Thử Đọc Qua “ Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi” của Petrus Trương Vĩnh Ký
Mãi cho đến năm 2009, người Việt
chúng ta vẫn chưa có thể đưa ra một đánh giá đúng đắn, hay ít ra một bằng chứng
khách quan cho biết về tầm quan trọng đóng góp của con người Petrus Trương Vĩnh
Ký, rất khó có thể chối cãi là một người cha của quốc ngữ và tiếng Việt hiện
đại nói chung.
Nếu nhìn qua danh sách các tác phẩm
và bài viết của Trương Vĩnh Ký, tổng cộng 118 tác phẩm lớn nhỏ đủ loại, và đem
so sánh nó với bất cứ “list of publications” (thư mục trước tác) nào của các
giáo sư đại học ở thế kỷ 21, từ Harvard đến Oxford, Cambridge hay Sorbonne, từ
Beida tới Todai, ta có thể thấy danh sách tác phẩm và bài viết của họ Trương,
vẫn có phần hơn, nếu để ý đến thời đại họ Trương là thời giữa thế kỷ 19, và chữ
quốc ngữ hãy còn nằm trong dạng phôi thai. Nhìn kỹ hơn một chút, ta thấy thời
đó cái mốt viết bài đăng báo hay viết sách chuyên đề ngôn ngữ, hoặc phổ biến
hay chia xẻ kiến thức với nhân dân, vẫn chưa là một tiêu chuẩn để được thăng
tiến trong nghề giáo sư đại học ở các quốc gia tiên tiến Tây Phương, chứ đừng
nói chi đến các nước Á Đông như Inđô-nêxia, Thái Lan, Phi-líp-pin, Miến Điện,
v.v. Hay ngay cả Nhật Bản và Trung Hoa, nếu kể luôn cả những tác phẩm viết bằng
tiếng Pháp hay nghiên cứu hoặc diễn giải về các tác phẩm Hán Nôm xưa.
Nếu Trương Vĩnh Ký sinh vào thế hệ
sinh sung [baby boom], đại khái trong khoảng 1945-1960, và viết đơn xin
việc tại bất cứ đại học lớn nào trên thế giới ở thập kỷ đầu của thế kỷ 21 này,
kèm theo thư mục trước tác của ông, chúng ta thấy ngay và chắc chắn rằng, đơn
xin việc của ông sẽ được hoan hỉ chấp nhận, nếu đại học đó có một phân khoa
hùng hậu về ngành Đông Phương Học. Và nếu đại học nào bị lâm vào tình trạng tài
chánh khó khăn do ở khủng hoảng kinh tế toàn cầu, rất có khả năng người ta sẽ
lập tức giới thiệu ông hay kiếm job dùm ông ở một đại học khác.
Nếu Trương Vĩnh Ký sinh trước 100
năm, tức vào khoảng năm 1737, không ai có thể biết những gì có thể xảy ra,
nhưng rất có khả năng ông sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu hơn, bởi vào thời
đó bờ cõi nước Đại Việt chưa mở rộng đến tận phía Nam, và vùng quê hương của họ
Trương vẫn còn thuộc quản trị (lỏng lẻo) của vua quan nước Chân Lạp. Cũng rất
có thể tổ tiên của ông vẫn chưa xuôi về Nam định cư. Nhưng cũng có vẻ khá chắc
chắn rằng họ Trương sẽ không có cơ hội làm quen với các thứ ngoại ngữ, và chưa
chắc tránh được nạn thiếu học và ngay cả mù chữ.
Nếu ông sinh trước chỉ 50 năm, tức
vào khoảng năm 1787, ông sẽ lớn lên dưới thời vua Minh Mạng (1820-1841), rất có
khả năng ông bị mất mạng rất sớm nếu ông vì nghèo không có cơm ăn, đi theo đạo
quốc cấm, lại đua đòi học tiếng Phú-Lang-Sa. Thứ tiếng này là một trong những
“ngoại ngữ” ở thế kỷ 21, con em ở khắp nơi trên thế giới, chứ không riêng gì ở
cái xứ Việt, đang hăm hở theo học ngày đêm, theo sát với trào lưu kinh tế thị
trường và toàn cầu hoá mậu dịch. Ông rất dễ đi về nước Chúa rất sớm, bởi ông lỡ
mang một giấc mơ hết sức quái dị là cố gắng phát triển đến mức tối đa một hệ
chữ viết dùng chữ cái tiếng Latinh, mà mấy ông Cố đạo da trắng Âu Châu đã và
đang bắt đầu khai triển để giảng đạo của Chúa Cứu Thế. (Có thể để ý phần đa các
trước tác của họ Trương hoàn toàn không mang chủ đề đạo Công Giáo hoặc chủ
thuyết chính trị Đông hay Tây).
Dù cho rằng những công việc họ
Trương đã làm là có cổ xúy của người da trắng từ xứ Tây Dương, nhưng nếu không
có ý chí say mê, một hướng đi rõ rệt, với ước muốn làm một cái gì thiết thực để
trả nợ quê hương, xây dựng nền móng thật vững chắc cho tiếng Việt trong thời
đại mới, rất khó có thể thấy tiếng Việt, dưới dạng quốc ngữ theo chữ cái a-b-c,
có khả năng phát triển tột bực chỉ trong vòng 40 năm, ban đầu tập trung chung
quanh mảnh đất Sàigòn-Gia Định, rồi sau đó lan tràn khắp nơi, mà chỉ khoảng 1
thế kỷ trước vùng đất Sài Gòn-Gia Định vẫn chưa hoàn toàn thuộc chủ quyền của
nước Nam, và vẫn là một nơi khỉ ho cò gáy, cọp beo vẫn thường ra mặt bát phố
lúc về đêm. Đây là điểm có thể nói kì lạ và ngộ nghĩnh nhất về sự lớn mạnh của
tiếng Việt viết theo chữ cái mẫu tự Latinh. Chữ quốc ngữ đã được phát triển và
củng cố mãnh liệt trong một môi trường hoàn toàn mới lạ mà chỉ trong vòng một
trăm năm trước đó, người bản địa trong vùng hoàn toàn xem tiếng Việt là một thứ
tiếng xa lạ, do di dân từ nơi khác mang đến. Tức chữ quốc ngữ đã trưởng thành
như một đứa con hoang, không có ông bà hay chú bác hoặc bà con thân thuộc ở kế
bên. Một hệ thống chữ viết mang tầm vóc quốc gia được phát triển độc lập với
triều đình (đã mất chủ quyền) và truyền thống học vấn từ ngàn xưa.
Và cũng do ở điểm này, tiềm tàng
trong tâm khảm của giới sĩ phu đàng ngoài, mà người ta liên tiếp thấy những ngộ
nhận này dẫn đến ngộ nhận kia, kéo dài không ngừng hằng chục hằng trăm năm.
Điển hình là bộ Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan, trong đó nhà phê bình văn
học mới vào nghề họ Vũ đã vô tư sắp ông Petrus Ký ngang hàng với các nhà văn
“hiện đại”. Cũng giống như sắp xếp Sir Isaac Newton ngang hàng với một số các
giáo sư Việt hay Anh đang giảng dạy khoa Vật Lý học tại các trường trung hay
đại học ở thế kỷ 21. Hay so sánh ông Charles Darwin với một cô giáo trường làng
ở Nhật Bản đang dạy về ngành sinh vật học với chuyên môn về thuyết tiến hoá.
Một sơ xuất khá buồn cười, nhưng hoàn toàn vô tư lự, rất ít người để ý đến, và
thật sự không đáng quan tâm. Cũng có thể nhận xét rằng nhận định về một nhân
vật như Trương Vĩnh Ký rất dễ bị gò bó bởi cái khung suy nghĩ cổ điển, mang
tính tạp nhạp với các tiêu chuẩn rời rạc đầy tính chủ quan của hệ giá trị xã
hội hết sức chật hẹp, nhưng không kém phức tạp, dựa trên cơ sở quyền lợi và
quyền bính của những thế kỷ trước. Cũng không thể không ngạc nhiên nếu để ý
hiện tượng Petrus Ký chính là hiện tượng một nhà chuyên nghiệp sinh trưởng ở
một vùng đất mới, trước khi ý niệm hay định nghĩa “nhà chuyên nghiệp” xuất hiện
ngay ở Tây Phương cả trăm năm. Hiện tượng này lại xảy ra ở vùng đất mà ơn mưa
móc của triều đình hãy chưa có cơ hội được ban bố tới. Cũng rất có thể, nếu
hiện tượng này xảy ra tại bất cứ quốc gia nào khác ở Đông Nam Á vào thời đó,
như nước Nam Dương chẳng hạn, một nhân vật tương đương với Petrus Ký cũng rất khó
được chính quyền trung ương vinh danh. Người ta cũng có thể nghi ngờ về hiện
tượng Petrus Ký xảy ra ngay ở Trung Quốc. Vẫn có rất nhiều quan sát cho thấy
một hiện tượng tương tợ với trường hợp Petrus Ký cũng dễ bị bỏ quên, đặc biệt
nếu để ý chính Kim Dung đã bỏ thì giờ viết lên nhân vật Vi Tiểu Bảo trong bộ
Lộc Đỉnh Ký, một “nhà chuyên nghiệp” gốc Hán đã hợp tác với quân Mãn Thanh.
Nhân vật Vi Tiểu Bảo này của Kim Dung cũng không thể mang gốc sĩ phu theo Hán
học đàng hoàng, mà bắt buộc phải thất học, với học vị tiến sĩ chợ trời, và
thuộc hàng giai cấp thái giám. Cũng có thể xem Petrus Ký theo chiều hướng kiểu
mô hình nhà bác học Galileo, bị chấm dứt cuộc đời và sự nghiệp chỉ do ở việc
mang lối suy nghĩ khác biệt với Giáo Hội La Mã chỉ trước đó vài thế kỷ. Chung
qui cũng ở chỗ ý niệm về một nhà chuyên nghiệp hãy chưa hình thành, và việc học
vấn đó hoàn toàn nằm ngoài chương trình giáo dục hay quan lộ do nhà nước ấn
định, mà lại nương nhờ vào một thứ đạo giáo đến từ phía bên ngoài, nhà nước
đang cấm chỉ. Đây là một đề tài khá phức tạp, chứ không đơn giản như thường
nghĩ, có thể đòi hỏi vài ba cuốn sách dày.
Nhìn qua những trước tác của Petrus
Ký người ta rất khó tránh không để ý đến quyển “hồi ức” ngắn viết bằng văn
xuôi, rất có thể chính là quyển viết bằng “bạch thoại” chữ quốc ngữ đầu tiên
của người nước Nam. Đó là quyển “Chuyến Đi Bắc Kì năm Ất Hợi” tường thuật lại
chuyến đi ra ngoài Bắc trong khoảng thời gian từ 14 tháng Giêng 1876 cho đến 20
tháng Tư 1876. Ngay ở cái tựa về “năm Ất Hợi” ưa kèm theo năm 1876 trong dấu
ngoặc (1876) cũng dễ gây ngộ nhận, rằng năm Ất Hợi là năm 1876. Thật ra năm Ất
Hợi chỉ có thể là năm 1875, và sở dĩ “nhà văn” Trương Vĩnh Ký cho năm Ất Hợi
vào cái tựa là bởi ngày ông khởi hành (14/01/1876) tính theo ngày ta hãy còn là
ngày 18 tháng Chạp năm Ất Hợi (1875), có ghi rõ trong quyển sách (“Chuyến Đi
Bắc Kì năm Ất Hợi”). Còn cách gọi “Kỳ” là cách gọi do vua Minh Mạng đặt ra. Sau
năm 1945, “Kỳ” được thay bằng “Bộ” và ở phía Nam, “Kỳ” tạm đổi ra thành “Phần”
hay “Miền”.
Cuốn “Chuyến Đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi”
(xin viết tắt CĐBK) dài khoảng 42 trang, chia làm 62 tiết mục. Đại khái
tựa các tiết mục viết như: Tới Cửa Hàn, Tới Hải Phòng, Đi thăm Lãnh Sự, v.v. Có
tiết mục dài gần cả một hai trang, có thứ chỉ một dòng chữ. Thí dụ: Tỉnh Hà
Nội: Tỉnh Hà Nội từ Đ qua T. 25 dặm, từ N. qua B. 129 dặm. Để ý cho đến đầu đời
chữ quốc ngữ, đơn vị đo lường (dặm, trượng, thước, tấc) vẫn còn có vẻ theo sát
hệ của Trung Hoa, chưa được hay bị Tây hoá. Ông Trương chỉ mới bắt đầu viết tắt
Đ cho hướng Đông, T. cho Tây, theo kiểu Pháp l’Est (E) và l’Ouest (O). Thí dụ
tiêu biểu cho lối dùng: dặm-trượng-thước-tấc [1 dặm=1 lý(里)=500mét; 1 trượng(丈)=2 bộ(步)=3.33mét;
1 thước(xích 尺)=0.333m,
1 tấc=1 thốn(寸)=
3.33cm], tìm thấy trong miêu tả về thành Bắc Ninh trích từ trang mạng: http://www.panoramio.com/photo/11967296,
dựa vào tài liệu “Bắc Ninh tỉnh Chí”, soạn thảo vào năm Tự Đức thứ 19, do Viễn
Đông Bác Cổ chép lại:
“Bên ngoài tường thành dài 532
trượng, 3 thước, 2 tấc. Tường thành cao 9 thước, trên thành rộng 1 thước, 8
tấc, dưới chân thành rộng 3 thước, hào rộng 9 trượng, sâu 1 trượng. Thành có 4
cửa, mỗi cửa cao 1 trượng, 1 thước, 5 tấc. Trong lòng cao 9 thước, 7 tấc, bề
ngang cao 7 thước, 2 tấc. Trên 4 cửa đều có 4 ngôi lầu, cùng với 6 góc đều đặt
xưởng pháo.”
Chuyện ngộ nhận năm Ất Hợi là năm
1876 hoàn toàn gây bởi tác giả ngay ở dòng chữ mở đầu quyển sách:
Năm Ất Hợi (1876), bãi trường tham
biện vừa xong, vùng tính đi ra Bắc chơi một chuyến cho biết. Trong bụng muốn
cũng đã lâu; nên xin với quan trên, nhơn dịp chiếc tàu Duchaffaud đi mà đi. Về
sắm hòm rương áo quần. Rủ thầy ba Hớn với ông sáu Thìn, nguyên một người ở tỉnh
Bắc Ninh, một người ở Sơn Tây mà vào trong Nam Kỳ đã lâu, đi theo trước là cho
có bạn, sau nữa là cho họ về thăm quê quán.
Qua ngày 18 tháng Chạp đề huề xuống
tàu. Sớm mai giờ thứ 9 rưỡi nhổ neo. Vợ con đi đưa, ngồi xe đi rảo trên bờ cho
đến tàu quay trở rồi ríu ríu chạy xuống đồn Cá Trê, mới về. Xế giờ thứ hai ra
cửa Cần Giờ, chỉ mũi chạy ra mũi Né.
Khi Trương viết “Năm Ất Hợi (1876)”
trong đầu ông hoàn toàn nghĩ đến năm ta, bởi lúc khởi hành (ngày 18 tháng Chạp)
hãy còn thuộc tháng Chạp năm Ất Hợi mặc dù ngày Tây đã qua đến 14 tháng Giêng
1876. Chuyến đi thăm Bắc Kỳ này kéo dài cho đến ngày 26 tháng 3 năm Bính Tý
(tức 20 tháng 4 năm 1876) thì ông Trương mới trở lại Sài-Gòn:
Sau hết từ giã quan quyền tây nam và
kẻ quen biết hết cả, ngày thứ 7, 21 tháng 3 (le 15 avril) giờ thứ 1 xuống tàu,
qua giờ thứ 3 chạy ra ngã cửa Cấm; chạy luôn qua ngày thứ 2 giờ thứ 10 vô vùng
Hàn bỏ neo đậu lại; trên thủ ngữ đem ông trạm xuống, giờ thứ 1 lấy neo chạy
ngay về Gia Định, giờ thứ 5 sáng ngày thứ 5 là 26 tháng 3 (20 avril) vào cửa
Cần Giờ. Giờ thứ 11 lên tới Sài Gòn gieo neo đậu lại. Mướn đò chở đồ và người
về thẳng nhà. Trong nhà không ai dè, vô tới bến mới hay. CHUNG
Tựu trung chuyến đi “tham quan” phía
Bắc này của họ Trương kéo dài khoảng 70 ngày. Thời gian kéo dài hơn dự tính ban
đầu bởi ông Trương bị trễ tàu hai ba lần khi ở đất Bắc. Nhưng ông vẫn cho cái
xui thật ra là cái hên, bởi nhờ ở chuyện nhỡ tàu—thời đó có vẻ như mỗi tháng
mới có một chuyến xuyên Việt—ông mới có dịp đi được nhiều nơi đất Bắc và ghi
lại khá đầy đủ (theo tiêu chuẩn viết văn xuôi thuở đầu tiên) đời sống và sự
kiện xã hội phía Bắc vào cuối thế kỷ 19.
Tóm lược hành trình chuyến đi Bắc Kì
của họ Trương như sau (ghi theo lịch ta):
- Ngày 18 tháng Chạp: khởi
hành từ bến sông Sài Gòn (tàu Duchaffaud).
- Ngày 21: đến cửa Hàn (còn
có tên Tourane – Đà Nẵng). Nghỉ qua đêm.
- Ngày 25: đến Cát Bà. Chuyển
sang tàu Aspic đến Hải Phòng.
- Ngày 26 tháng Chạp: thăm
quan lãnh sự M. Turc. Nghỉ đêm tại nhà trọ chú khách Wan Sing.
- Ngày 27: đến Hải Dương. Gặp
tổng đốc Phạm Phú Thứ. Ăn Tết tại Hải Dương cho đến mồng 6, lên võng đi đường
bộ đến Hà Nội.
- Mồng 7 Tết năm Bính Tý:
Nghỉ đêm ở Cẩm Giàng. Tối đến Hà Nội.
- Mồng 8 Tết: đi thăm ông De
Kergaradec, lãnh sự Lang Sa tại Hà Nội. Đi coi cảnh chùa tổng đốc Nguyễn Đăng
Giai lập khi xưa. Xem Hồ Hoàn Gươm (Gươm phát âm theo kiểu tiếng Quảng Đông
[gim] và Kiếm theo kiểu Hẹ [kiam] 劍). Tối ăn cơm với lãnh sự.
- Mồng 9 Tết: tiếp tục tham
quan Hà Nội. Gặp các cố đạo người Pháp (mang tên Việt).
- Mồng 10-11 Tết: Đi mua sắm.
Tối đi ăn cơm với một thương gia gốc Quảng Đông.
- Ngày 12 tháng Giêng: gặp
tổng đốc Hà Nội Trần Đình Túc (gốc Quảng Nam): “Người đã lớn tuổi ngoài 70, mà
còn sõi lắm”.
- Ngày 13 tháng Giêng: Cho
ông sáu Thìn đi mua đồ vặt.
- Ngày 14, 15, 16 tháng Giêng:
chiều chiều đến quan thượng ăn cơm. Quan Thượng cho một ông đội hầu đem đi dạo
coi các nơi chơi. Những nơi thăm viếng: đền Kính Thiên, Cột Cờ, đền Công, ông
Thánh Đồng Đen (Trấn Vũ), chùa Một Cột, hồ Tây, Văn Thánh Miếu, v.v.
- Ngày 17 tháng Giêng: ông
Sáu Thìn và thầy Ba Hớn từ Bắc Ninh trở lại.
- Ngày 18 tháng Giêng: từ giã
mọi người. Vào dinh quan thượng từ tạ mà về.
- Ngày 19 tháng Giêng: đi
theo đường sông xuống tỉnh Hải Dương.
- Ngày 20: đến Hải Dương. Tác
giả tạm ngưng viết về chuyến đi và dành trên 15 trang miêu tả về nhân sự, địa
lý, lịch sử, phong tục ở Hà Nội, và tỉnh Hải Dương.
- Ngày 22: đi Hải Phòng.
- Ngày 23: chiều tới Hải
Phòng. Gặp lãnh sự M. Turc mới hay chiếc tàu về Gia Định đã lấy neo chạy hồi
trưa đi rồi. Trương và đồng hành ở nán lại chờ tàu khác, định đi theo tàu về
Hương Cảng trước rồi về Nam sau. Nhưng đợi mãi không thấy tàu ra mới tính đi
qua Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Hưng Yên cho biết.
- Mồng 3 tháng Hai: khởi hành
đi bằng đò và thuyền qua Nam Định.
- Mồng 5 tháng Hai: tới Nam
Định. Ăn cơm dưới ghe dưới đò. Xong rồi lên thăm các cha sở. Tối ngủ nhà cụ
Nghiêm (ông Petrus Ký ưa gọi Cha bằng Cụ).
- Mồng 6 tháng Hai (nhằm ngày
Thứ Tư Lễ Tro (Gio)): Tổng đốc Nguyễn Trọng Hiệp đi vắng—còn lại quan bố chánh
Nguyễn Đức Trạch, quan án sát Nguyễn Tải, theo lời dặn tổng đốc cử một ông đội,
một ông thông phán và 10 lính ra hầu. Trương viết sơ lược giới thiệu tỉnh Nam
Định.
(Ghi Chú: Bố Chánh là quan lo
việc hành chánh thuế má dưới Tổng Đốc (hay Tuần Phủ), nhưng trên quan Án Sát,
phụ trách quân sự.)
- Mồng 7: Trưa khởi hành đi
Ninh Bình, ghé qua Phát Diệm trước. Mục đích là thăm Cụ Sáu, tức linh mục Trần
Triêm, triều đình đổi tên thành Trần Lục, Cha xứ Phát Diệm 34 năm sau một thời
gian ở tù vì theo đạo.
- Mồng 8: Tối đến Phát Diệm,
cho người đem thiệp lên trình. Cụ Sáu (Cha Trần Lục) cho người rước lên nhà
vuông xơi nước; sau mời lên lầu chuyện vãn cho tới giờ thứ 11 mới phân nhau ra
đi nghỉ. Petrus Ký ghi lại vài bài thơ vịnh tức cảnh.
- Mồng 9, 10: Gặp các cố từ
Ninh Bình đến. Hàn huyên trò chuyện.
- Ngày 11 tháng Hai: từ giã
các Cụ đi Thanh Hoá. Miêu tả thắng cảnh: Lã Vọng, hang Thị, động Từ Thức. Sau
cùng đến Khan Dừa. Thăm Cụ Đệ.
- Ngày 13 tháng Hai: đến
Thanh Hoá lúc giờ thứ 2 rưỡi sáng. Petrus Ký dành vài trang mô tả tỉnh Thanh
Hoá và Ninh Bình.
- Ngày 14 tháng Hai: Khởi
hành đi Ninh Bình. Ngủ tối ở bến đò Triên.
- Ngày 15 tháng Hai: Qua
sông, qua đò. Đến Ba Giội (Tam Điệp), xuống cáng đi chơn mà coi chơi cho biết.
Ngủ đêm ở quán Gành.
- Ngày 16 tháng Hai: Sáng sớm
đến Ninh Bình. Ăn cơm tại nhà bà phó Vàng, người có đạo trong tỉnh. Sau bữa
cơm, quan tuần phủ Đặng Xuân Toán cho lãnh binh ra mời vô thành hữu. Dân chúng
nghe có người Gia Định đến kéo nhau đi theo coi rất đông. Lần trước đó, nhiều
người đến xem cho biết người Gia Định thế nào, là lúc Trương và các đồng hành
ghé thăm Cụ Đệ. Sau khi thăm quan tuần, quan án Đồng Sĩ Vịnh, mời về đình nói
chuyện. Khi giã từ, người có biếu 2 bình trà và 20 quan tiền.
- Ngày 16 tháng Hai: Buổi
chiều đi thăm cảnh vật lịch sử: chùa ở ngã ba Non nước, kinh Ma, đò Khuốt (Đoan
vi), núi Kẽm Trống, v.v. – rồi đi Sở Kiện.
- Ngày 17 tháng Hai: nhằm
ngày chúa nhựt đúng lễ Reminiscere, đến nhà thờ Sách Đoán vào lúc sáng sớm. Nơi
đây gặp rất nhiều các cố và gặp Cụ Chất (90 tuổi), chính cụ xứ đó.
- Ngày 24 tháng Hai: Buổi
trưa về tới Hà Nội. Vào trường thi thăm lãnh sự de Kergaradec. Trưa đi dạo hàng
khay. Tối về ăn cơm và ngủ tại nhà Đức cha.
- Ngày 25 tháng Hai: Nhằm
ngày chúa nhựt Oculi, đi xem lễ. Vào thăm các quan Lang Sa ở trường thi. Được
quan điền hộ Jardon mời ăn cơm. Trưa đi thăm tổng đốc Trần Đình Túc.
- Ngày 26 tháng Hai: Sau bữa
cơm với lãnh sự và vợ chồng Directeur du Génie (giám đốc công chánh), từ giã đi
Hải Phòng. Vừa đi vừa tham quan nên tốn đến 4 ngày mới đến Hải Phòng (29 tháng
2).
- Ngày 29 tháng Hai: Lại hụt
tàu l’Indre đã nhổ neo đi rồi. Ở Hải Phòng đến 21 ngày chờ khi có tàu Surcouf
mới về được. Ở đậu nhà ông Tham biện Cư (cụ Thơ). Ông Sáu với thầy ba thì mướn
một căn nhà gần đó.
- Ngày 21 tháng Ba (le 15 avril):
từ giã mọi người lên tàu trở về Sài Gòn.
- Ngày 26 tháng Ba (20 avril):
về đến bến Sài Gòn: Trong nhà không ai dè, về tới bến mới hay.
Nhìn chung, quyển CĐBK, xin phép
nhắc lại là một trong những tập văn xuôi đầu tiên—sau quyển Chuyện Đời Xưa
(1866), đã đạt được một tiêu chuẩn hết sức độc đáo, với lối hành văn hết sức
giản dị, mà ai biết đọc biết viết chữ quốc ngữ đều có thể hiểu được những sự
việc tác giả muốn ghi lại. Ngày nay, người Việt vẫn có thể hiểu được nếu chịu
khó tìm tòi tra cứu một vài từ nay đã mất tính phổ biến. Những thứ từ này khi
mang gốc Thái-Mường, khi mang gốc các phương ngữ thuộc gốc Bách Việt xa xưa.
Xin trình bày một số từ đã tra cứu được:
- · Vùng: “bãi trường tham biện vừa xong,
vùng tính đi ra Bắc chơi…”—vùng mang nghĩa đặc biệt ít có từ tương
đương trong tiếng Việt hiện đại. Nghĩa: “chợt nảy ra ý tưởng”/“chợt
quyết định” trong đó mang hàm ý “nhanh nhẹn/lanh lẹ”—tương
đương Anh ngữ là “nimble”, “alert”, “agile”, “clever conception”, … Có
liên hệ mật thiết với tiếng Thái [waawng], [waawng wai], hoặc [wuup], mang
nghĩa “bỗng nhiên”, “đột nhiên”. Để ý [wuup] tiếng Thái mang liên hệ với
tiếng Việt “vụt” trong “vùn vụt” mang nghĩa “thật nhanh”. [Vụt] cũng có
móc nối với tiếng Quảng: 聿 [jyut], với nghĩa tiếng Anh: nimble, agile, alert,
v.v. giống như “vùng”. [Vụt] đọc theo kiểu Nam là [byụt] hay [bụt] tương
đương với tiếng Quảng [but] 勃 mang nghĩa “chợt”, “bất chợt”. Để ý: chữ Vùng
mang nghĩa Area/Zone, viết theo chữ Nôm mang âm đầu là [B], chứ không phải
[W] hay [V]: Vùng=Thổ+Bông (Kiều, bản Taberd) hay Vùng=Thủy+Bông (Kiều,
bản Chu Mạnh Trinh). Ghi chú thêm: năm 1875 Petrus Ký được bổ nhiệm
làm Chánh Đốc học trường Tham biện Hậu Bổ (College des Stagiaires). Do đó,
“bãi trường tham biện vừa xong” cho biết hành trình đi Bắc Kỳ của họ
Trương xảy ra vào dịp bãi trường (nghỉ hè). “Tham biện” là một chức vụ
hành chánh ngang hàng cấp tỉnh, xưa gọi quan Bố Chánh.
- · Coi hát bội cho no: Cả hai từ
“coi” và “xem” đều có gốc tiếng Quảng và Hẹ: 瞧 [sam] Quảng, 瞻 [tsam] Hẹ, 睬 hoặc 瞿 mang phát âm [coi] hay [keoi] trong tiếng Quảng. Tất
cả các thứ từ mang gốc Bách Việt này đều mang nghĩa: to look, to
glance, to view. Thế “no” nghĩa là gì? Ngày nay ta thường dùng từ kép
“no đủ”—và “no” trong “no đủ” mang nghĩa rất giống “đủ”. “No” mang gốc
tiếng Thái (Mường) [neuua] (thường dùng theo kép [neuua neuua]) mang nghĩa
“completely”, “fully”, tức “đầy đủ”, với “đủ” mang dây móc
nối với [dtodo] tiếng Myanmar. Tiếng Hàn (Korean) tương đương với [no] là
[nok-nok] cũng một từ kép.
- · Hỏi thăm hỏi lom: Petrus Ký vẫn ưa dùng lối
“lập đi lập lại” theo kiểu các thứ tiếng Thái, Khasi, Lahu, và tiêu biểu
trong tiếng Việt: lương ba cọc ba đồng, khi khổng khi không,
liên thoa liên thuyên, khuya lơ khuya lắc, chổng cọng
chổng càng. “Lom” khác với “nom” (từ chuẩn hiện nay) chỉ ở phụ-âm đầu
[l] và [n]. Trong một môi trường không phụ thuộc vào lối đánh vần chữ cái
a-b-c tức mẫu tự Latinh, chúng ta thấy rất khó phân biệt giữa hai phát âm
khác (dựa trên đánh vần theo a-b-c) [lom] và [nom] bởi vị trí lưỡi chạm
vào “ổ răng” khi phát âm [lom] và [nom] rất gần với nhau. Phân biệt này
chỉ xảy ra với môi trường quốc ngữ dựa trên a-b-c. Đa số những tiếng ở
phía Nam Trung Hoa đều phát âm thoải mái [Yuet Lam] thay cho [Yuet Nam]
(Việt Nam).
- · Sáng bửng tưng ra có đi. Để ý đến “bững
tưng”—tức “bừng sáng”. Trong quyển “Chuyện Ỷ Lan và Nôm Lục Bát của Trương
Thị Ngọc Trong” soạn năm 1759 có chép sao trong quyển “Hồ Xuân Hương—thiên
tình sử” của Hoàng Xuân Hãn (2002) (Nxb Văn Học) có cụm từ tương đương:
“trời bừng tưng” (trời bừng sáng). Tưng mang gốc Hẹ瞳 [tung] nghĩa “mặt trời mọc” (rạng đông/trời sáng). Còn
Bừng liên hệ đến Quan thoại [bing] hay [beng], hoặc tiếng Quảng Đông
[bing] 炳
hay日丙hoặc
苪 mang nghĩa “sáng”, “soi sáng”,
giống như tiếng Hẹ [pun] 賁. [Beng] hay [Bing] tiếng Hoa Nam (tức Bách Việt xưa)
cũng mang biến âm Bình trong hai chữ Bình minh.
- · sau nước dẫy lên hoài làm nên lụt; lúc ấy lo
giữ bờ đê quai nhặt lắm (Viết về sông Nhĩ Hà). Ai cũng có thể đoán
“quai nhặt” mang nghĩa “khó khăn”, “khó giải quyết”. “Quai” tương đương
với tiếng Quảng [gaai] 解 nghĩa: “giải quyết một vấn đề khó khăn”. “Quai” cũng
mang gốc tiếng Thái [khwaay]. Còn “nhặt” liên hệ với “ngặt”, âm Quảng Đông
là [ngaak] (phát âm tiếng Ngô-Việt là [gnat]) 厄 cũng mang nghĩa “khó khăn”, gần nhất với tiếng Lào
[nyàhk] hay Thái [yaak].
- · Người đã lớn tuổi ngoài 70, mà còn sõi
lắm (tổng đốc Hà Nội Trần Đình Túc). “Sõi” nghĩa “tráng kiện” (còn
“gân”)—liên hệ với từ Thái [soo khee], hoặc Quảng Đông 偲 [soi], với nghĩa “khoẻ mạnh”.
- · còn thịt tái thịt thấu ngon có
tiếng—“Thịt thấu” phản nghĩa với “thịt tái” (còn sống). “Thịt thấu” nghĩa
“thịt ướp muối”, “thịt khô” hay “thịt đã nấu chín”. “Thấu” có thể liên hệ
với [sau] Quảng, [siau] Hẹ (thịt ướp, thịt khô), hay 灼 [tsoek] Quảng (thịt luộc), hoặc 脩 [sau] (Quảng) (thịt khô). Chữ “tái” trong “thịt tái”
có gốc Quảng Đông: 剔
[tai], với nghĩa “thịt tươi đã lóc xương”.
- · Coi sách, viết lách cho no, rồi lại đánh
cờ. “Viết lách” sẽ cho thấy tính cách hợp ngữ của tiếng Việt. “Viết” xuất
xứ từ thời xa xưa, mang nghĩa “nói”, “dạy bảo”: Khổng Tử viết… Phát
âm quan thoại là [yue] với Hán tự 曰. Tiếng Miến Điện (Myanmar) có âm gần giống [yiết] là
[yei-de]. Tiếng “Trung” ngày nay dùng “tả” 寫 [xie] cho “write”. Còn “lách” hoàn toàn là một âm mang
gốc Quảng Đông cho động từ “viết”: [laak] 泐, mang liên hệ với tiếng Bengali [lekhen]. Trở lại với
âm quốc ngữ [viết] (to write). Từ điển Alexandre de Rhodes xuất bản năm
1650 ghi [viết] thời đó ký âm như [βiết] dùng một kí âm đặc biệt thay cho
mẫu tự [β] tiếng Hy Lạp, tức âm [By] của Mường, Trung và Nam bộ. Tự điển
De Rhodes cũng có ghi chữ [Byiết] có nơi phát âm là [viết]. Và [viết]
chính lối phát âm chữ [yue] 曰, của tiếng Hàn (Korean) [wal] và một số Việt tộc phía
Bắc nước Trung thời xa xưa, còn lưu lại qua phát âm [uat] tiếng Mân Việt,
tức Phúc Kiến.
- · mưu mô gan dạ cũng hung. (Viết về cha
Trần Lục). “Hung” là một từ mang gốc Quảng, hiện vẫn thông dụng ở Trung và
Nam bộ. Mang nghĩa “rất” hay “nhiều”. Phát âm Quảng Đông y hệt: [hung] và
có thể viết theo 孔
hay 凶.
Cách viết thứ nhất (孔)
còn có phát âm là [khổng] dùng trong “Khổng Tử” [Kong Zi], cách viết thứ
hai (凶)
còn mang nghĩa: hung dữ, hung thần. Chữ “hung” cho thấy một thứ chuyển
nhượng toàn bộ từ vựng (từ các “thành phần ngữ” sang tiếng Việt), chứ
không phải đơn thuần “vay mượn” theo kiểu lý giải của khoa ngôn ngữ học.
Còn chữ “rất” (very) có liên hệ với từ 郅 [zat] phát âm theo tiếng Quảng Đông. “Lắm” (extremely)
cũng mang gốc tiếng Quảng [lam] . Từ phổ biến cho [rất] hay [lắm] hiện nay
là “cực” hay “cực kì” vẫn mang gốc Bách Việt: [cực] liên hệ đến tiếng
Quảng [gik] 極,
và [kì] liên hệ đến tiếng Hẹ [ki] viết theo 已 hay 巨.
Phần trên cho thấy một số từ vựng
của tiếng Việt, hiện rất ít dùng. Sẽ bàn thêm trong phần Ghi Chú ở dưới.
Rất khó có thể chẩn đoán rằng từ vựng hiện ít dùng đó thuộc một loại phương ngữ
nào, và cách an toàn và có nhẽ chính xác nhất là sắp xếp chúng vào loại từ vựng
ngày nay ít còn phổ biến.
Đọc kỹ CĐBK hơn, chúng ta sẽ thấy
Petrus Ký dùng cú pháp tiếng Việt rất giống “văn nói” hằng ngày, hay văn cổ
xưa, ít dùng chủ từ. Xin đưa ra vài thí dụ về cú pháp không cần Chủ từ trong
tiếng Việt: (1) Ăn chưa?—Đáp: Ăn rồi. Hỏi lại: Ăn rồi à? – Khẳng định: Dạ ăn
rồi. (2) Công tác anh giao—làm xong rồi. Để ý: “cụm túc từ” (Công tác anh
giao) vẫn có thể đặt trước [chủ từ] và “cụm động từ” (làm xong rồi).
“Chủ từ” hoàn toàn vắng bóng trong câu trên. Câu này vẫn có thể dùng làm câu
hỏi (?) với thanh điệu thay đổi, và cũng dùng làm câu trả lời. Hơn thế nữa:
“anh” vừa dùng cho “tôi” (đại danh từ thứ 1) trong câu hỏi – vừa là đại danh từ
thứ 2 (Anh) trong câu trả nhời. Lại hơn thế nữa, trong câu đáp, “chủ từ vắng
bóng” có thể mang hai ba nghĩa: Công tác anh giao, em làm xong rồi //
Công tác anh giao, Tuấn làm xong rồi // Công tác anh giao, tụi nhỏ
làm xong rồi.
Lối hành văn không “chủ từ” xuất
hiện ngay trong câu đầu, như đã chép lại phía trên, và gần như đoạn nào cũng
có. Thí dụ khi nhắc tích ông Nguyễn Thuần đi tìm con cháu nhà tiền Lê, “lo lấy
nước lại” (giặc nhà Minh), Petrus Ký viết: “Đi bơ vơ, tối chun xả vô cái miễu ở
dựa mép đường đi mà ngủ. Khuya lại nghe tiếng kêu: ớ anh! Sao chưa sắm sửa đi
chầu? Thì nghe tiếng đáp lại rằng: Thôi anh có đi, thì xin kiếu giùm cho tôi
chút,…”. Tiếng Việt trước thời chịu ảnh hưởng các thứ tiếng Tây Phương, vẫn
mang cố tật ít khi dùng chủ từ. Thí dụ:
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
(Bà Huyện Thanh Quan)
Hoặc:
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy
Khá trách chàng Trương khéo phũ
phàng
(Lê Thánh Tông)
Hay:
Rắp mong treo ấn từ quan,
Mấy sông cũng lội mấy ngàn cũng qua
(Nguyễn Du)
Chúng ta cũng có thể để ý cái mốt
viết tiếng Việt có gạch-nối cho những thứ danh-từ, động-từ kép, rất thịnh-hành
ở khoảng đầu thế-kỷ 20, không thấy dùng trong quyển CĐBK của Trương-Vĩnh-Ký.
Điều này cho thấy tiếng Việt đã chạy một cái vòng trở lại chỗ cũ (không dùng
gạch-nối trong văn viết) sau hành trình ngót một trăm năm.
Xin điểm sơ qua về nội dung quyển
CĐBK.
Những ai từng đọc qua bộ “Vân Đài
Loại Ngữ” của Lê Quý Đôn, đều thấy rõ ảnh hưởng rất đậm của bộ sách này trong
CĐBK của Trương Vĩnh Ký. Đó là lối viết văn theo kiểu Bách Khoa—một nhu cầu căn
bản và thiết thực trong một xã hội mà kiến thức phổ thông, hiểu biết về sử ký
địa lý hãy còn yếu ớt. Tuy nhiên vẫn có khác biệt giữa “Vân Đài Loại Ngữ” và
“Chuyến Đi Bắc Kì”, và đó là quyển CĐBK viết bằng chữ quốc ngữ, trình bày những
sự kiện lịch sử, địa lý và văn hoá tại bản địa—tức đòi hỏi tác giả phải nghiên
cứu và tra khảo những dữ kiện này qua số sách vở hiếm hoi cũng như những thông
tin bản địa do người xưa kể lại, hoặc những nhận xét thu thập từ việc mắt thấy
tai nghe.
Xin thử trích một vài đoạn tiêu
biểu:
Đi Lên Hà Nội: Các quan cầm ở lại đó chơi, ăn tết rồi hãy lên Hà Nội. Khi
ấy là mùa đông, trời rét lạnh nên ăn ngon cơm lắm. Mấy bữa ấy, hội các quan lớn
nhỏ cả tỉnh đủ mặt; khi ăn khi uống chuyện vãn cả đêm cả ngày. Quan đại lại bày
làm rạp hát cho ba bữa luôn, coi hát bội cho no, rồi lại hát nhà trò. Vui vầy
với nhau thế ấy cho tới mồng 6 tết, chiều giờ thứ nhứt mới lên võng lên cáng mà
đi đường bộ lên thành Hà Nội. Trước hết nghỉ chơn tại cái chùa kia. Qua cung
sau, nghỉ Ngạt Kéo, mặt trời chen lặn tới huyện Cẩm Giàng. Ông huyện tên là
Dương Xuân ra rước vô nhà ngủ đó. Sáng, cơm nước rồi giờ thứ 8 từ giã ra đi.
(Ghi Chú: (i) thời gian tại
Hải Dương – ngày 27 tháng Chạp cho đến mồng 6 tết; (ii) “Qua cung sau”—cung
mang nghĩa đơn vị thời gian, thường là “ngày”, hay “một suất công tác”—liên hệ
đến [kung] 工
tiếng Hẹ, cùng ý nghĩa).
Đền Công: Đi lại cửa tây ra ngoài thành đi coi đền công. Chỗ ấy
huyền vũ có cây cao lớn sum sê rễ nó xô xà leo với nhau như rê, mát mẻ, im rợp
quá.
(Ghi chú: huyền vũ một thứ từ
cổ ngày nay ít khi dùng. Có thể tương đương với huyễn vũ mang nghĩa “rực rỡ tốt
tươi”, hoặc hoàn vũ, nghĩa “đẹp nhất chốn gầm trời”, v.v.).
Ông Thánh Đồng Đen: Ra cửa ô Bưởi đi coi chùa Trấn Võ quan, tục kêu là ông
thánh đồng đen, ở một bên mép hồ Tây. Tượng ấy là tượng ngồi cao lên tới nóc
chùa, đúc bằng đồng đen cả. Tóc quăn như đầu Phật; mặt cũng tựa tựa; còn từ cổ
sắp xuống thì ra như hình ông thánh Phao lồ, một tay chống lên trên cán cây
gươm chỉ mũi lên trên mu con rùa, một tay thì ngay ngón trỏ mà chỉ lên trời,
chơn thì đi dép. Có chữ đề mà đã mòn đã lu đi coi không ra.
(Ghi chú: [lu] = [mờ]—lu gần
tiếng Thái [luaa] và mờ gần với [muaa], cũng mang nghĩa: faded, vague, dim,
murky, blurred, unclear).
Chùa Một Cột: Coi rồi mới đi đến xem chùa Một Cột; là cái miễu cất trên
đầu cây cột đá lớn trồng giữa ao hồ.
Nguyên tích ai lập ra thì người ta
nói mờ ớ, không biết lấy đâu mà chắc cho mấy. Cứ sách Sử ký và Đại Nam nhứt
thống chí, thì chùa ông thánh đồng đen kêu là Trấn Võ quan tự, ở về huyện Vĩnh
Thuận, phường Đoan Chương đời nhà Lê, năm Vĩnh Trị năm Chánh hoà, vua Hi tông
(1675) sửa lại đúc tượng đồng đen cao 8 thước 2 tấc, nặng 6600 cân, tay hữu
chống trên cây gươm, chỉ mũi trên lưng con rùa, có rắn vấn doanh theo vỏ gươm.
Trong sử nói đời Thục vua An Dương Vương bị tinh gà ác và phục quỉ núi Thất
điệu, mà nhờ có thần trên núi Xuân lôi thuộc về tỉnh Bắc Ninh trừ ma phá quỉ
hết đi, thì vua dạy lập miễu phía bên bắc thành vua mà thờ, đặt hiệu là Trấn
thiên chấn võ đế quân.
(Ghi Chú: (i) vấn doanh=quấn
quanh—vấn dựa vào âm Hẹ [van] (園
hay 環), hoặc Quảng Đông [waan] 園, và doanh dựa vào tiếng Quảng Đông [jyun] 園 hay quan thoại [juan] 圈, cả hai (vấn và doanh) mang nghĩa: encircle, surround,
hay around (bao quanh, vòng quanh). Còn “quấn quanh” có quấn dựa vào
tiếng Hẹ [kwan] 圈
hay 環, và quanh tiếng Quảng Đông [waan] 環, mang nghĩa “around”. (ii) Chữ “Chùa” mang nghĩa Pagoda
hay temple, có gốc tiếng Triều Châu–Phúc Kiến (với phát âm [Chou]),
tương đương với [tự] tức 寺
[si] quan-thoại. Kiểu tương đương âm [t] với âm [Ch] tiếng Việt (tự→chùa), còn
thể hiện qua [tự] hay [từ] (word) với [Chữ] (letter, word) cũng
mang gốc Triều Châu-Phúc Kiến ([Chu]) – với cách viết 書 vẫn còn mang nghĩa “letter”, “word” ngoài
nghĩa phổ thông là “sách” (thư). Ảnh hưởng tiếng Mân-Việt (Triều Châu-Phúc
Kiến) trong tiếng Việt là do ở triều đại nhà Trần mang vào.)
Thuở Minh Mạng năm thứ 2 vua ngự ra
Bắc có ban 50 lượng bạc, lại một cái áo võ tư vàng. Năm Thiệu Trị thứ 2, vua
ngự có ban tiền vàng 1 đồng, áo vàng 1 cái, 1 bài thơ, và 1 đôi liễn nữa.
Còn chùa Một Cột, thì cũng ở hạt
huyện Vĩnh Thuận, làng Thanh Bửu, ở giữa cái hồ vuông, có trụ đá cao trót
trượng, yêu viên chừng 9 thước, trên đầu có cái miễu ngói chồng lên, như cái
hoa sen ở dưới nước ngóc lên. Sử chép rằng: Thuở xưa vua Lý Thái Tông nằm chiêm
bao thấy Phật Quan Âm ngồi toà sen dắt vua lên đài. Tỉnh dậy học lại với quần
thần, sợ điềm có xấu có hề chi chăng. Thì thầy chùa thầy sãi tâu xin lập ra cái
chùa thể ấy, đặng cho các thầy tụng kinh mà cầu diên thọ cho vua, thì vua cho
và dạy lập ra.
(Ghi chú: yêu viên = chu vi.
“Yêu” có thể từ chữ [jiu] 繞
Quảng Đông, nghĩa: “đi vòng quanh” hay [jiu] 腰 cũng Quảng Đông, mà quốc ngữ kí âm là “eo” (waist). Còn
“Viên” mang ảnh hưởng của “phương viên” 方圓 [fang yuan] nghĩa “châu vi” [zhou wei]. “Phương viên” có
thể thay nôm-na bằng “vuông tròn”).
Qua đời vua Lý Nhân Tông sửa lại.
bồi bổ, lập tháp, đào ao, xây thành, làm cầu, tế tự, hễ tháng tư mồng 8 vua ngự
ra đó kì yên. Lại đúc chuông, mà đúc rồi, chuông đánh không được kêu, nên bỏ ra
ngoài Qui điền. Đời vua Lê Thái Tổ đánh giặc với quân nhà Minh, vây trong thành
Đông Quan binh khí hết đi, nên quân Minh lấy mà đúc súng đúc đạn đi.
(Ghi chú: kì = cầu. “Kì” mang
gốc Quảng Đông 祈
[kei], còn “cầu” tương đương với 求 [kau], nghĩa “pray” (cầu xin), nhưng cách dùng “cầu” thường
liên hệ đến “nhân duyên” (marriage). Để ý chữ [kau] tiếng Quảng mang nhiều dấu
vết thứ tiếng Nôm tại nước Trung, bởi nếu viết theo “Hán tự” như trên, và không
đi đôi với “nhân duyên” [kau jan jyun], ngoài người Quảng. có thể rất ít người
nói phương ngữ khác của tiếng Trung có thể hiểu [kau] là gì. Cầu ưa đi với kì
và từ đó, cầu kì biến nghĩa thành “elegant”, “sophisticated”: ăn
mặc cầu kì. Cũng như chữ “kinh ngạc” có thể cho thấy là một thứ chữ Nôm trong
tiếng Trung (tức có gốc Bách Việt). Tại sao vậy? Bởi tiếng quan thoại ngày nay
cho “kinh ngạc” là [chi jing] 吃惊,
tức “ăn kinh” (với [jing] (kinh) là từ chính, còn [chi] mang âm Việt là
“ngật”—tương đương với âm Hẹ [ngat], mang nghĩa “ăn”). Nhưng [ngat] tiếng Hẹ
lại giống âm chữ [ngạc] tiếng Việt—là âm phát ra của người Hoa (thời xưa) hay
Hẹ bày tỏ “ngạc nhiên”: [nga] hay [ngaa] hoặc [aa], viết đúng là (呀) hay (訝).
[Chi jing] tiếng phổ thông ngày nay chính là dấu vết còn lại của tiếng Việt
“kinh ngạc”)
Cầu: Cầu đất bắc hay làm cầu đá, cầu gạch, cầu gỗ, lại hay
làm cầu lợp ngói; chùa đình cũng nhiều lắm lắm. Mà muốn biết đâu hơn đâu thì
lấy trong câu nầy: Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài, nghĩa là cầu tốt hơn thì là
tại trong các tỉnh nam; còn chùa chiền lớn cọc cao nóc, khéo tốt thì tại xứ Bắc
Ninh; đình làng, đình chợ mà làm kỹ tốt, thì trên miệt xứ Đoài.
Về đó ăn có tiếng ngon hơn, như
trong Nam kì kêu chiếu Cà mau, thuốc Gò Vấp, rượu Gò Cát vân vân… thì ngoài Bắc
Kì có cái ca như vầy: Dưa La, cà Láng, nem Bảng, gỏi Bần, nước mắm Vạn Vân, cá
rô đầm Sét (chỉ tên xứ: kẻ La, kẻ Láng, kẻ Bảng, kẻ Bần, Vạn Vân, kẻ đầm Sét).
Cơm Văn Giáp, táp (thịt tái) cầu Giền, tiền Thanh, Nghệ. v.v.
(Ghi chú: “hay” mang nghĩa “thường”
(often, usually)—gốc tiếng Thái [baawy] với một loạt âm tương đương Việt
[h]-Thái [b]: hũ-[book], há-hốc (mồm)-[bae bpaak], hùn (vốn)-[baeng], v.v.).
(Ghi chú: “táp” (䐲) tiếng Quảng [zaap])
Khí hậu: … Tháng 9 mồng 9 có mưa thì được mùa, không mưa thì mất
mùa. Có lời ngạn ngữ rằng: Mồng 9 tháng 9 có mưa, thì con đi sớm về trưa mặc
lòng; Mồng 9 tháng 9 không mưa, thì con bán cá cày bừa con ăn. Mùa đông rét
lạnh, lại có thứ sương tục kêu là sương muối, hay hại cỏ cây lắm, rét buốt da
tay chơn, như kim châm.
(Ghi chú: “mồng” (hay “mùng”)
theo tiếng Hẹ là “ngày” [mang] 明.
Cũng theo tiếng Hẹ và tiếng Quảng, [mong] 望 có nghĩa ngày rằm (ngày thứ 15 mỗi tháng). “Rằm” mang gốc
Thái [glaang], nghĩa “chính giữa” (tháng))
Phong tục: Phong tục cúng đồng như Hà Nội, có nhiều học trò, nghề
nghiệp thợ thầy cũng giỏi cũng khéo. Cũng hay ăn chơi, tiệc tà, kị thần,
tế quỉ, lại them cái tục chơi trâu. Việc tế tự quỉ thần hay làm lớn, tế heo
trâu không sợ hao tốn, nên có lời tục rằng: Sống làm trai Bát tràng, chết làm
thành hoàng Kiêu Kị, vì làng ấy hay làm thịt trâu mà đơm tế thần, trâu đâu cũng
đem tới đó mà làm.
(Ghi chú: “tiệc tà”—giống như
“tiệc tùng”. “Tiệc” mang âm giống [ts’it] Hẹ (席), còn “tùng” hay “tà” liên hệ với tiếng Thái [dteuun dtaa]
(tùng tà) mang nghĩa “vui mừng trong bụng vì sắp được ăn yến tiệc”. Ảnh hưởng
tiếng Thái (qua Mường) có còn tồn tại trong tiếng Việt không? Thưa có. Những
thứ như: “cụm từ”, “bức xúc”, “phản ánh” thay cho “phản ảnh”, “phần đa” (phần
lớn), “nước tiểu” (nước nhỏ), “đánh cược” thay cho “đánh cuộc”, v.v. là những
thí dụ tiêu biểu).
Và một đoạn gần cuối:
Lúc ở đó, có làm việc quan thế cho
ông tham biện Cư, khi ông đi bán năm bảy bữa, khi đi cấm phòng, đôi ba bữa. Có
bữa cụ Thông là cụ địa phận Iphanho đi qua đò vẳng nghe tiếng con gái nhỏ ở sau
bong lái tàu kêu cứu. Cụ biết nó là quân bị Ngô bắt, chạy qua tham biện báo. Ta
liền chạy lại thương chánh nói với quan Võ túc cho triệt chiếc tàu ấy lại. Nó
không muốn ghé, cho theo bắt. Cho lính xuống soát, nó cự không cho, gặp tây làm
chướng đình đính kêu cây xuống với lính mà đem ba đứa con gái lên. Nó khai rõ
rằng Ngô bắt thuốc nó, còn một đứa nhỏ còn mê thuốc chưa dã. Dạy núm co các chú
Ngô đem lên đóng gong lại, tịch tàu nó đi. Mượn hai tên lính tây canh tàu. Sau
giải về tỉnh Hải Dương trị tội. Lại có gặp chiếc tàu Hồng Mao có quan khâm phái
lãnh sự tới đó, lên thăm trên thương chánh, sau có mời xuống tàu coi tàu (tàu
tên là Egeria).
(Ghi chú: tiếng Việt ở thế kỷ
19 hãy còn phân biệt đại danh từ ngôi thứ nhất là “TA” và “Tôi” (hay “Tui”).
“Ta” dùng cho vai vế (xã hội) ít lắm ngang hàng với (hoặc trên) người đối thoại
hay người nghe, và “Tôi” (hay “Tớ”—bắt nguồn từ “tôi tớ” (“người giúp việc”)) dùng
trong trường hợp vai vế thấp hơn. (Có thể kiểm chứng qua Truyện Kiều của Nguyễn
Du). “Tui” mang gốc từ tiếng Thái [tuai] có nghĩa “thân mình” có thể ban đầu
mang cách dùng hơi khác với “Tôi”—và gần với cách gọi khá phổ biến ở miền Trung
và Nam: “miềng” hay “mình”).
Một điểm hết sức nổi bật tìm thấy
trong CĐBK của Petrus Ký chính là những dòng miêu tả về phong hoá, tập tục và
tín ngưỡng dân gian, được trình bày hết sức khách quan. Và có vẻ đạo thờ cúng
ông bà tổ tiên chính là thứ tông giáo phổ thông nhất ở xứ Bắc nếu không nói là
cả nước ở vào thời đó. CĐBK cũng thoáng cho thấy không hề có nạn ngôn ngữ bất
đồng giữa Bắc và Nam. Ông Ký nói giọng gì tiếng gì người miền ngoài cũng hiểu
được, và ngược lại.
Nếu CĐBK cho thấy một vài khám phá
mới về con người Trương Vĩnh Ký, một bức thư gửi cho tham mưu trưởng Regnault
de Promesnil tường trình về chuyến đi, của chính Petrus Ký, đã cho thấy lối
hành văn bằng tiếng Tây của ông đã đi trước thời đại hằng trăm năm. Đúng là lối
viết tường trình của một nhà “chuyên nghiệp” không mang dấu vết thiên vị hay
khiếp sợ trước một thế lực nào, cũ hay mới, mà chỉ đặt đối tượng vào nhân dân
và cuộc sống khó khăn của họ. Giải quyết những vấn đề đó hoàn toàn nằm ngoài
trách nhiệm và bổn phận của người viết. (Phần lớn bản dịch bức thư này có thể
tìm thấy ở trang mạng: http://petrusky.net/article.php?story=20070814130731230
). Cái khó khăn của giới ê-lít Việt Nam trong công việc đánh giá công trạng ông
Trương Vĩnh Ký, ngoài những tiêu chí xưa cũ, có lẽ còn vướng nặng nề ở hệ giá
trị Khổng Mạnh. Đại khái thứ hệ này không phân biệt được giai cấp chuyên
gia—một thành tố tất yếu của “hiện đại”—và thường gộp họ lại, một cách tạp pín
lù, với nhóm người lãnh đạo chính trị và quân sự.
Ông Trương Vĩnh Ký cũng bật mí cho
ta biết ông cũng đã thấu triệt được điểm đó. Và cũng như Nguyễn Du với câu “bất
tri tam bách dư niên hậu—thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”, ông Trương vẫn thích
câu ngạn ngữ tiếng Latinh “Sic vos non vobis” (Tui ở với họ chứ không
phải như họ. (Những gì tui làm không phải cho riêng tui).)—không khác mấy với
câu ngạn ngữ Ăng Lê: “If you can’t beat them, join them (and beat them later)”.
NN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét