Translate

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Vô địch "Vua Bếp Á Châu' bằng món “Thịt Kho Tàu“

Sau nhiều tháng tìm kiếm, và những cuộc thi địa phương, cuối tuần qua, ban giám khảo của cuộc tranh tài “Culinary Battles 2014” đã trao ngôi “Vua đầu bếp Á Châu tại Hoa Kỳ” cho Perry Cheung, chủ nhân trẻ tuổi của nhà hàng Việt Nam Phorage ở Los Angeles.

Đầu bếp Perry Cheung, chủ nhân trẻ tuổi của nhà hàng Việt Nam Phorage ở Los Angeles, trả lời phỏng vấn báo chi sau khi đoạt ngôi “Vua đầu bếp Á Châu tại Hoa Kỳ” trong cuộc thi Culinary Battles 2014 với món thịt kho tàu. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Trong cuộc thi trước tại Le Cordon Bleu College of Culinary Arts, Pasadena, Perry Cheung, chủ nhân nhà hàng Phorage, nổi tiếng với món phở, đã lọt vào vòng chung kết nhờ thực hiện hương vị ẩm thực Việt Nam.

Culinary Battles 2014 là cuộc thi do công ty Caesars Entertainment tổ chức, năm nay là năm thứ hai, với mục đích khuyến khích đầu bếp gốc Á cũng như quảng bá cho nền ẩm thực Á Châu.

Trong khung cảnh nhiều kịch tính, với ánh đèn mờ ảo trong phòng họp lớn của Caesars Palace, Las Vegas, bốn đầu bếp đứng tại quầy nấu ăn của mình trên sân khấu cao, những ngọn đèn lộng lẫy chiếu sáng vào người, và bức màn nhung đen thẫm ở phía sau.

Ngay phía sau bàn dài của sáu vị giám khảo, gần 200 thực khách ngồi quanh các bàn tròn dưới sân khấu, vừa ăn nhẹ, uống rượu, vừa theo dõi cuộc thi.

Toàn cảnh cuộc thi Culinary Battles 2014 được tổ chức tại Caesars Palace, Las Vegas. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Phía sau các bàn tròn của thực khách, hàng trăm người đến từ khắp nơi chứng kiến cuộc tranh tài hào hứng. Họ ngồi kín những hàng ghế, mắt dán lên sân khấu, mặc cho giới truyền thông báo chí di chuyển qua lại để thu lấy những khúc phim và chụp những tấm hình độc đáo nhất.

Hai màn ảnh lớn cho mọi người bất cứ ngồi ở góc nào cũng có thể theo dõi việc nấu nướng của các đầu bếp đang tranh tài.

Tiếng trống của ban nhạc thỉnh thoảng lại dồn khiến không khí thêm sôi động.

Tuổi trẻ tài cao
Cùng đến Las Vegas tranh tài với Perry Cheung là người bạn khá thân của anh, đầu bếp Chris Oh, sáng lập viên của Seoul Sausage Company cũng ở thành phố Los Angeles. Cả hai vào vòng chung kết tại cuộc thi ở trường nấu ăn Le Cordon Bleu College of Culinary Arts, Pasadena, California, cách đây hơn một tháng.

Ðến từ miền Ðông nước Mỹ để tranh giải với Perry Cheung và Chris Oh là David Park và Jay Cho, hai đầu bếp trẻ khác.

Đầu bếp Jay Cho, đến từ New York, vất vả "hai tay ba bếp" trong cuộc tranh tài. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Ðầu bếp David Park, người Mỹ gốc Ðại Hàn, đến từ Chicago, hiện đang bận rộn chuẩn bị khai trương nhà hàng đầu tay, được đặt tên là Hanbun, chuyên nấu thức ăn Ðại Hàn. David Park tốt nghiệp Culinary Institute of America, từng làm việc những nhà hàng lớn như Tru, L20, Alinea và Le Bernardin, và tu nghiệp với đầu bếp nổi danh Takashi Yaghihashi.
Đầu bếp Chris Oh, đến từ Los Angeles, vẫn vui cười trong giờ căng thẳng. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Ðầu bếp Jay Cho cũng là người Mỹ gốc Ðại Hàn, tốt nghiệp Culinary Institute of America tại New York, là chủ nhân của Coma Food Truck, chuyên về thức ăn phối hợp hai nền ẩm thực Ðại Hàn và Mexican, từng tu nghiệp tại bếp của những khách sạn lớn như Westin, và Ritz-Carton.


Đầu bếp David Park, đến từ Chicago, quỳ xuống để sử dụng máy deep fryer để dưới quầy. (Hình: Hà Giang/Người Việt)


Như vậy, tuy có bốn đầu bếp tranh tài, nhưng ba người gốc Ðại Hàn, chuyên nấu thức ăn Ðại Hàn, chỉ một mình đầu bếp Perry Cheung là người Mỹ gốc Hoa, nhưng lại làm chủ một nhà hàng Việt Nam, và thích nấu món ăn Việt Nam.

Nhưng liệu các đầu bếp có thực hiện được món ăn như ý mình muốn không?

Tất cả còn tùy vào hộp vật liệu họ được cung cấp có gì trong đó.


Căng thẳng đến phút chót
Dưới sự điều hợp hết sức linh động và tài tình của điều hợp viên Diane Henderiks (cũng là một đầu bếp có tiếng,) cuộc tranh tài gay cấn ngay từ giây phút đầu tiên.

Tiếng trống giòn giã báo hiệu giờ tranh tài đã điểm.

Cách nhau 7 phút, các đầu bếp lần lượt được gọi ra sân khấu, và đưa đến quầy nấu ăn của mình. Hộp vật liệu được mở ra cho thấy có ba món chính: Một miếng thịt ba rọi (pork belly) lớn, bắp cải xanh và tím, chanh và bưởi.

Ðã lọt vào đến được vòng chung kết thì thí sinh nào cũng biết rất rõ luật chơi. Họ chỉ có đúng một giờ đồng hồ để nghĩ ra được món ăn thích hợp với những nguyên liệu này, hoàn tất và trình bày món ăn vào bảy đĩa, sáu đĩa cho sáu vị giám khảo chấm điểm, một đĩa để trưng bầy. Thức ăn sao cho vừa ngon miệng, vừa đẹp mắt, vừa phải tận dụng được tất cả những nguyên liệu được cung cấp.

Cuộc thi chung kết rất khác với lần thi tại địa phương. Trước đây họ được nấu ăn trong nhà bếp rộng rãi, đầy đủ gia vị và rau quả, lại có thêm học sinh của trường nấu ăn phụ giúp cho, lần này phải nấu ăn trên sân khấu, thiếu nhiều dụng cụ, và phải tự một mình đảm đương lấy mọi việc.

Ðầu Bếp David Park được gọi ra trước tiên. Ðược hỏi cảm tưởng về nguyên liệu “thịt ba rọi,” David nói anh “hơi ngạc nhiên, hơi bất ngờ.”

Ðầu Bếp Chris Oh có vẻ hài lòng về hộp nguyên liệu. Ðầu bếp Jay Cho trầm ngâm không nói gì, còn đến phiên mình lên quầy, đầu bếp Perry Cheung nhìn vật liệu mình có chung quanh, rồi reo lên “có nước mắm là vui rồi!”

Trong sáu vị giám khảo, toàn những đầu bếp trứ danh, có hai vị là người gốc Hoa. Trong lúc các đầu bếp vất vả xoay xở với công việc nấu nướng của mình, các giám khảo đi từng quầy xem xét và hỏi han mỗi thí sinh.

Thịt kho trứng hay thịt kho tàu?
Một giờ trôi thật nhanh. Tiếng trống lại dồn giã dục đầu bếp thứ nhất mang thức ăn lên cho ban giám khảo.

Giờ thì đến lượt các vị giám khảo vất vả. Họ chỉ có đúng 7 phút để nếm từng món ăn, vừa nếm vừa phân tích, vừa ghi ghi chép chép, tính điểm.

Bảy phút vừa hết, hồi trống lại nổi lên, báo hiệu cho đầu bếp thứ hai biết phải dừng tay để thức ăn được mang đến bàn giám khảo.

Ðĩa của đều bếp David Park được chấm là trình bày đẹp, món phụ thì ngon nhưng nhiều vị quá, không thấy mùi thịt đâu. Ðĩa của Jay Cho được chấm là trình bày xuất sắc, nhưng thịt chưa được mềm. Ðĩa của Chris Oh được chấm là trình bày hơi thật thà (anh là người duy nhất không theo học nấu ăn ở Culinary Institute of America, mà tự học nấu ăn) còn thịt thì chưa được ngấm gia vị.



Các vị giám khảo chăm chú nếm và chấm điểm món ăn của từng đầu bếp. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Ðến món của đầu bếp Perry Cheung, Giám Khảo Joe Poon (gốc Hoa) hỏi lớn “trứng đâu? trứng đâu?”

Lý do là vì khi đang nấu nướng, mọi người đã thấy đầu bếp Perry Cheung luộc và kho mấy quả trứng nhưng khi mang đĩa lên thì chỉ thấy có những miếng thịt vàng nâu, có lẽ trứng chưa có đủ giờ để ngấm gia vị nên đã bị bỏ lại.

Nhưng có trứng hay không có trứng thì mọi người cũng ăn sạch bóng đĩa, cả thịt kho lẫn bắp cải tím xào với vị chua đi kèm.


Món ăn giúp Perry Cheung đoạt ngôi "Vua Bếp Á Châu" tại Culinary Battles 2014. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Món thịt kho của Perry Cheung được giám khảo khen vừa mềm mại, vừa đậm đà, trong khi miếng thịt ba rọi của tất cả mọi người hoặc hơi bị dai, hoặc chưa được "thấm."

Một vị giám khảo khen đầu bếp Perry Cheung đã nhanh trí và nhanh tay chiên khối thịt cho da mềm ra, trước khi bỏ vào kho. Vị khác nói Perry nhanh trí quyết định loại bỏ trứng đi, khi thấy không đoạt tiêu chuẩn.


Đầu bếp Perry Cheung đang trổ tài ứng biến với món thịt kho trứng tại cuộc đua. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Sau mười lăm phút chờ đợi hồi hộp, mọi người không ngạc nhiên khi ban giám khảo tuyên bố đầu bếp Perry Cheung đoạt ngôi “vua.”

Tiếp xúc với phóng viên nhật báo Người Việt sau khi đoạt giải, đầu bếp trẻ Perry Cheung cho biết “rất vui” và nhấn mạnh rằng anh biết tất cả các bạn đồng nghiệp "đều giỏi và xứng đáng" đoạt giải.

Còn về câu hỏi là đã nấu món gì, đầu bếp Perry Cheung ngập ngừng: “Tôi dùng cả hai kỹ thuật nấu ăn Trung Hoa và Việt Nam nên thật ra cũng không biết gọi là món gì mới đúng.”

Nhiều phóng viên của các cơ quan truyền thông Trung Quốc đứng xung quanh nhao nhao nói “thịt kho tàu (Dong Po,) đó là món thịt kho tàu!”

Trước đó, khi chuyện trò với Ðiều Hợp Viên Diane Henderiks trên sân khấu, Perry Cheung đã tâm sự là sẽ cố gắng nấu thức ăn Việt Nam, vì “đây là nền ẩm thực tôi rất ưa thích, và muốn tiếp tay quảng bá rộng rãi món ăn Việt Nam đến dòng chính.”

Giải thích về tính Việt Nam trong món thịt kho của mình, đầu bếp Perry Cheung nói: “Tôi dùng đường thắng thành nước mầu, và nước mắm để nêm thịt.”

Không chỉ nêm nước mắm và nước màu, Perry Cheung cũng đập giập một cây xả, nấu lửa nhỏ liu riu để lấy hương xả ướp vào món thịt kho hỗn hợp của anh.

Vậy món của Perry Cheung nấu là món gì?

Các phóng viên gốc Trung Quốc đồng lòng cả quyết rằng đó là món Dong Po của Trung Quốc. Trong khi đó các ký giả gốc Việt thì cho rằng đó là món thịt kho của Việt Nam, vì “có nước mầu và nước mắm,” hương vị đặc trưng của thức ăn Việt Nam.

Cả 4 đầu bếp và các vị giám khảo vui cười sau giờ căng thẳng. (Hình: Hà Giang/Người Việt)


Nhưng thật ra với những nguyên liệu được cung cấp, khó có đầu bếp nào có thể thực hiện được món ăn thuần túy của nền ẩm thực mình chọn.

Và hiển nhiên đối với các vị giám khảo điều này không quan trọng bằng tài ứng biến và sáng tạo, để nấu được những món ăn ngon miệng nhất trong giới hạn của nguyên liệu có trong tay, và thời gian ngắn ngủi của cuộc thi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét