Translate

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

ĐỌC TRUYỆN

Ngải mặn cà chum

            Huỳnh Ngọc Nga
 xunau

                                                              CHƯƠNG  I

                                               VÌ  MỘT  CHỮ  TÌNH

 Năm 1950….

Hai dây pháo đỏ cả thước dài treo trước cổng, chiếc cổng đuợc trang trí bằng lá dừa tươi xanh cắt tỉa khéo léo trên có tấm bảng đề hai chữ VU QUY bằng hoa vạn thọ vàng rực rỡ; bọn con nít lao xao hai bên hè; ngoài sân bàn ghế sắp xếp đâu đó thứ tự đàng hoàng;  trong nhà khách khứa nhộn nhịp lăng xăng, bộ lư, đôi chân đèn bằng đồng sáng rực trên bàn thờ gia tiên giữa phòng khách, đèn hoa, giải lụa giăng khắp mọi góc nhà; dưới bếp tiếng dao, muổng, chén, dĩa, ly, tách khua vang chen lẫn tiếng cười nói của bà con, hàng xóm sang phụ việc. Hôm nay là ngày trọng đại của gia đình ông bà Hai Hảo Hớn, ngày cô hai Ngọc Thủy đi lấy chồng.

Ông bà Hai HảoHớn là dân cố cựu ở vùng Chánh Hưng nầy, tổ tiên họ đến đây cắm dùi dựng mái từ thuở ốc đảo bên kia cầu chử Y hảy còn là vùng hoang sơ đầm lầy nước đọng. Thuở đó dân vùng Chánh Hưng và miệt bên kia bến Phạm thế Hiển cũng như dọc theo khu cầu Nhị Thiên Đường đa số đều ở nhà mái lá, loại lá làm bằng lá dừa nước chằm kết thành phiến để lợp nóc nhà. Lá nầy được chở bỏ mối hàng bằng ghe chài từ Lục Tỉnh lên theo nước kinh Đôi, sau đó rẻ vào kinh tàu Hủ cập bến Ba Đình. Nơi đây dựa mé sông có nhiều trại chằm lá nổi tiếng, mỗi chủ trại mướn người trong vùng kết lá thành phiến rồi đem bán cho các khu dân nghèo. Nhà mái lá vừa rẻ, vừa mát hơn nhà mái tôn, mái ngói, tuy nhiên phải tốn tiền thay lá tuỳ thời gian dài, ngắn của mỗi mùa mưa hàng năm. Cha của ông Hai Hảo Hớn là một trong ba chủ trại lá đầu tiên dọc theo bến đò đi Lao-Cai hay Xóm Củi bên kia Chợ Lớn. Hai Hảo Hớn nối nghiệp cha rồi cưới vợ, vợ ông người Minh Hương, là con chủ trại gà Thạnh Đức miệt Cần Đước Long An. Hai vợ chồng đều là người nhân nghĩa, biết trọng đạo thánh hiền, biết thi ân bố đức nên rất được lòng bà con, láng giềng sau trước.

Họ có được bốn người con, ba trai, một gái mà cô Ngọc Thủy là chị cả trong nhà. Cô đẹp nổi tiếng khắp vùng, vừa đẹp người lại đẹp nết, công, ngôn, dung, hạnh đủ đầy. Thời đó trường ốc không nhiều, thêm thành kiến trọng nam khinh nữ, ít ai cho con gái đi học đến nơi đến chốn nên cô học hết lớp nhất bậc tiểu học thì ở nhà phụ mẹ chăm sóc các em cô. Tuy học ít, nhưng Ngọc Thủy thích đọc sách và hay mơ mộng làm thơ vịnh cảnh lại ưa xem hát bội đình, miễu trong xóm trong những ngày thỉnh sắc, những buổi hội tề.

Năm cô mười bảy, ông bà Hai HảoHớn đuợc người đánh tiếng làm mối cô cho cậu Nguyễn Phú Trọng, con trai ông bà Nguyễn Phú Hào, chủ hảng gạo Bình Tây ở phía sau bến Nguyễn Duy. Cậu công tử nầy nghe đâu cũng là trang hào hoa phong nhả, cậu lớn hơn cô Ngọc Thủy ba tuổi, đã đậu bằng “đíp lôm” (tên gọi bằng trung học thời nay), cha mẹ cậu định cho cậu học tiếp rồi đi tây du học để lấy tiếng với giới nhà giàu vùng Chợ Lớn thuở đó nhưng cậu chán chuyện học hành và thích việc đi thu tiền bán gạo cũng như những buổi chiều thứ bảy đi trường đua Phú Thọ đánh cá ngựa hơn phải cắm cúi đèn sách lo từng số điễm cho những bài thi nhà trường. Biết tính ý con không ai bằng cha mẹ, ông bà Phú Hào dòm ngó chung quanh kiếm cho cậu một cô vợ để cột chân cột cẳng cậu ở nhà, chứ để cậu lông bông hoài thì bao nhiêu tiền thu bán gạo sẽ chạy theo vó các con ngựa đua mà biến tan thành cát bụi hết, có rầy la cho lắm thì cuối cùng rồi cậu cũng chứng nào tật nấy mà thôi.

Từ bến Nguyễn Duy ra bến Ba Đình cách nhau chỉ một con đường Chánh Hưng khoảng chừng cây số nên hai ông bà Phú Hào nghĩ đến cô Ngọc Thủy liền vì ngó chung quanh có ai bằng được như cô đâu, chẳng những vậy, tính về mặt gia thế thì hai bên cũng tròm trèm sấp xỉ với nhau, người chủ hảng gạo, kẻ chủ trại lá chằm, không bề hộ đối cũng là môn đăng.  Ông Ba Giỏi là người quen của cả hai gia đình, được nhà ông chủ gạo nhờ làm ông mai. Thiệt tình đây không là lần mai mối dễ dàng của ông Ba Giỏi, thứ nhất cô Ngọc Thủy là con gái cậy nhờ duy nhất của ông bà chủ vựa lá chằm, thứ hai nghe đâu cô đã đem lòng yêu thương  một anh học trò bên kia bến đò Xóm Củi.  Cô vừa giúp mẹ chăm lo cho ba cậu em trai còn nhỏ lại vừa phụ cha quán xuyến việc thu nhập tiền bạc, nhận lá nguyên sơ đến, tải lá đã chằm đi.  Nguyên một trại lá trên dưới cả trăm nhân công do một tay cô sắp xếp, cô lại khéo léo, mềm dẽo xã giao nên được lòng mọi người trên dưới. Bởi thế khó lòng mà thuyết phục  ông bà Hai Hảo Hớn gả cô đi, nhất là khi tuổi cô mới vừa ngoài đôi tám.  

Riêng chuyện anh học trò bên kia bến đò Xóm Củi đuợc cô Ngọc Thủy đem lòng yêu thương là chuyện có thật chứ không phải tin đồn. Chàng nầy tên Trần văn Hai, lớn hơn cô hai  tuổi, con trưởng trong một gia đình lam lũ, cha chàng là chú Tư thợ cưa cho vựa cây Lâm Xáng, mẹ chàng bán bánh mì thịt dưới dốc cầu Xóm Cũi, nhà nghèo lại đông con, hai trai, ba gái. Hình như hào con choán mất hào của nên dù cha mẹ chàng có cật lực làm ăn bao nhiêu họ cũng cứ ở hoài trong căn nhà lá xập xệ cạnh  vựa cây  bên đây bến đò,  đối diện với bên kia bờ kinh có trại chằm lá của nhà cô Ngọc Thủy. Nhà tuy nghèo nhưng vợ chồng chú Tư cũng tằn tiện lo cho con ăn học. Mấy đứa con gái chỉ học để biết đọc, biết viết rồi ở nhà phụ giúp mẹ cha, chuyện học hành cả nhà kỳ vọng vào hai cậu con trai nhưng đứa em trai của Hai không thích học mà chỉ thích long bong dọc theo bờ đá của con kinh để kiếm tiền trong những việc vặt vảnh, đôi khi nó còn theo mấy ghe chài từ Lục tỉnh lên để dong ruổi trên bến nước rày đây mai đó một đôi tháng mới về. Nói chung, trong nhà chỉ có Hai là chịu khó học và lại học giỏi nữa.

Hai đậu xong bằng trung học thời bấy giờ cũng có thể đi làm chổ nầy chổ nọ vinh hiển như người nhưng chàng lại nuôi giấc mơ trở thành một ông bác sĩ, không phải để “có chút danh gì với núi sông” như các bài học nhà trường vẫn dạy mà để làm một cái gì hữu ích nhiều hơn cho gia đình và nhất là cho những người nghèo khốn khó, những kẻ mà vì thiếu điều kiện vật chất để bảo vệ sức khoẻ nên bịnh tật, ốm đau đồng nghĩa như những bản án khảo tra  khi bị cơn bịnh hành hạ xác thân hoặc một bản án tử hình khi không đủ sức để chống cự với bịnh tình. Hai vẫn không quên cái chết vô lý vì thiếu tiền đi bác sĩ của thằng bé mới hai tuổi con bà Bảy khít vách nhà chàng cũng như những ngày trong gia đình chàng có người đau ốm, chuyện tiền nong cho nhà thương, thuốc men nầy nọ luôn làm khổ sở điêu đứng mái lá nghèo và ước mơ đuợc khoác áo blouse trắng đã nhen nhúm trong lòng chàng từ thuở đó nên chàng nhất quyết học tiếp lấy cho xong hai cái “Bac” (tức bằng Tú Tài) để làm đà tiến vô trường Y. Muốn tiếp tục học phải có tiền, chàng không dám làm bận lòng cha mẹ nửa nên cố tình kiếm việc làm thêm ngoài giờ học và cơ may đưa đến gặp đúng dịp ông Hai Hảo Hớn đang tìm thầy dạy kèm thêm cho mấy cậu con trai mà trong đó có một cậu nhỏ đang chuẩn bị thi vào Đệ thất Trung học trường Pétrus Ký. Nhờ xe bánh mì của mẹ chàng nằm trên tuyến đuờng qua lại giữa trại lá và vựa cây nên tin “tuyển sư” của ông Hai Hảo Hớn được bên đây bến đò tiếp nhận nhanh chóng và trong một sớm, một chiều sau khi đã qua giai đoạn tra vấn cấp bằng, Hai nghiễm nhiên trở thành gia sư của ba cậu em trai cô Ngọc Thủy.

Làm gia sư trại lá chằm, Hai có dịp ra vào chạm mặt với Ngọc Thủy thường xuyên. Trai mới lớn, gái đang thì, một câu chào khi đến, một tiếng gởi khi đi, ban đầu còn những ngại e, lâu dần tình thấm lúc nào không hay. Hai không suồng sả, Thủy chẳng lẳng lơ, cái tình trẻ dại của đôi bên trong như sương buổi sáng trên bến sông, nhẹ như gió buổi chiều khi nắng tắt. Nếu ai tinh ý sẽ thấy sau nữa năm Hai được làm gia sư, Ngọc Thủy thích băng đò đi chợ Xóm Củi  hơn ra chợ Ba Đình trong những ngày chủ nhật còn thầy giáo Hai siêng đến dạy sớm và năng về trễ hơn giáo trình đã định  . Những cuộc hẹn hò qua đường  “công vụ” không thoát khỏi ánh mắt tinh tế của hai bà mẹ, thiếm Tư và bà Hai Hảo Hớn  gần như biết hết  tình cảm yêu đương của con mình vì cứ nhìn mặt Hai và Thủy cũng đủ thấy sự rạng rỡ đang tỏa bừng trong mắt “ hai đứa nó”, chỉ có tình yêu mới làm con người ta sáng ngời đến vậy thôi.

 Trong lúc thiếm Tư bánh mì lo lắng sợ con mình trèo cao, té nặng thì bà Hai Hảo Hớn theo dõi Ngọc Thủy với niềm hy vọng thầm kín. Vợ chồng Hai Hảo Hớn không như thói thường nhận xét người qua vỏ bọc bên ngoài, cha ông họ đều đi lên từ hai bàn tay trắng để họ có được cơ ngơi ngày nay nên họ biết hòa đồng với mọi người, mọi giới. Tuy nhiên, cái giới mà hai ông bà giao tiếp thường xuyên nếu nghèo thì dân thợ thuyền lao động, nếu giàu thì chủ hảng nọ, hảng kia chứ ít khi được tiếp cận giới trí thức chữ nghĩa. Thói đời thì cái gì không có người ta hay trọng vọng, uớc mơ, bởi thế khi biết Hai đi dạy kiếm tiền học thêm để mai sau trở  thành bác sĩ, bà Hai Hảo Hớn hài lòng lắm. Bà thầm khen con gái bà có mắt tinh đời, chọn đúng người “quân tử” để yêu thương, thầy giáo Hai là trang nho nhả, tuy nghèo nhưng phong thái lịch lãm, nói năng phải phép, có chí học hành, hôm nay áo vải cơ hàn, ngày mai biết đâu sẽ thành đạt nên người hữu danh, cái chức “đốc tờ” nghe vừa “kêu” lại vừa hữu dụng, có ông bác sĩ trong nhà như có thần hộ mệnh giữ gìn sức khoẻ khi trở trời, trái gió và nhất là khi vợ chồng bà đang trên đường vào tuổi gió heo may. Khi vợ biết thì sau trước gì chồng cũng hay, ông chủ vựa lá chằm được vợ rĩ tai những điều bà quan sát, nghe thấy và ông cũng đồng ý với bà là cứ tiếp tục để cho “đôi trẻ” tự nhiên, miễn “tụi nó” đừng làm gì ngoài vòng gia giáo, chờ ngày “thằng nhỏ” đổ đạt thành tài thì cho tụi nó cưới nhau. Bởi ông bà chủ vựa lá tâm đầu ý hợp như vậy nên khi ông Ba Giỏi được sự nhờ cậy của vợ chồng chủ hảng gạo Bình Tây đến đánh tiếng mối mai hỏi cô Ngọc Thủy cho cậu trưởng tử Phú Trọng thì ông bà Hai Hảo Hớn viện lý do “Cháu nó hảy còn nhỏ” để chối từ liền. Lời từ chối không hẳn chỉ vì hai vợ chồng chưa muốn gả con mà còn vì từ lâu cả hai đã biết tiếng nghe tài ăn chơi lừng lẩy của cậu chủ con hảng gạo.

Mọi chuyện sẽ đơn giản ngừng lại ở đây để chờ ngày thầy giáo Hai thành “đốc tờ” và cưới cô Ngọc Thủy, nhưng ông trời trớ trêu xui cậu Phú Trọng vừa tự ái vì bị khước từ, vừa  muốn thấy mặt mày “cô vợ hụt” ra sao nên tìm cách gặp nàng, trước để phỉ tính tò mò, sau để coi “nhà thiên hạ” thế nào mà dám từ chối một “ông rễ” như cậu. Một đầu ngày nắng đẹp, cậu ăn mặc bảnh bao, đầu chải mượt bóng,  thả bộ từ bến Nguyễn Duy lần ra bến Ba Đình rồi vòng xuống trại lá chằm Hai Hảo Hớn. Cậu bước thẳng vào nhà hỏi tìm chủ nhân để nói chuyện mua lá gặp nhằm đúng lúc ông Hai ra quán cà phê tán gẩu với mấy ông bạn hàng xóm như lệ thuờng mỗi sáng, bà Hai đi chợ mua hoa quả cúng Rằm sắp đến, nhà không có ai nên Ngọc Thủy ra tiếp khách. Phú Trọng gần như bị thôi miên khi đứng trước cô chủ vựa trẻ, Ngọc Thủy hôm đó tóc kẹp đuôi gà còn thoáng hương bồ kết mới gội, cô khoan thai, dịu dàng trong áo bà ba lụa vàng nhạt, quần lảnh đen óng, mủi thẳng, mắt sáng, môi hồng. Cô không cần tô son điễm phấn như các cô gái tân thời Phú Trọng thường cặp đôi mà vẫn rạng rỡ, nhìn cô, cậu thầm nghĩ quả tiếng đồn không ngoa. Giả vờ qua lại đôi câu hỏi thăm giá cả từng loại lá chằm, hỏi luôn giá vận chuyển cho ra vẻ người cốt ý muốn mua, nhắp chút trà thơm cô chủ mời, vòng vo thêm vài ba điều mưa nắng, cậu hứa sẽ trở lại bàn kỷ hơn mọi việc. Cô Ngọc Thủy tiển khách ra cửa mà đâu biết là ông khách trẻ trong lòng đã mang theo cả đôi má lún đồng tiền và bóng dáng cô  trên đường về hảng gạo.

 Ông bà Phú Hào ngạc nhiên khi thấy con trai tự dưng không đi trường đua thứ bảy cuối tuần cũng không đi chơi đây đó như lệ thường mà luôn trầm ngâm như suy nghĩ điều gì. Chiều chủ nhật ở nhà, trên bàn cơm gia đình, cậu chợt nói:

-          Gần tới Rằm tháng Bảy rồi, ba má có tính năm nay bố thí như mọi năm không?

-          Chuyện đó má mầy lo. – Ông Phú Hào vừa nhai cơm vừa trả lời con.

Mẹ cậu ngạc nhiên hỏi:

-          Sao tự dưng con quan tâm đến chuyện bố thí vậy?

Cậu con trai chống đủa vào chén, cười cười nhìn mẹ:

-          Con thấy mỗi năm mùa nầy má hay đi chùa cúng vong, bố thí cả ghe gạo cho phu thợ, người nghèo. Năm nay, thay vì phân phát gạo, má có thể đưa con một số tiền tương ứng để con lo việc nầy cho má đở mệt.

-          Thôi đi cậu cả, tiền đưa cho cậu như giao trứng cho ác, chắc gì cậu sẽ không đem nướng vào trường đua hoặc cho gái ăn. – Bà Phú Hào dẩy nẩy phản đối.

Phú Trọng buông đủa, chén xuống bàn, giọng nghiêm trang:

-          Con hứa sẽ không xài bậy số tiền má đưa đâu, trái lại, con sẽ làm một việc hữu ích hơn nhiều, má tin con đi.

-          Nhưng mầy sẽ làm gì với số tiền đó chứ? Ông Phú Hào chen giọng hỏi.

-          Con thấy dân miệt xóm Than nhà cửa xập xệ quá, năm nay mình đổi “món” bố thí đi ba má. Thay vì cho gạo, mình mua lá chằm cho họ lợp lại nhà cửa được khang trang hơn. Đó cũng là việc nghĩa, lại lâu dài nửa. Gạo nấu ăn rồi hết, lá lợp nhà xài đuợc tới cả năm. Ba má thấy đúng không?

Bà mẹ nhìn cậu con trai nghi ngờ:

-          Cả ghe gạo giá hơn cả mấy trăm bạc, với số đó chắc cũng mua đủ lá chằm cho cả xóm Than. Nhưng má không hiểu tại sao tự dưng con muốn bố thí một cách lạ đời vậy? Bộ con tính mua cảm tình nhà Hai Hảo Hớn phải không?Má đã nói rồi, không được chổ nầy thì mình kiếm chổ khác, thế gian nầy đâu có thiếu con gái mà con phải nhọc công như vậy?

Phú Trọng gật gù ra vẻ xác nhận lời mẹ là đúng, nhưng tính hiếu thắng của chàng trai mới lớn đã đẩy đưa cậu làm ngược lại điều mẹ dạy, cứ tưởng đi gặp Ngọc Thủy cho thỏa sự tò mò, nào ngờ nhan sắc cô gái đã làm đảo điên tâm hồn cậu sau lần giáp mặt nhau khiến cậu không còn màng chi đến việc tìm kiếm “mối” khác nửa.

Ông Phú Hào như đọc đươc ý nghĩ trong đầu cậu quý tử, ông hỏi:

-          Mầy đã thấy con gái Hai Hảo Hớn rồi phải không?

-          Dạ, con gặp cổ hôm kia, coi được lắm ba má à.

-          Nhưng họ đã từ chối rồi, không lẻ mình đi năn nỉ họ sao?- Bà Phú Hào bực dọc nói.

-          Con nghĩ, họ chỉ nói là cô Ngọc Thủy còn nhỏ nên chưa thể tính chuyện hôn nhân được, nếu con chờ cổ thêm một hai năm nửa chắc họ hết lý do từ chối má à. – Phú Trọng đáp.

Bà Phú Hào buông đủa, cười:

-          Cái thằng sao mê gái giống hệt cha mầy. Thôi được, má giao tiền bố thí Rằm tháng bảy cho con đó, làm gì thì làm miển đem về cho má một nàng dâu hiền là được rồi, má cũng ưa con nhỏ đó lắm, cả vùng nầy không ai bằng được nó. Nếu con cưới đuợc Ngọc Thủy là điều may cho gia đình mình đó.

Nhờ tình si mê của chàng trai trẻ nhà giàu mà năm đó dân xóm Than hơn mấy chục nóc nhà nghèo được thay lá mới, tạo tiếng tốt cho hảng gạo Bình Tây và Phú Trọng cũng nhờ đó mà kết thân tình quen biết với nhà ông Hai Hảo Hớn.  Cậu thỉnh thoảng ghé ngang vựa lá, nay tặng ông chủ vựa chai rưọu tây, mai biếu bà chủ vựa hộp sâm tàu, mấy đứa em cô Hai cũng bánh kẹo liên miên, riêng phần cô Hai thì nước hoa, vải vóc, chỉ tiếc một điều là Ngọc Thủy luôn tìm cách chối từ các món quà tặng mua chuộc cảm tình đó vì không muốn làm buồn lòng thầy giáo Hai. Từ ngày biết được ông khách trẻ của buổi sáng hôm nào là con chủ hảng gạo Bình Tây, người đã được gia đình cậu ta rắp tâm nhờ hỏi cô làm vợ, Ngọc Thủy cẩn thận hơn mỗi khi gặp Phú Trọng, cô vốn đã nghiêm trang, nay càng thêm khuôn khổ, mỗi lần thấy bóng dáng chàng công tử “gạo” là cô tìm cách lẫn tránh, trước còn ý tứ lịch sự không để lộ ra ngoài sự dững dưng lạnh lùng, nhưng thấy Phú Trọng càng ngày càng thăm viếng, biếu xén thường xuyên cô đâm ra bực bội nên ra mặt chối từ tình ý của anh chàng rõ rệt. Ông bà Hai Hảo Hớn tuy đã có ý kén rễ “đốc tờ” nhưng cậu hai Phú Trọng cứ tới lui hoài thét rồi ông bà cũng quen mặt, thêm cậu là khách hàng lớn của vựa, chẳng những cậu mua lá bố thí giúp người mà còn giới thiệu người khác đến mua nửa nên hai ông bà cũng không nghiêm khắc lắm chuyện cậu rắp ranh bắn sẻ cô con gái cưng của mình. Có lần Phú Trọng gần xa bóng gió ướm lời với ông Hảo Hớn khi cùng ông đi quan sát vựa lá cho một chuyến mua bán giùm người quen của cậu:

-          Cơ ngơi nhà bác như vầy, mai mốt cô Hai lấy chồng rồi chắc hai bác sẽ mệt dữ đa.

-          Ừ, con cái lớn rồi phải tính chuyện gia đình cho nó chứ không lẻ bắt nó làm thần giữ của cho mình hoài sao cậu.

Phú Trọng mừng rơn, chụp câu nói đó đi thẳng vào vấn đề cậu ôm ấp bấy lâu nay:

-           Bác cho con được “ứng thí” làm rể đông sàng nhà bác nghen.

  Ông Hai Hảo Hớn cười khề khà, giọng nửa đùa, nửa thật:

-          Con nhỏ nhà tui nó khó chịu lắm, nó ưng đâu vợ chồng tui gả đó nên không dám hứa trước với cậu được.

-          Bác nói thật không vậy?

-          Quân tử nhất ngôn mà  – ông Hai Hảo Hớn nghiêm giọng – không lẻ tui người lớn lại đi nói hai lời với cậu sao?

Người ta không biết Phú Trọng tính toán trong đầu những gì về câu “quân tử nhất ngôn” của cha cô Ngọc Thủy, chỉ biết là cách đó chừng nữa tháng sau mọi người không thấy cậu lai vảng vựa lá chằm và cũng vắng mặt luôn ở hảng gạo Bình Tây, kẻ biết chuyện nói cậu xin tiền cha mẹ qua Nam Vang viếng đền Đế Thiên – Đế Thích để cầu duyên.

 Năm đó thầy giáo Hai đang học năm thứ hai Đại học Y khoa và vẫn tiếp tục dạy kèm cho ba đứa em trai của cô Ngọc Thủy. Tình ý hai bên hầu như ai cũng rõ, bà Hai Hảo Hớn bấm ngón tay tính toán thấy nếu thầy giaó Hai học đều đặn cho đến ngày thành danh thì ít ra cũng còn năm năm nửa, chừng đó con gái bà cũng đã hăm ba, hăm bốn gì rồi, cái tuổi đó thời bà còn trẻ người bình thường ít ra cũng “con thơ tay bế, tay bồng”, nếu không thì kể như vô duyên không ai ngó ngàng nên mới muộn màng như vậy. Nhưng con gái bà làm sao ai dám dị nghị đuợc chứ, nó đuợc cả mọi bề, nó có con chủ hảng gạo dòm ngó ngắm nghé, có quan thầy thuốc tương lai hò hẹn chuyện tương lai chớ có ế ẩm gì đâu. Muốn có rể “đốc tờ” đành phải đợi, cũng là cái cớ cho Ngọc Thủy có thời gian phụ giúp ông bà nhiều hơn. Nghĩ vậy rồi nên bà Hai Hảo Hớn làm lơ như không biết những lần hẹn hò của thầy giáo Hai và con gái mình, đã vậy mỗi khi “ể mình” một chút bà thưòng kêu Ngọc Thủy hỏi “ giáo Hai” cách uống thuốc men thế nào cho chóng khỏe và không hiểu nhờ mát tay cho thuốc hay sao mà dù chưa thành danh bác sĩ nhưng thuốc “giáo Hai” kê toa lần nào bà uống cũng công hiệu như thần, Ngọc Thủy thấy vậy cũng mừng mà người vui nhứt không ai khác hơn chàng cơ hàn áo vải họ Trần. Người ta thường nói “lệnh ông không qua cồng bà” nên dù ông Hai Hảo Hớn có ý mến cậu Phú Trọng nhưng ông cũng không bạc đãi chi lắm thầy giáo Hai, đàng nào ông thấy cũng được, một bên là cơ ngơi sản nghiệp sẳn dành cho con chủ hảng gạo lớn nhứt nhì Saigon – Chợ Lớn, còn bên kia là danh vọng của một ông “đốc tờ”tương lai cao sang trong xã hội. Vậy cứ tính như vợ chồng ông có nàng Mỵ Nương đang chờ người chọn gởi đá vàng, còn hai “thằng nhỏ “ kia như Sơn tinh – Thủy tinh phải qua kỳ khảo thí, có điều ông không đòi voi chín ngà, gà chín cựa để làm khó dễ hai chàng Sơn tinh -Thủy tinh đương thời mà chỉ cần con gái ông hạp tình, hạp ý một trong hai chàng để mai sau nó không đổ thừa ông “ép dầu, ép mở, ép duyên” nó thì thôi.

Phú Trọng đi qua Cao-Miên hơn hai tháng thì trở về, đem theo một lồng kiếng kỳ lạ phủ kín vải điều màu đỏ chói, cứ nhìn cách cậu con chủ hảng gạo cẩn trọng khi xách giỏ đựng lồng kiếng đó người ta có cảm tưởng như bên trong có cái gì quý giá thanh mảnh dễ bể, dễ hư lắm. Cậu đem lồng kiếng vào phòng riêng của cậu và cấm không cho ai vào đụng tới “nó”. Ông bà Phú Hào có hỏi thì cậu nói đó là cây cảnh quý bên Cao Miên, cây sợ nắng gió nên phải “chưng” trong “buồng gói”, biết tính con trai hay bày đặt chuyện nọ, chuyện kia nên ông bà Phú Hào cũng không hỏi tới. Tôi tớ trong nhà có kẻ tò mò lén dòm ngó mỗi khi ra vào quét dọn rồi thì thào chuyền tai nhau rằng bên trong lồng kiếng là một chậu cây trồng một loại cây lá dài, rộng bản, xanh mướt giống như lá cây gừng. Đặc biệt cậu chủ lập một bàn thờ nhỏ, nhang đèn hực hở có một bài vị viết chữ chi lạ lắm, giống như chữ Miên hay chữ Phạn gì đó, cậu để lồng kiếng vẫn phủ vải điều lên bàn thờ, nhang đèn chong sáng ngày đêm, miếng vải điều chỉ được tháo ra khi Phú Trọng mỗi chiều đem hai cái hột gà vào để giũa đám lá xanh trong chậu kiểng, lúc đó những chiếc lá xanh đang yên ả trong chậu bỗng như chuyển động vươn lên chụp phủ cái hột gà rồi đồng rạp xuống trong nhịp  rung từng phiến lá dù trong phòng kín chẳng có một làn gió nào len vào, khoảng chừng năm hoặc mười phút sau tất cả đồng trở lại bình thường và cái hột gà cũng biến mất chỉ để lại lớp vỏ hột gà đã bể vụn.

Từ lúc mới trở về, qua hôm sau Phú Trọng vội vàng đến thăm vựa lá ngay. Ngọc Thủy vừa thấy bóng cậu là lảng vào nhà sau sai người làm đem trà ra mời khách còn cô lánh mặt luôn để ông Hai Hảo Hớn ngồi tiếp khách của ông. Phú Trọng tặng ông mấy hộp cao hổ cốt, tặng bà mấy xấp hàng Mỷ A láng bóng đen tuyền nổi tiếng của vùng Biển Hồ, không quên mấy cậu con nít mỗi người cây vợt đánh bóng bàn và một tấm lưới cùng mấy trái banh dành cho loại bóng nhẹ nầy. Phần của Ngọc Thủy là một hộp kem dưỡng da Hoa Lan nổi tiếng của Đài Loan rất khó tìm mua trong thời buổi đó. Vợ chồng chủ nhà mặt mày hớn hở nhận quà, lòng cảm mến chàng trai trẻ gia tăng thêm đôi chút, sự ngưỡng mộ “giáo Hai” cũng theo đôi chút đó nhạt nhòa, chỉ riêng cô Ngọc Thủy nhìn cha mẹ với nhiều lo âu cho mối duyên mong manh của mình.

Cũng trong thời gian đó, vựa lá nhận thêm một người đến xin việc, con Tư Lé ở xóm Đình Ông kế bên. Con nhỏ nầy tuổi khoảng mười bốn, mười lăm, không đẹp đẻ chi lắm nhưng tính tình nhặm lẹ, lanh lợi, khi nói chuyện với ai nó luôn có nụ cười đi trước khiến người đối diện có thiện cảm liền dù đôi mắt đông tây hai chiều của nó như ngầm chứa đựng một điều gì bí ẩn bên trong. Tư Lé đến nhận việc khoảng một đôi ngày là đã bắt đầu thân thiện với bạn bè chung quanh, và nếu ai tinh ý sẽ thấy trong túi nó lúc nào cũng thủ sẳn bộ bài cào, bộ bài đó không phải để tính chuyện ăn thua đen đỏ mà để những giờ nghỉ việc ăn trưa xong nó đem ra trổ tài quán chiếu chuyện quá khứ, vị lai. Lần đầu tiên khi thấy nó trải cổ bài trên chiếu, bạn bè chung quanh hỏi nó đang làm gì, nó tỉnh bơ trả lời:

-          Đang đoán xem chiều nay tui về có chàng nào ngóng đợi tui không?

Có tiếng cười đâu đó của nhóm bạn lá chằm:

-          Chàng nào đó chắc cũng lé hoặc chột nên mới đợi mầy.

Tư Lé làm mặt nghiêm trả lời:

-          Trời, bộ mấy người tưởng tui là đồ bỏ sao? Đây nè, lá chàng cơ đang đứng gần lá bổn mạng của tui nè. Chắc chắn chàng ta sẽ tìm gặp tui nội trong chiều nay hoặc sáng mai thôi.

Một cô bạn trong nhóm nói kiểu lửng tửng bông đùa:

-          Nè, nếu đúng thật vậy bồ phải giới thiệu để tụi nầy biết đường không “cua” bậy người của bồ lở khi gặp bất ngờ ngoài đường đó nghen.

-          Ở đời muôn sự của chung mà, chị cứ tự nhiên, tui xin mời. Nhưng nói trước à nghen, chàng nầy hổng phải dễ “cua” đâu. – Tư Lé thản nhiên nói.

Chuyện tưởng như đùa vậy mà có thiệt, chiều hôm đó tan việc, mọi người sau khi lãnh lương công nhật xong ra về vừa bước ra khỏi đầu ngả ba Bến Ba Đình thì thấy Tư Lé đi song song với một chàng bảnh choẹ áo quần, nhìn kỹ thì hóa ra chẳng ai khác hơn cậu hai Phú Trọng. Không biết họ nói gì nhưng những kẻ tò mò lập tức kể nhau nghe rằng họ thấy con trai chủ hảng gạo móc túi đưa cho Tư Lé mấy tờ giấy bạc, dặn dò vài câu rồi sau đó bỏ đi, cứ nhìn cử chỉ của họ thì biết không phải chuyện hẹn hò tình cảm trai gái thường tình, nhưng rõ ràng con nhỏ có “chàng”  đứng chờ đúng như quẻ bài tiên đoán. Tư Lé nghe vi vu lời ra tiếng vào về chuyện của mình thì cười hề hề làm như không để ý chi hết. Nó vô tư hay không chỉ mình nó biết nhưng bộ bài tây trong túi nó kể từ ngày đó được đắc dụng bởi bạn bè chung quanh cứ nhờ con bé gieo bài xem quẻ hoài.  Có thể con nhỏ có chút tài vặt hay tinh quái trong việc “xem mặt, bắt hình” hay sao mà đa số chuyện gì mọi người nhờ nó cũng đoán nếu không đúng phần đầu cũng được phần đuôi nên một sớm một chiều cái tên Tư Lé dần dần biến thành Tư Bói Bài không cần chè xôi báo cáo  xin phép thần tài, thổ địa.

Mỗi ngày  công nhân vựa lá nghỉ việc lúc năm giờ chiều sau khi đã giao kiễm thành phẩm và cũng là lúc mọi người vào “nhà việc” của ông chủ để lãnh lương công nhật. Thường thì cô Hai Ngọc Thủy là người phát lương, số tiền công nhân được lãnh tính theo số lượng gia công thành phẩm  mà cô đã kiễm nhận ghi sổ ngày hôm trước. Hôm nay nữa là đúng một tuần Tư Lé vào làm việc ở đây, chỉ mới mấy ngày mà con nhỏ đã liếng thoắng huyên thiên  với Ngọc Thủy như quen biết từ lâu lắm, đến bên bàn phát lương trong khi vừa đếm tiền cô chủ mới trao nó vừa cười tũm tĩm nói:

-          Sáng nay xào bài em thấy lá chuồn đi chung với lá cơ, tức vừa có tiền mà vừa có chuyên vui nữa, hổng biết chuyện vui gì đây?

Cô Hai Ngọc Thủy không nhìn lên cũng không trả lời trả vốn chi hết mà chỉ cặm cụi xoá sổ gạch tên những người đã lảnh tiền và ghi chú thêm những người được 1ương trước theo yêu cầu. Bỗng cô nghe tiếng  Tư Lé la lớn với giọng mừng rỡ:

   – Trời, em nói có sai đâu, quẻ đoán em có chuyện vui khi lãnh tiền mà. Chị, chị coi nè. Chị sắp lộn tiền cho em tới mười đồng lận. Em trả lại chị nè.

Ngọc Thủy giật mình nhìn lên trong lúc Từ Lé xòe bốn tờ giấy bạc mười đồng trước mặt cho cô coi, cô nhíu mày nhìn vào quyển sổ mà Tư Lé mới vừa ký tên lãnh tiền, chỉ có hai mươi đồng thôi, sao cô có thể lẫn lộn dễ dàng như thế đuợc chứ. Cô lắc đầu, chép miệng:

-          Có thể tôi đếm nhanh tay quá nên hai tờ nhập một đó, cám ơn em đã thấy mà trả lại.

Tư Lé đặt tờ bạc mười đồng lên bàn rồi vui vẻ nói:

-          Hổng phải tiền của mình mà ăn, mai mốt thế nào cũng có chuyện phải tuôn ra gấp hai, gấp ba nên em không dám “rinh” đâu chị. Thôi, em về, chị nhớ đếm tiền cẩn thận nghen.

Nói xong nó chào cô chủ nhỏ rồi xoay lưng bước ra về, Ngọc Thủy nhìn theo và tự dưng thấy có cảm tình với con bé. Những ngày sau đó, vào giờ nghỉ xã hơi của đám nhân công, cô chủ thường hay lân la xuống trại chằm để chuyện trò cùng mọi người và nhất là với Tư Lé. Thỉnh thoảng gặp nhằm lúc Tư Lé đang xào bài xủ quẻ không công cho các bạn đồng nghiệp thì Ngọc Thủy cũng ngồi xà xuống để góp nhóp đôi lời bàn bạc cợt đùa hoà đồng với chung quanh, nhưng tuyệt nhên không bao giờ cô ngỏ ý xem quẻ riêng cho mình. Có lần, cũng trong không khí vui đùa như thế, không hiểu vô tình hay cố ý Tư Lé đưa tận tay cô bộ bài và mời mọc:

    – Chị coi thử một quẻ đi. Coi xem có anh chàng nào đang lăm le xạ tiển trái tim của chị không?

Ngọc Thủy chần chừ, không muốn “thiên hạ” nhìn vào chuyện riêng tư của mình, cho dù là riêng tư trên những lá bài vô tội vạ, nhưng một chút tò mò như bao cô gái trẻ muốn biết hậu vận mai sau thế nào nên cuối cùng cô nhoẻn miệng cười, cầm bộ bài vừa xào vừa nói:

   – Mình coi chơi thôi, chứ mọi việc trong đời do ba má mình định  mà.

Lúc Ngọc Thủy định trao lại ba mươi hai lá bài đã xào xốc xong cho Tư Lé thì con bé như sực nhớ ra điều gì, nó vỗ trán ra chìu suy nghĩ rồi nói:

   – Xém chút nữa em quên rồi, muốn quẻ linh nghiệm hơn chị nên cho em biết tên họ và ngày sanh tháng đẻ rõ ràng để em khấn nguyện, được không chị? Nhưng trước hết chị phải rút một lá bổn mạng để em coi chị thuộc “bà đầm” nào.

Thấy đòi hỏi vô hại, Ngọc Thủy cười:

   – Thì mình tên Lê ngọc Thủy ai cũng biết mà. Mình sinh ngày 3 tháng 8 năm 1933, tuổi con gà đó.

Nói xong cô  thuận tay rút ra một lá cơ bảy nút, cô đưa lên choTư Lé xem rồi trao toàn bộ bài lại cho nó. Tư Lé hớn hở ra mặt, lẫm nhẫm đọc lại hai ba lần ngày và năm sanh của Ngọc Thủy rồi với vẻ trịnh trọng nó dàn bài thành bốn hàng ngang, mỗi hàng tám lá, xong nó nhìn chằm chằm vào đó như tìm những tương quan của quẻ bài. Không đầy một tích tắc sau, nó ngẫng đầu lên, nhìn Ngọc Thủy và cười chúm chím:

   – Chị coi lẫm rẫm vậy mà “đắt”dữ hén, tới 2 chàng “bảnh tẻn” ngó trái tim chị nè. Chị thấy chưa, chị là con đầm Cơ, có bồi Cơ ngó ngay mặt chị, chàng nầy đang được chị để ý tới, bên cột tay phải có bồi Chuồn nhìn thẳng lá Cơ là trái tim chị, tức hắn ta ngấm nghé chinh phục chị đó.

Và cười hì hì với giọng nửa đùa nửa thật, con bé hỏi một cách tò mò:

   – Chà chà, ai mà tốt số được chị “chấm” vậy ta? Nhưng coi chừng bồi Chuồn nghen chị, anh ta nhất định làm người chiến thắng đó.

Giữa những đôi mắt thợ chung quanh cũng háo hức chờ câu trả lời của cô chủ, Ngọc Thủy lắc đầu, cười pha loảng:

   – Có ai đâu nè. Bài nói vậy nhưng mình có thấy gì đâu. Thôi, tới giờ làm việc rồi, mình vô nhà nghen.

Thực tình, chân bước vào nhà mà Ngọc Thủy nghe tâm tư náo loạn, quẻ bài nói trúng phong phóc chứ có sai đâu. Gã bồi Chuồn là con trai chủ hảng gạo chứ ai, cô và giáo Hai là đôi đầm tây Cơ chứ còn gì nữa. Rầu thiệt, Tư Lé nói bồi Chuồn nhứt định làm người chiến thắng sao ứng vào việc Phú Trọng đang tìm cách o bế, mua chuộc ba má cô dữ vậy cà. Ngọc Thủy thấy lo lo trong lòng, con đường thành đạt “đốc tờ” của giáo Hai còn dài quá, biết cả hai có đủ sức chống chọi với bao khó khăn chung quanh hay không. Tự dưng cô gái buông tiếng thở dài.

Cũng chiều ngày hôm đó, tan tầm xong việc Tư Lé đi te te một mạch ra bến Nguyễn Duy tìm đến hảng gạo và hình như có hẹn trước hay sao mà Phú Trọng đón nó ngay bến ghe nơi nhân công đang vác gạo từ miền tây chở lên đem vào kho. Nhìn bề ngoài thì có vẻ như cậu chủ đang đốc thúc công việc và chẳng ai để ý đến tờ giấy nhỏ có ghi ngày, năm sinh của Ngọc Thủy được Tư Lé chuyền tay cho Phú Trọng để đổi lấy tờ giấy bạc năm đồng.

Mọi việc vẫn chảy đều như nước kinh Đôi, kinh Tàu Hủ. Trời đang vào mùa nắng, cái nắng của miền Nam chỉ ngọt ngào cho lúa ươm vàng nặng hột, hoa trái rực rỡ khoe màu nhưng làm người dân cũng nặng những giọt mồ hôi khi đem công sức đổi lấy miếng ăn. Tư Lé hôm nay đem theo một chai nước mía lau nấu với ngò rí, loại nước mát mọi người vẫn thường uống để hạ nhiệt, giải cảm. Sau giờ cơm trưa, Ngọc Thủy ra trại chằm để ghi số thành phẩm được sắp thành nhóm chuẩn bị cho xe đến chở đi phân phối. Xong việc cô quay bước vào nhà, đi ngang chổ Tư Lé chợt cô nghe con bé kêu:

   – Chị Hai, chị Hai, em có cái nầy cho chị nè.

Ngọc Thủy dừng chân nhìn con bé có ý chờ đợi xem nó muốn nói gì. Tư Lé lôi trong giỏ xách bằng mây của nó ra một chai xá xị nhưng đậy nút bần chứ không phải nắp phén, nó đưa cho cô chủ chai nước và nói:

  – Má em nấu nước mát bằng đường thốt nốt của chị em đi Nam Vang mới đem về, em đem thêm phần cho chị uống lấy thảo đây. Chị uống thử đi, ngọt hơn đường cát, mát hơn đường phèn của mình nhiều lắm.

Vừa nói Tư Lé vừa lấy chai nước mía lau của nó đưa lên miệng uống cái ực và ra ra dáng chờ đợi sự hưởng ứng của cô chủ. Ngọc Thủy lộ vẻ cảm động trước sự nhiệt tình của con bé, cô đón nhận chai nước và chân thật nói:

   – Cám ơn em nghen, thiệt..làm phiền em quá.

   – Phiền phức gì chị ơi, uống thử rồi cho em biết ngon dỡ thế nào để em còn nói lại với má em nữa chứ – rồi bằng giọng gần như van nài nó thúc hối – Uống thử đi chị, uống cho em vui mà.

Không nỡ để con bé nài nĩ nhiều, Ngọc Thủy mở nút chai và bắt chước Tư Lé uống liền vài hớp cho nó vui. Nước vừa vào miệng cô nghe một vị ngọt kỳ lạ thấm tê đầu lưỡi, có một cái gì khác hẳn các loại nước mát cô thường nấu cho cả nhà dùng trong những buổi trưa hè oi ả. Cô lắc lắc đầu để nghe kỹ hơn vị lạ của ngụm nước đó và như có một thúc đẩy vô hình cô đưa chai nước tu cạn luôn một hơi dài mà không để ý đến đôi mắt quan sát khác thường của Tư Lé, một luồng hơi nóng như chảy dài đến tận lục phủ ngủ tạng của cô dù nước trong chai mát rượi. Cô nhăn mặt, thoáng chút ngạc nhiên và nói với Tư Lé:

   – Nước ngọt lạ quá, chắc tại mình chưa quen đường thốt nốt. Cám ơn em nghen.

Ngọc Thủy nói xong cầm nửa chai nước còn lại đi thẳng vào nhà, cái nóng trong người cô hình như gia tăng, cô mở nút chai uống hết phần còn lại rồi liệng vỏ chai vào giỏ rác dưới gầm bàn. Gần đến giờ giáo Hai đến dạy kèm cho các em cô rồi, cô định lấy nón lá đội ra tiệm chú Tiều mua sẳn nước đá cục chuẩn bị làm cho người yêu ly nước chanh muối như thuờng lệ để chàng uống cho thông cổ mà giảng bài. Nhưng vừa nghĩ đến giáo Hai cô bỗng nghe choáng váng, đầu óc dường như mờ mịt và tự dưng hình ảnh cậu chủ con hảng gạo lại hiện ra, nhẹ nhàng, mời gọi. Sự khó chịu trong đầu cô gia tăng giữa hổn độn giằng co của hai tên gọi giáo Hai và Phú Trọng, cô vào phòng riêng buông mình nằm phịch xuống bộ ván mun để tìm sự an tỉnh và cô nhắm mắt ngủ quên lúc nào không hay. Gần chạng vạng tối mẹ cô vào lay cô dậy:

   -  Ngọc Thủy, sao ngủ giờ nầy? Bộ con bịnh hả? Tối mịch rồi kìa, giáo Hai cố ý đợi để chào con nhưng thấy con ngủ nên tụi nhỏ không dám kêu con. May là ba của con đã phát lương thợ rồi, nếu không chắc thiên hạ chẳng ai chịu về. Cơm nước má cũng làm sẳn hết rồi đó. Thôi, dậy rữa mặt rồi ra ăn cơm đi con.

 Nói xong bà Hai Hảo Hớn đưa tay rờ trán con gái, thấy nhiệt độ bình thường bà yên tâm bỏ đi xuống bếp. Đợi mẹ đi rồi Ngọc Thủy gượng ngồi dậy, đưa tay kẹp mái tóc lại cho gọn gàng, cô nghe đầu nặng chịch, cô chẳng nhớ gì chuyện giáo Hai chờ gặp cô, cũng không nghĩ đến chuyện phát lưong thợ hàng ngày mà lạ lùng thay trong đầu cô chỉ có bóng dáng Phú Trọng tươi cười khi ẩn, khi hiện, quyến rũ, thân thương y như giấc chiêm bao đứt khúc cô thấy trong giấc ngủ bất thường vừa rồi. Buổi cơm chiều hôm đó cô trầm ngâm ít nói cười, cô dững dưng khi mấy cậu em cô lao xao nhắc đến thầy giáo Hai, cô sáng mắt khi nghe cha kể chuyện làm ăn với con trai chủ hảng gaọ, từ trong sâu thẳm tâm linh cô nghe dường như có tiếng thì thào vô hình của ai mời gọi tên cô. Những ngày sau, giáo Hai tinh ý nhận ra ngay sự đổi thay kỳ lạ ở người yêu, Ngọc Thủy có vẻ không biết chàng là ai, gặp chỉ chào hỏi cho đúng lệ, mắt thôi ẩn liếc, môi thôi nhuốm cười, thôi luôn cả ly nước đá chanh muối cho chàng giải khát. Cùng thời gian đó, Tư Lé tỏ ra thân quen đậm đà với cô chủ nhiều hơn, ngày nào nó cũng đem một chai nước mía lau nấu với đường thốt nốt cho cô, uống thét thành quen, Ngọc Thủy bỗng đâm ghiền loại nước đặc biệt đó dù cô đã tập nấu thử nhưng mùi vị không đúng như nước của Tư Lé cho cô. Cô uống đúng chín ngày thì Tư Lé bảo đã hết đường thốt nốt nên không đem cho cô nữa và tuần sau thì ông Ba Giỏi lần thứ hai đại diện vợ chồng chủ hảng gạo đến đánh tiếng chính thức hỏi  Ngọc Thủy cho Phú Trọng.
                                                                                                                            
 Trước ngày Ba Giỏi mở lời, Phú Trọng có tìm Hai Hảo Hớn để thú thật là chàng thương Ngọc Thủy và năn nỉ Hai Hảo Hớn khứng chịu cho chàng làm rễ đông sàng, chàng nhắc lại lời hứa của Hai Hảo Hớn là  hễ Ngọc Thủy ưng đâu thì ông gã đó và chàng tin chắc phen nầy cô gái sẽ nhận lời. Anh chàng còn xin được cùng ông mai đối mặt với cô gái để nói chuyện cưới xin nữa chứ. Ông chủ vựa chằm lá như bị mắc nghẹn khi nghe chàng nhắc lời hứa mà chính ông cũng đã quên, lúc đó ông nói chơi cho vui chứ vợ ông đã chấm giáo Hai rồi mà. Ông nghĩ, cái thằng con chủ hảng gạo nầy thiệt là kỳ, đã bị chê một lần rồi chưa “tởn” sao mà còn tính chuyện tái hồi vậy cà, nhưng thôi, nó muốn vỡ mộng thì cho nó biết “cay đắng mùi đời”thêm lần nữa vì coi bộ con gái ông còn “mết” thằng nhỏ đốc tờ tương lai bên kia bến đò nhiều lắm. Bụng tính vậy nên ông gật đầu đồng ý ngày hẹn cho “đôi trẻ” ra mắt nhau, ông bàn với vợ và bà Hai Hảo Hớn cũng nghĩ như ông nên không phản đối chi hết.

 Mấy lúc gần đây vợ chồng Hai Hảo Hớn đều nhận thấy Ngọc Thủy có cái gì khang khác, mặt mày cô thờ thẩn như mất hồn, công việc làm quên trước quên sau, biếng ăn, biếng nói chẳng khác chi như người thất tình, lở vận. Ông hỏi bà, bà hỏi ông và cuối cùng họ đoán chắc con gái mình giận hờn chi đó với giáo Hai nên mới ra sự thể như vậy. Nếu đúng như thế thì càng tốt, nhân dịp nầy để “con nhỏ” thử lại lòng nó xem sao, nếu số nó không làm bà “đốc tờ” thì làm bà chủ hảng gạo cũng đâu có thua ai, chỉ tiếc cái danh trí thức vuột khỏi tầm tay mà thôi.

Ngày hẹn đánh tiếng hỏi vợ của Phú Trọng chẳng ai cho Ngọc Thủy biết trước cả, đến lúc Ba Giỏi và Phú Trọng vào nhà rồi bà Hai Hảo Hớn mới kêu nàng đem trà ra cho khách, nhưng thay vì sau đó để cô quay gót vào trong thì ông Hai Hảo Hớn kêu cô ngồi lại chung bàn để cùng bàn bạc một chuyện hệ trọng. Ngày thường, hể thấy mặt Phú Trọng là Ngọc Thủy tránh, nay bên cạnh chàng công tử gạo lại có Ba Giỏi là người chuyên lo chuyện mối mai, nhìn vào là có thể đoán ngay việc hệ trọng đó là việc gì rồi. Tuy vậy, cô gái không lộ vẻ khó chịu như dự đoán của cha mẹ cô nhưng đôi mắt cô thoáng chút vô hồn đờ đẫn. Cô ngồi xuống cạnh mẹ, đối diện cùng Phú Trọng mà chẳng nhìn ai, chỉ nhìn vào khoảng mông lung trước mặt. Chẳng ai để ý đến đôi mắt cô, chỉ có Phú Trọng nhận ra sự khác biệt đó và anh chàng chúm chím cười ẩn dấu sự hài lòng, tin tưởng.

Sau màn mở đầu xã giao thăm hỏi, ông Ba Giỏi chính thức đặt vấn đề rằng gia đình Phú Hào nghe tiếng biết danh công, ngôn, dung, hạnh của Ngọc Thủy nên nhờ ông mai mối trung gian hỏi cưới nàng cho Phú Trọng, nếu hai bên bằng lòng vợ chồng chủ hảng gạo sẽ đích thân đến xin tiếp tục tiến hành các thủ tục cưới, gã đàng hoàng . Ông bà Hai Hảo Hớn cũng lich sự trả lời mọi việc tùy con gái mình,   “ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên”, nếu con gái ưng thì ông bà gã. Nói xong ông bà xoay sang hỏi ý con gái thế nào, hỏi cho ra vẻ “dân chủ”chứ ông bà chắc mẽm Ngọc Thủy sẽ lắc đầu, nhưng ông bà bỗng chưng hững khi thấy con gái cúi đầu, mắt vẫn vô hồn, trả lời nhẹ hẫng:

   – Thưa ba má, chuyện hôn nhân là hệ trọng, con đâu dám tự chuyên, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.

Vậy là rõ ràng Ngọc Thủy khứng chịu lời cầu hôn của Phú Trọng rồi, vợ chồng Hai Hão Hớn không còn đường nào từ chối được, lời hứa của người lớn “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” mà. Bà Hai Hão Hớn hơi bực mình vì mất thằng rễ “đốc tờ” nhưng cái hảng gạo của nhà Phú Hào đâu kém gì ai nên bà cũng vui vẻ chờ ngày cho con gái vu quy.

Giáo Hai bàng hoàng khi nghe tin người yêu sắp sửa sang ngang, suy xét mọi điều chàng thấy mình không có làm điều gì sai quấy và không hiểu tại sao nàng lại hủy bỏ cuộc tình một cách vội vàng như vậy.  Đôi lần thấy bóng nàng thấp thoáng cửa trước, buồng sau, mặt mày vàng vọt, thờ thẩn mất hồn chàng càng nghi ngờ có điều gì bất ổn nhưng đành bó tay vì Ngọc Thủy dường như cố ý tránh gặp mặt chàng. Buồn tình lẫn tuyệt vọng, giáo Hai xin nghĩ dạy và không bén mảng qua bến đò bên kia sông Kinh Tàu Hủ nữa và hôm nay là ngày bến sông vựa chằm hai Hảo Hớn rộn ràng mừng cô chủ sang ngang.

…..Trong khi nhà gái chuẩn bị rộn ràng pháo hoa chờ nhà trai đến thì hảng gạo Phú Hào ngoài bến Nguyễn Duy của kinh Đôi cũng hực hở trang hoàng. Mặc cho mọi người lăng xăng ô tráp lễ lộc, Phú Trọng đóng cửa buồng riêng của mình rồi trịnh trọng đến bên bàn thờ đốt ba cây nhang khấn vái lầm thầm, nếu ai đứng gần thính tai sẽ nghe loáng thoáng có tên tuổi ngày, tháng, năm sanh của Ngọc Thủy và chàng trong đó. Xong xuôi chàng lấy miếng bài vị có chữ viết ngoằng ngoèo đưa lên lữa đốt. Trong khói nhang và khói giấy chàng lờ mờ lùi lại thời gian mấy tháng trước, lúc lặn lội lên Nam Vang tìm thầy ngãi để mê hoặc cô gái dám từ chối lời cầu hôn của chàng.

Thực ra, ý định dùng bùa ngải để chinh phục tình yêu không phải tự nhiên đến với Phú Trọng mà do trời xui đất khiến nên tình cờ chàng đọc báo thấy tin tức có bài nói về sự thịnh hành bùa ngải vùng Chruychangva của xứ Miên láng giềng. Tính hiếu thắng của tuổi trẻ không chịu thua bất cứ tình huống nào xui chàng khăn gói  lên Nam Vang tìm thầy bùa, thầy ngải thử vận tình trường. Người Việt định cư nơi đây khá đông nên không khó khăn lắm Phú Trọng cũng tìm ra được địa chỉ nơi muốn đến.
Qua bao nhiêu công lao tìm kiếm, chàng gặp được lão Thon Sen, một ông thầy ngãi nổi tiếng của vùng. Bỏ qua những sợ hãi buổi đầu vì sự tinh ranh của ma xó mà ông thầy ngãi dùng để thấu đáo hết tâm tư ý định của chàng, Phú Trọng phải chịu tốn một số tiền khá lớn và bao hình thức bùa phép để cuối cùng được Thon Sen trao cho chàng một chậu cây nhỏ có lá giống như lá cây gừng. Ông thầy ngãi giải thích cặn kẻ với chàng:

   – Chậu cây nầy là cây ngải tên gọi Mặn Cà Chum, bình thường là ngải cứu, tức loại củ để chữa bịnh, nhất là bịnh máu huyết của đàn bà hoặc trị ngộ độc. Nhưng tui đã nuôi và luyện cho nó thuộc quyền sai khiến của mình. Nó không ăn đất để sinh trưởng như các thảo mộc khác mà đây là một loại cây ăn thịt, nó có thể ăn một con rắn, một con gà hay bất cứ động vật nào thích ứng với nó. Tui đã để phép vào trong đó rồi, “lục”(*) đem nó về nhớ mỗi ngày cho nó ăn ít nhất một hoặc hai lần, để người ngoài đừng để ý, “lục” cho nó ăn hột gà sẽ dễ dàng tránh sự dòm ngó của chung quanh. Nhớ để nó nơi trang nghiêm và phủ vải điều cho kín vì âm binh tui chuyển vào đó không thích ánh sáng. Bao giờ người “lục” thương uống được nước củ ngãi trong chậu đúng chín ngày thì kể như “lục” thành công rồi đó. Nhưng, để người đó thương “lục” hoài thì mỗi năm “lục” phải đến đây để đổi ngải mới và tui chuyển thêm phép cho “lục”, nếu không âm binh cũ không có lịnh của tui sẽ phá “lục”mệt lắm đó.

Và với vẻ mặt nghiêm trọng, Thon Sen căn dặn thêm:

   – “Lục” nhớ cất cho kỷ tấm bài vị tui đưa cho “lục” ban nãy nghen, trong đó có thần chú tui ghi, “lục” phải viết tên họ, ngày, tháng, năm sinh của cô gái “lục” thương phía sau tấm bài vị đó trước khi cho cô ta uống ngải Mặn Cà Chum. Sau khi uống đủ chín ngày, “lục” có thể đốt thẻ vị đó để nơi đây tui biết mà chuẩn bị luyện âm binh cho “lục” vào năm sau, nếu không, cô ta sẽ từ từ thức tỉnh thần trí mà trở lại như lúc chưa thương “lục” đó.

Phú Trọng đã làm đúng những gì Thon Sen chỉ dẫn, chàng bỏ tiền mua chuộc Tư Lé làm “gián điệp” để có đầy đủ ngày, tháng, năm sinh của Ngọc Thủy, tìm được cách cho cô gái uống đủ chín ngày nước mía lau có pha trộn ngải Mặn Cà Chum và sự hiệu nghiệm của cây ngải đã cho chàng ngày hôn lễ hôm nay.

Ngọc Thủy từ nhà trong bước ra cùng Phú Trọng làm lễ gia tiên sau những nghi thức thông thường của hai họ. Mặt mày Phú Trọng tươi rói trong khi đôi mắt cô dâu thờ thẩn vô hồn, chung quanh mọi người nhìn vào ai cũng khen cô là con hiếu, đôi mắt buồn vì phải lìa mẹ, xa cha. Tư Lé áo lụa hồng mới toanh, quần lảnh Mỹ a Tân Châu đen bóng, đầu chải dầu dừa mướt rượt, tay đeo xuyến vàng hực hở, tất cả mọi thứ là phần thưởng của cậu chủ hảng gạo tặng nó để  trả công nhiệm vụ gián điệp nó hoàn thành tốt đẹp.

Giờ rước dâu, pháo nổ đì đùng, khói bay mù mịt, bên kia bến sông kinh Tàu Hủ giáo Hai bịt tai, cúi gằm đầu học, trái tim dù đau nhưng chí làm trai đâu phải chỉ sống vì một chữ tình. Tương lai phía trước của chàng còn ơn sanh thành dưỡng dục, còn nợ xã hội áo cơm mà mức đến của bảy năm Y khoa là con đường chàng phải bước để vui lòng cha mẹ, giúp người và cho chàng có một chổ đứng với cuộc đời,  Ngọc Thủy với chàng chỉ có duyên không nợ, luyến lưu nhiều cũng chỉ thế thôi. Thiếm Tư bánh mì, mẹ chàng, nghe pháo nổ, thiếm đứng dựa cửa chống nạnh nhìn sang bên kia sông chép miệng nói trống không một mình “vậy cũng xong, mình phận gối rơm, ngó cao chi cho thêm khổ con ơi”.

Người hai bến sông cho đám cưới giữa con chủ hảng gạo và chủ vựa chằm lá là chuyện môn đăng hộ đối thường tình, chẳng ai biết cuộc hôn nhân đó có bàn tay của Thon Sen và cây ngải Mặn cà Chum chen vào. Sau nầy, biến động chính trị hai nước Việt –Miên khiến Phú Trọng không lên Nam Vang như lời đã hứa và mọi việc dần dần phơi bày ra ánh sáng, nhưng đó là chuyện của hai mươi năm sau, của cuộc tình không trọn giữa giáo Hai và Ngọc Thủy cùng những liên quan chồng vợ hai bên, lúc đó chỉ có tiếng nói của con tim và đạo lý chứ không còn sự chi phối của ngải Mặn Cà Chum.

CHƯƠNG  I I


                                          TÌNH  YÊU  VÀ  ĐẠO  LÝ

 Bác sĩ Hai nhìn người phụ nữ trước mặt, hơn tám năm rồi Ngọc Thủy vẫn đẹp như xưa, đóa hoa đang độ mãn khai rực rỡ hơn thời con gái nhưng sao có nết buồn ẩn hiện trong đôi mắt ngày xưa. Tám năm không nhiều với người an vui đời bình lặng nhưng dài đằng đẳng với kẻ mang trái tim đau, Hai không ngờ chàng gặp lại cố nhân trong tình huống nầy, không phải ở cương vị gia sư kèm trẻ mà trong vai trò một bác sĩ chẩn bịnh và người bịnh lại là Phú Trọng, kẻ đã giật Ngọc Thủy ra khỏi tay chàng.
  
….Ngày Ngọc Thủy sang sông cũng là ngày giáo Hai thất nghiệp. Năm năm Y khoa còn lại trước mắt dài đăng đẳng, nhà thì nghèo tiền kiếm đâu ra để tiếp tục học cho đến lúc ra trường. Phụ mẹ bán bánh mì đã có mấy cô em gái, không lẻ xin cha cho vào làm thợ cưa như ông thì còn đâu giờ giấc đến giảng đường hoặc đi thực tập bịnh viện, chi phí học trường Y đâu ít ỏi như học Luật, học Văn, đăng báo tìm việc loại bán thời gian gần cả tháng dài chẳng thấy ai kêu, Hai không biết phải xoay sở thế nào đây. Thấy con trai lo lắng thái quá ông Tư không đành ngồi yên mà nhìn, thu hết can đảm ông tìm “Xì thẩu”Lâm Xáng- chủ vựa cây – bày tỏ khúc nôi và xin cho Hai một công việc nhỏ để giúp nó tiếp tục con đường đèn sách. Thường khi bế tắc, trời hay mở cho người khốn đốn lối thoát bất ngờ, chú Tư không dè chú xin chổ làm cho con trai nhằm lúc ông chủ vựa cây cần người làm sổ sách giấy tờ cho việc thuế má gần kề mà nhân viên kế toán trước của ông bất thình lình xin nghĩ việc để theo vợ về quê sinh sống. Vì vậy, chỉ ngày một, ngày hai chàng cựu gia sư vựa lá chằm Hai Hảo Hớn bỗng chuyển nghề thành anh thư ký bán thời gian lo việc chi thu sổ sách kế toán cho vựa cây của xì thẩu Lâm Xáng.

Theo sự đồng ý giữa ông Tư và xì thẩu Lâm Xáng, Hai mỗi ngày vào sáu giờ chiều đều đến văn phòng vựa cây để tính sổ sách chi thu cho đến tám giờ thì về, hôm nào có thực nghiệm bịnh viện ca đêm thì chàng làm bù ngày chủ nhật hoặc thêm giờ vào ngày thường. Đây là một hợp đồng ký kết bất thành văn, chỉ lấy sự tin tưởng, tín nhiệm của đôi bên làm cơ bản mà thôi, lương hướng cũng không hẹp hòi lắm nên Hai mừng rỡ nhận lời liền. Nhà chú Tư và vựa cây ở khít bên nhau, chú Tư quá quen thuộc với chổ làm việc nên chuyện ra vào của Hai vào những ngày nghĩ việc là điều không có chi đáng nói. Dù chỉ là thời gian đầu nhận việc, nhưng với sụ cần mẫn, tính thông minh sẳn có nên Hai nhanh chóng được sự hài lòng của chủ nhân không khó, duy chỉ có điều vì không quen tính toán bằng bàn toán của người Tàu nên Hai phải kiên nhẩn học từ chủ nhân cách sử dụng nó gần mất một tuần mới thuần thục.

Gọi Lâm Xáng là « xì thẩu” vì ông là người Tàu chính gốc, cái xứ Tàu “thiên triều” kiêu hảnh tự cho mình là trung tâm vủ trụ nhưng không nuôi nổi gia đình tổ tộc nhà Lâm Xáng đến nổi họ phải tìm đường sang đất nước “An Nam” nhỏ bé láng giềng để kiếm cơm, lập nghiệp. Đất “An Nam” lành nên tổ tộc nhà họ Lâm từ hai bàn tay trắng cần cù làm ăn dựng nên cái vựa cây trên bến kinh Tàu Hủ nầy. Lâm Xáng cưới một cô vợ đồng hương người Quảng Đông, bà sanh cho ông duy nhất một cô con gái tên Lâm Mỹ Hà. Vốn thương vợ và là người chuyên chú làm ăn nên Lâm Xáng không cưới thêm vợ nhỏ để có con trai nối dõi theo tập tục của tổ tiên mà dành hết tình thuơng cho cô con gái. Lâm Mỹ Hà học Tiểu và Trung học ở Bác Ái Học Đường, một trường Tàu nổi tiếng trên góc đường Nguyễn Trải – Nguyễn Biểu dành cho người Hoa lúc đó. Những lúc rảnh rổi, Lâm Xáng thường đưa con đến vựa cây xem chốn làm việc như thế nào và cũng để cô gái học hỏi thêm cách giao tiếp với thợ thuyền, nhân công nơi đó vì ông luôn nói với cô rằng tất cả nơi này sẽ là của cô trong tương lai, năm nay cô mới mười bảy tuổi nhưng cô cần phải biết cơ ngơi của cha để điều hành nó khi thời điễm gọi đến tên cô.

Mấy tuần qua Mỹ Hà bận thi đệ nhị lục cá nguyệt của lớp, hôm nay thứ bảy cuối tuần, cô nghe nhẹ nhàng đôi chút vì các cuộc thi đã chấm dứt mà cô lại được điễm hạng khá cao. Để tạo bất ngờ cho cha, biết giờ nầy ông chưa có ở nhà nên khi xe tới đón, thay vì về nhà cô nói tài xế chạy thẳng đến vựa cây, cô không ngờ chuyến viếng thăm hôm đó đã đưa cô sang bước ngoặc mới của đời cô sau nầy.

 Chiều hôm đó có mấy ghe bầu chở cây từ rừng đước Cà Mau lên, Lâm Xáng đang cùng Hai đứng trên các bậc thềm đá bờ sông để điều khiển phu thợ, ghi chép số lượng cây được chuyển lên bờ. Nghe tiếng xe vào cổng vựa, nhìn vào sân xì thẩu ngạc nhiên khi thấy Mỹ Hà xuống xe, ông ngạc nhiên vì thường  thì cuối tuần con bé hay theo bạn đi phố hoặc ở nhà phụ mẹ nấu cơm chiều chờ ông về, vào chổ làm của cha, cô chỉ đi khi nào có ông cùng đi chứ ít khi tự động đến một mình, sao hôm nay con bé đến mà không cho ông hay trước vậy kìa. Vốn người chú trọng công việc nên Lâm Xáng không ra đón con mà vẫn tiếp tục đứng lo công việc. Mỹ Hà chẳng thấy cha trong văn phòng, hỏi chung quanh thì biết ông đang ở dưới bến sông coi thợ chuyển cây. Nhanh nhẹn như sóc con, như tuổi trẻ năng động của mình, Mỹ Hà chạy tung tăng xuống bến, thấy cha đang đứng ở lững giữa bực thạch và dốc đá cô bước nhanh lại để chào cha mà quên rằng đôi giày Bata đế cao su rất dễ trơn trợt trên những mặt đá ong còn đẫm ướt sau trận mưa mới vừa dứt. Lâm Xáng chưa kịp cất tiếng kêu con cẩn thận lúc thấy cô bước xuống dốc đá thì cô gái đã ngã chúi như một mủi tên về phía ông khi còn cách khoảng một tầm tay với. Dù đã đề phòng trong thế đứng nhưng bị sức nặng của Mỹ Hà từ trên đổ xuống, Lâm Xáng tay chỉ kịp đưa ra để đở cô con gái rồi ngã xuống, đầu đập mạnh vào bến đá trước khi lăn vòng xuống con nước đang lên, cũng may chỉ đến mấp mé nước thì thân hình ông dừng lại.

Việc xảy ra nhanh như chớp, mọi người hoảng hốt trước tai nạn bất ngờ và tiếng kêu lạc giọng“Pá, Pá..” của Mỹ Hà, chiếc váy xanh dương đồng phục trường học của cô không cứu nổi hai đầu gối cô bị xướt da chảy máu khá nhiều nhưng tương đối cô không bị va chạm chấn thương mạnh nguy hiểm. Bị đau nhưng cô theo phản xạ tự nhiên đứng dậy chạy theo thân hình cha cô đang t dốc xoải của bờ đá lăn nhanh xuống nước. Hai liệng bút giấy xuống đất cùng những người thợ gần đó chạy a về phía Lâm Xáng. Xì thẩu vẫn còn tỉnh táo nhưng không gượng đứng dậy được. Bằng con mắt của sinh viên trường Y, khi thấy một người thợ toan đở Lâm Xáng ngồi lên, Hai lo sợ hét:

   – Để yên ông chủ, đừng động tới phần đầu và vai của ông. Cho người gọi nhà thương cứu cấp nhanh lên.

Xoay sang chú Tư đang đứng trên bực đá ong, Hai nói:

   – Ba chạy về nhà mình tháo tấm vải “ghế bố” của con ra, hỏi ở đây nhờ người tìm hai thanh cây làm cán, xong đem xuống đây giùm con mau đi ba.  

Nhà cha con Hai gần nên tấm vải bố nhanh chóng được đưa sang, hai thanh cây làm cáng cũng không khó tìm vì đây là vựa cây mà, phút chốc đã có một “băng ca” sẳn sàng vào việc. Mỹ Hà khóc mếu máo khi thấy cha nhăn mặt đau đớn, cô quên cái đau của hai đầu gối minh cũng đang rách da rượm máu. Lúc chú Tư và một đồng nghiệp của chú đem “băng-ca” đến thì Hai nhanh nhẹn xăng tay áo bước xuống chổ Lâm Xáng đang nằm, chàng nhờ cha giữ thẳng thân hình ông chủ vựa trong khi chàng áp dụng triệt để các bài học về động tác nâng đầu và nửa thân mình người bị té để không gây nguy hiễm chấn thương rồi cùng cha khiêng xì thẩu lên “băng-ca” đưa tạm vào văn phòng chờ xe cứu thương tới. Trong vựa cây có một tủ thuốc nhỏ phòng hờ nhân công gặp tai nạn đem ra cứu cấp, Hai lục tủ thuốc lấy bông băng, nước cồn sát trùng,, thuốc đỏ rồi bước đến bên Mỹ Hà nói với cô:

   –  Ông không sao đâu, cô chủ đừng lo, tôi đã tạm xem xét thử rồi, ông tạm ổn, chỉ cần chụp hình để xem chắc có bị nội thương hay không mà thôi. Đầu gối cô bị thương kìa, cô ngồi yên cho tôi băng bó lại đi, kẻo để nhiễm trùng không tốt.

Cô gái Trung Hoa nhỏ nhắn vẫn còn đang mếu máo bên cha, nghe Hai nói vậy mới nhìn xuống đầu gối mình và hoảng hốt khi thấy vết thương khá sâu mà cô vì lo cho cha nên quên cái đau bị té của chính mình , giờ nghe Hai nhắc rồi ngó nhìn cha, thấy ông đưa mắt tỏ ý bảo cô làm theo lời Hai nên cô bấm bụng ngồi trên một chiếc ghế đẩu gần đó, kéo nhẹ gấu váy lên đưa đầu gối cho Hai “làm thuốc”.  Hai tuy chưa thành bác sĩ nhưng thực tập khá nhiều nên chuyện lau rửa, băng bó vết thương nhẹ của Mỹ Hà không là điều khó khăn, chàng cũng chẳng nghĩ ngợi gì  khi va chạm với đôi chân thon của  cô gái. Nhưng cô chủ vựa cây lại nghe chao động khi phơi bày “chân cẳng” của mình trước một người không quen, cho dù chỉ phơi bày trên danh nghĩa y tế, cứu thương và minh chánh đàng hoàng trước mắt cha cô cùng bao nhiêu người khác. Cô có nghe cha cô nói là ông thư ký cũ đã thôi việc và hiện đang có một người “An Nam” thay thế lo phần hành sổ sách chi, thu, chắc là người nầy đây, cô thầm nghĩ như thế.  Nhìn bàn tay khéo léo của Hai nhịp điệu gọn gàng trong thao tác lau rửa, sát trùng và đắp thuốc, quấn băng Mỹ Hà nghĩ anh chàng nầy có vẻ một bác sĩ  hay y tá hơn là một thư ký bàn viết những con số tính chuyện xuất-nhập, lỗ-lời. Tự dưng cô đâm cảm mến chàng trai trước mặt dù chưa biết đó là ai.

Hai vừa xong chuyện băng bó cho Mỹ Hà thì xe cứu thương cũng inh ỏi “bí bo, bí bo” ngoài cổng rồi dừng lại trong sân. Trên xe bước xuống có một bác sĩ và một y tá với túi dụng cụ y khoa, sau khi xem xét tình trạng của Lâm Xáng cũng như đã hỏi và biết Mỹ Hà là thân nhân của ngưòi bị nạn, bác sĩ nói:

   – May mắn là có người biết cách cấp cứu nên không thấy dấu hiệu chấn thương nặng, cha cô chỉ cần điều trị một thời gian rồi sẽ khỏi thôi. Cô yên tâm đi.

Cả Lâm Xáng và Mỹ Hà đều đưa mắt nhìn Hai như thầm cám ơn sự ứng tiếp đúng lúc của chàng. Mỹ Hà theo xe cứu thương đưa cha vào bịnh viện, cha con Hai và các phu thợ chuẩn bị dọn dẹp ra về vì lúc đó cũng đã tớì giờ tan việc. Hai về nhà với số cây nhập kho dang dỡ nữa chừng vì tai nạn của ông chủ, chàng và cha cũng bàn bạc chuyện đi thăm ông, dù gì đó cũng là người nuôi cơm áo cho gia đình chàng. Chàng chẳng nghĩ gì nhiều đến cô con gái của ông chủ, dưới mắt chàng đó là một cô xẫm nhỏ  như bao cô xẫm chàng thấy chung quanh mà thôi, cô ta đi thăm cha mà xảy ra cớ sự như vầy, tội nghiệp quá. Hai đâu biết cô xẫm nhỏ đó đang bắt đều hiểu thế nào là nhịp đập của con tim, nhất là khi cúi xuống thấy bông băng trắng quấn trên đầu gối của mình, cô nghĩ, chắc đêm nay cô bắt đầu tập viết nhật ký là vừa.

 Phu thợ vựa cây không ngạc nhiên lắm khi biết ông chủ phải nằm viện điều trị và vắng mặt điều hành công việc ít nhất cũng hơn nửa tháng, may mà xì thẩu không bị chấn thương nặng, phần lớn nhờ sự cấp cứu đúng cách của Hai nhưng mọi người ngạc nhiên khi biết ông chủ giao toàn quyền quản lý trong thời gian ông vắng mặt cho anh chàng thư ký làm việc bán thời gian mới chân ướt chân ráo nhận việc chưa đầy một con trăng. Thực sự, Hai đã từ chối trách nhiệm mới khá phức tạp nầy vì chàng không muốn mất những ngày học dự thính và thực tập của mình. Trái lại, Lâm Xáng tha thiết tạm giao quyền điều hành vì đủ mọi lý do, nào là bà vợ của ông không biết gì chuyện làm ăn của chồng, nào là Mỹ Hà còn bận học, người quen thì nhiều nhưng chẳng có ai đáng tin cậy, Hai tuy mới nhận việc nhưng cần mẫn, chăm chỉ lại đã bắt đầu hiểu chút ít nội tình vựa cây, nếu có gì cần thì chắc chú Tư, cha chàng, người làm việc lâu năm tại đây, sẽ giúp chàng giải quyết những khó khăn, hoặc khó hơn nữa thì cứ cho người gặp thẳng xì thẩu mà hỏi ý kiến, mỗi ngày Mỹ Hà sẽ làm người liên lạc đến vựa sau giờ tan học để  trao đổi tin tức công việc giữa đôi bên. Chú Tư mừng húm trước đề nghị của ông chủ, đi làm bao nhiêu năm nhọc nhằn, có bao giờ chú được ngày đề cao như vầy đâu, thằng con chú chắc thời vận tới hay sao mà được “lên” mau như vậy, dù rằng chỉ “lên” trong thời gian ngắn một, hai tuần. Chú Tư bảo Hai đừng từ chối lời đề bạt mà phải gật đầu đồng ý để giúp ông chủ lúc khó khăn. Bị hai bên chủ, cha nài ép, Hai nhận lời mà trong bụng lo lo, không biết mình có đủ khả năng đãm nhận nhiệm vụ bất đắc dĩ nầy hay không.

Bà vợ Lâm Xáng tự dưng thấy con gái lúc sau nầy thức khuya nhiều hơn, nghĩ là Mỹ Hà vừa học thi vừa phụ cha lo chuyện vựa cây nên bà chỉ khuyên con nên nhớ giữ gìn sức khoẻ. Bà đâu biết rằng Mỹ Hà đang tập viết nhật ký đời mình, những trang nhật ký ghi lại nỗi lòng của cô thiếu nữ đang tuổi chớm vào yêu. Kể từ ngày xảy ra tai nạn, tâm hồn cô gái bỗng dưng giao động, có cái gì đó khiến cô trở nên mơ mơ, màng màng, thờ ơ trước hầu như mọi việc, làm gì cô cũng thấy bóng dáng anh chàng “An Nam” trong đó. Mỗi ngày làm con thoi mang tin tức từ xưỡng cây và nhà thương cho cha, cô gặp Hai và hiểu chàng thêm một chút. Dưới mắt cô, cha cô quả đúng là người có mắt tin đời khi chọn Hai làm người thay thế ông trông coi mọi việc. Nét chân thật, sự cần mẫn, tử tế của chàng đã hoàn toàn chinh phục tâm hồn cô gái Trung Hoa bé nhỏ, lần đầu trong đời cô đã hiểu thế nào ý nghĩa của hai chữ tình yêu.

 Lâm Xáng rồi cũng lành vết thương và làm việc lại bình thường, Hai nghiễm nhiên trở thành nhân viên thân tín đắc lực của ông. Mỹ Hà năng ghé xưỡng cây hơn trước, thỉnh thoảng lại rủ Hai sau giờ làm việc đi qua Lao Cai gần đó ăn mì, ăn cháo với cô. Tình thân của đôi bên gia tăng cùng năm tháng và công việc nhưng tuyệt nhiên Hai vẫn coi Mỹ Hà như một cô bạn nhỏ hay một người em gái không hơn không kém.  Làm cha mẹ, Lâm Xáng và vợ tinh ý biêt tâm trạng của con, ông bà cũng không chê Hai được điễm nào, luôn cả vấn đề hộ đối môn đăng. Ông bà há đã đi lên từ hai bàn tay trắng nên hiểu và quý trọng sự kiên nhẫn học hành lẫn đầu óc cầu tiến của chàng trai trẻ.

Ông Tư, với kinh nghiệm sống của người từng trải, ông biết tương lai con trai mình không dừng lại ở căn nhà lụp xụp cạnh xưỡng cây. Ông không dám mơ làm suôi gia cùng xì thẩu Lâm Xáng nhưng ai cấm ông từ chối làm cha chồng của con gái ông chủ mình. Hai học đến năm thứ sáu trường Y thì cô em gái kế chàng có người đi hỏi cưới, đó là một anh chàng thợ hồ bên kia bến đò mỗi sáng đi làm vẫn thường ghé mua bánh mì của xe bánh mì cô bán. Ngày cưới con gái, ông Tư mời gia đình vợ chồng ông chủ,  vì lúc sau nầy hình như Lâm Xáng có vẻ trọng đãi cha con ông nhiều lắm.  Đám cưới bình dân, không đãi đằng nhà hàng sang trọng mà chỉ tổ chức ăn uống tại gia, coi vậy mà cũng xôm tụ và đầy thân tình bà con lối xóm vì đây là dịp để mấy bà láng giềng của bà Tư chạy sang trổ tài nấu nướng. Lúc đưa dâu, Lâm Xáng nhìn Hai cười cười và ỡm ờ nửa chơi nửa thiệt hỏi ông Tư:

   –  Cô Ba đi lấy chồng rồi, chừng nào tới đám cưới cậu Hai đây? Muốn cưới vợ cho con trai “nị” không? “Ngộ” làm mai cho.

   – Nó học chưa xong thì vợ con gì ông chủ ơi. Nhà nghèo có ai dám ưng nó đâu.

   – Hà hà…mai mốt cậu Hai thành bác sĩ thì cũng danh giá với người ta lắm chứ có phải đồ bỏ đâu. Nếu muốn, “ngộ” gả con Mỹ Hà cho, chịu không?

Một lời nói vu vơ mà thẳng thừng như mời gọi, ông Tư dù ít học nhưng nghe là hiểu liền, ông cười cười ỡm ờ cho đẹp lòng xì thẩu:

   – Cám ơn ông chủ đã thương tình, nhưng chờ “thằng nhỏ” ra trường rồi mới dám tính chuyện đó ông chủ à.

Và cuối cùng cái ngày “thằng nhỏ” ra trường cũng đã tới, Hai thành bác sĩ giữa xóm lao động bình dân, vợ chồng ông Tư hãnh diện không bút mực nào tả xiết đã đành mà Lâm Xáng cũng hân hoan chẳng khác gì con trai mình tên đề bảng hổ, đích thân xì thẩu đứng ra tổ chức tiệc mừng cho Hai tại nhà hàng Văn Cảnh ngay trung tâm Saigon, Hai muốn từ chối cũng không được. Buổi tiệc có đầy đủ gia đình ông Tư và cả nhà Lâm Xáng cùng vài nhân viên kỳ cựu của xưỡng cây. Mỹ Hà xinh xắn như cô dâu trong ngày đính ước, lúc nầy cô đã nói tiếng Việt rành rẽ chứ không lơ lớ như mấy bà xẫm Chợ Lớn nữa, cô duyên dáng và tử tế với tất cả mọi người nhất là đối với Hai, nhân vật thần tượng trong nhật ký của cô. Hai không phải chẳng nhận ra tình cảm cô gái dành cho mình nhưng trong trái tim chàng, vết thương lòng năm xưa vẫn còn âm ỉ buốt đau. Từ khi Ngọc Thủy thành bà Phú Trọng, Hai không nghe tin tức gì của nàng nữa, cách nhau một con kinh Tàu Hủ mà như xa vạn dặm mấy bờ đại dương. Lâm Xáng bỏ tục lệ xưa, thay vì chờ gia đình ông Tư đánh tiếng thì xì thẩu lại thẳng thuồng mở lời với ông Tư về chuyện muốn gả con gái cho Hai. Vợ chồng ông Tư cũng hân hoan chấp nhận đề nghị nầy nhưng Hai khi nghe cha mở lời đã vội vàng lắc đầu lia lịa:

   – Không được đâư ba ơi, con mới ra truờng, chưa có gì trong tay, cưới vợ rồi lấy gì bảo bọc gia đình. Không lẻ ăn bám nhà vợ? Con không chịu như vậy đâu. Chờ con đi làm vài năm có ít vốn liếng rồi tính sau được không ba?

   – Bộ mày còn thương con gái vựa lá chằm hả? –Ông Tư hỏi vặn Hai – Nó có chồng rồi, con đừng bày đặt léng phéng tơ tưởng không nên đó nhen.

Rồi ông trả lời với Lâm Xáng ý định của Hai, xì thẩu gật gù:

   – Ha, cậu Hai nhà ông coi vậy mà tốt lắm đó, tính tự lập, không thích nhờ vả vào ai. Con Mỹ Hà cũng còn nhỏ, để chờ cậu Hai mở phòng mạch rồi cưới cũng đuợc. Chuyện phòng mạch “nị” đừng lo, để “ngộ” tính cho.

Hai  được nhận vào làm tại bịnh viện Chợ Rẫy vài tháng sau ngày đổ đạt, thời đó bác sĩ ít nên sinh viên ra trường là có việc làm ngay. Lâm Xáng tìm người thay Hai chức vụ kế toán xưỡng cây vì Hai bây giờ để hết tâm trí và thời gian vào công việc nơi bịnh việc, đường công danh thênh thang phía trước nhưng đường tình sao vẫn chưa thấy nắng ban mai dù Mỹ Hà ngày càng khắng khít mời gọi cận kề, hình ảnh Ngọc Thủy cứ lập loè trong tâm trí Hai, như cái bóng che mờ mối tình cô xẫm nhỏ.

 Hôm nay, Hai trực bịnh viện ca tối, phòng cứu cấp. Gần hai giờ khya rồi, bịnh viện vắng người, chàng vừa chẩn đoán sơ khởi xong bịnh của một ông lão để y tá đưa vào phòng Tim Mạch cho bác sĩ chuyên khoa nơi đó chữa trị và chuẩn bị đón người bịnh tiếp theo. Cánh cửa phòng bật mở, y tá hướng dẫn hai người bước vào, Hai nhìn lên và sững sốt, trước mặt chàng Ngọc Thủy bằng xương bằng thịt bên cạnh Phú Hùng xơ xác tiều tụy khác hẳn mười hai năm trước. Ngọc Thủy cũng bàng hoàng khi chạm mặt cố nhân, người tưởng như quên bỗng hiện về, bằng thịt xương hiện hữu chứ không phải chập chờn bóng quế trong đêm khi quyền lực vô hình hết hiệu lực đang từ từ rời bỏ ba hồn chín viá của cô. 

Mười hai năm làm vợ, cô luôn là dâu hiền, vợ thảo. Cô thực sự không hiểu cô lấy chồng vì tình yêu hay vì vâng lịnh mẹ cha vì ngày nhận lời ưng Phú Trọng cô nghe đầu óc lâng lâng như ở tận nơi đâu, chỉ biết sau hôn nhân cô sống an bình trong tình thương hết mực của chồng. Phú Trọng đã bỏ tánh trăng hoa từ ngay cưới vợ, một năm sau con trai đầu lòng của họ ra đời, hai năm sau họ có thêm đứa con gái thứ hai, người ngoài nhìn vào ai cũng bảo đó là một gia đình hạnh phúc. Duy có điều cô thắc mắc hoài về một chậu cây cảnh trong lồng kiếng mà Phú Trọng cứ khư khư giữ mãi trong buồng gói(**) cạnh một bàn thờ nho nhỏ và dặn cô đừng động tới, cô hỏi lý do thì chàng bảo đó là cây thiêng, cấm đàn bà con gái đụng vào, cây trồng trong nhà để giữ gìn sức khoẻ. Chồng nói sao, vợ nghe vậy, không thắc mắc, không hoài nghi. Thỉnh thoảng dọn dẹp, lau quét nhà cửa cô bất chợt nhìn vào màu đỏ của tấm vải điều phủ kín lồng kiếng mà sợ hãi vì dường như có cái gì làm cô nghe lạnh cả sống lưng. Thiêng thế nào cô không rõ, chỉ biết cứ mỗi năm trước hai tháng gần kỹ niệm ngày cưới Phú Trọng lại bảo vợ là phải đem chậu kiểng đó lên Biển Hồ thay nước vì cây linh chỉ tưới bằng nước thiêng mà thôi. Mỗi lần đi như thế, khi trở lại Phú Hùng thường mang theo một chai nhỏ đựng nước mát nấu đường thốt nốt mà chàng bảo với giọng đùa cợt là nước suối tiên chỉ dành riêng cho Ngọc Thủy uống để trẻ mãi không già. Cảm động trước tấm lòng của chồng, cô luôn uống liền một hơi cho đến khi cạn chai, trong khi uống cô khẻ rùng mình, nghe mơ hồ rúng động y như lần uống nước mía lau của Tư Lé thuở nào. Nước ngọt như vị ngọt tình chồng vợ của cô và Phú Hùng, cô không nhớ gì cái tên của thầy giáo Hai, quên đứt quên lìa mối tình thời con gái như nóc nhà quên những tấm lá chằm khi thay nóc ngói, nóc tôn.

Tình hình chính sự của Nam – Bắc Việt Nam lúc đó ảnh hưởng đến liên hệ ngoại giao giữa Nam Việt Nam và Campuchia vì chính phủ Nam Vang dù trên danh nghĩa trung lập vẫn tỏ ra thiên vị chính phủ Hà Nội (Bắc VN) hơn khi cho bộ đội bắc VN tự do  trên lãnh thổ Campuchia gần biên giới Việt Miên để giao liên, tiếp tế thâm nhập vào lãnh thổ Nam VN. Nhân vụ Campuchia triển lãm thi hài hai ngưòi lính Việt Nam Cộng Hoà bị bắn chết tại Nam Vang, chính phủ Saigon tức giận ra lịnh đóng cửa biên giới Việt Miên kể từ đó. sự kiện nầy xảy ra khiến Phú Hùng không còn cách nào đi Nam Vang thay ngải mỗi năm như lời Thon Sen căn dặn. Thoạt đầu Phú Hùng cũng lo ngại lắm nhưng một phần tình hình biên giới căng thẳng, một phần chàng tin tưởng theo năm tháng tình yêu của chàng đủ để chinh phục trái tim Ngọc Thủy không cần bùa phép yễm trợ nên chàng cũng không lấy đó mà lo lắng lắm, năm đó là năm thứ mười một sau ngày họ cưới nhau Phú Hùng không đi Nam Vang tìm “nước suối tiên” đem về cho vợ.



Cả hai chưa tan cơn xúc động thì Phú Hùng bỗng co giật như lên cơn đồng bóng, miệng sùi bọt mép, cậu chủ hào hoa ngày nào lảm nhảm những câu vô nghĩa bằng một thứ tiếng lạ lùng, tay chân quơ quào trong không khí như muốn tìm túm lấy một ai, rồi anh chàng nắm lấy vai vợ lắc mạnh một cách điên cuồng khiến Ngọc Thủy nhăn mặt vì đau. Hai đứng dậy cùng cô y tá gở tay Phú Hùng ra trong lúc thiếu phụ lo lắng nhìn chồng.



 ——————————————————-

CHÚ THÍCH : – (*) “Lục” :  là “anh” theo cách xưng hô của người Miên

                         – (**) “Buồng gói”: tiếng miền Nam để chỉ phòng riêng hay phòng ngủ.

1 nhận xét:

  1. Nắng ngoài sân như reo cười nghe câu trả lời của bác sĩ Hai, cuối góc phòng con chim sáo trong lồng bỗng cất tiếng hót líu lo như đồng lõa với ánh mắt tinh ranh vui vẻ của những người hiểu chuyện tình của Hai và Ngọc Thủy. Tuyền thấy bà sui mình cúi đầu, mắt long lanh dù không còn tinh anh như thời son trẻ. Bác sĩ Hai chợt nghe hồn mình lao xao như lần đầu hạnh ngộ con gái ông chủ vựa lá chằm. Trang sữ tình của họ vẫn còn trống những trang cuối cùng chờ viết tiếp, đợi làm gì kiếp lai sinh khi kiếp nầy Nguyệt lão vẫn còn tơ hồng se duyên cho những trái tim già chưa cằn cỗi nhịp đập trăm năm, rổ rá cạp lại buổi răng long tóc bạc không vui câu cầm sắt cũng phỉ nguyền tình tri kỹ, tri âm. Nắng vàng đâu chỉ rực rở ở buổi ban mai mà cũng dịu dàng khi hoàng hôn xuống.
    Trên cao thiên đường hay dưới cữu tuyền hun hút , có lẽ Phú Trọng và Mỹ Hà cũng bao dung nhìn người phối ngẫu của mình nối lại mối tình đầu ngày nào chưa trọn. Tình yêu nầy đâu cần uy lực của ngãi Mặn Cà Chum.

    Trả lờiXóa