâu dễ bị lầm lẫn với tên gọi là thầu đâu, là sầu đông của cây
xoan ta. Cây sầu đâu có nhiều ở vùng Thất sơn, An Giang, Châu Đốc, những
tỉnh giáp giới Campuchia. Cây sầu đâu thân gỗ, cao to,vỏ sần sùi ,chứ
không trơn láng như thân cây xoan ta.
Xoan ta
Lá xoan ta độc, không ăn được, còn lá non và
bông sầu đâu thì ăn được. Lá sầu đâu dùng làm thuốc sốt rét.
Bông
sầu đâu ra hoa
vào mùa xuân, màu trắng, mọc thành từng chùm như hoa nhãn, dùng làm
gỏi. Gỏi sầu đâu tương đối dễ làm: Rửa sạch bông và lá non, có thể trụng
sơ qua nước sôi. Nướng khô cá sặc rằn, khô cá lóc, xé nhỏ, bỏ vào. (Nếu
không có khô thì có thể thế bằng cá lóc nướng trui xé nhỏ). Trộn thêm
rau thơm, hành tây xắt mỏng, xoài băm sợi… Ăn với nước mắm me, đường,
ớt. Gỏi sầu đâu có vị đắng nhưng hậu ngọt dai.
12. Bông so đũa:
Cây
so đũa hoặc mọc hoang, hoặc được trồng nhiều ở các vùng
bờ quanh ruộng của đồng bằng sông Cửu Long. Cây so đũa thon cao, thẳng,
vỏ nham nhám, xù xì, nứt nẻ. Trái so đũa nhỏ dài , hình dáng như chiếc
đũa. Thân cây so đũa dùng làm cột nhà, cấy nấm mèo. Lá là món hảo của
dê. Bông so đũa mọc ở trên cao, kết thành từng chùm , có 2 màu: trắng và
tím. Bông so đũa có vị nhân nhẫn đắng, nhưng ngọt hậu.
Đầu
tháng 10 âm
lịch trở đi , cây so đũa đồng loạt ra hoa, cùng lúc với mùa cá linh để
có món ăn nức tiếng là cá linh nấu canh chua bông so đũa. (Cá linh
thường được dùng làm mắm để dành. Chế biến nhiều món như kho mặn, kho
mẳn lót mía, kho mắm với cà tím, kẹp vỉ nướng, chiên giòn, nấu canh chua
… ).
Bông
so đũa nhặt cuống, rửa sạch. Nấu nước sôi,dầm me, thả cá linh, nêm vừa
miệng, hớt bọt, cho bông so đũa vào là nhấc xuống liền , để bông còn
giòn mới ngon. Trên mặt bỏ ngò gai, rau om xắt nhỏ, thêm một chút tỏi
phi, vài lát ớt tươi. Không có cá linh, người ta nấu canh chua so đũa
với tôm, tép. Bông so đũa còn dùng luộc, xào, đặc biệt là món cá lóc bọc
bằng bông so đũa hấp, chấm nước mắm đồng dầm ớt.
13. Hoa thiên
lý:
Cây
thiên lý là một loại dây leo, dài hàng mét, thân non có lông, lá mọc
đối. Hoa mọc thành chùm màu vàng chanh hay trắng ngà. Ban đêm hoa tỏa
hương thơm ngát, nên còn được gọi là Dạ lai hương.
Lá
và hoa thiên lý được thu hái vào mùa hè, dùng tươi. Rễ thu hái vào mùa
thu, phơi
hay sấy khô. Lá có tác dụng chửa bịnh trĩ, trị giun kim. Rễ chửa tiểu
buốt hay ra máu. Hoa thiên lý giống như cái chuông gió nhỏ, lấp ló trong
những tán lá xanh mướt. Ngoài chức năng làm đẹp.
Cộng
mùi hương thoang thoảng, hoa thiên lý còn có vị ngon ngọt, tánh mát,
được người nông dân miền Bắc coi như một loại rau có sẵn trong nhà.
Canh
thiên lý mang hương vị đặc trưng của mùa hè. Nấu canh thiên lý không
phức tạp. Chọn những chùm hoa mới nở, ngâm nước cho hết kiến, chùm hoa
to thì tách làm 2, 3 nhánh nhỏ.
Ở
thành phố thì nấu hoa thiên lý với thịt heo bằm, giò sống. Nhưng kết
hợp độc đáo của hoa thiên lý là cua đồng giã nhỏ là canh có hương vị đậm
đà ngay. Hoa thiên lý xào với thịt bò, có ướp chút gừng và nước tương
cho thấm. Ngày nay, người ta dùng hoa thiên lý như một
loại rau sống, nhúng với lẩu các loại.
14. Hoa Atiso:
Hoa atisô có tác dụng bổ dưỡng, kích thích tiêu hóa, lợi gan mật, trợ tim, lợi tiểu, thường dùng nấu
canh. Khi nấu chú ý không dùng nồi gang hoặc nồi nhôm vì hoa sẽ bị đắng, khó ăn.
Bộ
phận của cây atisô được dùng làm rau ăn là cụm hoa bao gồm đế mang hoa,
các lông tơ, và các lá bắc (có phần gốc mềm mầu trắng bao chung quanh).
Trong 100g bông atisô, có chứa: 3 - 3,15 g
protein, 0,1-0,3 g lipid, 11-15 g glucid (chủ yếu là inulase, tốt cho người bị tiểu đường) và 82 g nước.
Ngoài
ra còn có chứa các chất khoáng như mangan, phospho, sắt, các vitamin: A
, B1, B2, C, cung cấp 50-75 calori. Bông atisô khi nấu chín có tác dụng
bổ dưỡng tăng lực, kích thích tiêu hóa làm ngon miệng, lợi gan mật, trợ
tim, lợi tiểu, chống độc, tăng tiết sữa cho sản phụ (khi hầm với chân
giò).
Trong đông y, hoa atisô dùng trong
các trường hợp đau gan, đau dạ dày, ăn uống không tiêu, sản phụ ít sữa, tiểu đường thống phong, thấp khớp, suy nhược cơ thể...
Chế biến:
Rửa sạch bông, chẻ dọc thành 6-8 miếng, luộc chín, nấu canh, hầm xương
heo xương bò, chân giò hoặc xào với nấm. Khi dùng bông atisô chỉ
nên dự trữ bằng cách bỏ vào tủ lạnh tối đa bảy ngày, khi nấu không dùng
nồi bằng nhôm hay gang vì các kim loại này làm atisô mất màu, gây đắng
khó ăn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét