Tôn Thất Hứa
Đại Học Y Khoa Wuerzburg.
Thương tặng những bệnh nhân mang cái thân cùi gặp… những thầy thuốc hủi.
Một buổi chiều tháng 08 năm
1959, tại Toà Viện Trưởng số 2 Lê Lợi, Cha Viện Trưởng Cao Văn Luận và
thầy Bác Sĩ Khoa Trưởng Lê Khắc Quyến báo tin vui là Đức Tổng Giám Mục
và Đại Học Y Khoa Freiburg im Breisgau / Tây Đức sẽ hổ trợ cho sự thành
lập Trường Đại Học Y Khoa Huế là đại học Y Khoa thứ 3 của Việt-Nam sau
ĐH Y Hà Nội (năm 1940) và ĐH Y Sàigòn (năm 1946) với cái tên khiêm
nhượng lúc ban đầu : Faculté de Médecine et de Pharmacie de Hanoi,
section de Saigon; như vậy trường Y Sàigòn khi mới thành lập được coi
như là một chi nhánh của trường Y Hà Nội - Niên học đầu tiên của Đại
Học Y Khoa Huế (năm 1960 -1961). Mẹ tôi thúc giục tôi chọn nghề thuốc
để sau này có thể giúp đở đại chúng và gia đình. Mặc dù hành trang để
vào trường y chưa chuẩn bị đầy đủ như phải học ban A, biết tụng môn Vạn
Vật thuộc như cháo lòng tôi cũng đã háo hức ghi danh lớp Lý Hoá Sinh
PCB (Physique, Chimie, Biologie) đầu tiên tại Đại Học Khoa Học 1959 -
1960 bước đầu để học ngành Y. Sự quyết định hấp tấp này làm tôi tối
tăm mày mặt suốt thời gian còn sinh viên và quảng đời quá bon chen khi
hành nghề y đạo. 2 năm đầu cực kỳ khó nhọc để nuốt trôi được những môn
học cơ bản: cơ thể học (anatomie), tế bào học (cytologie), mô học
(histologie), sinh hóa học (biochimie), phôi học (embryologie), sinh lý
học (physiologie)...., những sinh viên y khoa của những ngày tháng còn
non choẹt chúng tôi tập tểnh đi dần vào thế giới ta bà của bệnh tật.
....45 năm trôi qua, 45 năm nước
chảy qua cầu...Trường Tiền....bến cũ lâu đài bóng tịch dương.
Vào năm thứ 3, sinh viên Y
Khoa được chia phiên đi gác nhà thương, đó là điều vui sướng cho những
ai đã chọn nghề thuốc. Những năm đầu tiên chỉ để có mặt đấu láo với bạn
bè, có ca thì được gọi đi phụ mổ hay theo chân các thầy thăm bệnh,
nhưng cũng chưa giúp ích gì nhiều cho các thầy, đàn anh, cho cả bệnh
nhân ... Tuy thế, cứ mỗi lần được chia phiên gác thì tôi lại thích làm
bộ với mẹ là tôi đi trực "nhà thương" mà không muốn nói là đi gác ở
"bệnh viện", vì "cái nhà mà có tình thương" nghe nó êm tai hơn. Vào lứa
tuổi này thì chúng tôi rất hăng say đi trực đêm nhất là khi có các
người đẹp trong phiên gát. Các nàng tiên đến từ trường Y, Trường Nử Hộ
Sinh hay Trường Cán Sự Y Tế. Thật mà khó quên được những lúc lén khèo
chân đạp cẳng hay lì lợm thêm một chút nửa .... cầm tay các cô nường,
các cô tránh né nhanh gấp bội không làm răng mà đụng được cái làn da mịn
màng rất chi hấp dẩn. Sau này gặp lại người xưa tại miền đất lạ tôi
đặt lại câu hỏi của trên 45 năm trước đây thì ngở ngàng thay khi biết
được các "ấy" sợ có mang khi da & thịt khác giống chạm vào nhau.
Những buổi thực tập lâm sàng
được chia ra nhiều chuyên khoa khác nhau : nội, ngoại sản...... Tôi
không thích cái khoa Nội, học một chuyên ngành mà tim, gan, lá lách
không sờ thấy (foie & rate non palpable) mà còn phải khám rồi tìm
ra bệnh chỉ bằng 5 ngón tay , còn...... hai cái nhủ hoa thấy ngon lành
mà không được sờ, muốn bóp cho bằng thích thì lại không được xoa......
nhưng rồi các bác sĩ khoa nội cũng phải tìm cách chữa mò chữa mẫm
những cơn bịnh tim, can, phổi phèo...... nhờ ống nghe (stethoscope) đà
chẩn (palpation) và gỏ (percussion) ...; tôi theo hẳn về cái môn mổ
bụng người để cho tay phải rờ, tay trái bóp mà cái đầu không phải nghĩ
ngợi lôi thôi, đở nhức xương nhức óc. Tôi không quên được cái đêm lựu
đạn do bọn khủng bố ném tại hội chợ tại Thương Bạc / Huế vào tháng 10
năm 1964 gây thương vong rất lớn; suốt đêm hôm đó tôi có mặt bên cạnh
bác sĩ trực, Thầy Lê Huy Chước và được Thầy cho phép tung hoành một
trận sướng tay, để sáng hôm sau Thầy đã dẫn toàn thể nhân viên trực qua
ăn sáng tại tiệm cà phê Phấn trước chợ Đông Ba, áo quần còn dính đầy
máu. Đây là lần đầu tiên trong quãng đời sinh viên, hôm đó tôi đã làm
lễ "khai đao" bắt đầu làm quen với dao, kéo, kìm, kẹp, nạn nhân chiến
tranh và định hướng cho cái nghiệp chướng mà tôi sắp bước vào. Năm
1982, Thầy và Cô đã đến Wuerzburg thăm gia đình đứa học trò năm xưa,
hình ảnh của một Marlon Brando hào hùng vẩn còn lưu luyến trong tim của
bao nhiêu tài nhân thành phố Huế và đám học trò của Thầy. Xin cám ơn
Thầy đã để lại cho các môn sinh những kỷ niệm thật êm ả trong cuộc sống
đầy phong ba và bão táp, tập thể môn sinh nguyện cầu Thầy Cô có những
giây phút an lành vào tuổi xế chiều còn lại.
" Nhà thương" sẽ mang lại bao
nhiêu sung sướng hạnh phúc, làm lắng dịu hay xóa bỏ nhiều khổ đau của
con người nếu làm đúng theo chức năng của nó, nhà thương cũng sẽ biến
thành "nhà ghét" nếu tại đây người thầy thuốc, y tá và ngay cả nhân
viên thừa hành không làm việc bằng quả tim và lương tâm của họ. Tôi
sung sướng tiếp nối tiếp công việc mà tôi đã qua lớp vỡ lòng về y học
45 năm trước đây tại Huế, đã được các thầy người Việt, Đức, Pháp chuyển
vào tim và mạch máu tôi thiên chức người thầy thuốc. Tôi đã làm việc ở
16 bệnh viện khác nhau, mỗi nơi đều để lại cho tôi những kỷ niệm thật
êm đềm hay những cảm nhận thương đau thầm kín với những những câu chuyện
khó quên.
Có những lúc sung sướng khi
tôi làm được một chuyện hữu ích, hay phải sống những giây phút ngượng
ngùng khi bị bệnh nhân bản xứ hay ngoại quốc từ chối một người thầy
thuốc khác mầu da khám nghiệm. Cũng có những trường hợp ngỡ ngàng khi
một số đồng nghiệp tỏ thái độ mong muốn một người ngoại quốc như tôi ra
khỏi nhà thương để cho họ thay thế vì chính họ đang cần chỗ làm để
nuôi thân. Họ có biết đâu tôi cũng đang vác giò để chạy đôn chạy đáo
kiếm cơm nuôi vợ con bên này và yểm trợ gia đình bên nhà. Sách lược cổ
điển nhưng vẫn luôn luôn được mang ra áp dụng để mở đầu cho những trận
bão táp khốc liệt là thiếu trình độ ngôn ngữ + cách phát âm không chuẩn
để tấn công vào tập thể người thầy thuốc khác màu da và tiếng nói
chúng tôi.
Một lần, trong một phiên trực
tôi phải điều khiển 3 ca mổ. Một ca trở nặng vì mất máu, sau khi đã
khám nhiệm những thủ tục lâm sàng cần thiết, tôi chỉ thị cho y tá
chuyền máu. Tình trạng chung của bệnh nhân xấu hơn với nhiễu loạn tim
mạch nên tôi yêu cầu đồng nghiệp chuyên ngành đến giúp đỡ. Mới bước vào
phòng mổ, anh ta đã la làng la xóm ... tụi bây giết người !!!! ôi cha
ơi! ôi mẹ ơi! tụi ni điên rồi vì ... bệnh nhận đang được chuyền hai
loại máu khác nhau. Một lầm lẫn chết người! Sau khi giải quyết tất cả
những thủ tục cần thiết để cứu sống bệnh nhân, tôi chuẩn bị một cuộc
đấu khẩu tay đôi vì người y tá này cứ la hét bải bải là hắn ta đã làm
đúng chỉ thị của cấp trên đưa xuống, và sở dĩ có sự sai lạc xảy ra là vì
tôi nói tiếng Đức không được chỉnh. Máu chỉ có 4 loại A, B, AB và O
thì sự phát âm không phải vấn đề chính của việc nhầm lẫn chết người,
chưa kể hắn ta là một y tá có kinh nghiệm thì căn bản của sự chuyền máu
hắn ta phải biết rõ. Sau khi chúng tôi lột mặt nạ phòng mổ, tôi mới
phát hiện được hắn ta phạm luật lao động, say rượu trong phiên trực.
Tôi ra lệnh lấy máu để kiểm chứng nồng độ rượu trong máu & lập hồ
sơ mà cũng để cứu thân cứu mạng của chính mình. Lúc đó là 3 giờ sáng,
trong cơn nửa tỉnh nửa mê của con ma men, đầu óc lem nhem luốc nhuốc,
hắn ta đã lấy nhầm bọc máu khi đọc lộn tên bệnh nhân. May mắn hơn nữa là
người bệnh sống sót vì lượng máu không cùng loại độc hại kia chưa đủ
sức để giết người.
Từ đó tôi học được bài học mà đồng nghiệp người Đức cứ nhắc nhở tôi hàng ngày:
"tin tưởng là tốt, nhưng mà kiểm soát thì tốt hơn!
Vertrauen ist gut aber Kontrolle ist besser!
Khi bức tường ô nhục Bá Linh bị
đập tan tành vào ngày 09.11.1989, sau 28 năm phân chia nước Đức hai
phần đông tây, một tờ nhật báo uy tín đã viết lớn một tựa đề: "immer
mehr ziehen von Ost nach West" người Đông Đức sang Tây Đức càng lúc
càng nhiều. Trong năm 2000 có khoảng 43.500 (13.000 người nhiều hơn năm
1999) dân Đông Đức với lứa tuổi 35 hồ hởi sang Tây Đức "tỵ nạn kinh
tế" nơi quê hương mới để tìm công ăn việc làm, nôn nóng mau giàu có cho
kịp anh em họ hàng. Họ, những người dân Ossi - (Đông Đức), không những
chỉ tấn công hay khủng bố với lớp người từ phương xa đến sinh sống đủ
các nghề nghiệp, mà họ cũng còn cạnh tranh gây cảnh rối nồi da xáo thịt
với những người anh em Wessi - (Tây Đức) trong công ăn việc làm....
sau bao nhiêu năm xa và chỉ cách nhau có một lớp gạch nhưng quan niệm
sống hai phía hoàn toàn khác nhau. Cho đến ngày hôm nay Tây Đức (cũ)
vẩn còn chuyển một số tiền tái thiết khổng lồ 80 tỷ Euro/1 năm sang
Đông Đức (cũ) trong thời gian kể từ 1989 => 2005!!!!
Ngành y cũng vậy, bác sĩ và y
tá làm việc trong bệnh viện cũng bị áp lực gia tăng theo ngày tháng.
Còn số y tá từ Đại Hàn, Phi Luật Tân, dù đã đóng góp rất nhiều công sức
về phương diện y tế cho người Đức từ sau thế chiến cho đến khoảng
1973-1974, cũng lần lần bị trả về cố hương hay bị thay thế bởi số y tá
mới được đào tạo tại bản xứ; ngoại trừ một số người được ở lại với
nhiều lý do khác nhau.
Trước 1976, mỗi y sĩ tại nước
Đức phải chăm lo sức khoẻ cho khoảng 400-450 người dân, nên họ dành thì
giờ khám bệnh trong các phòng mạch tư để ... hốt bạc. Còn những công
việc trong bệnh viện phần nhiều do các y sĩ đủ sắc da đảm nhận.
Nhưng từ 1976 để chuẩn bị EU,
để tránh sự xâm nhập các bác sĩ của các quốc gia trong khối Thị Trường
Châu Âu đã có phần thặng dư như Ý Đại Lợi, Tây Ban Nha ... chính phủ
Đức đưa ra một sự thay đổi trong sự đào tạo, thì sự thất nghiệp ngành y
tăng lên rõ rệt. Mỗi năm nước Đức đào tạo 12.000, chưa kể chừng 1.000
bác sĩ tốt nghiệp từ các quốc gia Âu Mỹ khác trở lại cố hương, trong
khi số bác sĩ hồi hưu mỗi năm chỉ khoảng từ 6.000 đến 7.000 người. Số
bác sĩ trở nên thặng dư rồi đưa đến thất nghiệp. Vì vậy, người thầy
thuốc ngoại quốc muốn có công ăn việc làm tại nước Đức phải có tay nghề
cao và trên "cơ" các bạn đồng nghiệp người bản xứ.
Tại Đức có 2 giáo sư Việt Nam,
giáo sư Phạm Gia Gia Th. về mắt ở Berlin, giáo sư giải phẫu Nguyễn Văn
S. ở Aachen - Aix à la Chapelle và trên 150 người thầy thuốc đủ ngành
trong tổng số 357.000. Một sự đóng góp quá khiêm nhường so với số thầy
thuốc gốc Việt-Nam tại Pháp và Hoa Kỳ.
Tôi đã có lần đã tái xanh máu
mặt vì thái độ thiếu thân thiện của đồng nghiệp đang ăn không ở rồi,
với một người ngoại quốc "không hợp thời" như tôi lại có chỗ kiếm ra
tiền đong gạo để nấu cơm nuôi sống gia đình. Tôi là một cái gai của sự
ganh tỵ. Có anh đã hỏi thẳng như ruột ngựa : -Ê! Không biết lúc nào bạn
sẽ rời nước Đức để trở về cố hương? Tôi đứng như trời trồng trước câu
hỏi hóc búa. Anh bác sĩ trẻ người Đức, thay vì theo thói người Việt Nam
hay thăm hỏi quanh cho ra vẻ lịch sự Á Đông, thì ở đây đối diện mặt
tôi, anh đã "ăn một hòn nói một cục như củi mục chấm mắm nêm". Tôi nuốt
hờn vì tôi thừa hiểu, bao năm ăn học tốn công tốn của, nay anh đang
thất vọng tìm chỗ học chuyên khoa để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Sự
thất vọng đè nén tâm can cho nên anh phải tung chưởng ra một nơi nào đó
để trút niềm uất hận. Tôi xin đón nhận cái hờn của anh trong cảm thông
và cầu xin Phật ban cho anh một niềm tin để mà sống, giảm bớt sân si
hỷ nộ để mà vui. Tôi chưa thỏa mản được ước vọng của anh ... vì tôi
cũng đang chạy đua hộc hơi để lo cuộc sống của chính mình và gia đình.
Tuy nhiên, nếu anh bạn biết rằng, có bao nhiêu đêm trực đầu tiên trong
đời tôi tại đại học Wuerzburg, tim tôi hầu như "chết đứng" khi nghe
điện thoại trong phòng trực reo lên. Tôi đã không dám nhấc máy lên vì
ngại không hiểu, không thạo tiếng Đức để giải quyết khó khăn. Phải nói
sợ nhất là những trường hợp trúng độc vì thuốc, tôi phải điện thoại đến
những trung tâm lớn cả nước Đức để xin ý kiến của các chuyên viên
chống độc; lấy kinh nghiệm của ngươi khác để cứu bệnh (mà cũng để cứu
mình luôn) trong khi tinh thần lại quá căng thẳng. Chỉ một nhầm lẫn
chết người thì mất việc là cái chắc! Cái mộng có được cấp bằng chuyên
khoa xem như đi đoong !!! Trách nhiệm trong việc làm cũng như trách
nhiệm với vợ con và gia đình là cái năng động chạy trong cơ thể tôi,
thúc đẩy tôi làm việc. Phải làm cho đúng và sống cho sạch. Nếu anh bạn
đồng nghiệp đó (mà không phải chỉ có một) biết rõ như vậy thì chắc anh
đã không đẩy hết "mười thành công lực" vào mặt tôi!
Nghĩ đến số tiền lương hàng
tháng và chuẩn bị tư thế để ra toà ... vì một vết mổ bị nhiễm trùng,
một vết mẻ của hàm răng khi đặt ống nội khí quản để gây mê là những đề
tài tranh luận hàng ngày của một tập đoàn luật sư các hãng bảo hiểm
riêng của tôi và của bệnh viện đối chọi với các luật sư của bệnh nhân
... Họ đòi bồi thường tiền vì đau (Schmerzengeld) hay trả lại cho bệnh
nhân tiền làm lại hàm răng giả... Lắm khi tôi cũng muốn "giã từ vũ khí"
nếu tôi không còn nặng gánh nợ gia đình. Càng ngày càng bi đát vì các
hãng bảo hiểm sức khỏe không thanh toán hết những hoá đơn, nhất là số
tiền của những hàm răng giả, những cặp kính đeo mắt mà cơ sở bảo hiểm
sức khoẻ cho đó chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà thôi chớ không phải nhu cầu
bệnh hoạn thì sự tranh chấp gia tăng thấy rõ. Người bệnh họ cũng muốn
không phải trả tiền túi bằng cách thử thời vận một chuyến qua sơ hở
trong công việc hàng ngày của chúng tôi.
Đây là thống kê sau cùng của Hiệp Hội Y Sĩ Đức đưa ra:
Số bệnh nhân cho 1 người thầy thuốc
Ý Đại Lợi 193
Tây Ban Nha 244
Hy Lạp 259
Quốc Vương Bỉ 274
Áo Quốc 291
Cộng Hoà Liên Bang Đức 305
Bồ Đào Nha 342
Đan Mạch 357
Pháp 362
Phần Lan 371
Hòa Lan 388
Thuỵ Điển 390
Bảng thống kê dưới đây được tính bằng 1.000
Tổng số người thầy thuốc Cộng
Hoà Liên Bang Đức
357,7
Tổng số người thầy thuốc không
có việc làm 70,7
Tổng số người thầy thuốc đang hành nghề 287,0
Số thầy thuốc hành nghề tự do 124,6
làm việc tại bệnh viện 135,8
công nhân viên nhà
nước 10,5
các công việc khác 16,1
Không những chỉ đối phó với
nhân viên thuộc quyền, chúng tôi cũng bị y tá các phòng bệnh tấn công
tới tấp. 2 tháng sau khi nhận việc tại một nhiệm sở mới, tôi "thộn" mặt
trước ban giám đốc để chứng mình là vô tội vì một y tá của khoa phòng
tố cáo là tôi đã lấy cắp một chai rượu vang để uống. Tôi bị bóp cổ một
cách vu vơ mà chắc chắn do kỳ thị mà ra.
Tôi tủi thân sống giữa những
đố kỵ với những mũi dùi nhọn chung quanh chực chờ đâm vào mình, cho nên
tôi nộp đơn xin thôi việc trước sự bàng hoàng của ban giám đốc : hồ sơ
có kèm theo giấy thử nghiệm máu của tôi xác nhận là thiếu chất diếu
(enzyme) dehydrogenasen; một loại diếu cần thiết để làm tiêu chất rượu
trong thân thể con người (không phải một mình tôi mà phần đông người
Việt vẫn thiếu diếu tố này). Tôi khăn gói ra đi với một ước vọng duy
nhất là để lại nơi đây tinh thần "lợi hoà đồng chia" của Đạo Phật nhằm
chan trải tình thương yêu cho mọi người trên thế giới ta bà này.
Trên đất khách quê người, khi
chưa tìm thấy lý tưởng của việc làm, tôi theo gót giang hồ cùng các bạn
đồng nghiệp phục vụ trong tổ chức
thầy thuốc không biên giới
(Physician without Borders -
Médecins sans frontières - Aerzte ohne Grenzen),
hoặc Hiệp Hội Y Tế Hải Ngoại
Thiên Chúa Giáo
Association for Overseas
Medical Service - Medical Mission Institut,
Association des services
medicaux d' Outremer - Institut Missionnaire Medical,
Verein für aerztlichen Dienst
in Uebersee - Missionsaerztliches Institut.
Trong những tổ chức này, tôi đã
sống nhiều với kỷ niệm vừa dễ thương vừa hãi hùng... thú vị. Hội chúng
tôi có mặt tại một xứ Ả Rập, một nữ đồng nghiệp có cấp bằng chuyên khoa
giải phẫu hẳn hoi, sau khi chẩn bệnh cho biết bệnh nhân bị viêm ruột
thừa phải cần mổ. Để tránh phiền toái các nhân viên đang ăn giở, bà ta
cho biết sẽ trở lại sau bữa cơm trưa. Y hẹn, bà ta trở lại thì ôi chao
ôi, bệnh nhân đã được các nam y tá địa phương cắt bỏ ruột dư một
cách... ngon lành. Chúng tôi được gọi đến và nhìn thấy cảnh y tá làm
"phẫu thuật viên" đang cầm dao mổ bụng người và được giải thích một
cách thoả đáng : tôi làm theo khám nghiệm và đúng chỉ định của bà bác
sĩ... "nhưng ở xứ này đàn bà chẳng có "ki lô" mô cả, cho nên bọn tôi "y
tá đàn ông" mạn phép mài dao mổ bụng thay thế "mụ đàn bà bác sĩ!".. ôi
chao ơi là mấy cái xứ Ả rập ni.
Một lần khác, khi cơm tối xong,
một số người trong chúng tôi chuẩn bị đi lễ nhà thờ thì một đám người
đèn đuốc sáng choang, tay mã tấu, dao phay hò hết trước nhà thương của
chúng tôi: "Giết! Giết!!!... Giết hết chúng nó! Đốt cháy luôn cả cái
nhà "ghét" kia nữa! Tụi nó bôi nhọ chúng ta! Chúng nó dám nhục mạ
Mohammed...lôi tụi nó ra ... giết giết hết...Allah, Allah...!!!". Hoảng
hốt trước sự giận dữ trong cao độ của nhóm người bản xứ mà sợ chết oan
cũng có.., các bà Xơ quỳ xuống đọc kinh cầu nguyện, lạy cả tơi lẫn
nón; một số người khác cố tìm cách dàn xếp sự việc với mấy ông trời con
đang nổi giận. Nguyên do cũng vì mấy con sán. Sán "xơ mít" (taenia) có
2 loại: sán lợn (taenia solium) và sán bò (teania saginata) tùy theo
ấu trùng của giống sán đã sống trong cơ thể của loại sinh vật nào.
Người mắc bệnh do ăn thịt sống có trứng lải, mà cũng có thể do rau sống
không rửa sạch. Sau một màn thông dịch bằng tay chân mới biết là dân
chúng Hồi Giáo cảm thấy bị sỉ nhục khi một đồng nghiệp tìm thấy trứng
"sán heo" trong phẩn của một chức sắc trong họ đạo Islam và đưa ra định
bệnh => thưa Ngài, Ngài có sán ... heo mà lòng tin của người Hồi
Giáo không chấp nhận được là có đạo Hồi mà lại ăn thịt heo! Chúng tôi
giải thích là "Ngài" của chúng tôi đã ăn nhầm phải rau cải có ấu trùng
sán, rồi trứng sán lớn lên thành con sán trong ruột người, rồi con sán
đẻ ra trứng và trứng được thải ra theo phẩn ... và cứ như rứa xoay vần
lây bệnh giữa người - thú vật cho nhau. Hú vía chưa chết nhưng cũng là
một bài học chung. Hôm trèo máy bay đi Ấn Độ, sau một cú vỗ vai thân
mật, Giáo Sư Giám Đốc chương trình khuyên tôi chỉ trả bài học sán "xơ
mít" mà đừng bàn đến chuyện "sán bò" với cả 1 tỷ người Ấn Độ Giáo để
khỏi bị xé xác nghiền xương, còn cơ hội trở về thấy mặt vợ con...
Ngày 07 tháng 11 năm 1997, tập
san số 45 của Hiệp Hội Y Sĩ Đức kỷ niệm 50 năm thành lập đã cho đăng
tải hồi ký của nhóm Y Sĩ thiện nguyện làm việc tại Cộng Hòa Nam Phi với
tựa đề:
Hospital in Johannesburg -
Taeglicher Kampf gegen Mangel und Gewalt (Bệnh viện Johannesburg - Cuộc
tranh đấu hàng ngày chống lại thiếu thốn và bạo lực) mô tả lại những
công việc của chúng tôi làm trong khoảng thời gian phục vụ tại Cộng Hoà
Nam Phi vào tháng 10.1996.
Chúng tôi bắt tay vào công việc
tại một bệnh viện nằm sát cạnh nhà ga xe lửa. Ngày đầu tiên, chúng tôi
chỉ mổ 2 nạn nhân: một ngưòi đàn ông bị trúng đạn, còn người đàn bà bị
dao đâm. Thống nhất ngôn ngữ, bản định bệnh nên được viết ngắn gọn: bị
trúng đạn thì ghi "gunshot", bị đâm thì "stab" và ghi thêm phần cơ thể
bị thương.
Vào ngày 24 tháng 10 (cứ luân
phiên 4 ngày một lần) chúng tôi có phiên trực 24/24. Bệnh nhân của
chúng tôi là nhóm người da đen thuộc thành phần nghèo đói nhất của loài
người. Nhóm bác sĩ làm việc tại đây gồm có nhiều gốc khác nhau: Bảo
Gia Lợi, Nga, Nigeria, Ấn Độ, Bangladesh và bác sĩ người bản xứ.
Điều mà tôi không thể chấp nhận
được là, bệnh nhân thay vì được bác sĩ và y tá xoa dịu nỗi đớn đau thì
ngược lại thường bị mắng chửi và có khi nhận "được" cả một tát tai. Bác
sĩ hét vào mặt nạn nhân: Killer und Gauner! (đồ giết người và trộm
cướp!) hoặc: Wer aufmuckt, fliegt raus! (đứa nào lộn xộn thì cút đi
ngay!)... Một trường hợp điển hình: George, khi chuẩn bị đặt ống thông
phổi (Pleuradrainage - drainage pleurale) đã nói với bệnh nhân: "You
will sream and shout. Do this in your mind or you can go!" (mày muốn la
muốn hét há, câm miệng đi là vừa hay ... chuẩn bị mà cút đi!).
Chuyển vào cấp cứu một thiếu
phụ còn trẻ hôn mê, nhiễm trùng nặng, tìm thấy một vết thương sau ót đã
có mủ, bà ta nằm ngoài lộ đã 2 ngày. Chụp cắt lớp (CT) thấy 1/4 não
tràn máu, khám thân thể bị bầm tím khắp nơi. Bà ta bị cưỡng hiếp. Thảm
thương thay, sự kiện này lại chẳng gây xúc động cho ai vì sự cưỡng dâm
tại đây xảy ra như cơm bữa!
Một lần khác, một thanh niên
đi cà nhắc vào phòng khám vì một viên đạn ghim sâu vào lớp thịt mông
không thể moi ra được, phải mổ. "Mày về nhà đi, khi nào mày đau lắm thì
trở lại đây tau gắp ra cho!!!" Đó là lệnh của bác sĩ cấp cứu. Nhưng nạn
nhân không bao giờ trở lại nữa, vì sau đó cảnh sát tìm đến và tóm cổ
hắn ta ... vì vừa rồi hắn đã chận đường cướp giựt và ăn kẹo đồng của
cảnh sát!
Trường hợp khác, vào lúc 3 giờ
sáng, một thanh niên 17 tuổi khập khễnh vào phòng trực vì bị nhiều vết
đạn ở vai do tội bất cẩn khi chùi láng nòng súng riêng của anh ta. Raj,
một bác sĩ người Ân Độ lạnh lùng phán: "- Tao hy vọng xương của mày
cũng bị vỡ vụn luôn để tao chuyển mày về khu xương. Đ. M. tao mệt quá!"
(I hope your bone is broken that I can send you to the Orthopedics.
I'm fucking tired). Nạn nhân đã chống gậy đi gần suốt thành phố
Johannesburg để được nghe... chửi. Buồn thay cho người dân nhược
tiểu!!!
Vào một buổi sáng sớm ngày 28
tháng 10, vừa mở cửa phòng cấp cứu thì đã có một nữ nạn nhân chờ sẵn
với nhiều vết dao đâm ở ngực, lưng; một vết sâu ở cánh tay, một vết dao
rạch ở má cộng thêm một đường dao khá sâu kéo dài từ mắt đến mũi. Hung
thủ là bạn trai (boyfriend) của nạn nhân. Mahmood, bác sĩ Ấn Độ dáng
người trầm tĩnh, nhiều lương tâm chức nghiệp, gọi một nữ sinh viên nội
trú người Đức trong nhóm chúng tôi và nói:
- Đây, bệnh của cô đó!
- Tôi chưa biết khâu vết thương! Cô ta trả lời.
Madmood khâu và chỉ cho cô ta 3
mũi kim rồi để cô ta tiếp tục "hoàn thành công tác" sửa sắc đẹp. Sau
gần 2 tiếng đồng hồ hì hục chấp vá, anh Mahmood thỉnh thoảng đi qua đi
lại để xem thành quả lớp vỡ lòng may vá ngay trên thân thể mặt mày con
người và cuối cùng anh nhận nhiệm vụ khâu vết thương dài từ khoé mắt đến
lỗ mũi. Ba ngày sau nạn nhân được phép xuất viện.
Hôm khám ngoại chẩn
(outpatients day) - khám bệnh miễn phí, từ sáng tinh mơ, bệnh nhân đã
xếp hàng dài. Nơi đây người ta thường nghe: "nói nhanh lên cha nội, ở
đây không có nhiều thời giờ!" (Speak quick, baba, there is no time!).
Đàn ông được gọi là "baba", còn đàn bà thì gọi "mama". Không khí nhà
thương mà chẳng thấy có chút tình thương nào cả!
Công việc thường ngày của chúng
tôi là chữa những vết thương lỗ đầu sứt trán do gạch đá, gậy gộc đập
vào đầu. Khi có máu chảy với "nứt" sọ dừa thì được nằm bệnh viện 3
ngày, bằng không thì "hamba kaya" - go home - geh nach hause - về nhà
đi mày ... người da đen nói tiếng Zulu do đó sự khám và định bệnh thật
rất hạn chế.
Một người đàn ông bị chém vào
cánh tay, máu chảy xối xả chạy đến xin cứu mạng. George cố tìm chỗ chảy
máu ... nhưng không tìm thấy. Anh ta khâu kín vết thương nhưng máu vẫn
tiếp tục ào ra. Anh phải gọi người tiếp cứu. Mahmood ra tay cứu độ. Mũi
khâu cầm được máu, ngoảnh lại thì mạch của nạn nhân còn 70/45, tim đập
160, mồ hôi lạnh chảy trên trán và hết...xì oách để trả lời các câu
hỏi của bác sĩ... Tốt, cho chuyền 2 lít dịch và sau 2 giờ hồi tỉnh thì
a-lê-hấp "hamba kaya" về nhà!
Vào nửa khuya, một thanh niên
được chở đến với một vết thương háng trong tình trạng mất máu nặng.
Hiện chỉ có một bác sĩ và một sinh viên trực đang có mặt. Khi bơm dưỡng
khí qua mặt nạ cấp cứu thì máu trào từ bao tử xối xả. Mạch của nạn
nhân không còn nữa. Toán cấp cứu bắt đầu bóp tim và bơm dưỡng khí để
hồi sinh, thây kệ máu và đờm giải trong miệng. Cuối cùng y tá mới tìm
được một ống hút, rồi chạy đi mò mẩm tìm máy điện tim (EKG), George
thất bại không đặt được ống nội khí quản. Mãi 5 phút sau, y tá mang đến
cho máy điện tim. Sau 10 phút cứu mạng không thành công, người bác sĩ
trưởng toán la lớn: "Let's leave it, he's dead" (Thây kệ, nó chết
rồi!). Lật bụng ra khám, một bác sĩ nói lẩm bẩm với nhiều bực bội: "He
did't learn, now he's dead" - mẹ kiếp thằng này ngoan cố không chịu
học bài, bây gió nó phải chết. Anh ta vừa tìm thấy một vết mổ bụng dài,
trước đây hắn ta đã có lần bị ăn đạn lủng bụng.
Vào ngày 05 tháng 11, một nạn
nhân bị đập vỡ sọ được chở vào viện xin cấp cứu. George, bác sĩ trực,
cho gọi nội trú đến để thanh toán chiến trường. Mở lớp băng tạm ra,
ngoài da thịt nhầy nhụa còn có một chất trắng đỏ hồng trộn lẫn với mảnh
xương sọ vụn do sức mạnh cú búa tạ ngàn cân gây nên. Người sinh viên
cầu khẩn nhờ Raj mách lối. Nhìn nhanh vào đống da, thịt, não và xương
trộn lẫn nhau, anh ta nói tỉnh bơ: "Don't mind, he' ll die anyway" (Bồ
đừng lo, thằng này rồi cũng đi đong!). Người sinh viên đậy lại vết
thương bằng gạt vô trùng sau khi kỳ cọ sạch các chỗ dơ. Đâu đây trong
phòng cấp cứu có treo huấn thị của ban Giám Đốc Bệnh Viện: các vết
thương sọ não vào độ hôn mê cấp 6 thì được chuyển đến khu ngoại thần
kinh để giải quyết (Glasgow Koma Skala). Nạn nhân hôm nay không được
may mắn để được chuyển đi, anh ta chỉ được xếp vào cấp 5 mà thôi!
Trong phòng cấp cứu của phiên
trực ngày 11.11 còn ít bệnh, chúng tôi có đủ thì giờ hướng dẫn người
bác sĩ nội trú một ca đặt thông phổi đầu tiên cho một nạn nhân 17 tuổi.
Anh ta khai bị đâm vào lồng ngực, kết quả sau khi thắng một cuộc cá độ
với bạn bè. Ngay sau đó, xe cấp cứu chuyển 4 nạn nhân "stabbed chest"
bị đâm vào ngực. Người bạn trẻ có dịp thực tập thêm bài học vỡ lòng vừa
mới học hỏi. Người thứ 5 bị bắn vào mặt, ôi thôi khi mở băng ra thì
anh ta thiếu một nửa hàm dưới, khuôn mặt được đậy kín lại.. Anh ta phải
chờ bác sĩ thẩm mỹ ra tay.
Rồi đột nhiên phòng cấp cứu bị
mở tung cửa ra, toán cấp cứu chở đến một thanh niên người da đen áo
quần bảnh bao máu tuôn xối xả; miệng còn la chí choé "they took my car"
- chúng nó cướp xe của tôi! Anh ta là nạn nhân của bọn cướp đường. Chủ
xe thường bị bắn trọng thương truớc khi xe bị giựt. Con đường đưa nạn
nhân đến phòng chống choáng (shock) nằm cạnh phòng mổ là cả một sự mạo
hiểm ... Thang máy đến quá chậm, rồi lại chạy ngược hướng đã chỉ định.
Banh bụng ra thì thấy khoang bụng ngập thức ăn: bao tử và ruột già
trúng đạn, viên đạn dính cứng vào khớp đùi phải. Phải chờ đến một tiếng
sau, máu mới được mang đến, bác sĩ gây mê còn để bịch máu 10 phút rồi
mới cho lệnh truyền; sau đó 30 phút thì cái màn hồi sinh cấp cứu được
trình diễn một cách muộn màng ... Nạn nhân sẽ không bao giờ tỉnh lại
nữa. Anh ta là một con vật hy sinh cho một công cụ cứu người bằng một
nhóm người thiếu lương tâm và tinh thần trách nhiệm!
Hôm 13 tháng 11 ít công việc.
Phòng nhận bệnh chỉ có những vết thương bị nhiễm trùng, ung thư âm đạo,
ung thư vú bị di căn (metastase) da, có cả bệnh nhân bị lao (TBC) và
HIV. 4 bệnh nhân bị đạn nhưng không bị trúng khớp, viên đạn còn ghim
trong lớp thịt. Sự chữa trị cũng khác nhau. Một vài bác sĩ làm sạch vết
thương, người khác cho dán lại vết thương bằng băng keo lại và cứ mỗi
lần như thế, bệnh nhân ôm một gói trụ sinh về nhà tiếp tục chữa trị,
chỉ những vết đạn vào bắp vế cho phép ở lại để theo dõi biến chứng.
"Urgent" - dringend - khẩn cấp -
một băng keo màu đỏ được dán trên trán những bệnh nhân được xếp hạng
"nặng". Họ nằm, họ ngồi giữa đám người kiên nhẫn chờ đến phiên được bác
sĩ hay y tá ra tay cứu độ, thật là một hiện tượng lạ.
Công việc của chúng tôi không
mang nhiều kết quả mong muốn, nhất là sự ngược đãi bệnh nhân làm chúng
tôi đôi khi cũng phải bực bội.
Một bệnh nhân 42 tuổi được định
bệnh là bị ung thư thực quản, cả 2 tuần nay không được khám nghiệm kỹ
càng, hàng ngày chỉ nhận được những viên thuốc chống đau để chờ ngày
mổ. Phẫu thuật viên giải thích cho người bệnh rất sơ sài bằng một hình
vẽ: "We cut here and here, suture and finish, you have got a tumor" -
chúng tôi cắt cho này và chổ này này.. sau đó nối 2 đầu lại và hết, anh
có một cục bướu. Công việc của người thầy thuốc thật quá hời hợt,
thiếu tinh thần trách nhiệm. Sau một lần thăm bệnh chung, người bệnh
nhân đáng thương kia đã chận một người trong chúng tôi lại và hỏi:
"What is a tumor" - ông ơi, bướu là cái gì hở ông!! Cắt bướu xong có
lành bệnh không? Tôi còn vợ và 2 con nhỏ". Dù có cố gắng vượt bực nào đi
nữa thì với bức tường ngôn ngữ ngăn cách cộng với kiến thức của người
bệnh, chúng tôi không thể giải thích cho ông ta tường tận căn bệnh. Ông
ta "cấm khẩu" cho đến ngày lên bàn mổ. Cục bướu dính cứng vào mặt sau,
phẫu thuật viên không dám gỡ vì sợ chảy máu ... Đóng vết mổ lại. Sau 4
ngày, bệnh nhân được xuất viện và được cho biết là cuộc giải phẫu hoàn
mỹ. Một mùi chua trong miệng, tôi đang buồn nôn để đón mừng cho một
thành tích nói láo của các "lương y như từ mẩu".
Máu tại đây cũng là cả một hiện
tượng. Gọi cung cấp máu có khi cả giờ cũng không thấy; khan cả cổ, mỏi
cả họng để tìm nhân viên qua điện thoại hay qua funk mà cũng không
thấy mặt mũi nhân viên đi lãnh máu về. Một đôi khi chúng tôi tìm thấy
cái Funk để trong góc giường phòng trực, nhân viên đã về nhà từ ...
khuya! Để tránh cảnh chờ đợi vô lý và hỗn loạn tinh thần, chúng tôi
phải đảm nhận luôn nhiệm vụ đi lấy máu. Ngân hàng máu cách chúng tôi
chỉ có một con đường!
Hồi sinh tại đây cũng là một
trò chơi bán mạng. Khẩn cấp đặt ống nội khí quản thì lại thiếu cục pin
trong bộ phận của máy đặt nội khí quản. Chúng tôi la lên "get another
one" - tìm cục pin khác! Đứng như trời trồng, cô y tá trả lời "there is
no other one"- không còn cục pin nào khác! "Go to another ward!"- tìm ở
phòng khác! Cô y tá vẫn bất động.
Chưa hết, thay băng hay tháo bó
bột gãy xương cũng là một cái khổ. Ngoài cái mùi hôi hám xông lên mặt,
còn nhìn thấy bao nhiêu con bọ chạy lung tung bên trong.
Khu Sản tại đây cũng vô cùng
bận rộn, hàng ngày trung bình 50 trẻ con ra đời. Tôi cảm thấy rất lạ là
người dân bản xứ Zulu không thấy có những xúc động sau khi bác sĩ khám
thai và phán : "Okay sissi, your baby is dead" - okay, cô nương ơi,
bào thai đã chết! Trong phòng sinh thì máu me đầy. Tôi nhìn công việc
hàng ngày và nghĩ, nếu các cô mụ chịu khó cẩn thận thêm một chút hay có
một người nào chỉ bày rõ ràng những thao tác cơ bản việc làm thì chắc
chắn nhiều sản phụ sẽ không mất nhiều máu mà đôi khi thật không cần
thiết...
Vào ngày 6 tháng 12, ngoài
chương trình chữa bệnh chúng tôi còn đối diện những nghịch cảnh tâm lý
và xã hội địa phương. Một đàn bà còn trẻ bị bầm tím và vết thương khắp,
người thủ phạm hầu như thông lệ "boy friend". Bà ta bị hành hạ thân
xác dằng dẳng 7 tiếng đồng hồ bằng một sợi giây điện. "Boy friend" nghi
bà ta ngoại tình vì bà bị nhiễm trùng âm đạo. "Liệu bà sẽ bỏ hắn ta
không?" một người trong nhóm hỏi ... "Đi đâu bây giờ!" Về nhà thì cha
ghẻ hành hạ, không nhà không cửa không có tiền ... mà chỉ có một đứa
con còn dại.
Một bà khác khai với chúng tôi
bà có 2 "boy friends". Bà ta không thể cho các bạn trai biết được là bà
bị nhiểm trùng Aids - HIV - 2 người đều chung sức đấu cật, chơi chung
một chỗ ... còng lưng trả tiền nhà và còn chia tiền để nuôi đám con
thơ.
Tôi thường tự hỏi : người Zulu ở
đây thật có tình người không? Họ muốn đâm chém để giết nhau hay...
chỉ đâm nhau cho đã cơn nư, nguôi cơn giận! Sân si hỷ nộ ... có một kỷ
niệm làm lương tâm tôi thao thức như chính mình đã phạm tội. Nạn nhân
bị đâm những 80 đến 100 lát dao vừa cạn vừa sâu, máu chảy xối xả khắp
mình. Chúng tôi 3 ngưòi sau gần 3 giờ đồng hồ may vá, bệnh nhân được ổn
định tình trạng sức khoẻ tổng quát, tiếp tục được hổ trợ thở bằng máy.
Đến chiều chúng tôi được biết là anh ta đã ngủ tì một cách quá tức
tưởi! Vị bác sĩ trưởng phòng hỏi y tá là bệnh nhân đã tự thở được chưa
hay còn cần máy? Nghe nhầm, y tá cho cắt điện máy thở.
Vì phương tiện chẩn đoán quá eo
hẹp, không có hệ thống bảo hiểm sức khoẻ, trình độ học vấn thấp kém của
người dân là những yếu tố đưa đến sự đối xử tàn bạo và thái độ hống
hách của các thầy thuốc, y tá với các bệnh nhân tại các nước chậm tiến.
Tại các nước Âu Mỹ, nhờ qua một hệ thống bảo hiểm sức khoẻ hoàn mỹ,
một căn bản học vấn của người bệnh và ngưòi thầy thuốc nhận thức được
trách nhiệm cho nên ngưòi bệnh được định bệnh chính xác, chữa trị đúng
mức. Thì cũng chính tại nơi đây, bệnh nhân lại mài dao dũa kéo để sửa
soạn đưa người thầy thuốc ra tòa; một đôi khi có những đòi hỏi quá mức
và kéo theo những hành động không lường được!
Một phi công của hãng Lufthansa
bị nghi sốt rét, sau khám nghiệm máu kết quả cho thấy có đến 300/1000
hồng huyết cầu bị nhiễm trùng Plasmodium falciparum, một nồng độ nhiễm
trùng sốt rét quá cao, rất nguy hiểm ngay cả tánh mạng. Tôi trình bày
phương thức điều trị bằng cách thay máu, và nếu bắt buộc có thể đưa đến
thở hổ trợ bằng máy nếu có triệu chứng suy hô hấp. Ông ta nhất định từ
chối nhưng lại không chịu ký vào biên bản nên đã gây ra khó khăn và
định trệ công việc chữa trị. Ông ta viện lý do là mặc dù là một phi
công đường bay từ Đức đến Phi Châu, nhưng cứ mỗi lần đến Phi châu, ông
ta luôn ngồi trong phòng lái đã được đóng kín cổng cài then, ông ta
không tin tưởng vào thử nghiệm máu. Ông bị muỗi anophèles nhiễm trùng
đốt, theo ông là do ảo tưởng của các bác sĩ phòng hồi sinh. Ông ta quên
là muỗi đã truyền bệnh và hắn đã trèo máy bay nhờ bám vào áo quần hay
hành lý của khách hàng- một hành khách ngoại lệ không có trong danh
sách đã mua vé.
Một bệnh nhân đến phòng ngoại
chẩn kêu la đau bụng. Qua khám nghiệm lâm sàng thì y chang bị ruột dư
cấp tính mặc dù khám nghiệm máu không có gì đặc biệt. Tỉnh dậy sau khi
mổ, anh sung sướng đã được giải phẫu và nhất là ... đã đánh lừa được
tập thể chúng tôi. Trước đây 5 năm, anh ta đã có lần bị mổ ruột thừa
viêm, cho nên anh đã thuộc nằm lòng triệu chứng cơn bệnh và vì chỉ
trong thời gian ngắn, anh đã mập ra quá nhiều cho nên bác sĩ phòng nhận
bệnh đã không tìm được vết mổ cũ nữa. Anh ta đã chấp nhận mọi nguy
hiểm của trò chơi ngay cả mạng sống. Anh sẽ được nghỉ thêm vài ngày để
dưỡng sức và để chọc quê "nghiệp đoàn thầy thuốc", nhất là anh hoàn
toàn không phải trả chi phí nào cho lần giải phẫu thứ hai đó!
Vào 3 giờ sáng chúng tôi phải
thực hiện một cuộc giải phẫu ngắn. Bệnh nhân là một bác sĩ chuyên khoa
thận (Urologe) bị nước bọc đái (hydrocele). Nước bọc đái là một chỉ
định bắt buộc phải đuợc mổ để lấy bọc nước như ông đã chuyển bao nhiêu
thân chủ của ông đến mổ tại các bệnh viện tỉnh. Còn chính bản thân mình
thì sau nhiều lần vì sợ mổ, ông ta dùng kim chích lấy dịch đọng. Mãi
cho đến hôm nay bị tổ trác bọc, dái bị nhiểm trùng và .. thẹn thùng cố
tránh né bạn bè, che mắt thân chủ, ông đến nhà thương trong đêm vắng để
được trị bệnh đúng mức...
Còn tại Việt Nam... Công việc
tại nhà thương đôi khi vẫn chưa đủ để người thầy thuốc Việt-Nam thi thố
hết bản năng. Người thầy thuốc Việt-Nam đã có mặt khắp mọi nơi tùy theo
nhu cầu cần thiết để đóng góp cho y học, cho quốc gia và cho nhân
loại.
Trong thời gian còn ngồi ghế
nhà trường, tôi vẫn luôn luôn ngưỡng mộ những bậc thầy, bậc trưởng
thượng và các đàn anh ngoài khả năng nghề nghiệp, họ đã góp mặt cho đất
nước với tài năng riêng. Có vị đã quyết định vứt hẳn cái ống nghe, Bộ
Trưởng Ngoại Giao bác sĩ Trần Văn Đỗ đã tham dự trong những bàn cãi
trong tầm mức quốc tế của năm 1954 liên hệ đến vận mệnh quốc gia, Quốc
Vụ Khanh bác sĩ Phan Quang Đán, bác sĩ Phan Huy Quát dấn thân vào con
đường đấu tranh. Các vị đã khẳng định chỗ đứng của họ trên đường đời.
Họ đã phân chia việc làm của họ : nhà thương hay công sở chính phủ.
Có vị vẫn khoác áo blouse mà
vẫn là một viên chức cao cấp của chính quyền, bác sĩ Trần Minh Tùng.
Khi chúng tôi trình diện khoá Trưng Tập 10, Ông là Đại Tá Chỉ Huy
Trưởng Trường Quân Y, một chef trực tiếp khả ái với giọng Nam đầy nhiệt
thành của toàn thể Y Sĩ Trưng Tập của chúng tôi. Sau này làm Tổng
Trưởng Y Tế, Bác Sĩ Trần Minh Tùng đã đọc những bài diễn văn rất hấp
dẩn nẩy lửa, phòng mạch lại rất đông khách.
Trong Tập San Y Sĩ số 134 (tháng
2 năm 1997) trong bài "Kỷ niệm với thầy Bảng", bác sĩ Phạm Tu Chính đã
viết lần gặp gỡ tại tư thất Thầy Nguyễn Đình Cát, ngoài Giáo Sư Trần
Văn Bảng, có viết đến tên bác sĩ Phạm-Huy Cơ.
Tôi biết đến tên tuổi Ông bác sĩ Phạm-Huy Cơ qua :
Press Articles of Dr. Pham Huy Cơ's - Visit to America (December 1961 - Januar 1962),
We Want to win - The National Coucil of the Vietnamese Revolution 1963 -
Cuốn sách tựa "The ten
Vietnamese" by Susan Sheehan - Alfred. A. Knopf - New York - phát hành
1971, các bài báo và phỏng vấn trên New York Time, The News World, 1983
và 1984;
Nhiều cuốn sách Việt Ngữ gần
đây đã nhắc nhiều lần đến tên bác sĩ Phạm Huy Cơ : Viêt-Nam Máu Lửa Quê
Hương Tôi - Hồi ký chính trị - Hoành Linh - Đỗ Mậu. Việt-Nam một bầu
trời tâm sự - Nguyễn Chánh Thi. Viêt-Nam nhân chứng - Trần Văn
Đôn.Công và Tội - những sự thật lịch sử - tác giả Nguyễn Trân và...lần
cuối cùng qua báo Le Monde ra ngày 24.10.1985, chia buồn sự ra đi vỉnh
viễn của Ông.
Tài liệu của báo Le Monde mang
ra nhiều sự kiện cho biết suốt cuộc đời của Ông là cả một khoảng thời
gian tranh đấu không ngừng, ra tù vô khám trong nhiều chế độ, luôn luôn
một lòng yêu nước thiết tha với quê hương, cùng với luật sư Lý Quốc
Sỉnh, Ông đã tranh cử Tổng Thống đem sức người ra phục vụ cho quê hương
xứ sở. Sự cố gắng của Ông không thể thay đổi được một chế độ gia đình
trị với chiêu bài và bùa phép dân chủ "thẻ xanh bỏ giỏ, thẻ đỏ bỏ bì"
đã lật đổ Quốc Trưởng Bảo Đại lên nắm quyền tổng thống. Oái ăm thay,
chính Vua Bảo Đại, một Ông Vua "thà làm dân một nước tự do còn hơn làm
vua một nước nô lệ", vào khoảng đầu tháng 06.1954 đã tiến cử về nước
làm Thủ Tướng chính phủ nước Việt-Nam. Bác Sĩ Phạm Huy Cơ không bao giờ
quên vinh dự của một thầy thuốc. Chiếc áo trắng vẩn khoác trên người,
cái ống nghe cầm trên một tay, tay kia cầm bút cổ súy cho quê hương
được no cơm áo ấm mãi cho đến giờ phút cuối cùng của đời người của Ông.
Các giáo sư, đồng nghiệp, nhân viên tại bệnh viện St. Antoinne / Paris
vẫn còn nhắc nhở con người đầy chức năng thầy thuốc của Ông. Anh linh
của Ông hiện nơi đâu? Nơi đất khách quê người hay ở làng Đông Ngạc, sát
bờ đê Yên Phụ bên cạnh dòng sông Hồng nơi có tổ đình của dòng họ
Phạm-Huy, một dòng họ vinh danh đã dính liền với lịch sử Việt-Nam.
Trong giai đoạn thập niên 60
qua cuốn "Y sĩ Tiền Tuyến" của nhà văn Trang Châu, bác sĩ Lê Văn Châu
của binh chủng Nhảy Dù, ngay trang đầu, anh đã liệt kê một số các niên
trưởng, một tay cầm súng một tay cầm ống nghe tôn trọng lời thề
Hypocrate. Họ đã anh dũng hành nghề dướí lằn đạn để rồi máu của các anh
đã hòa lẫn vớí lòng đất mẹ Việt-Nam, đón nhận cái chết vị quốc vong
thân đổi lại mạng sống cho đồng đội.
Tôi xin chép lại lần nữa tên
các Anh ra đây để tỏ lòng ngưỡng mộ và tưởng nhớ, các Anh đã rửa mặt
cho tập thể Quân Y Sĩ chúng tôi trong giai đoạn qua :
Bác sĩ Đoàn Mạnh Hoạch
Bác sĩ Trương Bá Hân
Bác sĩ Đỗ Vinh
Bác sĩ Trần Ngọc Minh
Bác sĩ Phạm Bá Lương
Bác sĩ Nguyễn Văn Nhứt
Bác sĩ Trần Thái
Bác sĩ Lê Hữu Sanh
Bác sĩ Nghiêm Sĩ Tuấn
Bác sĩ Phạm Đình Bách
Khoá Trưng Tập 10 Y Sĩ của tôi
vinh dự mang tên một đồng nghiệp ưu tú, bác sĩ Nghiêm Sĩ Tuấn. Anh đã
giữ đúng lời thề khi ra trường, theo tiếng gọi của tình thương, đã
viết ra trang sử tình đồng đội bằng máu của Anh. Anh đã nằm xuống khi
Anh đi cứu một chiến hữu. Gần hơn nửa năm 1991, người y sĩ Việt-Nam
cũng đã góp mặt trong chiến dịch "Bão tố sa mạc" để chận đứng sự bạo
tàn của Sadam Husein, Irak và trong giai đoạn hiện tại lần nữa dấn thân
vào chương trình thiện nguyện "bác sĩ không biên giới" - phục vụ vô
điều kiện tại Phi, Á Châu, và cũng góp mặt ngay cả biên giới
Pakistan-Afghanistan .
Chuyển đến phòng cấp cứu một bà
cụ những 102 tuổi bị té trên giường xuống, gãy cổ xương đùi, cần phải
ghép xương. Tinh thần còn minh mẫn nhưng vì quá luống tuổi, cụ bà không
có quyền ký giấy bằng lòng được phép giải phẫu. Chúng tôi phải gọi con
cháu đến làm chứng. Chống gậy tấp tểnh đến với chúng tôi là một linh
mục tuổi cũng đã 81. Sau khi làm mọi thủ tục hành chánh cần thiết, vị
linh mục, người con nhỏ duy nhất còn sống trong 3 người, đầu tóc bạc
phơ cầm tay mẹ và quỳ xuống trước cây thập tự giá để cầu nguyện. Không
hẹn mà chúng tôi cùng nắm tay nhau trang nghiêm quỳ trước Chúa Giê Su
cầu kinh mong cho cụ bà chóng bình phục.
Tình mẹ con mặn nồng đẹp đẽ quá
làm xao xuyến trái tim tôi, vì tôi đang sống xa mẹ. Chưa kể tôi đã đau
đớn xót xa, không tiễn đưa linh cữu của nhạc mẫu đến nơi an nghỉ cuối
cùng, vì tôi đang theo công tác của nhóm thầy thuốc không biên giới ở
phương xa.
Trường hợp khác cũng đáng thương
tâm khi tôi được gọi đi cấp cứu. Nạn nhân là người đàn ông chừng 40-45
tuổi đang ở trong tình trạng hôn mê sâu nằm giữa sàn nhà vì nồng độ
rượu
quá cao. Tôi phải đặt nội khí
quản và cho thở hổ trợ bằng máy. Bốn đứa con còn nhỏ, tím bầm mày mặt
bởi những trận đòn nhừ tử của bố trong cơn say bí tỉ trước đó, đang nắm
tay kéo chân bố thảm thiết kêu gào: "-Bố ơi bố, chóng mạnh mau lành để
sống với chúng con!". Tình thương của con đối với cha vẫn đậm đà tha
thiết dù bị dày vò thể xác và dằn vặt tinh thần. Ông ta tỉnh lại sau
một giấc ngủ dài. Tôi kể lại hình ảnh trìu mến của các con cho người
cha nghe. Mong rằng tình cha con sẽ làm cho người cha hồi tâm để dứt
rượu, triệt hạ cơn ghiền ma men.
Một lần khác, biện lý cuộc của
tỉnh ra lệnh cho bác sĩ cứu cấp được hổ trợ sở cứu hỏa phá cửa để khám
căn nhà của một viên chức cao cấp của nhà nước, ông đã không đến sở hơn
mười ngày qua. Một mùi hôi nồng nặc xông lên, nạn nhân là một ma men
đã chết từ lâu, bụng sình trương lên. Qua lý lịch, tôi được biết ông ta
là thân phụ của một nữ đồng nghiệp đang tòng sự tại bệnh viện đại học.
Đến ngày tống táng, một số anh em chúng tôi khăn áo chỉnh tề đến tiễn
đưa người quá cố lần cuối cùng. Nhưng thật không ngờ, người quá cố được
chính những đứa con của mình chôn vùi tại khu vực "mồ chôn tập thể của
những người vô thừa nhận" trong nghĩa trang thành phố! Lòng tôi bùi
ngùi không cầm được nước mắt... "Không phải người Đức nào cũng đối xử
với cha mẹ mình như vậy!", một người Đức nào đó đã choàng vai tôi và
nói như vậy!
Tôi nhớ đến ngày cha tôi vĩnh
viễn ra đi thiếu mặt những đứa con ruột thịt bên người. Tôi cũng liên
tưởng đến những giây phút cuối trầm lặng nắm tay nhạc phụ để tiễn người
về cõi hư vô... Tình cha nghĩa mẹ là một mãnh lực vô hình nhằm gắn bó
tình cảm những gia đình người Việt, dù họ đang sinh sống ở bất cứ nơi
nào trên quả đất này.
Cô y tá phụ mổ được gọi tăng
viện cho ca mổ cấp cứu giữa khuya, nhưng được chở đến bằng xe cấp cứu
vì cô là người tàn phế "bán thân bất toại" do tai nạn lật xe trên đường
đến phòng mổ làm chấn thương tuỷ sống. Trong thời gian nằm bệnh viện
thì tấp nập người thăm kẻ viếng, giai đoạn đầu về nhà, cô được chồng và
các đồng nghiệp săn sóc chu đáo; nhưng cho đến một ngày người chồng
cũng bỏ người vợ tàn phế ra đi không quên dắt theo cô bạn đồng nghiệp
thân nhất của vợ!
Tôi đến nơi đây với cái tuổi
còn trẻ, nay tóc đã đổi mầu nhưng thật tình tôi chưa hiểu nổi cái suy
nghĩ, cái tình thương của giống người Nhật Nhĩ Man-German, tổ phụ của
người Đức hôm nay. Vâng, tôi vẫn là một người Việt tha hương ... những
người Việt xa quê của tôi đang vật lộn với cuộc sống mới, chạy theo
những cám dỗ vật chất, đòi hỏi của xác thịt, đau đớn thay, họ đang nối
kết với nhau bằng một chất keo dễ bị lãng quên, một mối tình lúc nào
cũng có : tình quê hương, tình gia đình và ... tình nghĩa vợ chồng.
Quê hương tôi tuy nghèo nhưng
lại rất giàu tình người. Thế nhưng oan nghiệt thay cho cái xã hội Việt
Nam chỉ biết trọng nam khinh nữ, nên phần đông những người đàn bà
Việt-Nam thường gặp nhiều đắng cay trong gia đình và khó khăn ngoài xã
hội. Tuy nhiên, người đàn bà Việt Nam dù dưới hoàn cảnh xã hội nào
cũng là những thiếu phụ Nam Xương, chỉ biết hy sinh suốt đời để lo cho
chồng con. Qua đến Âu Mỹ, lần nữa các bà lại "gánh gạo nuôi chồng" để
cho một số rất đông các niên trưởng, các bạn tôi được khoác lại cái
chiếc áo trắng của người thầy thuốc. Riêng tôi, hôm nay còn cầm ống
nghe để theo dõi nhịp tim của người bệnh, tôi phải biết ơn một người đã
luôn luôn thúc đẩy, chăm sóc 2 con để tôi hoàn thành cái nghiệp đã mang
vào thân, Ánh Ngân vợ tôi. Ân tình này xin theo mãi mãi với đời tôi.
Trong những lần công tác giải
phẫu thiện nguyện cho các trẻ con tật nguyền tại quê nhà, chúng tôi
cũng gặp trở ngại, không phải vì ngôn ngữ mà vì "thiếu" tình người.
Hằng đêm trước khi đi ngủ, tôi thường đi thăm bệnh. Thỉnh thoảng tôi
vẫn nghe các tiếng càu nhàu hay than vãn kêu đau vì bị y tá hay hộ lý
dẫn đường đạp nhằm vào một phần cơ thể của những người nuôi bệnh, phần
nhiều là cha mẹ hay thân nhân đang nằm dưới sàn. Có tiếng mắng mỏ: "Làm
cái chi mà nằm chật đường chật xá!" rồi cũng có những lời phản đối nhè
nhẹ: "Tưởng ông nằm không đây à! Ông cũng phải trả mấy chục ngàn mới
đặt lưng được dưới cái gầm giường ẩm ướt này!"
Nhìn bản đồ quê hương, tôi
thường ví von với bạn bè tôi là hình ảnh nước Việt như đòn gánh gánh
hai thúng lúa hai đầu. Quê hương miền Trung nghèo nàn "đất cày trên sỏi
đá, mùa đông thiếu áo mùa hè thiếu ăn", nơi mà con người dù nằm dưới
gầm giường hay ngồi chễm chệ trên ghế cao tại bất kỳ một nơi nào cũng
phải thông qua thủ tục "đầu tiên" tức là "tiền đâu" khi phải liên hệ
với các cơ quan công quyền! Lương tâm và lương tri của người thầy thuốc ở
quê tôi có khi cũng phải cúi đầu khuất phục trước áp lực hay phải
ngoảnh mặt làm lơ trước mãnh lực vô giá của đồng tiền. Chỉ có đồng tiền
mới có giá trị tuyệt đối trong những xã hội chỉ biết sống bằng đút lót
và biển lận! Thật thảm thương thay cho quê hương tôi, tìm đâu cho ra y
đức và y đạo trong nghề lang tây!!!
......... giờ nguyện cầu
Con xin dành giây phút nguyện
cầu này dành cho Cha Cao Văn Luận, người sáng lập ra Viện Đại Học Huế, Y
Khoa Huế và Hội Công Giáo Việt-Nam tại CHLB Đức. Linh mục Cao Văn Luận
người làng Đông Tràng nay thuộc xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn tỉnh Hà
Tĩnh. Tổ tiên Ngài gốc làng Thọ Ninh, đến đời thân phụ mới di cư đến
Đông Tràng. Gia tộc ngài nhiều đời theo đạo công giáo. Ngài có một thúc
tổ phụ là linh mục Pierre Cao Văn Phong và một bác ruột là linh mục
Pierre Cao Thiên Đạt. Thân phụ là cụ cố Pierre Cao Văn Trí, một giáo
hữu gương mẩu. Linh mục Cao văn Luận sinh ngày 20 tháng 12 năm 1907,
nhưng trong hộ tịch ghi năm 1908. Ngài có một anh trai, một em trai và
một em gái. Hồi thơ ấu ngài học trường nhà xứ ở làng quê, năm 13 tuổi
ngài dâng mình vào nhà Đức Chúa Trời. Lúc đó Linh mục Pierre Lê Văn
Minh làm cha xứ Đông Tràng nhận ngài là nghĩa tử, tháng 08 năm 1921,
ngài vào Tiểu chủng viện của địa phận Vinh ở Xã Đoài. Sau khi học xong
chương trình Tiểu Chủng Viện, ngài ra Huế học tại trường Pellerin.
Tháng 06.1939 đậu Tú Tài và mùa hè năm đó thụ phong Linh Mục tai nhà
thờ Chính Tòa Hà Nội. Đến tháng 10, ngài du học tại Paris, ngụ tại
Institut Catholique và ghi danh tại Đại Học Sorbonne. Năm 1942 đậu Cử
Nhân Văn Chương và Triết Học. Năm 1945, tốt nghiệp Ngôn Ngữ Trung Hoa
(Diplôme de Langue Chinoise) tại trường Sinh Ngữ Đông Phương (École de
Langues Orientales de Paris). Tháng 08.1947, Cha cùng 15 linh mục
Việt-Nam đáp tàu Félix Roussel hồi hương và cập bến Sàigòn sau ba tuần
lênh đênh trên biển cả và kể từ đó, Cha tích cực phục vụ cho nền giáo
dục miền Trung. Với sắc lệnh số 45-GD ngày 01 tháng 03 năm 1957, Cha
khởi đầu thành lập Viện Đại Học Huế. Ngày 21 tháng 02 năm 1959, qua sắc
lệnh 51-GD, Cha đặt nền tảng cho Trường Đại Học y Khoa Huế.
Sự đóng góp của Cha Viện
Trưởng cho nền văn hoá giáo dục miền Trung thật quá vĩ đại, bao nhiêu
thanh niên trong đó có con của vùng đất cày trên sỏi đá, mùa đông thiếu
áo mùa hè thiếu ăn, đã tạo dựng nên cuộc sống tự lập cũng nhờ công
trình của Cha để lại.
Cuối tháng 04 năm 1975, Cha
cũng theo làn sóng người ra đi, Cha đến tạm trú ở đảo Guam mấy ngày rồi
được chuyển tới trại tỵ nạn Indianatown Cap thuộc tiểu bang
Pennsylvania Hoa Kỳ. Tháng 10 Cha sang Bỉ. Bề trên cử Cha đến giúp xứ
đạo Saint Martin ở hạt Acoz vùng Charleroi thuộc địa phận Hainaut Acoz,
nơi có một số đồng bào công giáo Việt-Nam cư trú.
Chính trong thời gian này vào
cuối tháng 11.1975 Cha đã đến Stuttgart/CHLB Đức chủ toạ buổi ra mắt
Hội Công Giáo Viêt-Nam, đây là bước mở đầu cho Liên Đoàn Công Giáo
Việt-Nam tại CHLB Đức.
Dựa theo thông kê của Sở Ngoại
Kiều, hiện nay có 90.000 người Việt đang sinh sống trên toàn cõi nước
CHLB Đức có trình diện hợp pháp tại các cơ quan hành chánh địa phương,
cộng thêm vào đó một con số không được chính thức công bố đang ở
"chui";riêng tại Bá Linh có phỏng chừng 3.000 người Việt sống "bụi" vì
không có giấy tờ hợp lệ. Tính vào thời điểm năm 1975, với tổng số 2.000
sinh viên Việt-Nam du học tại Tây Đức cũ, mà đã có đến 300 đoàn viên
Hội Đoàn Kết, nhóm "đoàn kết" này đã chiếu cố và rất hung hăng đi tìm
từng người để hỏi thăm "sức khoẻ" đám con vừa mất mẹ. Họ có đầy đủ hồ
sơ & lý lịch cá nhân cần thiết đang còn lưu trữ, đã tạo nên niềm
hoang mang, đưa đến những lo sợ cho những ai không chịu đứng cùng một
hàng ngũ. Trong tình huống bắt buộc và để bày tỏ một thái độ rõ rệt
chống lại những lời doạ nạt, những hành động hống hách, vào tháng 11.
1975, một buổi gặp mặt được tổ chức tại Stuttgart do các Anh trong cộng
đồng người Việt tại CHLB Đức. Các Anh là những con người "điếc không
sợ súng" sẵn sàng đón nhận những lời hăm doạ và những hậu quả sẽ đưa
đến của nhóm người "họa bùa vẽ ma, nhả bọt phun đàm". Hôm đó trời cũng
đã chuyển lạnh, trên bàn chủ toạ, một con người khả kính mà toàn thể
sinh viên của miền Trung Việt Nam đều biết ơn, tôi cam đoan khó mà tìm
ra được một khuôn mặt trội hơn để điều khiển buổi họp, Ngài là một Linh
Mục và là Cựu Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, Cha Cao Văn Luận ... bắt
đầu từ thời điểm lịch sử này, Hội Công Giáo Việt-Nam tại CHLB Đức ra
đời. Đó là lần gặp gỡ sau cùng tôi với Cha, cuộc sinh ly ai ngờ thành
tử biệt..
Tập thể người Việt tại CHLB
Đúc chúng tôi không quên cám ơn những con người tạo dựng lên hội và Cha
Cao Văn Luận. Các Anh đã bước những bước đi đầu tiên để kết hợp lại
nhóm người Việt trên miền đất lạ, các Anh đã cỡi sóng trong phong ba
bão táp, đã dẹp bỏ đi cái kềm kẹp & đe doạ của những con người tự
cho phép họ một mình yêu nước. Sự gan dạ của các Anh là một cái tát
mạnh vào những khuôn mặt mà mãi cho đến giờ phút này, họ vẫn còn trơ
trơ không chịu trở về nước để đóng góp cho quê hương như họ đã la làng
la xóm hứa hẹn trước đây ... cứ như vậy, vận nước trôi chảy, vòng tay
lớn của tập thể người Việt gồm tất cả tôn giáo đã đến với nhau và bành
trướng rất mau chóng qua sự kết hợp khéo léo của Hội Công Giáo Việt-Nam
tại CHLB Đức (1975 - 1986). Lần đầu tiên vào năm 1977, Đại Hội Công
Giáo Viêt-Nam tại Đức vào dịp lễ Phục Sinh với 200 tham dự viên tại
Koenigstein mở đầu cho một kỷ nguyên mới và một truyền thống lâu dài
... như những người Do Thái tha hương hẹn một ngày trở về đất hứa
Jerusalem.
Vào những năm 1979-1980, số
người Việt đến CHLB Đức gia tăng nhất vào thời điểm 1980 - 1986 khi con
tàu Cap Anamur vớt hơn 11.000 người từ biển Đông mà đa số đang còn cư
ngụ tại CHLB Đức thì mục đích, sự tổ chức, cơ cấu làm việc phải thay đổi
để đón nhận tình trạng hội nhập vào quốc gia mới và những nhu cầu đòi
hỏi, năm 1987 Hội Công Giáo Việt-Nam tại CHLB Đức đã đổi tên thành Liên
Đoàn Công Giáo Việt-Nam tại CHLB Đức. Một ban chấp hành liên đoàn được
bầu ra với nhiệm kỳ 2 năm được các đại biểu từ các cộng đoàn bầu ra.
Hiện Liên Đoàn Công Giáo Việt-Nam tại Đức có 15.000 thành viên, 28 linh
mục, 1 sư huynh và 31 nam & nữ tu sĩ.
Nhớ lại những buổi đầu gặp gỡ
đầu tiên, những chuỗi ngày mà tất cả chúng ta mới bằt đầu làm quen với
cuộc sống xa lạ thật là thảm thương, tôi đã gặp những khuôn mặt rụt rè
và e sợ của giai đoạn bắt đầu nay đã được hoàn toàn thay hình đổi dạng
sau gần 1/3 thế kỷ hội nhập với cuộc sống mới, ba mươi năm nước chảy
qua cầu ... Vòng tay kín khắp bốn phương trời được khép lại với nhau
vào dịp lễ Thánh Thần Hiện Xuống. Đây là công việc kéo dài dài..., một
lòng kiên nhẫn vô bờ bến đã chiếm rất nhiều thời gian của các anh trong
ban chấp hành. Sự đóng góp tích cực của các anh kéo dài đến 30 năm
trong chiều dài lịch sử qua nhiều triều đại khác nhau, dưới sự điều
khiển luân phiên của nhiều cộng đoàn trưởng, với sự hợp tác không biết
mệt của các thành viên hăng say.
Trong khu vườn Việt-Nam ở hải
ngoại, các anh chị đã trồng lên một loài cây, cây đâm chồi nẩy lộc và
sẽ tiếp tục nở hoa ... loại hoa của tưởng nhớ và biết ơn của những ai đã
tạo dựng nên Cộng Đoàn để đốt nóng mãi tinh thần Việt-Nam hải ngoại
bất diệt.
Tôi sống trong tinh thần đoàn
kết và nhân ái của Liên Đoàn, đã tạo thêm ra những liên hệ tốt đẹp
trong cộng đồng người Việt. Tập thể cựu môn sinh của Trường Đại Học Y
Khoa Huế không quên ơn Cha Antôn Huỳnh Văn Lộ. Vào ngày 21 tháng 07 năm
1991, cùng với Đức Ông Prälat Dr. Goerg Hüssler Präsident Caritas, Cha
đã cử hành thánh lễ tại Hl. Dreifaltigkeitkirche và nghiã trang
Bergäckerfriehof/Freiburg để cho chúng con, các cựu sinh viên Y Khoa
Huế đến từ bốn phương trời nói lên đuợc lòng cám ơn trước sự hy sinh
cao cả của Thầy Đức : Giáo Sư Horst-Guenther Krainick và Bà Elisabetha,
Giáo Sư Raimund Discher và Gíáo Sư Alois Altekoester. Các Thầy và gia
đình đã từ bỏ cuộc sống no ấm tại quê nhà, đến với Huế để xây dựng nền y
học miền Trung. Tháng giêng năm 1968, vào dịp Tết Mậu Thân, máu các
Thầy đã hoà lẫn trong lòng đất, dâng hiến thân xác cho trường đại học Y
Khoa Huế.
Trong niềm xúc động, Đức Ông
Prälat Dr. Goerg Hüssler, Giám Đốc Cơ Quan Caritas đã phát biểu : thật
ra người Đức chúng ta cũng cần phải học sự biết ơn và tình nghĩa thầy
trò của người Việt-Nam, đã 23 năm qua, sau cái chết hiển thánh cho nền y
học Việt-Nam ngay tại đất thần kinh muôn thuở, hôm nay các môn sinh tụ
tập tại nơi đây để nói lên tình nghĩa quân sư phụ đúng theo truyền
thống của người Việt-Nam.
Kính thưa Cha Antôn Huỳnh Văn
Lộ, tiếng vang để lại sau lễ tưởng niệm đã làm thức tỉnh phía các cơ
quan và hội đoàn Đức. Một năm sau, mùa hè năm 1992, một buổi họp tại
Bonn đã diễn ra, cũng kể từ đó cho đến đầu niên khoá 2005, đã có đến 42
nguời thầy thuốc Viêt-Nam xuất thân từ Đại Học Y Khoa Huế đã qua Đức
tu nghiệp nhiều chuyên ngành khác nhau. Một thành công khá vĩ đại nhờ
tiếng nói của Cha và tiếng hát hổ trợ của ca đoàn Việt-Nam
Baden-Würtemberg. Dư âm của buổi tưởng niệm được vang lên qua truyền
thanh, truyền hình và sáu bài tường thuật phổ biến tại địa phương, liên
bang và cả bình diện quốc gia. Nó đã kết nối lại được sự hợp tác giáo
dục & đào tạo y tế giữa chính phủ Đức đến với Việt-Nam sau lần gián
đoạn vào năm 1968. Chúng con xin cám ơn Cha, lời cầu nguyện chân thành
của Cha ngày hôm nào đó tại Freiburg đã đến với Mẹ La Vang, đã mở
đường và tạo điều kiện cho chúng con được ngày hôm nay.
Theo nhà Phật, rồi cái chết
cũng sẽ đến, dù bất cứ ai. Đức Phật Thích Ca đến 80 tuổi cũng nhập
tịch, Ngài A Nan, ông Tu Bạt Đà La 120 tuổi cũng là một thọ mạng quá
cao. Với tuổi 60 người ta gọi là thọ, 70 gọi là trung thọ, 80 thượng
thọ và 90 trở lên là thượng thượng thọ, đó là chưa nói cho những người
chết trẻ chắc họ cũng muốn sống lắm ... nói cho cùng, cái chết và cái
già vẫn theo ở cuối giòng sanh mạng. Chúng con cũng đã lần lượt chia
tay Giáo sư Krainick & Bà, giáo sư Discher, giáo sư Alterkoster,
Cha Cao Văn Luận, Bọ Lê Khắc Quyến, thầy Nguyễn Mạnh Hùng, thầy Lê Văn
Bách đã tạo dựng lên trường Đại Học Y Khoa Huế.
Kính thưa Cha Cao Văn Luận
Con đã học và tốt nghiệp y khoa
tại Huế, trong thời gian qua con đã học lòng nhân từ bác ái tại Ấn Độ,
nơi mà con đã đến hành hương, nơi mà con đã theo chân các Thầy Đức đã
đến Huế dạy cho đám môn sinh cứư người bằng tấm lòng nhân ái. Qua các
chương trình nhân đạo, con đã đến xứ Phật học đạo từ bi. Vốn liếng học
hỏi tại Huế, con khai triển tối đa để kiếm cơm đong gạo hàng ngày cho
gia đình hôm nay và theo chân các đoàn đi làm công tác thiện nguyện
phương xa.
Kính thưa Cha Cao Văn Luận,
"ơn dày nghĩa nặng, trăm năm
đành để nợ chúng con mang" Cha đã để lại trên đoạn đường đời những vết
chân mà chúng con đang dẫm lên, tiếp tục công việc đã học tại Huế và cố
chu toàn trách nhiệm của một cựu sinh viên Viện Đại Học và Trường Đại
Học Y Khoa Huế.
Ngày 30.04.1975 đánh dấu một
giai doạn mới của lịch sử Viêt-Nam. Cũng chính sau thời điểm quan trọng
này, các học trò của Cha phát sinh từ Viện Đại Học Huế đã bắt đầu thi
thố tài năng, đã học hỏi được tại miền đất thần kinh ngàn năm văn vật.
Các môn sinh của Cha chứng tỏ khả năng đa hiệu
của Viện Đại Học Huế, góp mặt một cách rất đắc lực trong tất cả các
chuyên ngành của nền khoa học, văn chương và kỹ thuật hiện đại khắp
trên hoàn vũ.
Chúng con xin dành phút nguyện
cầu này để tưởng nhớ công ơn Cha đã đến với đám học trò nghèo khổ của
miền Trung, Cha đã tạo dựng nên Viện Đại Học và ngôi trường Y Khoa Huế
thân yêu. Cha là ân nhân của tập thể các cựu sinh Viện Đại Học Huế và
chúng con rất hãnh diện là học trò của Cha.
Mùa thu năm 1984 vì sức khoẻ
suy yếu, Cha xin nghỉ hưu, ngày 18 tháng 09 năm đó Cha trở lại Hoa Kỳ và
dưỡng lảo tại Tỉnh dòng Đồng Công, số 1900 Grand Avenue, Carthage tiểu
bang Missouri hưởng thọ 79 tuổi.
Ngày 09.07.1986, Cha qua đời
tại Santa Rosa, California. Ôi đau đớn thay, Cha Cao Văn Luận đã trở lại
nhà Cha, chúng con đều cảm thấy mồ côi từ hôm đó. Xác được chuyển về
an táng tại các nghĩa trang các Linh Mục của địa phận Springfeld Cape
Girardeau, Missouri.
"Me voy, pero no me voy" câu
hát phổ thông của dân Mexico muốn nói : "tôi đi mà chân không muốn
bước, tôi giã từ mà lòng tôi ở lại đây" hôm Cha từ giã chúng con ra đi
nhưng trước giờ lâm tử, Cha cũng muốn nói với chúng con..."tôi giã từ
mà lòng tôi ở lại dây" với đoàn viên của Cộng Đoàn Công Giáo tại CHLB
Đức, các cựu sinh viên Viện Đại Học Huế, các thầy thuốc đang phân tán
khắp bốn phương trời đã được đào tạo tại đất thần kinh của sông Hương
núi Ngự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét