40 NĂM VUI BUỒN TRONG NGHỀ ... LANG TÂY
----------------------------------------------------------------
Dr. Tôn-Thất Hứa
Nuớc Đức có một hệ thống bảo hiểm sức khỏe rất hoàn thiện
cho dân bản xứ và cho cả những ai có ý đến Đức để nhận nơi đây làm quê hương
muôn đời hay ... chỉ xin được tạm trú qua ngày.
Tuy các hãng Bảo hiểm sức khỏe đã tính toán rất kỹ, những sự
lạm dụng bảo hiểm có khi quá trắng trợn đã làm tổn hao tiền bạc của các cơ sở
này và làm điên đầu cho những ai đang chịu trách nhiệm về sự chăm sóc sức khỏe.
Hiện tại có nhiều sự thay đổi lớn trong ngành Bảo hiểm, cơ sở bảo hiểm sức cho
là bị lạm dụng dã man thuốc men, chuyển thuócc về nhà còn phía người đóng bảo hiểm thì la làng la xóm
là bị các hãng bảo hiểm móc túi bóc lột tài sản. Chính quyền Liên bang và các
hãng Bảo hiểm đã bàn cãi ngày càng gay cấn, nhưng rõ ràng là Chính phủ đang cố
chận đứng tất cả những tiêu dùng phí phạm trong ngành Y tế.
Phía người bệnh thuờng kiếm cách xin nghỉ một vài ngày vì lý
do riêng qua Bác sĩ gia đình. Bác sĩ chứng nhận đương sự nghẹt mũi, nhức đầu,
mà đôi khi thật sự không cần phải nghỉ ... Phe đảng cả!
Những thầy thuốc bản xứ cũng „ ma giáo“ không ít, bằng cách
mỗi cuối tuần đứng trước cửa Nhà thờ hỏi thăm các con chiên ngoạn đạo; họ là những người tham dự các buổi lể tại Thánh Đường vào cuối
tuần rất đều đặng và họ cũng là những người rất hăng say đến phòng mạch để than
van sức khỏe: „ Ông hay Bà có mạnh khỏe không? Phổi thở còn ra hơi hay đã ...
ra khói ?...“ Thường là những câu hỏi xã
giao nhưng sau đó lại gởi đến Sở Bảo Hiểm „Rechnung - hóa đơn“ tính tiền ... cho những lần khám bệnh
vào ngày nghỉ cuối tuần ... ngày Chúa Nhật. Thật sự đây là một cuộc tiếp xúc giữa
con bệnh và ông lang băm 100%, nhưng chỉ là một thủ đoạn lấy tiền các hãng bảo
hiểm sức khỏe một cách man trá có sách vở. Người bệnh, vì không phải trả tiền
túi của họ, nên dù có khó chịu nhưng vẫn không khai báo. Huề cả làng vì ai cũng
có lợi bên trong cả.
Tuy nhiên không phải mọi toan tính đều hạnh thông cả, bởi
“mưu sự tại nhân, đổ bể tại ... tham’’! Vừa rồi, tại Đức, một vị Bác sĩ gia
đình bị trát đòi ra trước cửa quan vì ông ta vẫn tiếp tục cấp thuốc có chất Morphin
cho một bệnh nhân nằm “liệt giường liệt chiếu’’ mà không cần khám nghiệm, mặc
dù bệnh nhân này đã ngủm củ tỏi yên thân
dưới ba thước đất từ ... mười năm qua! Ông bác sĩ khai là cấp theo yêu cầu của
thân nhân người bệnh – hưởng được tiền khám bệnh. Còn phía gia đình sử dụng số
thuốc có chất á phiện như thế nào thì ai cũng có thể đoán ra... "
Geschaeft - công việc mần ăn" mà...
Hai bên cùng có lợi cả.
Ngoài ra các ông lang Tây, trước đây chơi theo kiểu lịch sự
Phú La Sang , nghĩa là các đồng nghiệp không lấy tiền khám cho đồng nghiệp ngay
cả gia đình gồm có vợ con., giới thầy
thuốc được giảm tiền đóng bảo hiểm. Nhưng những lúc sau này mấy ông lang Đức
ngày càng bấn ra tính với bảo hiểm ngay cả đồng nghiệp tiền khám, tiền thăm dò
sức khỏe... Bị bóp đau, các hãng bảo hiểm chơi khăm ngay, bằng cách “yêu cầu’’
tăng giá tiền bảo hiểm lên. Chỉ phiền cho người phải cong lưng ra mà trả tiền.
Lương Y như từ mẫu kia mà!
Trên 40 năm sinh sống tại nước Đức được gặp lại Thầy xưa
nhưng lẻ loi một mình... và may mắn hơn hết là tôi được làm lại bằng cái nghề
nghiệp đã được học ở đất thần kinh của sông Hương núi Ngự muôn thuở trước đây.
Trong thời gian này, phải lo cho cái bao tử và bao che cho cuôc sống gia đình
tôi đã trải qua nhiều giai đoạn học tập để được cấp bằng hành nghề chuyên môn :
Giải phẫu (Chirurgie) 1976, bác sĩ Gây Mê & Hồi Sức
(Anaesthesiologie - Intensivmedizin) 1976 - 1981, bác sĩ Cấp Cứu - Hồi Sinh (Resuscitation
& Notfallmedizin – Emergency medicine – médecin urgence) & bác sĩ Chống Tai Biến (Katatrophenmedizin /
Leitender Notarzt) 1997. Tôi cũng đã gặp những con bệnh thật ngặt nghèo, đã
nhìn tận mắt giữa sự sống và cái chết của con người, nhưng cũng đã nhiều lần dở
khóc dở cười khi gặp những câu chuyện „động trời“ trong cái nghề được xem là cứu
nhân độ thế.
Tôi xin ghi lại những kỷ niệm khó quên. Mà sao quên được về
sự khó khăn, về sự bất đồng ngôn ngữ vào một lần tôi phụ mổ cho một đứa trẻ gốc
Thổ Nhĩ Kỳ mới theo cha mẹ cháu sang Đức làm thợ. Cháu bé bị nghẽn ruột. Sau một
hồi thông dịch bằng tay chân Thổ-Đức phờ người ra, cháu bé mới được đưa lên bàn
mổ. Sau khi mổ bụng ra, chúng tôi tìm thấy “một nùi sán đũa”, đó là nguyên nhân
con bệnh. Ông Bác sĩ mổ chính nhất định phải đếm cho được bao nhiêu con sán, từ
số 1 cho đến số 342 sán đũa mặc dù lúc đó cũng 4h sáng. Cả người Y tá cũng như
người phụ mổ mệt phờ râu khi bài “toán cộng’’ làm xong!
Thật ra nghẽn ruột do Sán xảy ra như cơm bữa ở Việt Nam mà
tôi có nhiều lần được thấy ở Bệnh viện Trung Ương Huế, Bệnh viện Toàn khoa Đà nẵng.
Trong những bài báo mới đây, nhờ đà phát triển Y học siêu âm thế giới, tại Huế
đã tìm được rất nhiều trường hợp sán chui vô túi mật hay chui vô ống dẫn tiết
ngoại dịch của tụy tạng. Tôi nghĩ, người đồng nghiệp của tôi nên sang Việt Nam
một vài năm mổ xẻ thì cái ý nghĩ đếm sán đũa ngộ nghĩnh trong đêm khuya sẽ tiêu
tan trong chốc lát!
Một lần tôi thấy máu. Máu, máu chảy quá nhiều mà trước đây
tôi chưa bao giờ thấy. Ông bố là người dân nghiện ... đi câu cá. Một hôm ông bố
làm việc thì thằng con trai 7 tuổi (đã theo bố đi câu nhiều lần) bèn nhồi mồi để
câu ... đứa em, lúc đó 4 tuổi. Tội nghiệp cho thằng em, sau khi đã nuốt lưỡi
câu vào sâu đến bao tử thì đùng một cái 1..2...3 thằng anh giật mạnh cần câu.
Lưỡi câu xé rách từ bao tử lên miệng, máu chảy xối xả và máu chảy thật nhiều.
Lúc đó tôi cũng sợ và tiếng khóc của thằng nhỏ làm mọi người nhốn nháo về cái
trò chơi dại khờ của trẻ con. Đứa bé được các bác sĩ giải phẩu tổng quát, lồng
ngực và tai mũi họng. Sau 14 giờ đồng hồ mới giải quyết được các khó khăn như cầm
máu, khâu vết rách từ trong bao tử lên đến miệng, nhưng có điều chắc chắn là
Bác sĩ không giải quyết được tất cả những khó khăn của cuộc sống hàng ngày còn
lại của đứa bé.
Một trường hợp quái đản khác. Bệnh nhân là một người có học
trình độ trung bình và hiện đang làm việc cho một nông trại của gia đình cách
thành phố tôi đang sinh sống khoảng 50km. Qua khám nghiệm thông thường, đến phần
tìm hiểu lý lịch, thuốc men bệnh nhân uống hàng ngày để chuẩn bị chu đáo mọi
chuyện để đưa bệnh nhân lên bàn mổ ngày hôm sau. Bỗng nhiên tôi chưng hửng khi
nghe người bệnh trả lời: “Mặc dầu trước đây có uống thuốc ngừa thai nhưng vợ
tôi cũng mang bầu, cho nên từ 3-4 tháng nay tôi mạn phép uống để tự kiểm soát
giá trị của thuốc cho chắc ăn!’’ Nghe xong chính tôi cũng bị tẩu hỏa nhập ma! Cứ
tưởng ở các nước chậm tiến mới có sự tréo cẳng ngỗng trên, ai dè tại một quốc
gia xem như văn minh tân tiến số 1 cũng có chuyện trên trời dưới đất như vậy.
Tôi nhớ lại hồi đi làm công tác y tế trong thời gian làm nội
trú, tại các làng xóm hẻo lánh ở Quảng Nam-Quảng Ngãi, có lần tôi cấp thuốc ho
cho một nông dân bị ho sù sụ do viêm phổi kinh niên vì hút thuốc lá quá nhiều.
Tối hôm đó ông cụ uống xong thấy giảm ho khá nhiều, thừa thắng xông lên, ông uống
tất cả „lô“ thuốc tôi đã cấp trong 10 ngày để „trị cho hết độc“, theo lời khai
của ông cụ đến tái khám trước khi chúng tôi nhổ neo đi công tác nơi khác, cùng
lúc xin thêm ít thuốc ho khi cần! Tôi đã giải thích lý do tại sao cụ ho „tưng bừng
hoa lá“ và khuyên cụ nên bỏ thuốc lá, rồi cấp một ít thuốc để dành. Nghĩ lại
cũng còn may, vì chúng tôi chỉ được cấp 10 ngày thuốc, nếu chúng tôi cấp luôn 1
tháng thì ông cụ „nằm thẳng cẳng“ rồi cũng nên!
Bệnh nhân khác là một lực sĩ ngoại hạng không phải vai u thịt
bắp mà là bụng to cổ ngắn, với sức nặng quá cỡ những 140kg. Cái khổ nhất là khi
bệnh nhân ngủ hay bị „trụt luỡi“ cho nên ngáy như „bò rống“. Có khi tím bầm cả
người, cho đến khi bệnh nhân phải ho hay khạc thật mạnh để có thể „hất“ cái lưỡi
gà đang đè trên thanh quản, lúc đó bệnh nhân mới có thể trở lại nhịp bình thường.
Chu trình trên cứ tái diễn trong giấc ngủ của người bệnh.
Giữa đêm khuya trong phiên trực, y tá gọi cấp cứu ơi ới qua
„Funk“. Tôi nhanh nhẩu chạy đến đầu giường bệnh kiếm cách nâng cổ bệnh nhân để
mở rộng đường thở. Bệnh nhân thức dậy và thét ầm lên: “Ông đang ngủ mẹ kiếp thằng
nào ngu xuẩn kéo cổ ông dậy“! Té ra gặp phiên trực cô y tá trẻ thấy bệnh nhân
da thịt tím bầm lên tưởng sắp chết tới nơi nên kêu inh ỏi, làm tôi cũng bị quê
một cục....
Tôi đã chứng kiến nhiều tâm trạng của bệnh nhân trước khi
lên bàn mổ. Có bệnh nhân khóc như đi đưa đám ma vì sợ ... chết. Có những bệnh
nhân tưoi cười trước khi chụp mặt nạ gây mê. Buồn cười nhất là một bệnh nhân trẻ
khi y tá đang cạo sạch lông vùng da để mổ ruột dư, đã chọc quê cô y tá: „Này
cô, xin cô đừng kéo mạnh, vì „cái thằng đó “ nó đứng một mình cũng được!“ Anh bệnh
nhân này có máu tếu phớt tỉnh của người „ Ăng-lê“!
Ngoài ra có một bà cụ già đã 98 tuổi, nằm trên bàn mổ, bà cụ
bị té gãy xương đùi. Tình trạng sức khỏe còn tốt, trí nhớ minh mẫn. Sau khi đã
chuẩn bị đầy đủ, chúng tôi quyết định gây tê tủy sống để ghép xương đùi. Bà cụ
hỏi: „Này cậu muốn làm cái gì đó?“ Tôi giải thích ưu khuyết điểm của phương
pháp gây mê toàn diện cũng như gây tê tủy sống. Bà cụ hiểu vấn đề còn phang
thêm: „Làm chi cho bà thì ráng làm cho tốt, con bà là một Luật sư danh tiếng, lộn
xộn nguy hại đến tính mạng bà thì con bà đưa cả lũ tụi bây ra tòa hết!!“ Tính
nhanh trong đầu, tôi hỏi: „Ông Luật sư là con đầu hay con thứ 10 của bà?“ Nhanh
nhẩu bà già trả lời: „Thằng con trai đầu đó, có 3 cháu nội rồi“. Tôi nói thẳng
với bà: „Như vậy con bà cũng đã về hưu, tôi không phải vì con bà là Luật sư mà
tôi sợ, nhưng tôi hứa sẽ chăm sóc bà thật kỹ càng“. Như vậy trong suốt cuộc giải
phẩu „sống“ ghép xương với phương pháp gây tê tủy sống, bà cụ đã kể chuyện sau
chiến tranh Thế giới thứ I, rồi cái đói sau chiến tranh Thế giới thứ II, sự tan
nát 80% của thành phố Würzburg vì máy bay của quân đồng minh thả bom nhầm. Thay
vì oanh tạc tỉnh Schweinfurt cách 35km đường chim bay, nơi có dính dáng đến chế
bom đạn, thì bom đạn lại rớt xuống thành phố Würzburg cổ kính như thành phố Huế
yêu dấu muôn đời, quê hương ngọt ngào của tôi. Bà cụ đã nói thật sự việc đã có
trong giai đoạn đầu sau chiến tranh thế giới II chấm dứt, cái nghèo cái đói làm
cho những người đàn bà trẻ người Đức đã bán đứng mình cho những „Uncle Sam“ (lính
Mỹ) để có được ổ bánh mì nuôi gia đình qua ngày. Đây thật sự không phải là một
cuộc bán dâm mua tình mà là một hành động cứu đói tức thời cho bản thân và gia
đình mà thôi. Thế mà chưa đầy một phần tư thế kỷ sau, nước Đức đã vươn mình lên
thành một đại cuờng quốc, một nước sản xuất đứng vào hàng bậc nhất thế giới. Nuớc
Đức hiện đang cưu mang 100.000 người Việt sống xa quê.
Würzburg đã đóng góp rất nhiều cho nhân loại, cả khoa học lẫn
tình người. Nơi đây đã tìm được Quang tuyến X để rồi nhận được giải Nobel về vật
lý, nhờ tìm được tia quang tuyến phóng xạ X, người thầy thuốc định bệnh chính
xác hơn và giúp rất nhiều trong vấn đề chữa trị.
Cũng là nơi một bác sĩ nổi tiếng làm việc rồi sau đó tìm ra
4 nhóm máu A, B, AB và O. Đã cứu rất nhiều mạng sống cho nhân loại. Cũng nơi
đây năm 1999 một số đồng nghiệp tại học viện Missionsaerztliches Institut đã nhận
chung giải thưởng Nobel về Hòa bình thế giới, sau nhiều lần và nhiều năm làm
công tác thiện nguyện trong nhóm thầy
thuốc không biên giới (Physician without
Borders - Médecins sans frontières -
Aerzte ohne Grenzen), ở châu Phi và Đông Nam Á sát nuớc Việt Nam thân
yêu, quốc gia láng giềng Cao-miên. Tôi còn nhớ cách đây 4 năm, vào một buổi
sáng tinh mơ, một người bạn đồng nghiệp tất tả đi tìm tôi và hỏi tôi rằng tôi
có nói tiếng Khmer không, vì nghĩ rằng Việt Nam và Khmer ở gần nhau. Tưởng người
bạn đùa dai nên tôi hỏi lại: “Rứa mi có nói được tiếng Tây không? Pháp và Đức ở
gần nhau mà!”. Không ngượng ngùng người bạn tôi kể : số là trong thời gian làm
công tác thiện nguyện ở một trại tỵ nạn Cao Miên nằm sát biên giới Việt nam, vì
công việc bề bộn nên hai vợ chồng phải thuê một bà vú người Khmer trông nom đứa
con trai đầu lòng. Sau thời gian công tác, trở về Đức thì hai vợ chồng người bạn
gặp khó khăn vì không biết đứa con muốn gì, vì nó chỉ biết nói tiếng … Khmer.
Tôi không dám chê người bạn tôi, trái lại tôi lại thấy hãnh diện về bạn tôi -
cái tình người bao la không kể sắc tộc màu da và tiếng nói.
Dân Đức ăn tợn đớp dữ, lại ăn rất nhiều thịt, chất béo cho
nên bị bón kinh niên, rồi lại dùng thuốc xổ rất nhiều để đẩy các chất bã ra. Một
trường hợp khá hy hữu do sự ăn uống quá độ, rồi táo bón, nhưng tánh ham ăn lại
cứ ăn nữa, ăn thật nhiều cho đến khi cái bụng căng phình ra như cái trống, kêu
đau inh ỏi. Qua sự chẩn đoán rất nhanh và thiếu chính xác của bác sĩ gia đình,
người bệnh lại nhận thêm thuốc chống đau, tiêu hơi ứ trong dạ dày và ruột mà
thôi. Nhưng như vậy cũng chưa chừa vẫn còn tiếp tục ăn nữa cho đến một đêm
khuya, bệnh nhân được đưa vào phòng cấp cứu. Sau khi khám nghiệm, chúng tôi đã
tìm đuợc nguyên nhân qua xét nghiệm bằng quang tuyến. Cái bụng căng phồng như
cái trống và cũng hơn tuần rồi, không đi đại tiện được, cho nên chúng tôi quyết
định mổ bụng vì nghi nghẽn đường ruột. Đúng và sai vì khi mổ ra thì cả ruột non
ruột già đầy cả hơi, nhưng không tìm được nơi nghẽn ruột. Mò lần xuống phần duới
ruột già, thì ôi thôi một đống phân nặng trịch, đã làm nghẽn đuờng dẫn đến hậu
môn; cuộc mổ bụng chỉ là một lần “vét” sạch phân người bằng dưới cho thật sạch
đến trên cả 10 kilô! “cứt” . Ăn nhiều quá cũng sinh bệnh mà đói quá cũng sinh
hoạn!
Những chuyện tôi đã thấy trên, không đáng sợ bằng những gì
tôi đã đọc trên báo chí phát hành hàng ngày tại Đức, một vài truờng hợp mổ “nhầm”
đã xảy ra có thể nói là “vô tiền khoáng hậu”. Mổ vì định bệnh không chính xác,
banh bụng ra xong lại không tìm được nguyên nhân phải khâu bụng lại vẫn xảy ra
như cơm bữa tại châu Âu chứ không chỉ riêng tại Đức, mặc dù phương tiện chẩn
đoán hiện đại rất dồi dào ... chính xác, nhưng vẫn bị “tổ trác”.
Chuyện nhầm vì cùng tên, nhất là những người Việt nam mang họ
Nguyễn đã có lần xảy ra tại Pháp. “Tây mũi lõ” không đọc kỹ tên tục mà chỉ theo
họ của bệnh nhân. Một bà họ Nguyễn khám thai đã được nạo thai trong khi một bà
họ Nguyễn khác xin được nạo thai thì lại được khám thai. Tại Đức thì đã có một
truờng hợp xảy ra tương tự tại Köln cho một bà gốc Thổ vì ngôn ngữ bất đồng.
Sau “tai nạn” trên, một vài bệnh viện Đức đã đòi hỏi nếu bệnh
nhân không nói rành tiếng Đức thì phải mời thông dịch viên hữu thệ. Một bệnh viện
lớn của tỉnh Bamberg đã cưa nhầm chân, thay vì cưa chân “thúi” do bệnh đái đường
thì lại cắt nhầm cẳng chân còn chạy được. Ai cũng nghĩ, ông bác sĩ cưa nhầm
chân cũng bị đền tiền thật khẳm, nhưng khi ra tòa thì gia đình của bệnh nhân
cũng sửng sốt khi nghe quyết định tối hậu của tòa án: chân “thúi” cưa đi đã
đành nhưng cẳng chân “còn tốt” cũng chỉ vấn đề thời gian, nó cũng thúi và đó là
biến chứng của bệnh đái đường, cho nên tòa đã không phạt nặng phẫu thuật viên.
Đứng về phương diện Y khoa thì quyết định trên hoàn toàn đúng, nhưng đối với quần
chúng đã tạo nhiều hoang mang tột độ.
Mới đây tại một bệnh viện lớn ở Kassel lại cắt nhầm phổi!!!
Buồng phổi bị bướu ung thư không cắt, ai dè buồng phổi đang còn thở ngon lành bị
“xẻo” đi! Đây là một nhầm lẫn đáng sợ và bệnh nhân chỉ còn đuờng đi tìm cõi chết.
Chẳng may sự nhầm lẫn phát hiện quá trễ, nên không thể ghép phổi trở lại được.
Tai nạn nóng hổi nên chưa có quyết định của tòa án. Tuy nhiên theo tin hành
lang, không những Bs phẫu thuật bị tội mà người bs gây mê cũng bị vạ lây
Oan gia thì nhiều lắm, chỉ kể một thí dụ. Vào một đêm khuya,
toán cấp cứu được lệnh ra tay “nghĩa hiệp” để cứu một ông già say ruợu do gia
đinh gọi đến. Khi đến nơi, ông già nhất định không chịu theo xe vào viện ngủ
... xứ của tự do mà lị. Theo nguyên tắc, chúng tôi phải chấp nhận yêu cầu người
say ký xác nhận từ chối là không đến bệnh viện, mặc dù sau khi khám nghiệm tại
chỗ, tôi được biết có triệu chứng là trước đó ngoài rượư ra, người say có uống
thêm thuốc an thần có ghi vào biên bản. Mọi việc tưởng là xong. Ngờ đâu sáng sớm
hôm sau, ông già say rượu lăn đùng ra chết. Thế là chúng tôi bị gia đình người
nhà đưa ra tòa. Khổ chưa! Truớc tòa án, ông đốc tờ bị nghiêm khắc khiển trách
vì trong trường hợp như vậy phải thông báo cho cảnh sát và đại diện luật pháp sở
tại để những người này có biện pháp đối phó. Thật là những bài bản cần phải học
thêm, học cho đến chết vần còn học...
Kỷ niệm xảy ra trong khuôn viên bệnh viện không dồi dào bằng
ngồi trên chiếc xe “tì ti tòe toe”, chạy với tốc độ tối đa, tôi cảm thấy nhiều
gian truân nhưng lại lý thú hơn những kỷ niệm quanh bốn bức tường của phòng mạch.
Chiếc xe chạy đi cấp cứu lao với tốc độ nhanh, đôi khi có cả xe cảnh sát theo
sau hay chạy trước mở đường. Đến nơi sẽ được chỉ dẫn qua máy viễn liên với tổng
đài nếu địa chỉ khó tìm hay ở ngoài tỉnh. Thường thường chúng tôi tìm địa chỉ
theo bản đồ. Điểm hẹn đối với chúng tôi không khó khăn lắm, nhưng quan trọng là
phải đến nơi trong thời gian thật ngắn để có thể “cải tử hoàn sinh” nếu thật khẩn
cấp làm nguy hiểm đến tính mạng hay không.
Tuy nhiên theo thống kê chung của tiểu bang Bayern thì 60%
thì người la kêu cứu thật sự không cần cấp cứu chi cả.
Ngồi trên đầu voi, hú còi inh ỏi nhức tai. Đến nơi, nhiều lần
tôi đã gặp mấy bợm rượu sau khi đã nhậu đã đời không lái xe được nữa hay cảm thấy
không ổn tâm can trước tay lái, giọng lè nhè: “Ông uống đã rồi, yêu cầu các cậu
đưa ông về nhà, đây chút tiền trà nước!” Thay vì trả tiền xe Taxi, người bệnh
trả cho chúng tôi số tiền “hối lộ“ công khai, khiêm nhường hơn số tiền phải trả
tiền xe Taxi, rồi lại được đưa về nhà một cách an toàn và chu đáo. Đôi khi người
khách qua đường bất đắc dĩ của chúng tôi còn mửa ào ạt trên xe cứu thương, mửa
một cách ngon lành ngào ngạt không hối tiếc. Dịch trào ra từ bao tử của người
khách “lỡ’’ đường này còn chứa đựng nhiều thứ pha trộn chất rượu với thức ăn
…bia đến Cognac, Remy Martell trộn khoai tây lẫn Spaghetti. Nhân viên làm việc
thật kiên trì, không một lời chửi thề hay nóng giận, để rồi sau đó phải chùi rửa
sạch chiếc xe không một lời than phiền. Tinh thần làm việc của họ thật là cao.
Công việc là công việc, không cần phân biệt bệnh nhân thật hay giả.
Về nhậu, người lớn chưa chắc có can đảm uống nguyên một
chai, vậy mà có một thằng bé 11 tuổi ních nguyên một chai Whisky. Nếu không thấy
hơi thở thoi thóp thì nghĩ là một xác chết không hơn không kém. Nồng độ rượu
trong máu thằng bé là 2,9‰. Thế có đáng sợ không!! Bao nhiêu lần tôi gặp những
con ma nghiện rượu lang thang thơ thẩn trên vỉa hè hay nằm trên ghế đá với nồng
độ trên 2‰. Người Đức uống bia nhiều nhất trên thế giới, còn rượu mạnh thì sau
các nước Đông Âu như Ba lan, Tiệp khắc, Bảo gia lợi và các nước Bắc Âu như Na
Uy, Thụy Điển, Đan Mạch.
Bao nhiêu lần đang giữa đêm khuya, vừa hửng sáng hay bình
minh mới ló dạng, tôi thường bị gọi “lên đường”. Tới nơi, cửa mới hé, chưa kịp
hỏi thăm “sức khỏe” thì đã nghe giọng rè rè : “Mẹ kiếp, ông muốn ngủ mà ngủ
không được! Chích cho ông một liều thuốc ngủ hay làm sao cho ông nhắm mắt một
chút!!”. Nhận xét chung của tôi, với 30% tổng số hôn nhân đưa đến ly dị cộng
thêm cuộc sống cô đơn, những người không lập gia đinh gây hỗn loạn thần kinh, mất
ngủ … để rồi lạm dụng rượu, thuốc lá rồi thuốc ngủ và thuốc an thần.
Có lần giữa đêm khuya, bọn chúng tôi được tổng đài gọi đến một
địa chỉ cần cấp cứu vì bệnh nặng. Đến nơi thấy hơi lạ, là cửa đóng then gài,
không một chút ánh đèn như thường lệ. Tuy nhiên chúng tôi vẫn cứ bấm chuông để
thăm hỏi. Tiếng lộc cộc then cửa kèm theo tiếng chửi thề đêm khuya không được
yên giấc. Sau khi trao đổi với chủ nhân, chúng tôi mới biết là nhầm, nhưng tổng
đài nhất định là không có sự nhầm lẫn. Chúng tôi càu nhàu hoài nhưng sự việc cứ
diễn ra mãi. Cuối cùng tổng đài đã cố ý kéo dài câu chuyện với người báo “tin dữ“
để cảnh sát có thể xác định vị trí của nơi xuất phát tiếng “kêu cứu”, cuối cùng
mới vở lẽ là chàng giận nàng và mỗi người khăn gói ra đi, nhưng lại để chọc tức
nhau cho thỏa lòng ....nên cứ lâu lâu lại gọi xe cứu thương đến đập cửa nhà
nàng chút chơi. Đội cấp cứu chỉ là một dụng cụ để người ta trả hờn gởi oán cho
nhau mà thôi.
Đặc biệt vào một buổi chiều, tổng đài báo tin khẩn cấp một
người đang bị nhồi máu cơ tim (Herzinfakt – Infartus cardiaque) hiện đang được
chăm sóc cấp cứu tại một siêu thị ở ngay trung tâm thành phố. Nghe tin “sét
đánh”, tiếng còi hú inh ỏi, xe cứu người được chuyển bánh thật lẹ, đưa tôi đến
ngay chỗ cứu nạn. Lúc đó khoảng chưa đầy 18 giờ nên siêu thị còn đầy ắp khách
mua sắm. Chúng tôi được dẫn đến nơi người bệnh đang được chăm sóc, do nhân viên
siêu thị đã được học qua lớp cấp cứu sơ và trung đẳng của Hội Hồng Thập Tự Đức
tại tỉnh tổ chức. Khám thật nhanh người bệnh, tôi không tìm được dấu hiệu nào của
bệnh. Bệnh nhân tỉnh táo, nhịp tim đều và mạnh, nồng độ khí lưu chuyển trong
máu quá tốt …. Nhưng lời khai lại đúng y chang triệu chứng con bệnh Nhồi Máu Cơ
Tim. Thời gian không có nhiều và người Bác sĩ cấp cứu không có đủ phương tiện để
có thể định bệnh chính xác, mà phải di chuyển nhanh đến những trung tâm có đầy
đủ dụng cụ máy móc may ra cứu tử hoàn sinh
Di chuyển nhanh ra khỏi siêu thị đang đầy khách hàng, bình
thường chúng tôi được dùng thang máy cấp cứu riêng, lần này vì trở ngại kỹ thuật
nên chúng tôi bắt buộc phải di chuyển bệnh nhân theo lối ra của khách hàng.
Ngay khi qua trạm kiểm soát đầu tiên thì máy tự động đã kêu inh ỏi, như vậy
trong 6 chúng tôi gồm 3 nhân viên của đội cấp cứu, 1 tài xế, tôi và người bệnh
mới mang ra, đã có nhét vào người những hàng đắt giá của siêu thị nhưng chưa kịp
“trả tiền“. Nhân viên kiểm soát nhất định đòi soát túi bọn tôi để tìm hàng đã
gây ra tiếng báo động. Tôi thì nhất quyết phản đối, vì sức khỏe người bệnh trên
hết, nhưng đồng ý để một nhân viên kiểm soát đi theo xe Hồng Thập Tự và cảnh
sát sẽ lục toàn thể chúng tôi ngay tại phòng cấp cứu sắp đến. Cả 5 chúng tôi dù
không nói ra nhưng bày tỏ trên nét mặt âu lo, không biết có ai nhét gì vào túi
mình không?! Rồi cái gì đến cũng sẽ đến. Vật lạ là một đồ trang sức khá đắt tiền
do “người bệnh” giấu trước khi lên “cơn bệnh tim”. Chắc đây không phải là lần đầu
tiên, đội cấp cứu của tỉnh đã vô tình “đồng lõa” với kẻ gian làm “bệnh giả”
trong nhiều siêu thị của thành phố, mà chắc hẳn chúng tôi và nhiều lần đội cấp
cứu vô tình đưa “kẻ cắp” ra khỏi siêu thị ngay trước mặt của nhân viên kiểm
soát một cách ngang nhiên và hợp pháp.
Sau lần “khám phá” trên, các siêu thị đã kể cho chúng tôi biết
là các bà dọn trong siêu thị thường hút vào máy hút bụi những món đồ có giá trị,
rồi sau đó quẳng vào thùng rác. Rác chưa kịp chở đi thì chính các bà lại ôm về
nhà để lấy của “hôi” ra.
Theo cái nghề cấp cứu này, hầu như tôi chẳng bao giờ được
yên. Chúng tôi đang nằm dài trên thảm cỏ ven sông Mainz để ngắm trời đất vào một
ngày hè khá nóng nực, bỗng chốc tổng đài nhắn tin có máy bay rơi nằm trong phạm
vi hoạt động của chúng tôi. Tính nhẩm trong đầu,máy bay rơi thì phải có nhiều
người bị tai nạn,cho nên tôi gọi thêm đội cấp cứu của tỉnh kế bên, rồi tất tả
trèo lên xe cứu thương. Mỗi người chúng tôi phải mang theo máy móc cần thiết.
Phần tôi được xách máy tâm động đồ (EKG). Trèo lên đồi, chỉ trong một đoạn đường
ngắn mà chúng tôi đã phờ người ra nhưng lại không nhìn ra được nơi xảy ra tai nạn
vì khuất sau núi. Lại một màn thông dịch qua tổng đài, chúng tôi gọi thêm trực
thăng cứu viện, chỉ trong khoảng thời gian ngắn thì tiếng máy bay kêu “lạch xạch”
lượn quanh trên đầu hướng dẫn nơi đáng nghi vì có khói đang bốc. Phải nói đoạn
đường chông gai tuy ngắn nhưng vì leo đồi tay xách máy quả thật quá nhọc nhằn.
Theo hướng dẫn trên không, chúng tôi lần đến mục tiêu. Thật như cái tát vào mặt,
trên chỏm đồi có một nhóm người đang tổ chức ăn nhậu, nướng thịt khói bốc cao
làm mấy ông lái tàu bay nhầm hay cố ý chọc quê bọn tôi chăng? Sau khi nghe sự
việc, có người phàn nàn: “Các ông đang vui chơi, mấy thằng quỷ sứ lại đến phá
đám!”…
Trước năm 1988, tôi cũng có tham gia đội cấp cứu bằng máy
bay trực thăng. Có lần vào lúc điểm tâm, tất cả chúng tôi được thổi bong bóng để
kiểm tra nồng độ rượu, thì phát giác một ông “giặc lái” đang tỉnh táo mà nồng độ
đến 1.8‰. Sự kiểm tra bất thường này được xảy ra là vì trước đó một tuần, một
trực thăng cấp cứu bị rơi, tất cả phi hành đoàn, bác sĩ cấp cứu đều tử nạn. Sợ
quá tôi chấm dứt những cuộc hành trình đi mây về gió từ đó.
Chết, ai cũng biết, ai cũng sợ. Nhưng chết cũng có nhiều
cách chết khác nhau. Tôi cũng đã có dịp theo dõi những con bệnh nặng chết ngay
trên bàn mổ. Chết, chết một cách tức tưởi, chết một cách êm thắm. Tôi cũng đã
nhìn tận mắt những cái “sống” kéo dài bằng máy thở, bằng chuyền dịch, quằn quại
trong những cơn đau của những chứng bệnh nan y cuối mùa.
Cũng có những cái chết thật lãng nhách và cũng có những trường
hợp người ta tìm đến những cái chết thật rùng rợn. Vào lúc 6 giờ sáng chúng tôi
bị gọi dậy để đi cứu mạng!!! Người ta phát giác trong sở thú, sư tử đang ăn thịt
người. Đố ai dám bò vào chuồng trong khi chúa sơn lâm đang nhai một cẳng chân
người. Bác sĩ cấp cứu chúng tôi cũng chỉ là một chúng sinh như muôn loài, đâu
có xương đồng da sắt mà “cả gan” mà nhảy vào tranh thịt người với thú dữ! Phải
gọi cảnh sát, nhân viên sở thú đến chúng tôi mới bắt đầu công việc tìm kiếm.
Nhưng cũng hoài công vì sư tử đã nhai gần hết thân thể con người. Tôi không thể
kết luận đây là một hy sinh vì đức tin vào tôn giáo vì anh ta là một sinh viên
thần học, thông hiểu thấm nhuần các Đạo tại Ấn (trong tờ di chúc để lại) hay bị
“tẩu hỏa nhập ma” mà đã tự hiến thân cho sư tử sau khi để lại một tâm thư cho
gia đình. Anh đã tự cởi hết áo quần ra rồi đi dần vào chuồng sư tử để thực hiện
uớc nguyện của mình. Một cái chết không toàn thây khá rùng rợn, mà lạ thay
chung quanh không ai nghe được một tiếng la tiếng thét của những sự đau đớn xảy
ra!!
Thêm một cái chết kinh dị khác, chúng tôi, với tư cách người
thầy thuốc đã khám nghiệm xác chết lần cuối cùng, phải cấp giấy chứng tử cho một
xác người đa bị xe lửa “cán mỏng dính” như con mực nướng vào một buổi chiều chủ
nhật khi nạn nhân đã tự lao mình vào toa xe lửa tốc hành ICE. Anh ta là một
giáo viên trung học vì chán cảnh vợ con, kiếm chổ hẻo lánh rồi lao vào chuyến
xe lửa tốc hành. Chúng tôi nhìn xác chết mà không hình dung được hình thể con
người bình thường.
Chưa hết, vào lúc 3 giờ sáng chúng tôi bị đánh thức vì tai nạn
xe hơi trên xa lộ. Đêm khuya thanh vắng vào một buổi tối mùa hè tháng 8, chỉ 5
phút sau là chúng tôi có mặt tại hiện trường. Thân thể nạn nhân mềm nhũn vì bộ
xương “cách trí” đã gãy vụn nhiều nơi. Người lái xe gây ra tai nạn đã khai với
cảnh sát: Nạn nhân quỳ ngay giữa xa lộ quay mặt về huớng xe đang lao đến. Một sự
“đối chọi” bất tương xứng giữa da thịt con người “cụng” với chiếc BMW. Nạn nhân
70kg đã bay bổng cách chổ anh quỳ 8-10 thuớc. Vì quá bất ngờ nên tài xế không kịp
thắng, khó mà biết được tốc độ lúc xảy ra tai nạn, nhưng uớc luợng cũng phải
trên 160 cây số/giờ. Nhìn xác chết, tôi cũng cảm thấy rợn người vì hoàn toàn
khác lạ mà tôi hàng ngày được thấy…
Bị nghẹt xăng hay chết máy, xe đứng giữa đường là chuyện xảy
ra hàng ngày trên đường xá Châu Âu này. Tuy nhiên chưa có chuyện nào rùng rợn
như sau : trên xe buớc xuống một thanh niên khỏe mạnh cố đẩy chiếc xe lấy trớn,
hy vọng máy sẽ nổ trở lại để tiếp tục lộ trình dang dở. Anh ta rất “nịnh đầm”
nên để người bạn gái cầm tay lái. Một người lái xe chạy ngang qua cũng dừng xe
để đẩy giúp. Rồi bỗng nhiên đằng sau một chiếc xe tải lao tới với vận tốc khá
nhanh. Tài xế có lẽ đang ngái ngủ, thắng không kịp nên ủi ngay vào làm 2 người
gãy đôi như hai cây chuối bị đốn ngã. Hai mạng sống ra đi quá đột ngột, còn người
đàn bà đã bất tỉnh trên tay lái. Bà ta bị giao động thần kinh. Khi được gọi đến
nơi, chúng tôi hết sức sửng sốt và chỉ còn cách làm “hồi tỉnh” bệnh nhân thứ ba
không nằm trong chương trình cấp cứu! Bác sĩ cấp cứu trong những trường hợp kể
trên chỉ còn lập giấy khai tử. Chúng tôi phải viết làm sao đây?! Vì bản chứng tử
bắt buộc phải khai đây là một cái chết tự nhiên hay một cái chết không tự
nhiên… rồi cảnh sát, biện lý cuộc theo đó mà lập biên bản.
Tôi đã đối diện với những người đi tìm cái chết hay bị phát
giác kịp thời khi họ đi tìm tử lộ. Số là sau khi học xong khóa cấp cứu căn bản
để có thể làm cứu mạng những con bệnh thập tử nhất sinh, tôi có một đồng nghiệp,
Bác sĩ Đổ Khắc Tài, đã khuyên tôi nên lấy thêm bằng “Leitender Notarzt – chống
tai biến”. Tôi cũng đã luống tuổi rồi, tôi cũng không ham chạy xe trong đêm vắng
hay lúc đuờng xá chật cứng xe cộ hay gặp giờ tan sở, tuy nhiên anh bạn trình
bày rất chí tình và tình trạng thất nghiệp gia tăng trong ngành Y với 80,000 đồng
nghiệp, với cái đà hiện tại thì sau này muốn làm bác sĩ cấp cứu chạy “tì ti tòe
toe” ngoài đuờng cũng sẽ đòi hỏi nhiều khả năng hơn. Đồng nghiệp người Đức
“chính cống” đang sống thất nghiệp là những người thầy thuốc mới ra trường mà
không tìm được chỗ làm việc trong bệnh viện để lấy bằng cấp chuyên khoa, và
ngay trong các đồng nghiệp đã có chuyên khoa mà lại không thể tiếp tục trong bệnh
viện hay kiếm được một nơi làm ăn lâu dài thì cũng phải sống nhờ vào trợ cấp xã
hội. May mắn tôi đã thực hiện được lời khuyên của người bạn trẻ. Nhờ có bằng cấp
mới cho nên tôi đã có dịp gặp được những trường hợp khó khăn phải giải quyết về
chuyên môn và … tiếng Đức.
Chuyên môn theo tôi nghĩ, nếu được hướng dẫn chỉ bày rõ ràng
thì cứ theo đó mà luyện bài ôn tập rồi cũng thành công. Tiếng Đức thì tôi đã đầu
hàng ngay từ lúc đầu tiên đến nuớc Đức này. Một ngôn ngữ quá xa lạ với các ngôn
ngữ mà tôi đã học ở Việt nam trước đây, lại thêm ba giống đực, cái, trung tính
(der, die, das). Dù có cố gắng thế nào đi nữa tôi vẫn cứ bị nhầm lẫn mà các con
của tôi cứ “chọc tức” tôi mãi, nào là sai âm điệu, phát âm sai và lỗi chính tả
tùm lum rồi còn cái vụ der, die, das nữa … quá nhức đầu. Tôi đã gặp cái khó này
khi đối diện những nhân vật muốn tìm cái chết xa sự sống, những người mang bệnh
tâm thần.
Vào lúc 5 giờ sáng, tôi bị gọi qua điện thoại vì không phải
phiên trực của tôi mà tổng đài cấp cứu cần tăng viện thêm người. Thành phố cổ
kính Würzburg hiện ra trong nắng sớm mùa hè, phần tôi cũng bồn chồn, qua máy viễn
thông tôi phải đảm nhận chức vụ mới “Leitender Notarzt”. Trung tâm tỉnh có một
lâu đài cổ cao chừng 30-35 thước nhưng lại xây trên một đỉnh đồi, cho nên từ
góc trái của lâu đài đến mặt đất cũng khoảng 60 thước. Đứng trên nóc nhà là một
thanh niên đang la nhảy và muốn nhảy xuống tự tử. Phần dưới chân núi đã có 2
bác sĩ cấp cứu chịu trách nhiệm, 2 góc núi nhân viên cứu hỏa đang căng võng chờ
cái bị thịt rơi xuống. Cảnh sát lo trật tự. Tôi được phái đến để điều khiển
chương trình: làm thế nào để bệnh nhân kia đừng nhảy xuống. Tôi đã yêu cầu các đồng
nghiệp Đức trực tiếp găp người “điên” vì vấn đề ngôn ngữ trao đổi dễ dàng hơn,
nhưng không được chấp nhận vì cả 2 chưa có học xong chuyên khoa “Leitender
Notarzt”. Tôi tự nghĩ cái màn “dụ khị“ đừng cho nhảy xuống, có cái khóa học cụ
thể nào nữa đâu! Nhưng Đức rất là chỉnh: một mình đơn thân độc mã đi làm công
việc cấp cứu thì là “Notarzt”, nhưng nếu tai nạn xảy ra nhiều người “dính dzô”
thì cần thêm bác sĩ cấp cứu (một hay nhiều hơn) thì một trong những người đó phải
là “Leitender Notarzt” để điều khiển chương trình di tản bệnh nhân, tập trung
vào một người chỉ huy, đỡ cái cảnh “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Tôi hết sức lo
lắng vì phải làm sao cho người bệnh tâm thần kia “truyền thông” được với tôi
qua một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của tôi và tôi phải “đấu khẩu” với một
người trí óc không bình thuờng. Lo nhất là trình độ văn hóa của người bệnh để
có thể thông cảm nhau, nếu chẳng may chỉ dùng “thổ âm” thì chỉ có nước tự sát.
Tôi cũng mong nếu bệnh nhân có nhảy xuống thì đừng vì sự hiểu biết tiếng Đức còn
nông cạn của tôi!
Truớc mặt tôi là một nhóm cảnh sát có cấp bậc sĩ quan, thủ
lãnh của các nhân viên đội cấp cứu y tế và truởng ban cứu hỏa đang chuẩn bị kế
hoạch. Máy viễn liên gọi nhau ơi ới làm tôi mất bình tĩnh hơn.Chúng tôi tiến gần
đến phía có người bệnh, bỗng nhiên anh ta la lớn: “Nếu cảnh sát đến thì tôi nhảy
xuống ngay!” Như vậy là tôi đối diện mọi khó khăn một mình. Tôi nài nỉ xin cho
một nữ cảnh sát đi theo nhưng trước đó hóa trang thành một người trong đội cấp
cứu. Lời yêu cầu được mọi người chấp thuận và 2 chúng tôi bò đến mục tiêu. “Mày
là người Nhật hả?” Mọi khi thì tôi hay cãi là tôi là người Việt Nam nhưng vì
chiều lòng người bệnh nên cũng đành trả lời: Đúng! Càng ngày cuộc đấu khẩu càng
hăng nhưng nhờ có cô “phụ tá” nên tôi đã giải đáp, giải thích và khuyên nhủ bệnh
nhân. Cuối cùng hắn chịu đi xuống.
Một lần khác, một người đàn bà trẻ ngồi trong chiếc xe hơi
còn mới toanh đã nhất định cho chiếc xe lao xuống chân đồi để kết liễu cuộc đời
với những lý do không được rõ rệt. Khi tôi đến nơi thì cảnh sát đã dàn nhiều xe
chận đuờng, nhân viên cứu hỏa cũng đã chuẩn bị hết mọi chuyện cần thiết rất chu
đáo. Tôi khâm phục mọi dàn xếp và bắt đầu đàm thoại tay đôi, không một lo âu về
ngôn ngữ vì lần này tôi có một đồng nghiệp trẻ bên cạnh. Cuộc dàn xếp tay ba
không khó nhưng cũng đã kéo dài trên cả tiếng đồng hồ để rồi người phụ nữ đồng
ý lái xe về nhà sau khi gọi được người bạn thân của cô ta đến giúp sức. Cảnh
sát mở đường và đưa tôi một tập giấy yêu cầu tôi phải ký và chịu trách nhiệm nếu
có tai nạn xảy ra khi cô ta lái xe một mình. Cái vụ “ném đá giấu tay” của mấy
tay “cớm” tôi đã thuộc lòng vì ngay chính họ cũng không muốn nhận trách nhiệm,
và nghĩ rằng “thằng ngoại quốc này dễ sai”. Tôi phản pháo ngay: “Tôi là một bác
sĩ cấp cứu chứ không phải là một bác sĩ thần kinh, tôi không phải đến để chữa bệnh
kinh niên mà chỉ ra tay khi cần phải cứu mạng
sống”. Tôi yêu cầu họ phải hiểu giữa cấp cứu và trị bệnh rất khác nhau.
“Tôi sẵn sàng nói chuyện với Biện lý cuộc” và nếu cần sẽ tổ chức một lớp cấp cứu
sơ đẳng tại sở cảnh sát địa phương. Biết tôi “cứng cựa” cho nên họ cũng “cứng họng”
và sau này tôi mới biết họ đã hộ tống chiếc xe đó về đến nhà.
Ngoài ra tôi còn gặp nhiều trường hợp khó chịu khác. Vào thời
gian nghỉ hè, tôi được điều động đến một phiên trực bác sĩ cấp cứu tại Freiburg
vào tháng cao điểm của mùa Hè nóng nực. Đang nằm ngủ trưa nên tôi không kịp
mang giày, chạy nhanh cho kịp chiếc xe đến đón nằm ngay cạnh phòng trực. Trên
xe, nhìn thấy chân tôi còn mang đôi dép Nhật, người tài xế đã cố ý nói lớn cho
tôi nghe được với những bạn của anh để “sửa lưng” tôi với thái độ không được
thân thiện với người ngoại quốc: “Theo dõi xem tên bác sĩ Nhật Bản này làm ăn
ra răng đây!”. Đây là lần đầu tiên tôi
đi làm việc xa căn cứ hoạt động bình thường của tôi cho nên các nhân viên của đội
cấp cứu chưa quen biết hết. Tôi không ngần ngại trả lời: “Tôi là người thầy thuốc
Việt Nam được gởi đến làm việc trong cuối tuần này, người bác sĩ cấp cứu làm việc
bằng cái đầu, đương đầu với cái trí, chớ không phải bằng cặp chân!”. Đến nơi xảy ra tai nạn, hỗn độn với trên 35
chiếc xe hơi tông vào nhau, người bị nạn nằm la liệt. Khoảng đường này thường xảy
ra nhiều tai nạn lưu thông vì trên xa lộ Đức không hạn chế tốc độ nên mấy cua
rơ của các nước lân bang Pháp & Thụy Sĩ thường mang xe qua đây chạy đua cho
đã đời. Cái nhãn “Notarzt - Emergency physician” sau lưng tôi được gỡ ra để được
thay vào đó bằng “Leitender Notarzt - Médecin catastrophe” tôi kêu cứu tăng viện
các đồng nghiệp của tỉnh kế cận đến giúp sức.
Sau khi gặp các “Chef” của thành viên có mặt gồm có như thường
lệ: cảnh sát, cứu hỏa và đội cứu thương tỉnh tăng cường với các nhóm tỉnh kế
bên, chúng tôi hoàn thành công tác tản thương nhanh chóng. Sau khi hoàn thành
công tác điều khiển xe để chuyển bệnh và có cả trực thăng tiếp cứu, tôi đứng ra
lựa thương rồi bàn giao công việc theo thứ tự ưu tiên những nạn nhân nặng &
nhẹ Đức cho những đồng nghiệp Đức, còn tôi lo thanh toán với “Tây”, gọi Service
d’Aide Urgence (SAMU) của hai tỉnh nước Pháp nắm sát biên giới Moulhouse và
Strasbourg để giao mấy thằng con “mũi lõ” về với mẹ chúng nó theo yêu cầu của nạn
nhân. Hai mươi phút sau thì Tây qua thật, dưới đất thì xe cứu thương, trên trời
thì máy bay trực thăng lượn xuống, tôi sướng quá vì đây là lần đầu Tây hiểu
mình qua Funk. Nhóm người Đức làm việc với tôi nhìn tôi với một cặp mắt hoàn
toàn khác hơn trước, họ không nghĩ tôi sử dụng được tiếng Pháp. Mặc dù Đức,
Pháp chỉ cách nhau con sông Rhin rứa mà tụi nó hình như không chịu nhau, không
trao đổi tiếng Mẹ đẻ với nhau. Mà làm răng mà thương nhau được khi “lô-cốt” dọc
theo bờ sông Rhin đến ngày nay vẫn còn ghi dấu lằn đạn của thế chiến thứ 2, ngoại
ngữ đầu tiên trên ghế nhà trường thì có đến 75% các học sinh lấy Anh ngữ làm
sinh ngữ chính sau đó là Pháp, Tây Ban Nha. Có Tây đến tôi làm việc nhiều hơn,
tôi “nộ” Đức bằng cách ra lệnh huyên thuyên với tiếng “Tây bồi” bằng cả tay
chân nữa, khoái nhất là Tây thật cứ luôn miệng lia lịa :“Oui, mon cher
Docteur...” Bao nhiêu năm ở ghế nhà trường Bình Linh với các thầy dòng Jean
Baptise de La Salle, sau này lập gia đình, tôi lại được học thêm với vợ tôi,
tôi ráng mà “xổ” ra cho hết, cho đến người cuối cùng được chuyển đi tôi thở
phào với cặp mũi nở phồng to tướng như trẻ con được quà, tôi đã trả thù được
cho dân tộc: Điều khiển Tây làm việc... Một ngàn năm dưới ách Trung Hoa, một
trăm năm Pháp đô hộ, người Việt nam chỉ dùng tiếng Pháp để trao đổi văn hóa ...
nước Việt Nam vẫn có tiếng Mẹ, chữ Việt nam dùng để học ở trường...và các văn bản
chính thức, sách vở, báo chí vẫn dùng tiếng Việt Nam. Tôi hãnh diện với giống
nòi tôi. Nằm trong chương trình thiện nguyện của các “Médicins sans frontière”,
tôi đã có mặt ở một vài quốc gia chậm tiến như Ấn Độ, Phi Châu thì tiếng Mẹ đẻ
chỉ dùng để giao dịch, những giấy tờ văn bản chính thức ngay cả báo chí hàng
ngày thì ôi thôi chỉ toàn Anh, Pháp...
Điểm tôi muốn nói là cái tánh bài ngoại của Đức đầy dẫy,
thái độ bài ngoại ngay tại bệnh viện, trong công việc hàng ngay nhiều lúc làm
tôi quá khó chịu. Tuy nhiên công việc là công việc. Một vài trường hợp tôi đã
ngậm miệng nhưng không thể câm mồm mãi được, thành đôi khi làm cho không khí
làm việc càng khó khăn thêm. Một cái bực bội không kém là ngay chính bệnh nhân
người ngoại quốc lại khi dễ người thầy thuốc ngoại quốc, thế mới đau như hoạn...!!
Họ nghĩ rằng chỉ có thầy thuốc người Đức mới tài mới giỏi, còn các bác sĩ từ
phương xa tới thì học không đến nơi, hành không đến chốn. Con xin lạy Phật,
mong Phật từ bi cảm hóa chúng sanh để mọi người hiểu được chân lý Phật dạy, đừng
tạo hận thù màu da hay ngôn ngữ, vì tất cả đều là con Phật.
Ngôn ngữ để thông cảm nhau rất cần thiết cho cuộc sống tại hải
ngoại. Tôi đã có dịp làm thông dịch “không tuyên thệ“ cho các đồng hương qua lời
yêu cầu của cơ quan công giáo Caritas, Sở ngoại kiều tỉnh, Standesamt (Phòng
đăng ký kết hôn, khai sinh, báo tử) hay xin lại bằng lái xe, ra tòa vì giấy tờ
giả mạo, đi tàu quên mua vé… Một trường hợp rất đặc biệt mà tôi đã gặp: Cơ Quan
Công Giáo Caritas địa phương yêu cầu tôi giúp để giải quyết một sự việc mà nạn
nhân là một người Việt cứ kêu oan sau khi người soát vé tàu lập biên bản và bị
phạt vạ. Giản dị là “màn kịch” ngắn xảy ra như sau: Anh N.V.X đi từ thành phố A
đến thành phố B. Tại đây anh phải đổi tàu, nhưng phải chờ đến 45 phút mới có mới
có chuyến tàu đi đến thành phố C, nơi anh muốn đến thăm người bạn thân thuộc.
Có một chuyến xe Buýt cũng đi từ thành phố B đến thành phố C khởi hành 30 phút
sớm hơn. Anh X. lẽ cố nhiên trèo lên xe buýt vừa nhanh vừa khỏi phải chờ đợi
lâu. Tôi nghĩ anh đã đi nhiều lần trên lộ trình này nên giờ giấc tàu chạy anh nắm
rất chính xác. Nhưng chẳng may đi lâu cũng có ngày gặp ma, lần này anh gặp người
kiểm soát vé, nên anh bị phạt vì giá vé xe buýt cao hơn vé tàu hỏa.
Người bạn đồng hương nhỏ hơn tôi những 10 tuổi, nhưng khi
tôi đến, anh phát biểu ý kiến riêng của anh trong một lúc khá xao động tinh thần
đã nói: “Này cháu, dịch tiếng Đức thật ngon lành cho chú. Tụi nó ăn hiếp chú
quá, tụi nó còn móc tiền của chú nữa..!!!”. Tôi nghĩ vì ngôn ngữ bất đồng nên xảy
ra một cuộc cãi vã và cuối cùng người soát vé, theo lời khai của anh N.V.X :
“Nó bắt chú đưa tay lên và đã móc bóp tiền của chú, sau đó lấy ra một số tiền…(
sau này tôi mới biết là số tiền sai lệch giữa xe buýt và tàu) một cuộc xô xát
tay đôi mà cảnh sát phải đến can thiệp. Tôi không tin là sự thật nhưng tại văn
phòng Caritas, anh ta nhất định đòi kiện ra tòa người soát vé và kêu oan bai bải.
Chiều lòng người bạn mới, tôi hỏi anh ta có ai nhìn được “cái màn bị móc túi” của
anh không. Anh không hiểu vấn đề, nhưng sau một lúc suy nghĩ anh lôi trong túi
áo một mảnh giấy và nói: “Có người ngồi trong xe buýt có giao cho chú một mảnh
giấy đây nè”. Đây là danh tánh của một GI (lính Mỹ) tên đơn vị đang đồn trú và
số điện thoại đơn vị. Lại một màn thông dịch “xơ” (Sir) với “múi” với đơn vị,
chúng tôi tìm được “người bạn đồng minh Hoa Kỳ“. Tại phiên tòa loạn xạ tiếng Đức,
Mỹ, Việt và có cả tiếng Huế của tui nữa. Người bạn Hoa Kỳ đã trả lời “đúng” như
lời anh N.V.X đã khai. Tòa ghi nhận lời chứng vì anh N.V.X không nói được tiếng
Mỹ và người bạn mới không sử dụng được tiếng Đức và tiếng Việt mà chỉ mô tả sự
việc nhìn thấy. Anh N.V.X cũng bị phạt vạ theo thông lệ, và người soát vé cũng
bị “la” cho một trận vì “đi làm ăn mà lại móc túi” không đúng luật.
Đứng truớc cửa tòa án, tôi bắt tay “ông chú”. Anh nhìn tôi bịn
rịn rồi nói: “Xin lỗi anh, hôm lần đầu nhìn anh ở văn phòng Caritas trông anh
giống như dân vượt tường Bá Linh mới sang!”.
Một nguồn vui rộn rã trong người tôi, máu đỏ trào nóng hổi từ tim tôi ra
và hôm đó mắt tôi sáng lên trước câu xin lỗi chân thành của người mới quen. Tôi
nhảy múa vì tôi sung sướng mình vẫn còn là người Việt. Tôi hãnh diện là con của
cha mẹ, là người bạn trung thành của những thằng bạn dễ thương của tôi và mong
muốn được là một người thầy thuốc “mát tay” cho những người nhà quê Việt Nam chất
phác thật thà.
Mặc dù câu chuyện qua đã lâu nhưng giờ đây nghĩ lại, lòng
tôi vẫn còn rung động, tim vẫn còn đập loạn xạ. Tôi đang nghĩ đến “ông Tây”,
“ông Đức”, “ông Mỹ“… da vàng mũi tẹt may mắn có được địa vị, kiếm được đồng tiền
thì quên hẳn mình là người Việt, không muốn nói tiếng Việt nam, xa lánh ngay những
bạn bè cũ. Một số trở lại quê nhà lại tạo quá nhiều ảo vọng cho những người ở
trong nước bằng cách tiêu tiền vung vít, ăn uống phè phỡn, chưa kể là còn hứa
cuội hẹn trăng…
Tình quê hương, tình máu mủ và tình gia đình dính cứng trong
người tôi, hình ảnh của trận lụt tháng 11.1999 miền Trung Việt Nam mà thành phố
Huế đã ngâm mình dưới 7 thước nước. Tài sản, gia súc thiệt hại vô kể, có 500
người bị nước cuốn đi, bi thảm nhất là có gia đình 8 người trong một gia đình
đã buộc cứng vào nhau để cùng chết cho trọn nghĩa vợ chồng tình cha con. Xác vớt
lên, quan tài liệm đặt trước Đài Tưởng Niệm Trận Vong trước trường Quốc Học-Huế
đã biểu hiện cho một truyền thống liên hệ gia đình bền vững của dân tộc Việt
Nam. Mong rằng đây là một tấm gương cho những người Việt xa quê hương đã hay
đang cố quên đi để chạy theo những văn minh cặn bã của Tây phương, làm băng hoại
cái nền tảng vững chắc gia đình của xã hội Việt Nam.
Trên bốn mươi năm xa Huế, lòng tôi vẫn luôn luôn quằn quại với
những nỗi khổ đau triền miên đến với dân Việt. Mong mỏi tương lai sẽ có một mạng
lưới Y tế hoàn hảo cho người đau, một cuộc sống an lành cho người khỏe và một
quốc gia Việt nam no ấm thịnh vượng cho người dân ngang hàng với các nước trên
thế giới, để hãnh diện một dân tộc đã có trên 4000 năm văn hiến.
Cầu xin cho những người Việt đang xa quê vẫn là người Việt
không mất gốc, hòa đồng với cuộc sống hiện tại, sống trong gia đình với đạo lý
Việt nam, thích thú nơi làm việc và hãy nhìn về quê hương Việt nam thân yêu.
“Bạn đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho bạn, các bạn đã làm gì
cho Tổ quốc chưa?”
(John F. Kennedy)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét