Translate

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

HỒNG NHAN BẠC MỆNH

MỸ NHÂN TỰ CỔ NHƯ DANH TƯỚNG BẤT HỨA NHÂN GIAN KIẾN BẠCH ĐẦU

Tạo hóa chẳng mấy thích cái xuất sắc, cái nổi trội – tài tình chi lắm cho trời đất ghen. Quan niệm “tài mệnh tương đố” vẫn thường là đề tài của văn học cổ điển Trung Hoa cũng như nước ta. Truyện Kiều chẳng hạn; đặc tả một cuộc đời trầm luân của một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn thì mở đầu truyện đã viết “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Lại viết: “Lạ gì bỉ sắc tư phong” – Được điều này lại mất điều kia – Có tài, có sắc thì mất đi may mắn trong đời và có phải vì vậy mà cuộc đời mĩ nhân cũng như danh tướng thường chẳng mấy khi được êm ả hạnh phúc ?


TÀI HOA MỆNH BẠC; CUỘC ĐỜI BI ĐÁT CỦA MĨ NHÂN

Mĩ nhân là vưu vật thế gian. Vật hiếm khiến người đời ưa chuộng. Lịch sử Trung Hoa xưa đã kể nhiều về các mĩ nhân tuyệt thế, sắc đẹp làm nghiêng đổ cả thành trì, mất cả nước, thay đổi cả lịch sử: Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Dương Quý Phi, Điêu Thuyền … Phần nhiều họ xuất thân nơi thôn dã, nhan sắc tuyệt vời nhưng cuộc đời lại bi đát và chết ở tuổi thanh xuân.

Trước hết hãy kể đến hai người đẹp trầm ngư, lạc nhạn . Nguyễn Gia Thiều từng nhắc đến điển tích tuyệt thế giai nhân này trong khúc ngâm Cung Oán : “Chìm đáy nước, cá lờ đờ lặn/ Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa”; ấy là  Tây Thi và Vương Chiêu Quân.


Tây Thi vốn là con một tiều phu nước Việt, làm nghề dệt vải ở Trữ La, thường giặt lụa bên suối, bóng soi xuống nước làm cá nhìn thấy cũng say đắm đến quên cả bơi, chìm lặn xuống đáy nước (trầm ngư). Vì đẹp quá, Việt vương Câu Tiễn mới dùng Tây Thi làm kế mĩ nhân khiến Ngô Phù Sai vốn là một vị vua kiêu hùng đã vì say mê nhan sắc mà quên cả việc triều chính, ngày đêm cùng nàng chìm đắm trong xa hoa, dần dần mất hết ý chí; lại vì nghe lời bàn của nàng mà vạch sai kế hoạch cuối cùng phải mất nước về tay Câu Tiễn. Xót xa thay là cũng vì sắc đẹp mê hồn ấy mà sau khi thắng trận, nàng bị vợ Việt vương bí mật cho buộc đá vào người, dìm xuống sông cho chết bởi sợ sau này sẽ mê hoặc chồng mình. (1)


Chiêu Quân (Vương Tường) là con gái của một nhà thường dân ở Nam Quận, Hồ Bắc, giỏi đàn tỳ bà và được mệnh danh là có sắc đẹp chim sa (lạc nhạn). Chiêu Quân được tuyển vào cung. Ban đầu vì không lót tay cho Mao Diên Thọ nên chân dung bị vẽ xấu đi. Xem ảnh xấu, vua không để mắt tới; rồi bỗng sau một lần gặp gỡ, ngỡ ngàng thay cho sắc đẹp của nàng vua liền phong ngay cho làm Tây Phi và cũng vì đẹp quá mà vua Hung Nô biết tiếng, quyết cất quân sang đánh để buộc Hán Nguyên Đế phải cống nạp Chiêu Quân mới bãi binh. Lúc này nhà Hán suy yếu, vua Hán đành phải giao Chiêu Quân để giao hảo với Hồ. Trên đường đến Hồ, qua ải quan nàng gảy đàn, tấu khúc biệt ly bi tráng. Chim nhạn trên trời đang bay nghe tiếng đàn và nhìn thấy thiếu nữ mỹ lệ trên xe, quên cả vỗ cánh mà rơi xuống đất.


Đến đất Hồ, Chiêu Quân nhảy xuống sông tự trầm, xác theo dòng trôi trở về Trung Nguyên (2).
Ngoài hai người có nhan sắc trầm ngư lạc nhạn trên, thì Dương Quý Phi và Điêu Thuyền cũng thuộc hàng “tứ đại mĩ nhân” của Trung Quốc và cuộc đời của họ cũng kết thúc khá bi đát.
 image001
Dương Quý Phi – người đẹp thứ 3 trong Tứ đại mỹ nhân

Dương Quý Phi (Dương Ngọc Hoàn)  là con gái của một vị quan ở đất Thục Chân được Cao Lực Sĩ đưa vào cung. Trông thấy Ngọc Hoàn, Đường Huyền Tông mê mẩn ngay, lập làm quý phi, chiều chuộng hết mực tiêu tốn không biết bao nhiêu vàng bạc, suốt ngày đêm cùng nàng yến tiệc đàn ca, bỏ cả việc triều chính, bị An Lộc Sơn cử binh từ Ngư Dương đánh thẳng vào kinh đô Trường An. Binh triều đại bại. Quân Phiên ào ạt tiến vào Tràng An.. Quân sĩ cho rằng Ngọc Hoàn đã cùng gia đình họ Dương khuynh đảo triều chính gây ra tai họa nên bức vua đem thắt cổ Dương Quý Phi . Khi đó nàng mới 38 tuổi.


Điêu Thuyền xuất thân làm con nuôi quan Tư Đồ Vương Doãn. Mưu giết Đổng Trác, Vương Doãn dùng Điêu Thuyền làm kế li gián giữa cha con Đổng Trác-Lã Bố. Vì sắc đẹp của Điêu Thuyền, Đổng Trác và Lã Bố mâu thuẫn nhau; cuối cùng cả hai đều mất mạng, tan cả cơ nghiệp. Bình về nhan sắc của Điêu Thuyền, Kim Thánh Thán viết: “18 lộ quân chư hầu không giết nổi Đổng Trác mà một thiếu nữ đào tơ liễu yếu như Điêu Thuyền lại giết nổi Trác. Ba anh em Lưu, Quan, Trương hùng liệt không thắng nổi Lữ Bố mà chỉ một nàng Điêu Thuyền thắng nổi. Ôi, lấy chăn chiếu làm chiến trường, lấy son phấn làm khôi giáp, lấy mày ngài làm cung nỏ, lấy nước mắt nũng nịu làm tên đạn, lấy lời tình tứ ngọt ngào làm chiến lược mưu cơ. Xem thế thì cái bản lãnh của nữ tướng quân  quả là tuyệt cao cường, đáng sợ thay!”.


Sắc đẹp hiếm có của Điêu Thuyền đã phục vụ thành công mưu đồ chính trị lớn nhưng rồi Lã Bố và Đổng trác chết, Điêu Thuyền cũng không còn được nhắc đến.



LÀ HÀO QUANG, MỸ NHÂN VÀ DANH TƯỚNG
KHÔNG MUỐN ĐỐI MẶT VỚI SỰ TÀN TẠ

“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng”. Người đẹp giống với danh tướng ở chỗ cùng được người đời ngưỡng mộ. Họ là hào quang rực rỡ trong tâm tưởng người đời. Kí ức về cái đẹp tuyệt vời ấy cũng là một thực thể và người ta muốn thực thể ấy được tồn tại lâu bền. Trường hợp Lý phu nhân đời Hán là một ví dụ: Hán Vũ Đế (156-87 TCN) – vị vua kiêu hùng nhất của Hán triều – triều đại cường thịnh kéo dài đến hơn 400 năm – đã cho tuyển vào cung hàng ngàn mỹ nữ tuổi từ 15. Ai đến tuổi 30 mà không được vua chiếu cố thì sa thải, cho về quê.  Vậy mà khi Hán Vũ Đế nghe Lý Diên Niên hát bài Giai nhân ca :
image002
Bắc phương hữu giai nhân
Tuyệt thế nhi độc lập
Nhất cố khuynh nhân thành
Tái cố khuynh nhân quốc
Ninh bất tri khuynh thành dữ khuynh quốc
Giai nhân nan tái đắc
DỊCH THƠ:
Bắc phương riêng có giai nhân,
Một mình tuyệt thế dám cân ai bì.
Một nhìn thành đổ nghiêng đi,
Liếc thêm lần nữa còn gì nước non!
Cần chi biết thành nghiêng, nước đổ.
Há muôn đời dễ có giai nhân ?!
(Nguyễn Cẩm Xuyên dịch)

nhà vua đã than rằng: Quả có người đẹp như thế trong đời ư!?. Bình Dương công chúa quỳ tâu: Lý Diên Niên có người em gái rất đẹp, ca múa đều hay… Tức thì, em gái Lý Diên Niên được lệnh nhập cung. Thấy mặt mĩ nhân vua đâm ra mê mẩn, công nhận là sắc nước hương trời, phong nàng làm Lý Phu Nhân và không còn thiết đến ai khác.

Mấy năm sau, Lý Phu Nhân lâm trọng bệnh. Lúc nàng sắp mất, Vua lo lắng đến tận giường thăm hỏi và muốn được nhìn mặt nàng lần cuối nhưng vì muốn lưu giữ mãi vẻ đẹp của mình với hoàng thượng nên mặc cho vua nhiều lần nài nỉ, Lý phu nhân vẫn nhất quyết úp mặt vào tường.  Vũ Đế tức giận quay phắt ra về.

Quả vậy, Lí phu nhân mất đã mấy năm rồi mà Vũ Đế vẫn mãi mơ tưởng hình bóng giai nhân. Lắm khi nhớ quá, vua nghe lời các thuật sĩ, cứ thẫn thờ ngồi đợi hồn người xưa hiện về.
Mỹ nhân và danh tướng có điểm giống nhau là đều có những phút huy hoàng; một bên là nhan sắc, một bên là chiến công lừng lẫy. Họ muốn giữ mãi danh vọng ấy nên không muốn cho nhân gian thấy hình ảnh của mình khi tàn tạ. Danh tướng lúc tuổi cao thì thể lực tinh thần đều suy nhược, không còn thuở tung hoành hống hách của ngày xưa, cũng như mỹ nhân khi về già thì đành phải tàn phai nhan sắc. Lão tướng Liêm Pha đời Chiến Quốc, Hoàng Trung đời Tam Quốc… tuy là những danh tướng nhưng lúc về già nhiều mặc cảm, cố làm ra vẻ còn oai phong mạnh mẽ nhưng “than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu” - cuối cùng họ đành chết trong nỗi tủi hờn vì không còn đâu uy lực ngày xưa. Riêng Hạng Vũ sức mạnh bạt sơn cử đỉnh, Lã Bố vô địch… thì vẫn mãi mãi kiêu hùng trong sử sách vì không có tuổi già.


MỸ NHÂN NHAN SẮC TÀN PHAI, NHỮNG LUYẾN TIẾC CỦA NGƯỜI ĐỜI
& NGUỒN GỐC CỦA HAI CÂU THƠ.

Thời gian là kẻ thù của tồn tại. Thời gian làm mục nát mọi thứ, làm tàn phai những gì người đời tôn quý. Những vàng son chói lọi ngày nào rồi chỉ còn lại là vết bụi mờ trong kí ức. Trong các báu vật của đời người, nhan sắc, tài năng thật chẳng muốn đối đầu chút nào với thời gian. Cảm nhận ý này, Nguyễn Bính, nhà thơ tài hoa mệnh bạc đa tình lìa đời năm 48 tuổi – tuổi 48 chưa phải là lúc đầu bạc – Thơ vận vào đời, nhà thơ tài hoa viết bài  “Viếng  hồn trinh nữ”, khóc mĩ nhân sớm lìa trần :


…Tôi với nàng đây không biết nhau,
Mà tôi thương tiếc bởi vì đâu?
Mỹ nhân tự cổ như danh tướng,
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.

Nguyễn Bính kết thúc bài thơ đa tình bằng hai câu vốn quen thuộc từ xưa. Câu thơ được người đời nhắc mãi mà xuất xứ thơ từ đâu thì không rõ lắm. Nhiều truyền thuyết giải thích khác nhau. Tùy Viên thi thoại của Viên Mai chép lại câu chuyện kể:

…Chú của Tiến sĩ họ Tra có làm bài thơ “Điệu vong cơ” khóc người thiếp qua đời. Bài thơ được nhiều người họa lại. Riêng bài họa của một hầu thiếp tên là Diễm Tuyết có hai câu kết : “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu” (Người đẹp nghìn xưa như tướng giỏi/ Chẳng hẹn nhân gian thấy bạc đầu) là hay nhất.


Lại có thuyết: Cuối đời Khang Hy  nhà Thanh, có người thiếp nhà họ Ðồng tên là Triệu Diễm Tuyết ngụ tại “Ðồng Gia lâu” bên bờ sông Vệ, thành phố Thiên Tân. Lúc này ở Thiên Tân đang thịnh hành tục tế Thần hoa. Theo phong tục, vườn nhà “Ðồng Gia lâu” trồng đầy cả hoa hải đường. Giỏi thơ văn, Triệu Diễm Tuyết có làm bài thơ Tiêu hồn hải đường với nhiều ý mới lạ, được nhiều người truyền tụng. Từ đó Đông gia lâu  được gọi là Diễm Tuyết lâu. Riêng bài thơ của Triệu Diễm Tuyết nay chỉ còn lưu giữ được hai câu cuối trên. (3)

———————————-
CHÚ THÍCH:
(1) Có thuyết cho rằng Phạm Lãi vốn đã mê nhan sắc của Tây Thi từ trước nên sau khi giúp Câu Tiễn diệt xong Ngô bèn dắt Tây Thi cùng trốn vào Ngũ Hồ.

(2) VƯƠNG CHIÊU QUÂN là đề tài cho nhiều tác phẩm văn chương, nghệ thuật. Các truyện kể về Chiêu quân không đồng nhất, thậm chí mâu thuẫn nhau. Có thuyết cho rằng Chiêu Quân đã sống bên Hung Nô suốt đời, có 3 con với vua Hung Nô là Hô Hàn Tà; khi Hô Hàn Tà chết, theo tục nối dây, Chiêu Quân trở thành vợ của con trai riêng của chồng là Phục Chu Luy Nhược Đề. Riêng về việc Chiêu Quân cống Hồ, nhà văn Thái Ung (132-192) đã cho rằng Hán Nguyên Đế từng gặp Chiêu Quân nhưng không cho nàng là đẹp nên Chiêu Quân thất vọng sống cô độc trong cấm cung. Về sau nàng tình nguyện sang cống Hồ theo kế hoạch của Nguyên Đế. Sách Hậu Hán Thư cũng chép là Vương Chiêu Quân đã tình nguyện lấy vua Hung Nô.



(3) Thiên Tân địa danh đích lai lịch 天津地名的来历 – http://www.memoryofchina.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét